Chùa Việt
Đầu năm viếng chùa cô Tám ở Bạc Liêu
Chủ nhật, 12/02/2019 08:07
Với tôi và bao bà con miệt này chùa Cô Tám thân thiết lắm, vừa mang niềm tin kính sâu sắc của tôn giáo lại xen nét thân thuộc quê hương, cảnh già lam ấy chính chứng nhân biến thiên dâu bể, nét linh thiêng lẫn văn hóa một vùng đồng quê nghèo khó dù mấy chục năm vết hậu chiến vẫn còn hằn sâu.
Chùa Cô Tám hay còn gọi là Long Phước Tự, chùa không phải cổ tự hay đại tự xét theo tiêu chuẩn thời gian và kiến trúc, cũng không mang trong mình lịch sử nổi bật trong tiến trình hoằng pháp lợi sinh của Đạo Phật ở Tây Nam Bộ hay riêng Bạc Liêu. Chùa hình thành trong thời kỳ thuộc Pháp, trải qua bao lần hoang phế cho chiến tranh! Như mọi cơ sở lịch sử phật giáo khác, từ am tranh vách lá đơn sơ trên nền đất, lần hồi, qua bao đời trụ trì, sự phát tâm cúng dường tam bảo của thiện tín gần xa hùng phước tạo nên chính điện trang nghiêm lần thứ nhất rồi thứ hai...
Tôi tịnh lòng trong ngày mùng sáu Tết Kỷ Hợi đầu năm, trang nghiêm lễ Phật nơi chính điện mới tinh khôi trên nền cao, thắp hương lên từng ban thờ cách tảng trọng nhất có thể: Thiên địa phụ mẫu, tả hữu Hộ Pháp, Tam bảo Phật ở trung tâm và di ảnh bậc khai sơn tạo tự cùng quý bậc tôn túc của vùng đất Bạc Liêu đã vãn sanh, ở gian hậu tổ.
Lần đầu với tôi, ngày xuân, cửa sau chính điện mở toang, ánh sáng tràn ngập: Một vạt rừng chồi thực vật bản địa sinh sôi trên đất cằn, lô nhô chút dừa nước ráng, lức, cóc kèn và cỏ dại... Đấy, quê hương. Xa xa cánh đồng mang tên mộc mạc lâu đời: Giá Cần Bảy. Xứ Long Điền là đây. Một vùng đất của Bạc Liêu, huyện quận Giá Rai và bây giờ thuộc đơn vui hành chính mới Đông Hải.
Sân chùa rộng thoáng đãng, những cội cây do cố Ni sư Diệu Pháp - Cô Tám - đích thân trồng, vi vu trong gió vùng cận biển: phi lao, bồ đề... Bên hữu không gian ấy có các miếu thờ và thánh tượng Quan Âm, tháp mộ hòa thượng khai sơn trong màu vôi vàng nhẹ. Vượt qua gian công trình cũ thâm thấp, tháp mộ ni sư Diệu Pháp còn mới màu vôi, chân dung cố ni sư tay chắp mắt nhìn thẳng, trên cao cao, hình ảnh sóng động như "Cô Tám" hãy còn tại thế độ đời, quán xuyến ngôi già lam thân thiết.
Mùng 6 tết, quý nam nữ thiện tín tinh tươm trang phục, nét mặt kính cẩn, chân chậm lòng thành, hành hương. Ở bàn thư ký, nhận ra Chú Út Chánh, một cựu trung sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa phục vụ ở ban an ninh quân đội chi khu Giá Rai nay công quả, làm trách nhiệm thủ quỹ, ngồi chăm chú tận tâm ghi chép sự cúng dường của bá tánh. Vùng đất này trong vùng trách nhiệm của vị hạ sỹ quan an ninh quân đội Việt Nam Cộng Hòa ngày cũ, nay trở thành chốn gieo phước hành thiện buổi hòa bình. Hình ảnh đẹp cho ý tưởng hòa hợp hòa giải, những ngày đầu năm mới.
Chùa Cô Tám, trước mặt vòng cung ầm ì ô tô hướng ra cảng Gành Hào hay về thị xã Giá Rai chỉ cách non 5 cây số, sau lưng bát ngát đồng khô. Quý ni sư trụ trì vừa có lễ tiểu tường chưa lâu, giác linh chắc siêu thoát ngậm cười khi cảnh tự ngày xuân trang nghiêm thanh tịnh và được thiện nam tín nữ thành kính hành hương. Dù vật đổi sao dời, mãi mãi ngôi chùa ấy hằng định cách gọi nôm na thân thuộc đúng chất Nam Bộ, thể hiện sự tri ân thành kính vị nữ tu sĩ Phật giáo suốt đời cống hiến thân tâm để làm sáng ánh đạo một vùng quê chân chất: Chùa Cô Tám.
Tôi kính ngưỡng nguyện cầu trước tam bảo chúng sinh đồng giải thoát đồng thành phật đạo, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà khang thái.
Năm mới Kỷ Hợi đã bắt đầu...