Lời Phật dạy
Đi chùa đầu năm ghi nhớ lời Phật dạy
Thứ bảy, 03/02/2020 08:55
Lễ chùa là một nét đẹp của người Việt từ xưa đến nay. Chắp tay lễ Phật, già trẻ gái trai đều cầu xin Đức Phật trên tòa sen những điều mình mong muốn, trong đó không ít những lời cầu tiền tài, danh lợi – vốn là thứ xa lạ với nhân sinh quan của nhà Phật. Vậy Phật có độ được hay không?
Sinh lão bệnh tử là quy luật vũ trụ, chư Phật Bồ Tát nào phá vỡ được để “phù hộ”?
Cách đây không lâu, bày tỏ quan điểm về hiện tượng đến chùa, đền trong các dịp lễ hội đầu năm để cầu xin tiền tài và may mắn đã trở thành thói quen của nhiều người, Thượng tọa Thích Kiến Nguyệt, trụ trì thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên đã có lời nhắn nhủ rằng: “Đã là người theo đạo Phật phải tuân theo luật nhân quả. Gieo nhân gì gặt quả đó. Nhiều người hiểu sai lầm khi đến chùa cầu xin mà quên rằng Phật có dạy: “Ta không ban phước, không giáng họa cho ai hết mà chính các người lãnh kết quả do mình gây ra”.
Theo Thượng tọa Thích Kiến Nguyệt, chuyện đốt vàng mã đến cửa Phật để cầu xin tiền tài là chuyện hoàn toàn không có trong Đạo Phật. Đó là hành động hết sức lãng phí tiền của vào sai chỗ, sai mục đích và không đúng với Đạo Phật. Còn nếu đến chùa dâng tiền, cầu xin tài cầu lộc mà Phật có thể ban cho được thì phải chăng Phật biết nhận hối lộ? Hoàn toàn sai lầm và mê tín khi nghĩ như vậy.
Với Đạo Phật, người đến là để tự mình giảm bớt tham sân si để tự giảm bớt khổ. Đến với Đạo Phật là để học phương pháp để sống an lành và hạnh phúc cho mình chứ không phải để cầu xin và nuôi tham vọng.
“Hãy dùng tiền công đức để làm từ thiện và nhận được cái tâm an lành” - Thượng tọa Thích Kiến Nguyệt khuyên – “Bởi nếu có lòng công đức chỉ cần đặt tiền vào một nơi, đúng chỗ đặt hòm công đức mà trụ trì chùa đó đã đặt, vậy là đủ. Người đến chùa cúng là do cái tâm sẽ được cái nhân. Cứu giúp người ăn mày ăn xin cũng chỉ là cái nhân. Khi đó con người sẽ có cái tâm lành thiện và sẽ tự tạo nên được điều hạnh phúc đó là quả.
Điều cốt lõi khi dâng tiền cho chùa cũng chính là như vậy, tất cả đều theo luật nhân – quả. Tôi cũng nghĩ rằng nếu có tâm muốn công đức cho nhà chùa, thay vì đổi tiền lẻ, hãy dùng luôn tiền đó làm việc thiện như đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa, cho những trẻ em và người nghèo khó hơn là việc vừa mất tiền đổi và dâng khắp nơi mà không có ý nghĩa gì gây lãng phí”
Quan điểm của Thượng tọa Thích Kiến Nguyệt đã soi tỏ một lý lẽ ở đời mà không mấy người nhớ được. Đó là người có tâm bái Phật là cái tốt, nhưng không thể tùy tiện cầu xin, bởi có những thứ Phật không thể cho ta được.
Phật hiện hữu mục đích chính là truyền pháp độ nhân, độ cho con người bình an may mắn, nhưng rất nhiều người đã bóp méo ý nghĩa chân chính sự tồn tại của tượng Phật, cho rằng bái Phật là để cầu Phật phù hộ thăng quan phát tài, sinh con trai, giúp người nhà bình an, tiêu tai giải nạn, cầu danh cầu lợi… điều này thực sự là bôi nhọ chư Phật. Chư Phật, Bồ Tát, Thần, Đạo, Chúa, Thượng Đế… sẽ vĩnh viễn không phù hộ cho những kiểu người này.
Quá khứ, người nào muốn tu Phật, tu Đạo, thì phải buông bỏ tất cả những tâm truy cầu này thì mới phù hợp với tiêu chuẩn, trải qua vài chục năm hoặc trên trăm khổ tu cuối cùng mới có thể tu thành chính quả. Nhưng nhân loại ngày nay đều đã hiểu sai về hàm nghĩa của sự tồn tại tượng Phật.
Sinh lão bệnh tử là quy luật của đời người; sự nghiệp, danh vọng là số mệnh của mỗi cá nhân; mà tiền tài, phúc phận là do đức của mỗi người tạo thành. Những thứ này, chư Phật Bồ Tát đã nhìn thấu từ lâu, làm sao có thể phá vỡ quy luật vũ trụ để “phù hộ” một cá nhân nào được.
Phật luôn dạy ta rằng, tài sản tiền nong là những thứ ngoài thân, chết đi cũng chẳng thể mang theo. Người khác kiếm tiền, đều là thông qua những cố gắng, vất vả mà có được, nhưng bạn lại muốn thông qua thủ đoạn siêu thường để đạt được điều đó, lại muốn “không làm mà hưởng”, đây rõ ràng là những điều không thể.
Cho nên muốn bái Phật phải hết sức thận trọng, biện pháp tốt nhất là “bái mà không cầu”, đối với Phật chỉ cần có tâm kính ngưỡng, thành tín và kiên định, đây mới là điều trân quý nhất.
Ở góc độ văn hóa, trước hiện tượng đầu năm “chạy sô” đi lễ thật nhiều, nhà nghiên cứu văn hoá Trần Đình Sơn cho rằng người xưa có câu “Phật tại tâm”. Nếu tâm mình là tâm Phật thì không cần thiết phải đến chùa cầu xin cũng sẽ được nhiều điều tốt đẹp.
“Trên lý thuyết, trong nhà còn mẹ cha già đó chính là hai vị Phật lớn, trong tâm mình luôn có Phật nghĩa là trong mình cũng đã có một ngôi chùa lớn. Nếu mình biết phụng thờ những vị Phật đó thì không nhất thiết phải đi lễ ở đâu nữa cả.
Tuy nhiên, tâm lý của con người đó là nhu cầu được đi để tham quan cho biết chùa này chùa kia, đi để biết lễ hội này lễ hội kia… đó cũng là một nhu cầu chính đáng chứ không có gì phải bàn. Nhưng đi với tâm thế như thế nào thì lại là điều đáng nói. Không Phật – Thánh nào dạy phải đi nhiều chùa, đền, phủ, miếu... lễ bái mới có nhiều lộc cả”.
Mỗi bước chân trong chùa chứa đựng nhiều hiểu biết
Vào chùa, nhiều người không hề biết mình đang chắp tay lễ ai, lễ chư Phật, Bồ Tát nào. Thiết nghĩ trang bị được đôi chút sự hiểu biết về cũng là tốt để hành lễ cho đúng.
Để giúp các Phật tử, tác giả Đặng Xuân Xuyên trong cuốn sách “Vào chùa lễ Phật những điều cần biết” đã chỉ cách nhận biết rõ về từng chư Phật.
Theo đó, tượng thờ Phật Thích Ca mặt tròn, đỉnh đầu có gò thịt nổi cao, cằm vuông vức, nơi ấn đường (chỗ đầu hai lông mày giao nhau) có nốt ruồi đỏ. Tai dày, tròn, đầy đặn, thành quách phân minh, sắc trắng hơn mặt. Hai tay dài và dày. Ngực có chữ vạn, mình vàng, sắc hoàng kim. Tượng Phật Thích Ca thường được tạc theo thế ngự trên đài sen, hai tay để ấn tam muội, đôi mắt khép lại ba phần tư.
Tượng Phật Di Lặc thường được an vị ngay ở cửa ra vào, hiếm khi được thờ ở chính điện. Tượng Phật Di Lặc được tạc theo tư thế ngồi ngả lưng ra đằng sau, nhành miệng ra cười ngặt nghẽo, hớn hở như khoe cái bụng phệ, béo tròn, vô lo vô nghĩ của mình, mà cũng giống như niềm hân hoan chào đón khách thập phương và hoan hỉ ban niềm tin cho du khách.
Phật A Di Đà là hiện thân đời sống vĩnh cửu và trí tuệ hào quang nên có hai danh hiệu: Vô lượng thọ Phật (đời sống của Phật dài vô lượng, vô biên) và Vô lượng quang Phật (hào quang của Đức Phật chiếu tới các cõi thập phương). Chúng sinh nào muốn được về cõi Cực Lạc thì phải thành tâm tu trì, tin đức Phật A Di Đà.
Tượng Phật A Di Đà thường có những nét đặc trưng như: đầu có các cụm tóc xoắn ốc, mắt nhìn xuống, miệng thoáng nụ cười cảm thông cứu độ, mình mặc áo cà sa, ngực có chữ vạn ở khoảng trống của áo cà sa, ngồi hoặc đứng trên toà sen.
Đức Phật nói về thần lực của Quan Âm trong kinh Phổ Môn rằng, nếu một ngàn chỗ có tâm thành cầu nguyện Đức Quan Âm thì đồng một lúc đó có một ngàn Bồ tát Quan Âm liền ứng hiện. Tượng thờ Phật Phật Bà Quán Thế Âm tại các ngôi chùa Việt Nam thường là hiện thân hình dáng của người phụ nữ quý phái, nhân hậu, dịu dàng, đứng trên đài hoa sen tay trái cầm bình thanh tịnh, tay phải cầm cành dương liễu để phổ độ chung sinh.
Văn thù Sư Lợi là vị Bồ Tát tượng trưng cho kinh nghiệm giác ngộ, đạt được bằng phương tiện tri thức, là một trong những vị Bồ Tát quan trọng của Phật giáo. Văn Thù Bồ Tát thường được tạc theo tượng đứng trên hoa sen trắng, an vị bên trái tượng Phật Thích Ca (theo hướng đứng vái lạy của người dâng lễ) để theo hầu Phật Tổ.
Phổ Hiền là vị Bồ tát Đẳng giác có năng lực hiện thân khắp mười phương pháp giới, tùy theo mong cầu của chúng sinh mà Ngài hiện thân hóa độ. Theo truyền thuyết của Phật giáo thì Bồ Tát Phổ Hiền được xem là người hộ vệ của những ai tuyên giảng đạo pháp và đại diện cho “Bình đẳng tính trí” tức là trí huệ thấu hiểu cái nhất thể của sự đồng nhất và khác biệt. Phổ Hiền Bồ Tát thường được an vị đứng trên tòa sen, bên phải Phật Thích Ca (theo hướng đứng vái lạy của người dâng lễ) để theo hầu Phật Tổ.
Địa Tạng Bồ Tát là vị Bồ Tát chuyên cứu độ sinh linh trong địa ngục và trẻ con yểu tử hoặc cứu giúp lữ hành phương xa. Tượng Địa Tạng Bồ Tát thường có dáng một vị tăng đầu đội mũ thất phật (trên mũ có hình 7 vị Phật), mặc áo cà sa đỏ, tay phải cầm gậy tích trượng có 12 khoen, tay trái cầm ngọc minh châu, ngồi trên tòa sen.
Đại Thế Chí Bồ tát còn gọi là Đắc đại thế Bồ tát, Đại tinh tấn Bồ tát, Vô biên quang Bồ tát... Là vị Bồ tát dùng ánh sáng trí tuệ chiếu khắp mọi loài, làm cho chúng sinh thoát khổ thành tựu quả vị Vô thượng bồ đề. Tại các chùa Việt Nam, tượng Đại Thế Chí Bồ Tát thường được tạc theo hình dáng người cư sĩ, cổ đeo chuỗi anh lạc, tay cầm hoa sen xanh, đứng bên trái Đức Phật A Đi Đà (theo hướng đứng vái lạy của người dâng lễ) để theo hầu Phật A Di Đà…
Vào chùa không cầu danh lợi, tham muốn danh lợi dễ đọa vào luân hồi
Theo lời Phật dạy, có một số điều không nên cầu khi đi chùa, đó là:
Một là không cầu không bệnh khổ, vì không bệnh khổ thì lòng tham sẽ dễ sinh.
Hai là đừng cầu không khó khăn, vì có khó khăn thì đạo tâm mới kiên cường.
Ba là đừng cầu tâm không khúc mắc, vì tâm không khúc mắc thì ngạo mạn dễ sanh.
Bốn là không cầu lợi về mình, chấp trước vào mình dễ sinh vào ba cõi xấu.
Năm là đừng cầu không bị ma chướng, vì không bị ma chướng tôi luyện thì sao thành Phật.
Sáu là không cầu làm việc mong dễ thành công vì người ở trong cảnh thuận lợi khó tu hành.
Tám là làm ơn không cầu mong báo đáp, vì muốn người báo đáp thì con đường làm ơn đã sai lệch.
Chín là oan ức không cầu biện bạch, nhẫn nhục chịu đựng trả món nợ xưa.
Mười là không cầu người khác giúp mình, tự lực cánh sinh không nên phan duyên
Theo: Baophapluat.vn