Chùa Việt

Di tích chùa Đà Hưng

Thứ sáu, 02/04/2015 02:53

Chùa Đà Hưng được khởi dựng từ khá sớm, có quy mô, kiến trúc khá lớn. Chùa được toạ lạc trên một khu đất cao, thoáng và rộng, được xây bít đốc nối liền nhau tạo thành không gian thờ tự khép kín, mặt tiền quay về hướng Tây Nam.

Khi ánh bình minh của những ngày đầu tháng Tư còn chưa tỏ, những hạt sương giăng mờ và chút se lạnh sót lại của tháng Ba còn phủ kín cả miền quê, chúng tôi có cuộc hành hương về mảnh đất Ninh Giang in đậm nhiều dấu ấn của vị Vua Khúc Thừa Dụ, nơi có đền Tranh linh thiêng nổi tiếng với hương vị ngọt ngào của bánh Gai, bánh Gấc.

Hoan hỉ hơn khi được đến chiêm bái chùa Đà Hưng tại làng Sóc, thôn Kim Húc, xã Hồng Đức, huyện Ninh Giang (Hải Dương) khi dân làng đang chuẩn bị cho buổi Lễ đón bằng xếp hạng của chùa. 
 
Con đường làng được đổ bê tông phẳng lì, chạy dài thẳng tắp dẫn chúng tôi đến chùa Đà Hưng nằm sâu trong ngõ nhỏ. Mới sáng sớm các ngả đường dẫn vào chùa đã đông vui nhộn nhịp đến lạ thường, từ các cụ già, đến các em nhỏ ai cũng vui mừng, phấn khởi. Mỗi người một việc được phân công từ trước, ai cũng hoan hỉ nhiệt tình làm việc trang hoàng cho làng, cho các tuyến đường và khuôn viên sân chùa thêm lộng lẫy để chuẩn bị cho buổi Lễ đón nhận di tích cấp tỉnh chùa Đà Hưng. 
 
Chùa Đà Hưng được khởi dựng từ khá sớm, có quy mô, kiến trúc khá lớn. Chùa được toạ lạc trên một khu đất cao, thoáng và rộng, được xây bít đốc nối liền nhau tạo thành không gian thờ tự khép kín, mặt tiền quay về hướng Tây Nam.

Nhiều hạng mục công trình như: nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách và các công trình phụ trợ. Chùa Đà Hưng  là nơi thờ Phật theo thiền phái Đại Thừa, đây là thiền phái phổ biến nhất ở miền Bắc.

Nơi đây là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của nhân dân thôn Kim Húc nói riêng và nhân dân xã Hồng Đức nói chung. Bên cạnh đó, chùa Đà Hưng còn là nơi giáo dục truyền thống lịch sử văn hoá cho các thế hệ trẻ đương thời và những thế hệ mai sau nhằm hướng con người phát triển toàn diện Chân – Thiện Mỹ. 
 
Trong những năm kháng chiến, Chùa Đà Hưng như một nhân chứng sống của lịch sử, nơi nuôi dấu chiến sĩ Việt Minh, cơ sở cách mạng. Tháng 3/1940 tại ngôi chùa này là địa điểm tổ chức thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên – tiền thân của Đảng bộ xã Hồng Đức ngày nay. Từ năm 1946 -1947 chùa Đà Hưng tổ chức các lớp bình dân học vụ cho nhân dân địa phương. Năm 1948, 1949 đơn vị bộ đội Quang Trung của huyện Ninh Giang về đóng quân, hội họp và là nơi cứu chữa thương binh sau những trận càn của thực dân Pháp. Hoà bình lập lại, chùa Đà Hưng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hoá tâm linh của nhân dân trong làng. 
 
 
Trải qua những trăm trầm của lịch sử, sự biến thiên của thời gian và do cuộc chiến tranh tàn phá, chùa Đà Hưng bị hư hỏng một số công trình. Tuy nhiên chùa Đà Hưng vẫn là một công trình lịch sử văn hoá, mang trên mình nhiều dấu ấn của thời gian vẫn còn hiện hữu đến ngày nay.

Hiện nay chùa Đà Hưng gồm các công trình: Tam quan, chùa chính, nhà Mẫu và các công trình phụ trợ. Chùa chính có kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm 3 gian Tiền đường và 3 gian Thượng điện. Toà Tiền đường có chiều dài 8,7m, rộng 7,2m, xây theo kiểu bít đốc bổ trụ, móng và tường xây bằng gạch chỉ, mái chùa được lợp ngói mũi truyền thống, bờ nóc để trơn, hai đầu bờ nóc được đắp đấu trụ vuông. Hệ thống cửa che chắn được làm theo kiểu bức bàn gồm có 3 lối vừa đi, cửa chính và hai cửa phụ ở hai bên.

Kết cấu của chùa được làm bằng khung chịu lực chất liệu gỗ như cột cái, cột quân, cột hiên và các xà, hoành, dui, mè. Các cột của toà tiền đường được đặt lên các chân tảng đá hình tròn tạo sự vững chắc cho toà nhà và tránh sự lún nền, mối mọt, ẩm thấp. 
 
 
 
Hiện tại, chùa Đà Hưng còn lưu giữ được khá nhiều tượng và được bố trí thành 6 lớp tượng chính thờ tại toà Thượng điện. Lớp thứ nhất gồm 3 pho Tam thế; Lớp thứ hai goomg pho A Di Đà ngồi trên đài sen, hai bên là tượng Quan Thế âm Bồ tát và Đại thế Chí Bồ tát. Lớp tượng thứ ba gồm tượng Thích ca Mâu ni, tượng Ca Diếp, A Nan Đà bên cạnh là tượng Quan Âm tống tử. Lớp tượng thứ tư là tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn và tượng Văn Thù, tượng Phổ Hiền. Lớp thứ năm gồm tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu. Lớp tượng thứ sáu gồm tòa Cửu Long, tượng Di Lặc và tượng Tuyết Sơn. Tiền đường còn có tượng Đức Thánh Trần, Đức Thánh Hiền, Địa tạng.

Hiện tại, chùa Đà Phúc còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: bức Đại tự Từ bi quảng đại năm Canh Tý, niên hiệu Thành Thái (1900); chuông đồng được đúc năm Đinh Mùi, niên hiệu Duy Tân (1907), bát hương đá, niên hiệu Kỷ Mùi (1919). Là một ngôi chùa thuộc Đồng bằng châu thổ sông Hồng, cho nên ngoài những ngày tuần tiết, chùa Đà Hưng có đủ các ngày lễ lớn trong năm như: Lễ Thượng nguyên (15 tháng Giêng); Giỗ Mẫu, ngày vào chùa, ngày mở hội (3/3); Lễ Phật đản (8/4); Lễ Vu lan báo hiếu (15/7). 
 
 
 
Với những giá trị nghệ thuật và in đậm dấu ấn cách mạng, UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định công nhận xếp hạng chùa Đà Hưng là Di tích Văn hoá cấp tỉnh năm 2014.

Trong niềm vui hoan hỉ của những ngày đầu tháng Tư, cán bộ, nhân dân và phật tử thôn Kim Húc long trọng tổ chức đón nhận Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh chùa Đà Hưng vào ngày 05/04/2015 (16/02/Ất Mùi). 

Có thể nói, sau bao thế hệ, năm tháng và sự mong mỏi, ước nguyện của biết bao phật tử, giờ đây ước nguyện đó đã thành hiện thực. Chùa Đà Hưng từ nay sẽ khoác trên mình bộ áo mới lung linh của nhà Phật. Cán bộ, nhân dân, phật tử nơi đây nguyện đoàn kết, chung sức, chung lòng hướng Phật, cùng nhau góp công, góp của tiếp tục bảo vệ, trùng tu ngôi chùa để chùa Đà Hưng ngày càng to đẹp, trở thành nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng văn hoá của nhân dân trong vùng, là địa điểm thăm quan, chiêm bái của nhiều du khách và phật tử gần xa.

Đức Tuỳ
loading...