Kiến thức
Điều kiện nào cho chữ hiếu? (2)
Thứ hai, 26/08/2023 08:55
Bạn thử một lần lấy giấy bút ra và ghi lại những gì đã nhận được từ cha mẹ trước khi quyết định sẽ cắt đứt quan hệ với họ. Tôi hy vọng các bạn sẽ có suy nghĩ đúng đắn để đừng bao giờ phải hối tiếc vì quyết định của mình.
Điều kiện nào cho chữ hiếu? (1)
Cần điều kiện để thực hiện hiếu hạnh?
Thế nên dù chúng ta hiểu rằng đạo hiếu như trong nhiều bài viết trước đây chúng tôi đã nói rõ là phi thời gian, phổ quát và vô điều kiện thì cũng phải hiểu nó đòi hỏi từ hai phía. Cha mẹ phải yêu thương những đứa con của mình - cả những đứa trẻ tật nguyền, tự kỷ, down, chậm phát triển ... – bằng hay thậm chí nhiều hơn những đứa con bình thường vì chúng sinh ra với một cơ thể hay tâm hồn bất toàn, để chúng có thể lớn lên trong yêu thương và đủ trí khôn đễ đáp đền chữ hiếu như những đứa con khác. Một người bạn tôi, BS Đỗ Hồng Ngọc có lần nói: “Cha mẹ đừng bắt các con phải báo hiếu khi lớn lên vì ngay khi sinh ra nó đã báo hiếu bằng cách đem lại cho chúng ta niềm vui mỗi ngày khi được chơi, đùa nhìn ngắm nó"
Tôn giả Mục Kiền Liên, một trong số ít đệ tử xuất chúng của Đức Phật, có thần thông đệ nhất. Khi tưởng nhớ tới người mẹ đã qua đời của mình, ngài dùng thần thông quan sát “bốn phương tám hướng và thấy mẹ đang chịu cảnh tội đồ, thân thể gầy héo, khổ đau. Dù biết đó là do kết quả của thói tham lam, độc ác mẹ đã gây nên, ngài vẫn không khỏi thương xót và tìm mọi cách cứu mẹ khỏi cảnh khổ dưới âm ty. Nếu ngài cho rằng mẹ phải trả quả cho những gì bà đã gây ra thì cũng... công bằng sao ?
Có người đã suy nghĩ lại, ân hận khi cha mẹ qua đời. Ngay nhiều độc giả khi được thăm dò ý kiến cũng khẳng định việc con cái lấy oán hận để trả lại những bất công mà cha mẹ gây ra không bao giờ là điều đúng đắn.
Ngay người viết những đoạn văn nói trên sau này cũng suy nghĩ lại: “Mẹ tôi đã qua đời đầu năm nay. Tôi vô cùng đau xót và hối hận. Tôi ước gì mình đã bao dung hơn và ghi nhận những gì tôi đã nhận được từ mẹ. Ít ra tôi cũng được ăn học và lớn lên đàng hoàng. Ít ra khi tôi bệnh, lúc tôi còn nhỏ mẹ cũng đã chăm sóc. Nếu không thì làm sao tôi có thể lớn lên được như ngày hôm nay ? Nhưng khi mẹ còn sống, những oán giận đó đã chiếm hết tâm trí, tôi không thể quên những bất công và đòn roi đã phải nhận trong quá khứ”.
Phải ước gì mình bao dung hơn! Bạn thử một lần lấy giấy bút ra và ghi lại những gì đã nhận được từ cha mẹ trước khi quyết định sẽ cắt đứt quan hệ với họ. Tôi hy vọng các bạn sẽ có suy nghĩ đúng đắn để đừng bao giờ phải hối tiếc vì quyết định của mình. Nếu bạn cắt đứt quan hệ với cha mẹ, bạn có áy náy về việc mang tiếng là bất hiếu không, chưa kể con cái bạn sẽ đối xử với bạn như cách bạn đối xử với ba mẹ.
Công sinh thành và dưỡng dục, dù ít hay nhiều, liệu bạn đã trả hết chưa ? Một người có học và tâm rộng lớn sẽ thấy mình được may mắn hơn rất nhiều người khác. Chỉ những người ích kỷ, nhỏ nhen và vô ơn mới có suy nghĩ từ bỏ cha mẹ đã sinh ra mình. Có độc giả viết: “Ba tôi cũng là người trọng nam khinh nữ, từng nói thẳng với tôi rằng toàn bộ tài sản chỉ để cho con trai (anh tôi), bởi tôi là nữ, không phải người nối dõi tông đường... (lúc tôi 13 tuổi). Nghe điều đó, tôi cũng rất buồn, nhưng sau đó mọi việc tôi đều tự lực, thành công là sự nỗ lực của bản thân.
Gần 20 năm nay, tôi là người lo hết mọi việc cho cha mẹ, vẫn vui vẻ báo hiếu, lòng thanh thản, cũng chẳng oán giận ai bao giờ... Hiện tại, tôi lo tất tần tật cho cha mẹ (họ đã trên 90 tuổi). Tôi nổi tiếng là người con có hiếu, con dâu hiền thảo, người mẹ hy sinh...
Bây giờ, tôi sống thanh thản, vui vẻ tuổi xế chiều. Tôi không ủng hộ cha mẹ đối xử không công bằng với con cái nhưng cũng không đồng tình với việc con cái lấy bất hiếu để trả nợ bố mẹ. Vì tôi tin chẳng có cha mẹ nào hoàn hảo cả. Ai cũng có khuyết điểm mà thôi. Nếu cha mẹ nào cũng có khuyết điểm, vậy con cái chúng ta đều lìa bỏ hết hay sao? Nếu bạn thấy “muốn sống”, bạn sẽ phải cảm ơn họ trước hết vì đã “cho bạn vào đời” và để bạn được sống. Cái ơn này bạn trả cách nào cũng không hết”.
(còn tiếp).
Nguồn: Thiện Tâm.