Kiến thức
Do đâu mà người đời lại sanh lòng đố kỵ?
Chủ nhật, 16/10/2023 04:00
“Nam nhân nhìn thấy người khác có công danh thì đố kỵ, nhìn thấy người khác giàu sang cũng đố kỵ. Địa vị mà gần với mình thì tâm đố kỵ cũng sinh ra. Sợ người khác chen lấn mình. Tài năng cao hơn mình cũng đố kỵ”.
“Đố kỵ thì nam lẫn nữ đều có”, đây là thường tình của con người. Trong chú giải cũng có tổng kết rằng: Đều là do tâm lượng quá nhỏ, đều là do lòng dạ nông cạn, hẹp hòi mà ra.
Chúng ta ngày nay nói là tâm lượng quá nhỏ, không thể bao dung người khác. Đây đều là do việc học chưa có căn bản, học mà không được thọ dụng. Nếu chân thật học vấn có nền tảng và thọ dụng thì sẽ giống như lời Phật nói: Không những không đố kị, không ngạo mạn; khiêm hư mà còn có thể tu tùy hỷ công đức. Nhìn thấy người có tài năng cao hơn mình thì nhất định có thể nhường lại cho người tài, không có chuyện đi cạnh tranh. Anh làm tốt hơn tôi thì tôi phải nhường cho anh, chức quyền địa vị đều nhường cho anh. Vì sao vậy?
Chuyển hóa đố kỵ theo lời Phật dạy
Như vậy thì nhân dân mới được phước, xã hội mới được phước. Có thể vì chúng sanh mà suy nghĩ, vì xã hội mà suy nghĩ, vì nhân dân mà suy nghĩ thì bạn sẽ nhường. Đạo lý này chúng ta phải hiểu. Đây là đức lớn, là đại thành tựu. Vì sao vậy? Thành tựu của người khác chính là thành tựu của chính mình. Bản thân ta không bằng người, nếu chức quyền địa vị này không chịu nhường cho người khác là đang hại chúng sanh. Các vị hãy nghĩ đến nhân quả, nhân quả chính là đọa địa ngục.
Ta có thể nhường cho người khác, người khác làm tốt hơn ta, có thành tựu hơn ta thì đây chính là thành tựu của ta. Trong nhà Phật, Ấn Tông và Lục Tổ chính là một tấm gương rất tốt. Ấn Tông ở phương Nam là một cao Tăng đại Đức đương thời. Đồ chúng tín ngưỡng Ngài không biết bao nhiêu mà kể. Sau khi gặp được Lục Tổ, Ngài thế độ cho Lục Tổ. Ấn Tông là thầy thế độ cho Lục Tổ. Ngài biết Đại sư Lục Tổ Huệ Năng có đức hạnh và sự tu trì cao hơn mình. Sau khi thế độ xong, Ngài ngược lại còn bái Lục Tổ làm thầy. Đem địa vị nhường lại cho Lục Tổ để Đại sư Huệ Năng có thể giáo hóa hết thảy chúng sanh ở Phương Nam.
Các vị hãy nghĩ xem, thành tựu đó rốt cuộc là thành tựu của Huệ Năng hay là thành tựu của Ấn Tông? Thực tại mà nói, từ trên hình thức là thành tựu của Đại sư Huệ Năng, nhưng từ trên thực chất mà nhìn thì là thành tựu của Ấn Tông. Thành tựu của Ấn Tông quyết không thể thấp hơn của Huệ Năng. Đây là một đức lớn, người thông thường không thể làm được. Không phải là người có đức hạnh chân thật thì làm không được. Trong thế pháp thì chúng ta xem vào thời xưa có Quản Trọng và Bào Thúc Nha. Thành tựu của Quản Trọng kỳ thực là thành tựu của Bào Thúc Nha. Đó là việc nhường thành tựu lại cho người Hiền, mà bản thân mình không phải tốn công sức, người khác làm thay mình, đây chân thật là thành tựu.
Cho nên Phật dạy chúng ta tu “tùy hỷ công đức”. Tùy hỷ công đức chính là đối trị với những lỗi lầm ngạo mạn, đố kỵ. Trong xã hội hiện tại của chúng ta, bất luận là trong thế pháp hay Phật pháp, vẫn luôn khư khư giữ lấy chức vị của mình, đến chết cũng không nhường cho ai. Đây là lỗi lầm của tuyệt đại đa số.