Kiến thức

Điểm chung nhất của Phật giáo Nam truyền & Bắc truyền

Chủ nhật, 27/07/2022 03:59

Mặc dù tất cả hàng đệ tử Phật có chung một vị Đại đạo sư, nhưng khi tu hành theo các tông phái riêng biệt, thì bắt đầu có cái nhìn khác nhau.

Cuộc nói chuyện với Tăng Ni sinh Học viện Phật giáo TP.Hồ Chí Minh khóa VI, VII, tại Hội trường Nhà Truyền thống-Văn hóa PG chùa Phổ Quang)

Tôi nhận trách nhiệm Viện trưởng Học viện Phật giáo TP.HCM thay thế Hòa thượng Minh Châu, thì anh em sắp ra trường. Vì vậy, thời gian còn lại của anh em ở Học viện Phật giáo rất ngắn; cho nên tôi có cuộc họp mặt hôm nay để trao đổi một số việc mà Ban Điều hành và Tăng Ni sinh thao thức. Về việc điều hành, chúng tôi có sắp xếp mới để sinh hoạt phù hợp với thời đại chúng ta. Riêng việc giảng dạy có một số thay đổi qua kinh nghiệm của khóa VI.

Tôi nhận thấy các giáo sư của Học viện Phật giáo xuất thân từ nhiều trường lớp khác nhau, thuộc nhiều tông phái khác nhau và khi nghiên cứu mỗi người lại theo những ngành chuyên môn khác nữa. Điều này làm cho  chúng ta đôi khi có cảm giác như là mâu thuẫn với nhau.

Theo tôi, dù Tăng Ni học các môn khác nhau và giảng sư dạy khác nhau; nhưng chúng ta vẫn có một sự xuyên suốt về dòng lịch sử của đạo Phật, một sự xuyên suốt về hệ tư tưởng của Phật giáo có thể dung nhiếp được tất cả các hệ phái theo đạo Phật trên khắp thế giới. Đó là mục tiêu của Học viện đề ra, để tạo mối quan hệ tốt đẹp giữa trường chúng ta nói riêng và Phật giáo Việt Namnói chung với các tổ chức Phật giáo thế giới.

Trưởng lão HT. Thích Trí Quảng.

Trưởng lão HT. Thích Trí Quảng.

Về lịch sử đạo Phật, tất cả mọi người theo Phật giáo, dù tu pháp môn nào, cũng tôn kính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là giáo chủ đạo Phật trên thế gian này, Ngài là vị Thầy lớn nhất của chúng ta.

Mặc dù tất cả hàng đệ tử Phật có chung một vị Đại đạo sư, nhưng khi tu hành theo các tông phái riêng biệt, thì bắt đầu có cái nhìn khác nhau. Nếu tu theo pháp môn Tịnh độ, người ta nghĩ rằng Đức Phật Di Đà là giáo chủ, là Thầy của họ. Đối với người tu Mật tông, thì Đức Tỳ Lô Giá Na là chính. Với nhận thức chuyên biệt như vậy, lâu dần, người ta chỉ nghĩ đến Phật Di Đà, hay Đức Phật Tỳ Lô Giá Na, mà quên mất Đức Phật Thích Ca là giáo chủ đạo Phật.

Thiết nghĩ dù theo pháp môn nào, cũng cần khẳng định lại rằng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là vị Thầy lớn, là đấng Giáo chủ của đạo Phật. Có nhận thức rõ ràng như vậy sẽ giúp cho tất cả những người theo đạo Phật ở khắp năm châu bốn biển tu các pháp môn khác nhau cũng cảm thấy gần gũi nhau hơn, thân thiện với nhau hơn.

Về lịch sử Đức Phật Thích Ca, mọi người đều biết rõ Ngài xuất thân là thái tử, xuất gia tu hành làm Sa môn và thâm nhập Thiền định ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài thành tựu quả vị Phật. Đó là ba giai đoạn trong cuộc sống của Đức Phật được lịch sử ghi nhận như vậy.

Riêng cuộc sống của chúng ta cũng có ba giai đoạn. Giai đoạn một, chúng ta ở gia đình thuộc tất cả các ngành nghề khác nhau. Giai đoạn hai, chúng ta xuất gia làm Sa môn; nhưng giai đoạn ba là thành Phật, chúng ta chưa tới.

Nhìn về dòng lịch sử của cuộc đời Đức Phật gợi cho chúng ta có suy nghĩ sâu hơn, để thấy được tố chất siêu việt của bậc đại Đạo sư dẫn đến nguyên nhân tồn tại lâu dài của Phật giáo trên thế gian này và đó cũng là động lực thánh thiện thúc đẩy chúng ta cống hiến cho đạo pháp một cách tốt đẹp.

theravada-buddhism-novice-buddhist-samanera-4742684-4735

Mọi người sinh ra và lớn lên trong xã hội đều khác nhau, người thì xuất thân từ giai cấp thượng lưu, người thì xuất thân từ giai cấp thợ thuyền, nông dân, v.v…  Giai cấp còn được gọi là dòng tộc. Đức Phật thuộc dòng tộc cao quý nhất, bảy đời dòng họ Thích Ca làm vua nổi tiếng là hiền đức. Yếu tố thứ hai là sức khỏe của Đức Phật khi còn là thái tử, Ngài cũng nổi tiếng khỏe mạnh nhất. Và yếu tố thứ ba, Đức Phật có chỉ số thông minh cao nhất.

Rõ ràng mọi người đều xuất thân là con người, nhưng nếu so sánh với Đức Phật, chúng ta thấy có sự khác biệt rõ rệt. Thử nghĩ xem dòng tộc chúng ta có cao quý hay không, chúng ta có thông minh hay không và sức khỏe chúng ta có tốt hay không; chắc chắn là ba yếu tố này của chúng ta không thể sánh bằng với Đức Phật. Ý thức đúng đắn như vậy, khiến chúng ta nhận ra Báo thân, hay nghiệp báo của mỗi người không đồng nhau.

Vì vậy, sinh trên cuộc đời này giống nhau ở thân tứ đại của con người, nhưng nghiệp báo hay nghiệp duyên của mỗi người hoàn toàn khác. Đó là vì từ những việc làm quá khứ dẫn đến đời sống hiện tại và cuộc sống hiện tại sẽ làm nhân cho cuộc đời tương lai. Hiểu rõ sự tương quan tương duyên của ba đời nhân quả như vậy, anh em học về lý vô thường trong đạo Phật sẽ không cảm thấy chán đời, tiêu cực; mà trái lại, nghĩ về mặt tích cực, thì vô thường chính là sự tiến hóa về thể chất và tâm linh vậy. Không phải vô thường rồi sinh ra buồn bực, chán nản, cho rằng cuộc đời mình sống nay chết mai, nên buông bỏ cho nó trôi đi đâu cũng được. Nhờ có vô thường, nghĩa là nhờ có sự thay đổi, chúng ta mới có sự phấn đấu đi lên về vật chất và tinh thần.

Kinh điển Đại thừa ghi nhận rằng Đức Phật từ nhiều kiếp quá khứ đã nỗ lực tu hành. Kinh Bản Sanh của Phật giáo Nguyên thủy cũng nói như vậy. Ngày nay chúng ta cũng tu, nhưng vì chưa hoàn thiện Bồ tát hạnh; cho nên sinh trong dòng họ thấp kém, sức khỏe không tốt và hiểu biết còn giới hạn.

 Vì vậy, Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa đều khẳng định Đức Phật đã trải qua nhiều kiếp hành Bồ tát đạo mới kết thành cuộc đời hiện tại của Ngài hoàn toàn tốt đẹp, như sinh trong dòng họ cao quý, dung sắc tướng tốt đều đầy đủ, trí tuệ sáng suốt tột đỉnh. Khi xuất gia làm Sa môn, Ngài có sức chịu đựng phi thường. Tọa thiền ở Bồ đề đạo tràng, Ngài nhịn ăn đến mức độ chỉ còn da bọc xương mà tinh thần vẫn hoàn toàn minh mẫn. Trên bước đường vân du giáo hóa độ sinh, trải qua nắng mưa, nóng lạnh dãi dầu, thân tâm Ngài vẫn an nhiên tĩnh giác. Chúng ta tu hành, không làm được việc lớn, vì thiếu một trong ba tố chất quan trọng, nghĩa là hoặc dòng họ mình không cao quý, thực tế là không có tiền bạc, hoặc vì sức khỏe yếu kém, hoặc không thông minh; cho nên không thể phát huy được cuộc sống.

imager_2_6565_700

Đức Phật làm Sa môn tu khổ hạnh cũng không ai vượt hơn Ngài. Chúng ta cũng là Sa môn, nhưng từ nghiệp sanh; nghĩa là chúng ta còn bị ăn, mặc, ở chi phối. Chúng ta phải được cung cấp thức ăn đầy đủ, thiếu một chút dinh dưỡng là bệnh đổ ra; chỗ ở không tiện nghi cũng sinh ra bệnh hoạn, chúng ta không làm việc được; trí tuệ thì mờ tối, làm thế nào giải quyết được những việc khó.

Như vậy, so sánh với Đức Phật, chúng ta còn cách Ngài quá xa; tự biết kiếp trước chúng ta có tu, nhưng không bằng Phật, mà trong lòng chúng ta còn chứa đựng biết bao phiền não nhiễm ô. Chúng ta có tham Thiền quán tưởng; nhưng trí không sáng được, không đắc đạo. Còn Đức Phật tham Thiền quán tưởng, liền đắc đạo. Vậy Phật đắc đạo cái gì ?

Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa đều khẳng định rằng, Đức Phật đắc đạo là Ngài chứng được Tam minh và Lục thông. Vì Ngài tham Thiền, thấu tỏ được vô số kiếp quá khứ của Ngài và của muôn loài. Ngài nhập định thì thấy đúng mọi việc xảy ra trên cuộc đời và Ngài tu tập, biết được vận mạng của Ngài và mọi người trong tương lai. Nói cách khác, Đức Phật biết rõ quá khứ, thấy đúng hiện tại và xác định được tương lai. Phật giáo của cả hai hệ Nam và Bắc truyền đều có sự nhận thức thống nhất về thành quả đắc đạo của Đức Phật là như vậy. Chính vì có Tam minh, Đức Phật mới làm vị Thầy lớn của đạo Phật.

Đức Phật biết đúng hiện tại là biết căn tánh của chúng sinh, biết nhu cầu của tất cả mọi người. Vì vậy, Ngài biết người nào đáng độ, chỗ nào nên đến, người nào nên tiếp xúc và nên nói điều gì. Trong kinh Phật giáo Nguyên thủy ghi nhận rằng buổi tối, Phật thuyết pháp cho chư Thiên, lúc hừng đông Ngài quán nhân duyên và buổi sáng Ngài đi khất thực, hành Bồ tát đạo.

Đức Phật thành tựu quả vị Vô thượng Bồ đề và giáo hóa chúng sinh thuộc mọi tầng lớp xã  hội, không trở ngại. Vì Phật biết phương cách giáo hóa, với người thuận theo thì Ngài có cách giáo hóa thuận và đối với người nghịch lại, Phật có cách giáo hóa tương ưng, cho nên cũng cảm hóa được họ. Trong giáo đoàn, Đức Phật quán sát từng người, chỉ dạy họ tu tập, từng bước mọi người đều được giải thoát.

Dù theo Phật giáo Nguyên thủy hay Phật giáo Đại thừa, Tứ Thánh đế được hiểu và triển khai theo cách này hay cách khác, thì Tứ Thánh đế vẫn là giáo pháp căn bản của đạo Phật. Các Tỳ kheo đều căn cứ trên Tứ Thánh đế để quán sát và tu tập, dần dần cũng được giải thoát.

Tất cả mọi người thấy cuộc đời này là khổ; nhưng Phật dạy nên thấy mặt nào khổ và mặt nào không khổ, nghĩa là con người có khổ đau trên cuộc đời và cũng có Niết bàn giải thoát. Ai đi theo con đường vô minh, sẽ dẫn đến đau khổ. Ai đi theo con đường trí tuệ, sẽ dẫn đến Niết bàn. Như vậy, Đức Phật đã vẽ ra lộ trình hướng dẫn chúng ta tu hành là căn bản thiết thực của lộ trình giải thoát và lộ trình khổ đau. Thực tập pháp nào thì sẽ đạt được quả vị tương ưng như thế. Tất cả Sa môn thể nghiệm pháp Phật, từng bước chứng quả vị Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm và A la hán. Đó là thành quả thiết thực nhất trong cuộc sống tu hành. Ai rời tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, sẽ bước trên con đường giải thoát. Còn tu hành dù bất cứ pháp môn nào, mà kẹt vào phiền não, nhiễm ô, không giải trừ được vô minh, thì chắc chắn không phải là đạo Phật. Đức Phật tại thế, việc tu tập giáo pháp theo Ngài và đạt được kết quả là như vậy.

Ngoài ra, chúng ta thấy rằng khi Đức Phật lập giáo, tuyên ngôn căn bản của Ngài là Tam bảo. Ai muốn trở thành đệ tử Phật phải quy y Phật, Pháp, Tăng. Quy y Tăng là nương tựa theo những người tu hành hòa hợp, đoàn kết và bản thân mình cũng phải sống hòa hợp đoàn kết. Nếu không hòa hợp, không đoàn kết, không phải đạo Phật. Đặt trên nền tảng sống hòa hợp, giáo đoàn của Phật luôn được an ổn. Tinh thần hòa hợp này về sau được triển khai thành sáu pháp hòa kính. Tất cả những người tu hành đều nương theo sáu pháp hòa kính để tồn tại và phát triển, dù Phật tại thế hay Phật Niết bàn. Còn hòa hợp tu hành là còn Chánh pháp.

47a5a5eb9fd1538f0ac03

Tuy nhiên, Phật tại thế, Ngài là bậc Thầy sáng suốt hoàn toàn, cho nên việc điều hành Tăng chúng dễ dàng. Nhưng Phật nhập diệt, Tam bảo chỉ còn có hai phần là Pháp và Tăng, nên không đủ thẩm quyền để giải quyết. Từ đó, người ta mới hình thành ra Đức Phật vô hình. Đức Phật vô hình này tức là giáo pháp, nghĩa là phải nương vào giáo pháp và giới luật để tu hành, với chủ trương rằng giáo pháp còn là Phật còn, giới luật còn là Phật còn.

Như vậy, từ Đức Phật vô hình kéo trở về thực tế, giáo pháp được coi là Phật, mới có quan niệm sanh thân Phật đã mất, thì Phật chính là giáo pháp, lấy giáo pháp làm Thầy, lấy giáo pháp làm Phật, gọi tắt là giáo pháp Pháp thân, không phải Pháp thân vô hình. Đó là quan niệm căn bản bắt nguồn từ Phật giáo Nguyên thủy, chứ không phải sau này theo Phật giáo Đại thừa mới có.

Và sau đó thường xảy ra tình trạng chư Tăng tu hành, nhưng không hòa hợp, không đoàn kết với nhau, làm  cho Phật giáo bị suy đồi. Vì vậy, người ta đưa ra quan niệm cần nương tựa vào tập thể những người tu hành sống hòa hợp đoàn kết, hình thành Tăng đoàn Pháp thân. Không có Phật quyết định thì chúng ta có thể tập họp Tăng chúng hòa hợp thanh tịnh để giải quyết; tức là Tăng đoàn thay cho Phật.

Như vậy, giáo pháp có thể thay Phật, Tăng đoàn có thể thay Phật, hai điều này kết hợp lại để có Tam bảo đầy đủ; đó là tư tưởng phát triển của Phật giáo.

Và quan niệm Pháp thân có nguồn gốc từ Phật giáo Nguyên thủy, nhưng được manh nha thành tư tưởng mới là Báo thân theo Phật giáo Đại thừa. Báo thân được kết hợp bằng phước đức và trí tuệ, nên còn được gọi là phước đức trí tuệ thân vượt ngoài thân vật chất bình thường này. Thân phước đức trí tuệ là thân siêu hình không thấy được, nhưng quyết định vận mạng của con người. Thật vậy, Đức Phật tuy cũng mang thân người, nhưng Ngài siêu tuyệt hơn tất cả mọi người; vì Ngài có thân phước đức trí tuệ trọn vẹn. Chính thân phước đức trí tuệ toàn hảo của Đức Phật, hay Báo thân Phật quyết định Ngài là Phật.

Mọi người có thân tứ đại giống nhau, nhưng quả báo thân của mỗi người hoàn toàn khác nhau. Quả báo thân của Phật là phước đức trí tuệ hoàn hảo ; còn quả báo thân của chúng ta, hay của chúng sinh là trần lao nghiệp chướng. Nghĩa là Phật giáo Đại thừa đã có cái nhìn khác rằng trong sanh thân con người của Phật có cái không thấy bằng mắt được, đó là phước đức trí tuệ, hay Báo thân.

Và kết hợp quan niệm giáo pháp Pháp thân cùng Tăng đoàn Pháp thân của Phật giáo Nguyên thủy với Báo thân theo Phật giáo Đại thừa, thì Đức Phật có ba thân là Pháp thân, Báo thân và Ứng hóa thân là thân người. Đạo Phật theo chiều hướng này mà phát triển.

Tuy nhiên, tinh thần Đại thừa phát triển cái nhìn về Báo thân; trong khi Phật giáo Nguyên thủy phát triển cái nhìn về giáo pháp. Chính vì vậy mà Phật giáo Nguyên thủy ít thay đổi. Còn Phật giáo Đại thừa đặt nặng về Báo thân, cho nên dung hợp được nhiều người thuộc nhiều thành phần xã hội. Vì khi nói đến Báo thân, tức nói đến phước đức trí tuệ thì không thể hạn cuộc trong giới xuất gia. Phật giáo Đại thừa phần lớn ca ngợi phước đức trí tuệ, cho nên người xuất gia hay tại gia mà có phước đức thì lãnh đạo, hoặc được kính trọng, có trí tuệ thì làm Thầy, chứ không căn cứ trên hình thức.

Thực tế cuộc sống cho thấy, người lãnh đạo thường có trí tuệ bao trùm được tập thể. Ai có trí tuệ cao nhất thì được chấp nhận lãnh đạo. Cho nên khi họp Hội đồng Trị sự Trung ương, người có ý kiến được đa số tôn trọng, thì được chấp nhận; nói cách khác là trí tuệ lãnh đạo.

Có phước đức đầy đủ như Đức Phật, thì quần chúng kính ngưỡng, chấp nhận, ủng hộ Ngài một cách dễ dàng. Người được quần chúng ủng hộ sẽ trở thành lãnh đạo, nhưng nếu đánh mất sự tin tưởng, kính mến của quần chúng, sẽ không lãnh đạo được nữa. Xưa kia, vua Lý Huệ Tôn được truyền thống nhà Lý  đưa lên, nhưng quần chúng không tin theo mà lại theo Trần Thủ Độ, cho nên ông này lên lãnh đạo.

Cố Hòa thượng Pháp Lan có làm hai câu thơ diễn tả cái đức của người tu như sau:

Tôn mạc tôn hồ Đạo, chỉ kỳ Đạo vô vi nhân phục

Mỹ mạc mỹ hồ đức, duy hữu đức, bất trị dân tùng.

Người có đức hạnh không buộc người khác nghe theo, nhưng người ta vẫn tin theo, tức là lãnh đạo bằng đức hạnh.

Vì sao lại gọi là Đại thừa và Tiểu thừa?

239666569_344717720636744_4467866550781576657_n

Đặt tiêu chuẩn của người lãnh đạo căn cứ trên trí tuệ và đức hạnh thì không cần phải xét đến tư cách xuất gia hay tại gia. Chính vì quan niệm như thế, kinh Đại thừa đã đưa ra nhiều vị Bồ tát mang hình thức cư sĩ. Phật giáo Nguyên thủy khó chấp nhận điều này; vì theo họ, hàng cư sĩ dù là vua chăng nữa cũng chỉ đóng vai hộ pháp, không thể chấp nhận lãnh đạo chư Tăng.

Lúc đất nước chúng ta mới thống nhất, một số Tăng Ni nghe người ta gọi mình là anh chị thì cảm thấy buồn. Theo tôi, họ gọi mình là anh, hay ông cũng được; đó là việc bình thường, vì mình có dạy họ đâu mà bắt họ gọi mình là Thầy. Ngày hôm qua, tôi đi họp, gặp anh Bí thư quận ủy quận 2 gọi tôi là Hòa thượng và xưng con, làm tôi ngạc nhiên. Nếu gọi tôi là anh thì tôi lại thấy bình thường và anh nói rằng Hòa thượng lớn hơn mẹ con hai tuổi, như vậy thì họ xưng con với mình cũng bình thường. Thiết nghĩ nếu chúng ta cố chấp, rồi bất mãn, buồn phiền thì sẽ đánh mất tư cách của người tu. Nếu thật sự giải thoát, người ta đối xử thế nào, chúng ta cũng cho trôi về quá khứ. Thái độ xem thường, hay ghét bỏ của mọi người, chúng ta coi là túc nghiệp mình phải trả. Còn có phước báu thì sẽ được kính trọng. Đối với người thật tu, người ta kính trọng hay xem thường đều là chuyện bình thường, không có gì phải bận tâm để vui mừng hay phiền muộn; như vậy mới đạt được giải thoát.

Trong kinh Đại thừa, các hình tượng Bồ tát được tôn thờ là cư sĩ tại gia như các Bồ tát : Quan Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù Sư Lợi, Phổ Hiền, Di Lặc, Dược Vương, Dược Thượng, Thường Tinh Tấn, v.v… 99% Bồ tát mang hình thức cư sĩ tại gia, duy nhất có Bồ tát Địa Tạng mang hình thức xuất gia. Đó chính là điểm phân cực giữa Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Nguyên thủy.

Ngày nay, các nước như Thái Lan, Miến Điện, Campuchia, Lào… vẫn giữ truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, quốc vương cũng kính trọng chư Tăng. Sự tồn tại hình thức tôn trọng Tam bảo như vậy cũng rất tốt.

Trong khi Phật giáo Đại thừa coi trọng phước đức trí tuệ, cho nên thường chấp nhận và kính trọng những ai có giúp đỡ, cưu mang, dạy dỗ người khác, gọi đó là Bồ tát; chứ không đòi hỏi phải có hình thức xuất gia. Ví dụ, cha mẹ sinh ra và nuôi nấng chúng ta nên người, nên cha mẹ được coi là người ơn, là Bồ tát. Hoặc đối với Thầy bạn có công dạy dỗ chúng ta cũng được coi là ân nhân, là Bồ tát, dù thuộc hàng tại gia.

Với cái nhìn của Phật giáo Đại thừa rộng rãi và thoáng như vậy, Tam bảo, Phật Pháp Tăng vẫn tồn tại và phát triển; theo đó, Phật có ba thân là Sanh thân, Báo thân và Pháp thân. Sanh thân của Phật không còn, nhưng phước đức trí tuệ của Ngài, tức Báo thân vẫn còn, vì vẫn tác động mãnh liệt đến đời sống của hàng đệ tử Ngài trên thế gian này. Và Pháp thân Phật vẫn được phát triển rộng khắp năm châu bốn biển, không phải chỉ là giáo pháp Pháp thân, mà tất cả các pháp đều trở thành Pháp thân. Tinh ba này được triển khai cao tột trong kinh Hoa Nghiêm, một trong những bộ kinh lớn của Phật giáo Đại thừa, qua sự khẳng định rằng không có gì không phải là Phật, mới thực là Phật. Nếu suy nghiệm lại sẽ thấy rõ kinh Hoa Nghiêm muốn chỉ dạy chúng ta rằng mặc dù Phật bằng đá, bằng đất, bằng đồng, bằng giấy cho đến bằng vàng chăng nữa, cũng đều là biểu tượng hình thành nên Phật. Nói cách khác, tất cả mọi vật trên thế gian này đều làm thành Phật, vì gợi nhắc cho người ta phát tâm tu hành, sống theo lời Phật dạy và sẽ thành Phật trong tương lai.

Khi chúng ta hành đạo theo Đại thừa Phật giáo, tất cả mọi việc đều do tâm tạo ra. Bài kệ nổi tiếng của kinh Hoa Nghiêm mà hành giả Đại thừa nào cũng đều thuộc lòng và dùng làm kim chỉ nam cho mình trên bước đường thể nghiệm tinh ba của giáo pháp:

Nhược nhơn dục liễu tri,

Tam thế nhứt thiết Phật,

Ưng quán Pháp giới tánh,

Nhứt thiết duy tâm tạo.

Khi tâm chúng ta đã thanh tịnh, thì từ chơn như duyên khởi, các pháp đều thanh tịnh, cho nên tất cả các pháp đều thành Phật. Trái lại, tâm nhiễm ô sẽ duyên khởi các vật thành nhiễm ô, thành tội lỗi, thành chúng sinh.

Vì vậy, căn cứ trên tinh thần này, nếu nhìn ra bên ngoài mà thấy bất như ý, thì tự biết tâm chúng ta không thanh tịnh. Còn nhìn thấy tất cả muôn người, muôn vật, muôn sự đều dễ thương, là biết tâm chúng ta thanh tịnh.

Hôm nay là buổi hội ngộ cuối, trước khi anh em ra trường, chúng tôi chia sẻ một số kinh nghiệm. Nếu có duyên, chúng ta sẽ gặp lại, tiếp tục trao đổi sâu hơn.

loading...