Kiến thức
Điều cốt yếu của đọc kinh, xem kinh, niệm kinh, trì kinh là gì?
Thứ sáu, 19/07/2023 04:00
Đọc tụng không có nghĩa là chỉ phát nên âm thanh ở cửa miệng câu kinh câu kệ in trong kinh sách mà không sáng tỏ được cái lý Phật dạy, người không biết chữ có đọc kinh được không?
Có nhiều từ thường dùng khác nhau như đọc kinh, xem kinh, tụng kinh, niệm kinh, trì kinh. Tuy khác nhau về chi tiết nhưng cùng có chung một mục đích giống nhau, đó là làm cho hành giả sáng tỏ cái lý của Phật, sáng tỏ nội dung ý nghĩa lời Phật dạy diễn tả trong bản văn được gọi là kinh.
Chi tiết khác nhau như sau: Đọc kinh bằng miệng, dù là đọc thầm không thành tiếng; xem kinh bằng mắt; tụng kinh là đọc nhiều lần cùng một câu, cùng một bộ cho đến khi nào thông suốt tỏ rõ được cái lý trong kinh; niệm kinh giống như niệm Phật là để cảm thấy ân huệ cứu độ của Phật, thường nói là tụng niệm và tụng kinh niệm Phật; trì kinh là bừng tỏ hiểu rõ được cái lý Phật dạy rồi đem áp dụng vào cuộc sống thực tại hàng ngày. Đọc kinh, xem kinh, tụng kinh chỉ là bước đầu để dẫn đến niệm kinh, trì kinh.
Có như vậy việc đọc kinh mới đạt được đạo quả viên mãn. Đọc tụng không có nghĩa là chỉ phát nên âm thanh ở cửa miệng câu kinh câu kệ in trong kinh sách mà không sáng tỏ được cái lý Phật dạy, ví như lý nhân quả, lý vô thường, vô ngã… Người không biết chữ có đọc kinh được không?
Dĩ nhiên, người không biết chữ không thể tự đọc lấy được chữ viết câu kinh in trong sách. Nhưng người này vẫn tiếp nhận được lời kinh, vẫn sáng tỏ được ý Phật bằng cách nghe người khác đọc hay thuyết giảng. Biết chữ thì đọc không biết chữ thì nghe. Điều cốt yếu là đọc thì phải thấy.
Cái thấy là mục tiêu cần đạt tới, cái đọc hay cái nghe chỉ là phương tiện để cho hành giả tùy nghi sử dụng thích hợp với khả năng cảm nhận của mình, phương tiện nào cũng tốt cả một khi đạt đến mục tiêu. Lục Tổ Huệ Năng không biết chữ, chỉ nghe kinh người khác tụng rồi ngộ đạo thành Tổ là một bằng chứng cụ thể rõ ràng, không còn nghi ngờ gì nữa.
<< Dữ liệu Kinh Phật trên Phatgiao.org.vn dành cho Quý Phật tử phát tâm trì tụng.