Sống an vui
Địa chỉ của hạnh phúc
Thứ sáu, 01/09/2023 03:48
Nếu bạn muốn biết Thượng Đế, chư Bụt và tất cả các vĩ nhân sống ở đâu thì tôi có thể chỉ cho bạn. Đây là địa chỉ: “Bây giờ và ở đây.” Có đủ thứ bạn muốn biết, kể cả khu bưu chính (zip code).
Nếu bạn có thể thở vào thở ra và bước đi với tinh thần “đã về – đã tới – bây giờ – ở đây” thì bạn sẽ thấy mình vững chãi và tự do hơn ngay lập tức. Bạn đã đứng vững được trong hiện tại, ngay tại địa chỉ chính thức của bạn. Không có gì thúc đẩy khiến bạn phải chạy hoặc sợ hãi. Bạn được giải phóng khỏi những lo âu quá khứ. Bạn cũng sẽ không còn bị bế tắc, nghĩ tới những gì chưa xảy ra và những gì bạn không kiểm soát được. Bạn được tự do, không còn mặc cảm phạm lỗi thời quá khứ và cũng không lo lắng về tương lai nữa.
Chỉ khi có tự do người ta mới có hạnh phúc. Số lượng hạnh phúc bạn có tùy thuộc vào số lượng tự do mà bạn có trong tâm. Đây không phải là tự do chính trị. Tự do là sự vượt thoát khỏi những tiếc nuối, sợ hãi, lo âu và buồn phiền. “Đã về, đã tới, bây giờ, ở đây.”
“Vững chãi, thảnh thơi” là những gì bạn cảm thấy, bạn trở thành, khi bạn tới được chỗ “bây giờ và ở đây.” Bạn không chỉ nói với mình như thế mà bạn sẽ thấy, sẽ cảm nhận được như thế. Làm vậy, bạn được bình an. Bạn sẽ chứng ngộ được Niết bàn, nước Chúa hoặc bất kỳ từ ngữ nào bạn muốn gọi nó. Ngay cả khi không âu lo, bạn cũng không thể có hạnh phúc nếu bạn không vững chải, thảnh thơi. Nuôi dưỡng sự vững chãi và thảnh thơi là món quà quý nhất chúng ta có thể tự cho mình.
Buông bỏ buồn phiền
Giả thử có người chở bạn bằng máy bay phản lực tới nước Chúa hay Đất Tịnh của Phật. Khi tới đó, bạn sẽ đi đứng ra sao? Tới một nơi đẹp đẽ như thế, bạn có sẽ đi với các áp lực, chạy và lo lắng như bạn thường làm hay không? Hay bạn sẽ thưởng thức từng giây phút khi được ở Thiên đàng? Tại nước Chúa hay Tịnh Độ, người ta được tự do và biết hưởng cuộc sống từng giây phút. Vậy nên họ không đi đứng như chúng ta.
Tịnh độ không phải là nơi nào khác. Nó ngay tại đây, trong lúc này. Nó ở trong từng tế bào của ta. Khi chúng ta trốn chạy hiện tại, ta phá hủy vương quốc của Thượng đế. Nhưng nếu ta biết cách buông xả được những năng lượng của tập khí chạy nhanh, thì ta sẽ có hòa bình và tự do, và ta có thể bước đi như Bụt ở cõi tịnh độ vậy.
Hành lý ta mang theo sẽ quyết định cho ta được sống trong bình diện nào. Nếu bạn mang theo nhiều buồn phiền, sợ hãi và tham đắm, thì bạn đi tới đâu cũng chỉ gặp thế giới đau khổ như địa ngục mà thôi. Nếu bạn mang theo lòng từ bi, hiểu biết và thanh thản, thì đi đâu bạn cũng sẽ gặp được thế giới của Chân như, vương quốc của Thượng đế.
Người biết tu tập đi tới đâu, họ cũng biết chân họ được tiếp xúc với nước Chúa. Không có ngày nào tôi không bước trên vương quốc của Thượng đế. Vì tôi thực tập từ bi và buông xả, chân tôi đi tới đâu cũng tiếp xúc được với vương quốc của Thượng đế, với bình diện tuyệt đối của mọi sự vật.
“Đã về, đã tới (nhà).” Nhà của sóng là nước. Nó ngay đó. Sóng không cần đi hàng ngàn hải lý để trở về nhà nó. Bài kệ trên rất giản dị và rất mạnh. Tôi mong bạn nhớ lấy bài kệ nhỏ đó để thực tập nhiều lần mỗi ngày. Như thế bạn sẽ tiếp xúc được với bản thể chân như và luôn luôn nhớ tới căn nhà thật sự của bạn.
Tập khí chạy đuổi
Chúng ta chạy đuổi ban ngày và chạy cả trong giấc ngủ. Chúng ta không biết cách ngừng lại. Chúng ta trước tiên thực tập để biết ngừng, sau đó là buông thư, bình tâm và định tâm lại. Khi ta có thể làm như vậy là ta trở về được bây giờ và ở đây. Và chúng ta sẽ vững chãi. Khi đã vững chãi, chúng ta có thể nhìn ra chung quanh. Ta có thể nhìn sâu vào lúc này, nhìn sâu vào bản chất của mình và khám phá ra bản thể chân như. Nhìn sâu ta sẽ thấy dù ta là sóng nhưng ta cũng là nước. Nhưng nếu ta không học để dừng lại được thì ta không thể định tâm và nhìn sâu. Chúng ta sẽ không buông bỏ được sợ hãi vì ta không đủ mạnh, không đủ vững chãi để nhìn ra chân lý không đến không đi.
Muốn thắng các tập khí của mình là chuyện rất khó khăn. Tiến sĩ Ambedkar nguyên nghị viên của quốc hội Ấn Độ, xưa thuộc giới bần cùng (Untouchable). Ông tranh đấu cho quyền lợi của giới này. Ông cảm thấy rất rõ rằng Phật giáo là niềm hy vọng để giúp cho giới bần cùng được an toàn và giữ được phẩm giá. Đạo Bụt không tin vào sự phân chia giai cấp. Vậy nên một hôm tại Bombay có năm trăm ngàn người Ấn cùng khổ tới để thọ Tam quy Ngũ giới với tiến sĩ Ambedkar. Tôi đã tới Ấn Độ để ủng hộ và giúp đỡ cộng đồng này. Chúng tôi nói pháp thoại và hướng dẫn những ngày thực tập chánh niệm.
Hãy tưởng tượng bạn lớn lên trong giai cấp bần cùng đó. Tưởng tượng mọi người chung quanh ai cũng bạc đãi bạn và bạn luôn lo sợ cho mạng sống của mình. Tưởng tượng bạn luôn luôn phải chiều lòng những người ở giai cấp cao hơn để được sống bình an. Bạn sẽ sống ra sao? Bạn có thảnh thơi và sống trong hiện tại được chăng? Hay là bạn lo lắng thường trực về tương lai. Tập khí lo lắng là thứ rất mạnh.
Người tổ chức chuyến đi Ấn Độ cho tôi cũng từ giai cấp cùng khổ. Anh ta sống ở New Delhi với vợ và ba con. Anh ta rất muốn làm cho chuyến đi của tôi thoải mái và thành công. Một buổi sáng chúng tôi ngồi trên xe buýt để đi tới một cộng đồng ở địa phương khác. Tôi thích thú ngắm cảnh qua khung cửa chỗ tôi ngồi. Khi quay lại nhìn anh bạn kia, tôi thấy anh rất căng thẳng. Tôi nói: “Anh bạn ơi, tôi biết anh rất muốn làm cho chuyến đi của tôi thoải mái và vui vẻ. Nhưng bạn biết không? Tôi đang hài lòng lắm ngay lúc này. Xin đừng lo âu nữa, hãy ngồi dựa lưng vô cho thoải mái.” Anh ta trả lời “dạ!” và có vẻ thoải mái hơn một chút. Rồi tôi lại quay ra cửa sổ, thực tập thở vào thở ra và thưởng thức những hàng cây cọ trong nắng sớm.
Tôi nghĩ tới những chiếc lá bối (lá cọ) ghi lại kinh điển của Bụt từ thời xa xưa. Lá bối dài và hẹp. Người ta dùng một mũi nhọn để ghi trên lá những lời dạy của Bụt. Họ giữ được hơn ngàn năm những bản kinh bằng lá đó. Tôi nhớ ở xứ Nepal người ta tìm ra được những bản kinh trên lá bối đã viết từ một ngàn năm trăm năm trước. Rồi tâm tôi lại hướng về anh bạn trẻ. Có lẽ chỉ hai phút sau, tôi quay lại và thấy anh ta lại trở nên cứng ngắc và căng thẳng rồi. Anh khó mà thảnh thơi được dù chỉ trong ít phút.
Là một người thuộc giai cấp cùng khổ, cả đời anh phải tranh đấu để sống. Bây giờ dù anh có một căn hộ xinh xắn tại ngay New Delhi và có việc làm tốt, tập khí luôn luôn tranh đấu của anh vẫn còn rất mạnh. Qua nhiều thế hệ, những người thuộc giai cấp bần cùng (Untouchable) đó đã phải phấn đấu ngày đêm để sống còn. Tập khí từ bao đời đó được truyền tới anh. Muốn chuyển hóa nó không phải là chuyện dễ. Anh ta cần thời gian và cần được huấn luyện. Với sự hỗ trợ của bạn cùng tu tập, trong vài tháng hay vài năm anh có thể chuyển hoá tập khí tranh đấu và căng thẳng đó được. Ai cũng có thể làm như vậy. Bạn có thể làm cho bạn thoải mái và thảnh thơi.
Nếu bạn muốn chuyển hóa tập khí chạy đuổi và căng thẳng, bạn cần nhận diện chúng ngay mỗi khi chúng ló đầu ra. Thở và mỉm cười, bạn nói: “Tập khí thân mến của ta ơi, ta biết em ở đó rồi!” Khi đó bạn sẽ được tự do. Bạn có thể tự nhắc nhở, tự huấn luyện mình. Bạn không thể có người bạn tâm linh nào suốt hai mươi bốn giờ mỗi ngày để nhắc nhở bạn. Tôi đã nhắc anh bạn kia và chỉ có hiệu quả được hai phút thôi. Anh ta phải tự làm. Ai cũng phải tự làm lấy. Bạn phải là người bạn của chính mình và sống trong môi trường nào mà có thể giúp được bạn.
Tập khí chạy rất mạnh trong chúng ta. Nó có thể đã được truyền qua nhiều thế hệ mới tới chúng ta. Nhưng bạn không cần trao truyền nó lại sau này. Bạn cần nói được với con cháu rằng bạn đã được bước đi trong vương quốc của Thượng đế. Bạn sẽ muốn nói với chúng như vậy, như tôi đã nói với các bạn tôi, rằng không ngày nào tôi không đi trong đó. Nếu bạn có thể làm như vậy, cuộc đời bạn sẽ là niềm hứng khởi cho nhiều người. Có lẽ bạn và con bạn sẽ luôn luôn được cùng bước đi trong Tịnh độ.