Sách Phật giáo

Để trở thành người phật tử chân chính (P.7)

Chủ nhật, 16/08/2014 10:10

Cầu nguyện là một nhu cầu tâm linh có thể làm lắng dịu nỗi lo âu, sợ hãi, phiền muộn, thất vọng và khổ đau. Cầu nguyện là bày tỏ những hy vọng thay đổi nhằm có đời sống tốt hơn, tạo thêm sinh lực và niềm tin cho con người vốn gặp nhiều bất hạnh, khổ đau.

BÀI 7- TINH THẦN CẦU NGUYỆN CỦA PHẬT TỬ

Cầu nguyện là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của nhân loại, nó như một món ăn tinh thần của con người và là một nhu cầu chính đáng để giúp chúng ta luôn vững niềm tin và an tâm đối với dòng đời nghiệt ngã trong bầu vũ trụ bao la này. 

Mục đích của sự cầu nguyện là nhằm giải toả các ức chế tâm lý do áp lực của công việc. Hoàn cảnh cuộc sống làm cho con người không được hài lòng, như ý mà sinh ra các phiền muộn, khổ đau qua các mối quan hệ giao tiếp trong xã hội.

Cầu nguyện không phải muốn gì được đó, không phải là chúng ta xin Phật, Bồ tát giúp cho mình được toại nguyện những mong muốn quá đáng. Cầu nguyện về mặt tâm lý nhằm giải toả các ức chế nội tại, hoặc tình trạng bức xúc cao độ, hay sự tuyệt vọng quá mức dẫn đến không còn lối thoát. Cầu nguyện có thể làm giảm bớt các áp lực căng thẳng, nặng nề ấy.

Sự cầu nguyện trong đạo Phật còn là một pháp môn tu tập của người phật tử, nhờ cầu nguyện mà niềm tin tăng trưởng, nguyện lực của họ mạnh mẽ hơn, tuệ giác của Thế tôn được phát huy nên thiện nghiệp được duy trì, ác nghiệp mau sớm được tiêu trừ và từng bước tiến đến con đường giác ngộ, giải thoát mà cùng nhau chia vui sớt khổ trên tinh thần vô ngã vị tha. 
 
Nếu chúng ta khẳng định mọi sự cầu nguyện đều được như ý thì sự cầu nguyện đó là mê tín, không đúng theo tinh thần Phật dạy. Chúng ta chỉ xem những lời cầu nguyện như lời chúc lành, mong muốn mọi người được an vui, hạnh phúc để có cơ hội sống tốt với nhau trên tinh thần yêu thương nhau bằng trái tim hiểu biết.

Cầu nguyện hoặc mong cầu một cái gì đó là trạng thái tâm lý mong muốn sẽ được thành tựu viên mãn điều mình đang mơ ước và mong đợi. Nó phản ánh một thái độ vị tha mong muốn cho tất cả mọi người đều đạt được những thành tựu như ý trong cuộc sống. 

Cầu nguyện là một nhu cầu tâm linh có thể làm lắng dịu nỗi lo âu, sợ hãi, phiền muộn, thất vọng và khổ đau. Cầu nguyện là bày tỏ những hy vọng thay đổi nhằm có đời sống tốt hơn, tạo thêm sinh lực và niềm tin cho con người vốn gặp nhiều bất hạnh, khổ đau.

Chúng ta vì quí kính ông bà, cha mẹ, thầy tổ, bạn bè, người thân và nhân loại mà có lòng thành cầu nguyện, mong muốn mọi người đều được sống an vui, bình yên và hạnh phúc. Mặc dù sự cầu nguyện đó có việc được, có việc không nhưng đã nói lên tình thương yêu nhân loại qua sự an ủi, sẻ chia và nâng đỡ cho nhau bằng tình người trong cuộc sống.

Trong cuộc sống của chúng ta, sự cầu nguyện là một biểu hiện của lòng biết ơn và đền ơn đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thầy tổ, bạn bè, người thân và cộng đồng xã hội. Cầu nguyện giúp cho mọi người nâng cao đời sống tinh thần nhằm củng cố thêm niềm tin và nghị lực để vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời với muôn vàn sự khổ đau.

Chúng ta cầu nguyện nhằm mong muốn mọi người sống yêu thương đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bằng tình người trong cuộc sống. Một sự cầu nguyện như vậy là cầu nguyện chân chính vì đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng xã hội.

Chúng ta cầu cho mọi người sống yêu thương bằng trái tim hiểu biết để thế giới chấm dứt chiến tranh, không còn cảnh máu đổ thịt rơi, con người tàn sát giết hại lẫn nhau. Chúng ta cầu cho mọi người luôn sống hiếu thảo với mẹ cha trên tinh thần biết ơn và đền ơn thì thế gian này sẽ là thiên đường của hạnh phúc.

Cầu dứt ác làm lành là cầu nguyện cho mình và người được phát khởi tín tâm thiện ích với tinh vô ngã, vị tha bằng trái tim yêu thương và hiểu biết để giúp ta vượt qua dòng đời nghiệt ngã với muôn vàn khổ đau mà thành tựu được mục tiêu giác ngộ giải thoát, trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh.

Cầu nguyện là nhu cầu trong đời sống tinh thần của con người. Kết quả thế nào chưa biết nhưng trước mắt chúng ta cảm thấy tinh thần an ổn, nhẹ nhàng đôi chút. Chúng ta vẫn biết lời cầu nguyện chỉ giúp tâm trí mình tạm yên lắng đôi phần, nhưng với một số người cầu nguyện cốt để tâm tư sáng suốt hầu tìm ra giải pháp tháo gỡ mọi vấn đề khó khăn. 

Đối với sự cầu nguyện chân chính có lợi ích cho mọi người thì đạo Phật không phủ nhận. Bằng chứng là ngay trong nhà chùa vẫn hay dùng phương tiện cầu an hoặc cầu siêu để dẫn dắt những người sơ cơ quay về với đạo. Trong mỗi khóa lễ sau thời tụng kinh đều có phần phục nguyện và hồi hướng công đức để tất cả chúng sinh đều được an vui, giải thoát. 

Trong đạo Phật, cầu nguyện không phải là một hình thức cầu khẩn, van xin vào một thế lực nào bên ngoài mình. Chúng ta phải lấy sự nỗ lực của bản thân để làm tăng thêm sức mạnh cầu nguyện chứ không phải ngồi ỳ ra đó mà cầu khẩn, van xin. 

Chúng ta cố gắng siêng năng phấn đấu vượt khó là nhân, cầu nguyện là duyên giúp cho ta không lui sụt ý chí, kết quả là đạt mục đích đề ra. Nếu chúng ta muốn thân tâm được trong sạch, việc hóa giải phiền não tham - sân - si là nhân, rồi chúng ta nương vào sự gia hộ của Phật mà quyết tâm dứt trừ vọng niệm. Bản thân mình không chịu sửa đổi tâm tham lam, ích kỷ, giận hờn, cố chấp thì dù chúng ta có tha thiết cầu Phật cứu giúp cũng không thể nào dứt được quả khổ đau.

Cầu nguyện dứt ác làm lành là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống nói lên tinh thần yêu thương bằng trái tim hiểu biết nhằm làm giảm bớt nỗi đau bất hạnh bằng tình người trong cuộc sống.

Nói tóm lại, cầu nguyện chân chính là xuất phát từ tấm lòng vô ngã, vị tha vì tình thương yêu nhân loại không phân biệt người thân hay kẻ thù, chỉ một bề mong muốn mọi người sống an vui, hạnh phúc.

Còn nữa...
Thích Đạt Ma Phổ Giác

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


loading...