Kinh Phật

Diễn thơ Kinh Di Giáo

Thứ năm, 17/07/2021 04:09

Kinh Di Giáo là lời dạy sau cùng của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni, trước khi Ngài nhập Vô dư Niết bàn.

Nội dung của Kinh Di Giáo là những lời dạy của đức Thế Tôn trước khi nhập diệt. Lời lẽ đã tha thiết, ý nghĩa lại sâu xa và thực tế.

Nội dung của Kinh Di Giáo là những lời dạy của đức Thế Tôn trước khi nhập diệt. Lời lẽ đã tha thiết, ý nghĩa lại sâu xa và thực tế.

Dưới đây là nội dung Kinh Di Giáo sau khi được diễn thơ, mời quý độc giả cùng đọc:

I. Dẫn nhập (giới thiệu Kinh):

Phật xưa sắp nhập Niết Bàn,

Để lời Di Giáo vài hàng dạy răn.

Vua Đường sắc chỉ Ni Tăng,

Cùng quan ngũ phẩm phải hằng xét soi.

Nếu ai phạm luật truyền roi,

Phải thường khuyên nhủ, hãy noi gương hành.

Người tu hãy khá y hành.

II. Tựa Kinh:

Lời Phật Di Giáo đành rành kinh thư.

Sơ chuyển A-Nhã Trần Như,

Tối hậu Tu Bạt Thiện Từ đả la. (Tu bạt đà là thiện hiền)

Tại rừng song-thọ Sa-La. (cây kiên cố hoa rất thơm)

Nữa đêm yên lặng Thích Ca Niết Bàn.

Phật truyền di giáo vài hàng,

Dặn dò tứ chúng thẳng đàng hành y.

III. Phần chánh tông

Thứ nhất giới luật nhớ ghi

Như Thầy, như Phật đang thì bên ta

Các nghề tránh nghiệp xấu xa,

Uống ăn thanh tịnh, lọc tà nơi tâm.

Không nên bói quẻ xin xăm,

Bùa mê, luyện chú dễ lầm đường ma

Sống trong chánh niệm vậy mà,

Tu cầu giải thoát mới là đẹp xinh.

Giới răn luôn sớm chặt gìn

Sanh ra định huệ, trí minh hiện bày.

Nhắn cùng khắp cả gái trai,

Nếu không giữ giới sắc tài đều tan

Giới là cội gốc tâm an,

Giúp người an trụ vững vàng đường tu.

Không còn luân chuyển vạy ngu,

Đức sanh, định huệ thoát tù thế gian.

Thứ hai: Chế Tâm vững vàng,

Giữ gìn năm cửa một đàng thẳng ngay.

Không theo ngũ dục trần ai,

Như người cưỡi ngựa cầm hoài dây cương.

Phải nên chế ngự cho thường

Hớ hênh một chút lạc đường tà mê.

Tâm viên ý mã đáng ghê,

Chớ nên phóng dật thảm thê muôn đời.

Rơi vào hố thẳm chơi vơi,

Chìm trong ngũ dục bể đời khó ra.

Người tu cần phải tránh xa,

Thấy nghe thường trụ chế tà nơi tâm.

Dù cho đi đứng ngồi nằm

Người tu phải nhớ âm thầm siêng năng.

Thứ ba: tiết thực uống ăn

Vừa no đủ ấm để hằng lo tu.

Tham ăn trí huệ ám u,

Đầy hơi nặng bụng lu bù khó tiêu.

Thứ tư: Chớ ham ngủ nhiều

Siêng năng tu tập học điều thậm thâm.

Loại trừ rắn độc tà tâm,

Nhơn ông làm chủ mới hòng thảnh thơi.

Phải biết hổ thẹn người ơi (Tàm Quý)

Đừng cho lục tặc hại đời khổ đau.

Thứ năm: nóng giận chừa mau,

Phải thường nhẫn nhịn trước sau trong ngoài.

Giận hờn gây lắm nạn tai,

Người thân xa lánh, người ngoài ghét ganh.

Gây ra bao nghiệp bất lành,

Thiêu tan công đức tập tành từ lâu.

Giận là tên cướp đứng đầu,

Lấy đi trí huệ đức mầu người ta.

Người tu cần phải tránh xa,

Không tham, không giận mới là khôn ngoan.

Thân ta là giả chẳng màng,

Chấp chi nặng nhẹ thế gian làm gì.

Bỏ đi tham ác, sân, si.

Hườn nguyên bổn tánh đến đi nhẹ nhàng.

Thứ sáu: Kiêu mạn bất an,

Thường nên khiêm tốn thẳng đàng từ bi.

Xoa đầu và tự nhớ ghi,

Người tu bỏ hết những gì thế gian.

Sao còn ngạo mạn khoe khoan,

Để cho thế tục nhìn ngang tức cười.

Hạ mình khiêm tốn ai ơi,

Sáu trần vô trụ thảnh thơi tâm mà

Thứ bảy: siểm khúc nịnh tà,

Người tu trừ tiệt mới là khôn ngoan.

Nói làm ngay ngắn thẳng đàng,

Không dùng chiêu lạ tráo hàng mị dân.

Giữ tâm đoan chánh siêng năng,

Đạo đời hai mặt rất cần lòng ngay.

Thứ tám: thiểu dục hành ngay,

Ít lòng ham muốn thường ngày lo tu.

Ham nhiều trí não vạy ngu,

Dễ sanh siểm-khúc giao du với đời.

Người tu ít muốn ai ơi,

Thấy nghe như thị đắc nơi Niết Bàn.

Thứ chín: Tri túc an nhàn,

Sống tâm biết đủ Niết Bàn là đây.

Không còn khổ não tạo gây,

Không còn năm dục khiến sai tâm mình.

Biết đủ nhà lá rộng thinh,

Nếu không biết đủ Thiên Đình chẳng vui.

(Tri túc tri nhơn tuy ngoạ địa thượng, du vi an lạc. Bất tri túc giả, tuy xử thiên đường, diệc bất xứng ý).

Giàu không biết đủ ngậm ngùi,

Nghèo mà biết đủ an vui vậy thì.

Thứ mười: tu hạnh viễn ly,

Xa nơi huyên náo thực thi tâm thiền.

Ở nơi tựu hội bất yên,

Dễ sanh ô nhiễm dễ ghiền trần ai.

Muốn nên kim phải giũa mài,

Giữ tâm tịch tĩnh thường ngày lo tu.

Gần mực dễ bị ám u,

Gần đèn trí huệ thoát tù thế gian.

Mười một: Tinh tấn luận bàn,

Siêng năng hành đạo vững vàng đường tu

“Thí như tiểu thuỷ trường lưu

Tắc năng xuyên thạch” công phu miệt mài.

Không màng thế lực của ai,

Không màng danh lợi sắc tài thế gian.

Một lòng tinh tấn thẳng đàng,

Ghét ưa chẳng dính Phật đàng được lên.

Mười hai: Chánh niệm chớ quên

Nhớ điều chân chánh dưới trên thuận hoà.

Trì tâm lục tự Di Đà,

Không còn sanh khởi niệm tà ghét ưa.

Thất tình lục dục khá chừa.

Chư phiền não tặc không lừa được tâm.

Thấy nghe như thị không lầm,

Thì là lục tặc không tầm hại ta.

Như người nhập trận bao la,

Tắc vô sở uý gọi là bất vong.

(thí như trước khải nhập trận, tắc vô sở uý. Thị danh bất vong niệm.)

Mười ba: Thiền định nơi lòng,

Nhiếp tâm tự chủ bất tòng ngoại duyên.

Sáu trần vô trụ là Thiền,

Tâm tắc tại định thấy liền Nhơn Ông.

 Nhơn Ông thường trụ cõi lòng,

Căn trần sanh diệt bụi hồng thế gian.

Vô sanh tâm ấy Niết Bàn

Thường đương tinh tấn an nhàn định sanh.

Như người giữ nước đê canh,

Không cho rỉ chảy tâm thành huệ khai.

 Mười bốn: Trí huệ hiện bày,

Tức không tham đắm trần ai cõi hồng.

Thường tự tỉnh sát nơi lòng,

Chẳng để sai sót ở trong tâm mình.

Y theo Pháp Phật chặt gìn,

Năng đắc giải thoát, tử sinh  chẳng sờn.

Lời Phật thệ hải minh sơn:

Nếu không được vậy “phi nhơn phi đời”.

(nhược bất nhĩ giả, ký phi đạo nhơn,hựu phi bạch y, vô sở danh dã.)

Trí huệ công năng tuyệt vời,

Như Thuyền to lớn đưa người vượt qua.

Không còn sanh tử bệnh già,

Như ngọn đèn lớn sáng nhà vô minh.

Như là thuốc quý hồi sinh,

Như cây kiếm huệ chặt tình ghét ưa.

Như chiếc rìu bén đốn cưa

Ngã cây phiền não sớm trưa an nhàn.

Văn, tư, tu tập vững vàng,

Làm tăng ích lợi muôn ngàn người tu.

Tuy người mắt thịt phàm phu,

Nhưng có trí huệ thoát tù thế gian.

Mười lăm: bất hý luận bàn,

Nói chơi tán loạn bất an tâm mình.

Trở về bổn tánh vô sinh,

An vui tịch diệt nghe nhìn như nhiên.

Ngoài thì vô trụ muôn duyên

Trong thì tịch tịnh trí hiền nhơn Ông.

Mười sáu: tự miễn hết lòng,

Thường tự gắng sức cố công tu hành.

Bỏ đi cái tánh bất lành,

Xa lìa năm dục thật hành siêng năng.

Dù cho ở chốn thiền tăng,

Hoặc là giữa chợ cũng hằng hành y.

Thường tự gắng sức thọ trì,

Siêng năng tu tập thoát ly nghiệp trần.

Đừng để uổng phí nhân thân,

Để sau hối tiếc ăn năn muộn màng.

Phật như người khéo chỉ đàng,

Hành nhân phải tự bước sang đến nhà.

Nếu không đi lỗi tại ta,

Chớ nên trách Phật vậy mà chẳng linh.

Mười bảy: dứt bỏ nghi tình,

Chơn lý tứ đế chưa tin hỏi liền.

Khắp trong chúng hội hiện tiền,

Ai còn nghi hoặc thì liền hỏi mau.

A-nậu-lâu-đà bước vào,

Liền bạch với Phật: Trăng sao thể dời,

Chơn lý của Phật muôn đời,

Bất di bất dịch vậy thời chẳng nghi.

Tin pháp tứ đế hành y,

Không còn nghi hoặc thoát ly ái hà.

Khổ, Tập, Diệt, Đạo đó là,

Chơn lý bất dịch thoát mà tử sanh.

Mười tám: độ thoát chúng sanh,

Những người được độ đắc thành A-La.(hán)

Vượt qua biển khổ Ta- Bà.

Chúng sanh hậu thế độ mà về sau.

Kệ kinh Phật đã truyền trao,

Tạo duyên độ chúng thoát rào tử sinh.

Mấy lời Phật dạy đinh ninh,

Trước sau được độ, vững tin thoát trần.

IV. Phần lưu thông:

Mười chín: thường tại Pháp thân,

Tứ chúng đệ tử ân cần hành y,

Pháp thân còn mãi nhớ ghi.

Còn thân tứ đại họp thì phải tan.

Đó là quy luật tuần hoàn,

Vô thường sanh diệt thế gian cõi trần.

Nay Ta sắp bỏ xác thân,

Dứt thân sanh tử, pháp thân thường còn.

Tứ chúng chớ có héo von,

Siêng năng tu tập chẳng còn tử sanh.

Hai mươi: kết luận đành rành,

Các ông hãy ráng thực hành siêng năng.

Động và bất động pháp trần,

Là tướng bại hoại phải cần bỏ đi.

Lời dạy sau cuối nhớ ghi,

Ta sắp nhập diệt vậy thì hành y.”

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

loading...