Kiến thức

Để lời nói mang lại hạnh phúc

Thứ năm, 12/03/2024 09:15

Đức Phật khẳng định: Có năm loại ngôn ngữ mà các người có thể chọn lựa khi nói với người khác: đúng thời hay không đúng thời, chân thực hay không chân thực, nhu nhuyến hay thô bạo, có lợi ích hay không lợi ích, với từ tâm hay với sân tâm…

Ai cũng là người

Một thuật ngữ quen thuộc mà nhà thiền dùng để gọi cho sự giống nhau về mặt biểu hiện tâm trạng rất chung của con người là “như nhau dọc mũi ngang mày”. Nghĩa là ai cũng như ai vậy. Ai cũng có thương, có ghét, có giận, có buồn, có vui, có đố kỵ ganh ghét…Bên ngoài con người tuy có khác nhau (tưởng là rất khác nhau), nhưng bên trong thì rất giống nhau: cũng giận dữ khi bị xúc phạm, cũng tham lam muốn “mua rẻ, bán đắt”, cũng đố kỵ khi người khác hạnh phúc hơn, thành công hơn, cũng muốn gần người mình yêu, xa người mình ghét…

Cho nên, không vượt lên những tâm lý tầm thường đó thì không thể nói là biết làm chủ bản thân mình, cũng có nghĩa là thừa nhận sự một sự dẫn dắt vô điều kiện, không biết đi về đâu, không biết mình là ai. Rồi ai cũng như ai, luân chuyển trong vòng quay khổ mình, khổ người.

Đức Phật một thời ở tại vườn cây của Kỳ Thọ – Cấp Cô Độc (Kinh Ví dụ cái cưa) đã kể câu chuyện về cô chủ nổi tiếng hiền thục là Vedehika của người hầu Kali. Cô là người luôn nói lời nhu thuận, ôn hòa. Một ngày nọ, Kali không dậy sớm để chu toàn công việc như mọi khi, nữ gia chủ Vedehika nói với Kali: Sao hôm nay người dậy trễ vậy?

– Thưa nữ chủ, có việc gì đâu?

– Thật sự không có việc gì à? Nữ chủ phẫn nộ, trừng mắt. Kali suy nghĩ: “Nữ chủ của ta thật sự trong lòng cũng có sân giận nhưng vì công việc ta làm đã chu toàn nên nữ chủ của ta không tỏ lộ ra, chứ không phải không có.

Vậy ta hãy thử thêm nữ chủ của ta”.

Rồi ngày thứ hai, ngày thứ ba, nữ tỳ Kali dậy trễ hơn nữa, cô chủ nổi tiếng ôn hòa nhu thuận ngày nào bỗng nhiên trở thành một người rất giận dữ, nhẫn tâm đánh cô hầu thân tín của mình đến lỗ đầu chảy máu…Và đương nhiên, Vedehika không còn được gọi là nữ chủ hiền thục, nhu thuận nữa.

Thay đổi cuộc đời bắt đầu từ những lời nói

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đừng để cơn giận dẫn dắt

Nhưng với chúng ta thì Vedehika đã giận dữ “rất phải lúc”. Bởi vì cô hầu đã phạm cùng một lỗi đến lần thứ ba. Lại còn ngang nhiên nói “giọng bà chủ” như là cố tình khiêu chiến và “chọc giận” người khác nữa! Giận dữ cũng có nguyên do “chính đáng” kiểu như vậy đó! Hiếm khi chúng ta chấp nhận rằng không có sự nóng giận nào có thể là một sự nóng giận đầy sáng suốt…

Càng khó mà chúng ta tự cho rằng sự giận dữ, lỗ mãng của chúng ta là vô lý. Chỉ có điều lạ là, (dù với số ít người), tuy có thừa nhận sự nóng giận không có mặt của sáng suốt, nhưng đa số trong chúng ta đều thấy cái lý chính đáng trong sự nóng giận của mình. Và từ chỗ thấy có lý đó, chúng ta có đến hàng chục lý do để biện minh cho những lời nói, những hành động thiếu tự chủ của chúng ta.

Nếu nói cho công bằng, theo lý lẽ của chúng ta, thì Vedehika đã rất xứng đáng là bà chủ hiền thục, nhu thuận, ôn hòa. Chẳng qua là vì “hoàn cảnh đưa đẩy”, cô hầu kia đã cố tình làm cho bà chủ nổi giận thì kể cũng khó mà… không nổi giận được.

Thật không đoán trước được sự nghiêng ngửa, mong manh nơi ranh giới của cái “có lý chính đáng” và cái “có lý ngụy biện” mà tự chúng ta vẽ nên. Khi thì cứ khư khư cái này là “tôi”, cái này là “của tôi”, nhưng khi để cho nóng giận dẫn dắt rồi nói, rồi làm điều chẳng tốt đẹp thì lại một mực quy kết cho một đối tượng nào đó, miễn không phải là mình, đã gây nên. Cơ hồ như cái “tôi”, cái “của tôi” là không có mặt đối với người đó, tất cả đều là hư vô, chỉ sự nóng giận là hữu hiệu.

Hiếm có cái gì là vô lý đối với cách nhìn nhận này của chúng ta. Khi đưa ra được những đối tượng gây cho mình giận dữ, rồi vì giận dữ mà “nên chuyện”, chúng ta hầu như cảm thấy thanh thản, cảm thấy hài lòng. Như rằng mình là kẻ tội nghiệp, vô can, bị hại… chỉ có cái bên ngoài, không trực tiếp thì cũng gián tiếp khiến cho mình trở nên là chủ nhân của những hành động “không đẹp” như vậy.

Cho nên việc nổi giận, việc nói lời không chân thật, không ôn hòa đối với chúng ta là điều tùy thuộc vào bên ngoài, rằng: thái độ của người kia là đáng giận như vậy, lời nói của người kia là đáng giận như vậy, áp lực công việc dễ khiến người ta nổi giận như vậy v.v…, kết luận là họ đáng để phải hứng chịu sự nóng giận, thô lỗ của chúng ta như vậy. Rồi chúng ta viện dẫn ra rất nhiều lý do để bảo đảm cho “tính hợp lý” của những điều chẳng tốt lành mà chúng ta đã gây ra cho người khác, thậm chí là cho mình, dưới sự dẫn dắt của giận dữ. Đôi khi nguyên nhân nóng giận của chúng ta chỉ đơn giản là vì thời tiết, vì bỗng nhiên ta gặp họ và thấy khó ưa ngay từ cái nhìn đầu tiên. Vậy đó. Nói chung, chính đối tượng bên ngoài là tác nhân làm cho chúng ta nói lời thô ác, nói lời không chân thực, không ôn hòa chứ không phải là chính chúng ta. Không bao giờ chúng ta chịu nhận mình là chủ nhân của những cơn giận cả.

Không cần phải để tâm nhiều chúng ta cũng thấy rằng, hầu như các nhân vật xuất hiện trong hội chúng thời Phật đều có cái tâm rất thành thực. Qúy vị đó luôn “dám nhận” lỗi khi có ai nhắc đến và cũng không hiếm trường hợp họ tự nói ra lỗi của mình, muốn sửa đổi, muốn hoàn thiện mình. Xét cho cùng, việc nói lời thành thực, ôn hòa quả không phải là việc dễ làm với tất cả mọi người.

Đức Phật nói rõ rằng, đối với Ngài, một người được gọi là dễ dạy, hiền lành, nhu thuận, ôn hòa khi và chỉ khi người đó mặc dù bị thiếu các nhu dụng hằng ngày, dù phải nghe, phải thấy những lời nói hay những hành động xúc phạm không như ý, nhưng người đó vẫn không trở nên ngang ngạnh, không trở nên nóng giận, lỗ mãng… chứ không phải là người có đầy đủ tất cả, nghĩa là đã rất hài lòng rồi. Và đó chỉ là chỗ để con người “như nhau dọc mũi ngang mày” như chúng ta khác nhau.

Làm thế nào để giữ cho mình một cái tâm không dễ bị kích động (từ bên ngoài) để sân hận, để nói lời thô ác, tức là làm sao để chúng ta đã loại bỏ được cấu uế của tâm, là chiến thắng mình, làm chủ được mình một cách thật sự.

Lựa lời mà nói

Lời nói và thái độ ứng xử của mỗi người, do vậy, nó thể hiện rất rõ khả năng làm chủ của mình chứ không phải là ở nơi cái “ta” hay cái “của ta” mà chúng ta thường nghĩ.

Đức Phật dạy: “Không ai làm cho ta ô nhiễm/ không ai làm ta thanh tịnh/ chỉ có ta làm ta ô nhiễm/ chỉ có ta làm ta thanh tịnh”. Phải vươn lên, chiến thắng mình mới làm chủ được bản thân mình. Nhưng để làm chủ bản thân, xét cho cùng, quan trọng vẫn là làm chủ lời nói. Trong kinh “Ví dụ cái cưa”, Đức Phật khẳng định:

Có năm loại ngôn ngữ mà các người có thể chọn lựa khi nói với người khác: đúng thời hay không đúng thời, chân thực hay không chân thực, nhu nhuyến hay thô bạo, có lợi ích hay không lợi ích, với từ tâm hay với sân tâm…

Chúng ta dễ nhận ra rằng trong mỗi ngôn ngữ chọn lựa để giao tiếp đều nhắm vào lợi ích của cả chủ và khách. Không đúng thời cho người nghe, nên nhớ rằng đó cũng không đúng thời để nói, không chân thực với người nghe thì người nói cũng không nói chân thực, không lợi ích cho người nghe thì người nói cũng không có ích lợi gì thật sự cho mình, đem lời nói với tâm đầy sân giận nói với người thì chủ nhân của lời nói đã chịu cái khổ nóng bức.

Cho nên, lời nói đúng thời, chân thực, nhu nhuyến, có lợi ích, với từ tâm là lời nói lợi mình, lợi người; lời nói không đúng thời, không chân thực, thô lỗ, không lợi ích và với tâm sân hận thì hại người mà cũng hại mình. Hạnh phúc hay khổ đau thể hiện và tùy thuộc rất nhiều nơi chỗ ta chọn lựa ngôn ngữ để sự dụng trong cuộc sống vậy.

Các người phải học tập như sau: “chúng ta sẽ giữ tâm của ta không biến nhiễm, chúng ta sẽ không thốt ra những lời ác ngữ, chúng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, với nội tâm không sân hận. Chúng ta sẽ sống bao phủ người này với tâm câu hữu với từ. Và với người này là đối tượng, ta sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm câu hữu với từ, quảng đại vô biên, không hận, không sân.”

Chỉ bấy nhiêu thôi, hạnh phúc sẽ hiện hữu giữa thế giới người với người, một cách tự nhiên như dưỡng khí có từ nơi cây xanh được vun trồng.

loading...