Sách Phật giáo

Định hướng cho chư ni trẻ trong công tác giáo dục mầm non

Thứ hai, 18/11/2017 05:19

Ngành giáo dục mầm non đã khẳng định “hình thành ở trẻ những cơ sở đầu tiên của nhân cách con người mới XHCN là hướng tới đào tạo cho thời đại mới, một thời đại tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ thông tin. Những con người có nhân cách phát triển, có đủ cả hai mặt “tài và đức”, trong đó đạo đức luôn được đề cao, bởi nó là chuẩn mực, là thước đo để đánh giá sự trưởng thành của một con người".

1. Đôi nét về quá trình phát triển giáo dục mầm non Phật giáo mẫu giáo

Mầm non Phật giáo là môi trường học thân thiện, hướng trẻ đến với đời sống đạo đức mẫu mực, tập cho các em có kỹ năng sống tốt, nuôi dưỡng lòng từ bi trong các em để hình thành nên nhân cách tốt trong quá trình trưởng thành, hướng các em đến con đường thánh thiện. Vì thế, để đáp ứng được nhu cầu dạy ở các trường mầm non Phật giáo, vào năm 1992, Ban TTXH TƯ đã kết hợp với Trường Cao đẳng Sài Gòn đào tạo chuyên ngành mầm non cho hơn 100 chư ni và phật tử tại các tỉnh, thành về học tại Thiền viện Quảng Đức, quận 3, Tp.HCM. Từ đó, các sư cô đã được trực tiếp tham gia công tác giáo dục mầm non Phật giáo ở các tỉnh thành.

Ngành giáo dục mầm non Phật giáo chính thức đi vào hoạt động dưới hình thức nuôi dạy các trẻ em cơ nhỡ, mồ côi, khó khăn. Ngoài ra, một số tự viện đã xây dựng cơ sở trường mầm non tư thục (dân lập), và hoạt động dưới sự quản lý của Bộ GD & ĐT. Tuy nhiên, số lượng trường lớp còn hạn chế rất nhiều so với nhu cầu xã hội hiện nay. Vì thế, ngành GDMN luôn là chương trình hoạt động phật sự chính thức của Phân ban Ni giới. Mỗi lần hội họp, phật sự tại tỉnh, thành, Ban Thường trực Phân ban Ni giới TƯ không ngừng khuyến khích chư ni trẻ quan tâm đến chuyên ngành này, đồng thời cũng kêu gọi các vị trụ trì, quan tâm đầu tư trường, lớp, hỗ trợ chư ni, phật tử học và tham gia công tác nuôi dạy trẻ mầm non.

Ban TTXH đã thành lập và duy trì được nhiều trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, lớp học tình thương cho đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhưng, chúng ta chưa chú trọng đến giáo dục trẻ em trong các gia đình có điều kiện bình thường, dù phụ huynh rất có nhu cầu đưa con đến học tại các lớp mẫu giáo do các tự viện tổ chức nuôi dạy. Theo tôi, muốn xây dựng trường thì phải có giáo viên chuyên môn và hết lòng yêu mến trẻ, thiết tha vì sự nghiệp giáo dục của đất nước.

Hiện nay, trường mầm non dân lập Họa Mi I (chùa Giác Tâm, Q.Phú Nhuận) chúng tôi có các sư cô được tốt nghiệp cử nhân sư phạm mầm non, vừa tham gia công tác quản lý, vừa trực tiếp đứng lớp giảng dạy, nhờ các sư cô có tâm huyết yêu nghề mến trẻ mà trường hoạt động khá ổn định hơn hai mươi năm qua. Tuy nhiên, cũng phải hợp đồng thêm với cô giáo bên ngoài mới đáp ứng nhu cầu của học sinh. Thông qua khảo sát thực tế, trường Mầm non Bán trú Tịnh Nghiêm, tỉnh Tiền Giang hiện nay đang nuôi dạy cho 220 cháu con nhà nghèo, người lao động tại địa phương với 20 cô giáo, nhân viên. Tuy nhiên, ngoài Ni trưởng với cương vị là chủ trường thì chỉ có 3 sư cô làm công tác quản lý chuyên môn, trực tiếp đứng lớp đều do các cô giáo bên ngoài đảm nhiệm.
 Sư cô đứng lớp ở trường Mầm non Dân lập Họa Mi I
Đây là ngôi trường mầm non từ thiện miễn phí hoàn toàn, do Ni sư Tịnh Nghiêm, Trưởng Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo Tiền Giang, Trụ trì chùa Tịnh Nghiêm sáng lập. Đa số các bé đến học là những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện đến trường như bao trẻ thơ khác. NT.Thích nữ Như Minh, Trưởng Ban TTXH GHPGVN Thừa Tiên Huế cho biết, tại Thừa Thiên Huế, Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội rất đồng thuận về xây dựng hệ thống giáo dục mầm non Phật giáo nhưng vì những khó khăn về nội tại cũng như ngoại tại nên không phát triển mạnh như mong muốn. Hiện nay, hệ thống trường mẫu giáo tại huyện Phú Lộc, Phú Vang, Hương Thủy, Tp.Huế do chư ni điều hành có 175 lớp với 5.282 cháu.

Ngoài ra, một số tỉnh thành như: Lâm Đồng, Ninh Thuận, Tiền Giang, Đồng Nai, Tp.HCM đang duy trì trường, lớp mầm non Phật giáo dưới hình thức tư thục, nhưng còn hạn chế rất nhiều về mọi mặt. Thực tế, hệ thống trường mẫu giáo, mầm non do các tự viện Phật giáo quản lý chỉ điều hành và quản lý bởi những cá nhân tâm huyết đối với giáo dục Phật giáo chứ chưa có sự chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương Giáo hội. Nhiều chùa đã phát động và tài trợ kinh phí xây dựng trường mầm non nhưng xây dựng xong lại bàn giao cho cho địa phương quản lý. Thật đáng tiếc, nếu những ngôi trường này điều động chư ni về trực tiếp quản lý, nuôi dạy thì chắc chắn hiệu quả giáo dục sẽ khác hơn, hướng trẻ đến gần với giáo lý Phật giáo một cách dễ dàng hơn.

Với tâm huyết xây dựng một thế hệ măng non thấm nhuần giáo lý Phật đà, Ni trưởng Tịnh Nguyện cũng đã thành lập trường mầm non Tuệ Uyển tại chùa Bước Chân Tuệ Uyển (Long Thành, Đồng Nai). Trường này phần nhiều dành cho gia đình công nhân khó khăn, nhưng trường cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. So với nhu cầu hiện nay, trường mầm non Phật giáo là mảnh đất để trống chưa được đầu tư đúng mức, cung chỉ là phần nhỏ so với nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận chất lượng của những trường mầm non do Phật giáo thành lập, điều hành cũng như nhu cầu thực tế ngày càng nhiều của xã hội, Phật giáo hãy mạnh dạn đầu tư hệ thống trường mầm non và chư ni sẽ là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý giáo dục.

2. Mục tiêu giáo dục trẻ mầm non

Mục tiêu giáo dục trẻ mầm non là hướng trẻ đến cái chân - thiện - mỹ, mục đích là truyền đạt tâm thiện, lễ giáo, hiếu đạo, tình thương yêu và sự tự tin cho các em nhỏ trong thế giới tuổi thơ… Những giá trị sống căn bản phù hợp mà không cần áp đặt tôn giáo. Giáo dục trẻ ở lứa tuổi mầm non với tinh thần phục vụ xã hội, vì cộng đồng, vì tương lai của trẻ em, việc nuôi dạy trẻ thơ của quý ni sư đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, rất đáng trân trọng. Tạo nền móng đạo đức cho các em là điều vô cùng cần thiết, chẳng những giúp cho việc xây dựng gia đình hạnh phúc của các bậc phụ huynh, mà còn đóng góp vào sự an bình và phát triển của xã hội. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những trường mẫu giáo của Phật giáo còn rất ít và chỉ mang tính cách đơn lẻ.

Thực ra, các chùa mở trường mầm non có nhiều ưu điểm như: con em phật tử có môi trường đến học khỏi vào trường của các tôn giáo khác, giúp đỡ một số gia đình con em nghèo không có tiền để đóng học phí, tạo duyên cho các phụ huynh có dịp tiếp xúc với chùa. Các cháu được học trong môi trường tốt sẽ nâng cao phẩm chất đạo đức và huân tập hạt giống từ bi hơn. Chúng ta biết rằng, tâm hồn trẻ em ngây thơ, trong trắng như tờ giấy trắng. Vì vậy, khi các cháu chập chững bước vào mẫu giáo, bắt đầu tiếp xúc với nếp sống tập thể cùng các bạn, cần được gieo trồng vào tâm trí các cháu những lời nói dễ thương, những cử chỉ thân thiện, biết chia sẻ và giúp đỡ những người xung quanh, biết việc nào nên làm việc nào hông nên làm, biết hòa hợp với mọi người, biết sống vì người khác...

Đây chính là mục tiêu để hoàn thiện một mẫu người lý tưởng mà thời đại nào cũng cần, xã hội nào cũng ưu ái. Ngành giáo dục mầm non đã khẳng định “hình thành ở trẻ những cơ sở đầu tiên của nhân cách con người mới XHCN là hướng tới đào tạo cho thời đại mới, một thời đại tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ thông tin. Những con người có nhân cách phát triển, có đủ cả hai mặt “tài và đức”, trong đó đạo đức luôn được đề cao, bởi nó là chuẩn mực, là thước đo để đánh giá sự trưởng thành của một con người".

3. Vai trò ni trẻ trong công tác giáo dục mầm non
3.1 Tinh thần dấn thân: 

Các sư cô tham gia công tác chăm sóc nuôi dạy cho các cháu gặp không ít khó khăn trong công việc chăm sóc nuôi dạy, nhất là dạy những môn nghệ thuật, hát múa... Theo tinh thần giới luật của Phật giáo là hành giả tu tập phải nghiêm trì giới luật không được múa hát, hoặc biễu diễn các môn nghệ thuật, nên khi các sư cô khi dấn thân vào chuyên ngành này còn nhiều bỡ ngỡ bởi không quen. Hoặc là xử lý các tình huống bất như ý xảy ra, như các cháu tinh nghịch chơi với nhau u đầu trầy xước lại bị trách móc “sao không có trách nhiệm?” từ các bậc phụ huynh. 

Cho nên, ngoài sự yêu nghề mến trẻ các cô còn phải học cách xử lý các tình huống để đem lại sự an toàn cho trẻ và sự yên tâm của các bậc phụ huynh, trách nhiệm và bổn phận rất lớn… Các cô phải hy sinh rất nhiều mới làm được. Vì mục đích dẫn dắt và hoàn thiện thế hệ măng non trở thành người hữu ích, chúng ta phải hy sinh nhập thế cứu đời. Nhiều sư cô có thâm niên trong nghề với vai trò bảo mẫu, giáo viên đứng lớp, quản lý, chủ trường… cho rằng đã bước chân vào lĩnh vực giáo dục mầm non Phật giáo này thì phải kiên trì và nhẫn nại.

Dĩ nhiên, yêu nghề thì sống với nghề và cảm nhận được niềm vui trong nghề. Có nhiều sư cô tâm sự rằng, dạy trẻ có rất nhiều niềm vui, nó làm cho mình trẻ lại và mọi suy nghĩ cũng trở nên đơn giản hơn. Nhiều khi mệt mỏi, bực mình nhưng nghe những lời thỏ thẻ hỏi thăm của các cháu, hoặc nhìn các cháu vui chơi với nhau thì lòng nhẹ nhỏm, vui lên, bao nhiêu mệt mỏi cũng tan biến mất. Mối quan hệ giữa cô và trò, phụ huynh, nhà trường càng được thắt chặt hơn, thân thiện hơn, hiểu và thông cảm nhau hơn. Tiễn lớp này đi, nhận lớp khác vào, xa lạ mấy cũng trở thành thân quen... điều này tạo nên chất liệu sinh động trong đời sống tu tập và hòa nhập của giới trẻ hiện nay.
Trường Mầm non Bán trú Tịnh Nghiêm, tỉnh Tiền Giang

3.2 Tinh thần trách nhiệm:

Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Chúng ta biết rằng đứa trẻ khi mới sinh ra, tâm hồn đứa trẻ như tờ giấy trắng. Dưới sự giáo dục của người lớn thì các giá trị đạo đức mới bắt đầu hình thành và phát triển. Nếu trong giai đoạn này đứa trẻ không được dạy dỗ uốn nắn tốt thì sau này khó có thể trở thành một công dân tốt, một con người tốt trong xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Muốn đào tạo thế hệ trẻ thành những công dân tốt, cán bộ tốt, điều trước hết phải dạy cho trẻ hiểu biết về giá trị đạo đức”. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng: Ở 80% trẻ, tư cách đạo đức đã được hình thành trong 6 năm đầu tiên của cuộc đời, tức là thời kỳ đi học ở trường mầm non. Những hành vi đạo đức sau này hầu như chỉ là sự kế thừa, đi theo con đường mà giai đoạn trước đã hình thành. Như vậy, việc giáo dục đạo đức cho trẻ mầm non, đặc biệt là ở tuổi mẫu giáo là một việc làm rất cần thiết và cấp bách.

4. Nội dung giáo dục

Giáo dục mầm non là bộ phận trong hệ thống giáo dục quốc dân. Mục tiêu của giáo dục mầm non là giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp một.(1)

Mô hình học tập đa hoạt động là sự kết hợp giữa chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD&ĐT với những cách tiếp cận giáo dục hiện đại, trong đó tập trung vào:

- Vấn đề lễ giáo: chào hỏi lễ phép, học hạnh hiếu thảo, biết thương yêu kính trọng ông bà cha mẹ và những người lớn hơn mình. Nhận thức cá nhân: trẻ hiểu được bản thân trong mối quan hệ với gia đình, nhà trường và cộng đồng rộng lớn hơn.

- Tinh thần cộng đồng: giúp trẻ biết chia sẻ, nhường nhịn, chủ động, biết hơp tác và học tập lẫn nhau, biết xin lỗi và nhận lỗi khi có lỗi.

- Phát triển toàn diện và hài hòa: tư thể chất, tri thức đến tình cảm - xã hội và óc thẩm mỹ, giúp trẻ hình thành tâm thế nền tảng để có thể tự tin bước vào bậc Tiểu học. 

Ngoài ra, chúng ta có thể lồng ghép các chương trình “Phật pháp vào đời”: gồm các nội quy như “Ba Điều Luật Của Ngành Oanh Vũ”, có các bài sám văn “Lời Cầu Nguyện Buổi Sáng”, “Lời Khấn Nguyện”, “Đức Phật Từ Bi”,“Vè đức Phật”... và những câu chuyện hiếu thảo về cuộc đời đức Phật, và những ca khúc mang giai điệu yêu thương như: “Niềm An Vui”, Em Đến Chùa”, “Em Mừng Phật Đản Sanh”, “Lòng Hiếu Thảo Của Chim Oanh Vũ”... Các em học chương trình này không chỉ bản thân các em ngày càng thấm nhuần giáo lý Phật đà mà còn cảm hóa được ba mẹ các em khi chưa biết đi chùa. Rồi đến những ngày lễ lớn, các bé đòi ba mẹ chở đi chùa, ba mẹ bắt buộc phải đi cho dù có bận công việc. Như thế “mưa lâu thấm đất”, dĩ nhiên trong cuộc sống tất bật của cơm áo gạo tiền đôi lúc làm cho con người mệt mỏi, đi chùa gặt hái được nhiều niềm vui và sự thanh thản, ai cũng thích.

Ở trường chúng tôi (mẫu giáo Họa My 1), đa số những người đến với đạo Phật là nhờ con em đến chùa học. Và bây giờ khi các bé lớn rồi, những học sinh học từ cấp 1,2,3 cho đến đại học, các em thường xuyên về chùa thăm các cô giáo (sư cô), nhất là những ngày lễ lớn, các em tập trung về chùa phục vụ rất nhiệt tình. Có em thì đã lập gia đình và đem con vào học lại. Và cứ như thế, lớp này đến khác, chùa là nơi mà mọi người đặt niềm tin trong vấn đề trồng người.

Mới đây, ngày 15/08 trường chúng tôi đạt danh hiệu giáo dục chuẩn mực cấp Quận do phòng GD &ĐT quận Phú Nhuận khen tặng. Đây là niềm động lực của chúng tôi và là niềm tin yêu nghề của các cô giáo (sư cô), tôi hy vọng rằng giáo dục mầm non Phật giáo có sức lan tỏa và ngày càng vững mạnh hơn.

5. Phương hướng hoạt động và những khó khăn hiện nay

Thực tế, mô hình giáo dục mầm non Phật giáo còn rất ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Đứng trước yêu cầu bức thiết của công tác giáo dục trẻ mầm non một cách có quy mô và hệ thống. Vừa qua, Học viện PGVN tại Tp.HCM chấp nhận đề nghị của Phân ban Ni giới TƯ, đã kết hợp với Trường Đại học Sư phạm Tp.Hồ Chí Minh tuyển sinh đào tạo cử nhân sư phạm mầm non học tại Học viện (Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận), hệ vừa học vừa làm, niên khóa 2014-2018 dành cho đối tượng chư ni và nữ phật tử, có khoảng 70 học viên. Khóa học sẽ kết thúc vào năm tới, tôi hy vọng các vị này sau khi tốt nghiệp bắt tay ngay vào công tác nuôi dạy các em ở các trường mầm non.

6. Kết luận

Hiện nay, với chính sách xã hội hóa giáo dục, Nhà nước đã có chủ trương khuyến khích tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng mở cơ sở giáo dục mầm non để cùng gánh vác trách nhiệm với xã hội và cũng để đáp ứng nhu cầu học tập của con em phật tử. Học viện Phật giáo cũng sẽ không ngừng lại ở khóa này, mà tiếp tục mở các khóa sau đào tạo nhiều hơn nữa đội ngũ chư ni trẻ cử nhân sư phạm mầm non. Những điều thuận lợi này đã mở ra cho chư ni và nữ phật tử cơ hội dấn thân trên con đường thực hiện hạnh Bồ Tát đạo.

Chú thích:
(1) Điều 22 - Luật Giáo dục, 2005

Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII
Ni trưởng Thích Nữ Huệ Từ - UV TT HĐTS, Phó Trưởng Ban Từ thiện Xã hội TƯ GHPGVN
loading...