Kiến thức

Đoạn dục, khử ái, trụ Không môn

Thứ năm, 28/02/2024 10:44

Trên bước đường tu, chúng ta phải đoạn dục, khử ái, trụ Không môn, không bị thiên nhiên và xã hội chi phối.

Tôi rất vui khi thấy Phật giáo tỉnh Long An đã có một bước tiến quan trọng, số lượng Tăng Ni kiết hạ an cư nhiều và chất lượng đào tạo cũng khả quan.

Mỗi năm, tại tổ đình này đều có khóa bồi dưỡng trụ trì và Tăng Ni các lớp Phật học cơ bản tỉnh nhà tốt nghiệp lên thành phố học cũng có nhiều người tốt nghiệp cử nhân và một số đi nước ngoài tiếp tục học vị tiến sĩ. Như vậy, chất lượng đào tạo kiến thức Phật học đã vượt bậc.

Tôi xin nhắc thêm một số ý. Việc học quý vị đã có, nhưng việc tu và hành Bồ-tát đạo cũng rất cần thiết, phải để tâm.

Từ khi Giáo hội thành lập, tôi được chư tôn đức cử làm Trưởng ban Hoằng pháp trải qua năm nhiệm kỳ, 26 năm. Nhưng nhiệm kỳ đầu, tôi chưa có điều kiện đi  giảng dạy. Đến nhiệm kỳ II, đất nước bắt đầu chuyển mình, tôi mới có điều kiện giảng dạy từ Cà Mau ra tận Móng Cái, miền Bắc.

Vì vậy, trong hai mươi mùa an cư, tôi không ở yên một chỗ, vì phải đi thăm các trường hạ và các bài nói chuyện với Tăng Ni các trường hạ, tôi đúc kết thành bộ sách “Hai mươi mùa an cư”. Vì số lượng lớn không đem theo được, tôi chỉ đem một số sách để tặng lãnh đạo trường hạ. Ban Trị sự tỉnh lập danh sách gửi đến Báo Giác Ngộ để nhận bộ sách này cho Tăng Ni có nhu cầu.

Về lãnh vực phát triển hoạt động Phật giáo của chúng ta ra nước ngoài, trong hai thập niên 80 và 90, trong tình hình chung của đất nước, bị các nước tư bản chống đối, nên tôi chỉ đi hoằng pháp đến các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa. Còn các nước Tây phương, phải đến năm 2000, tầm hoạt động của chúng ta mới có được mối quan hệ với nhiều nước và gần đây nhất, có hướng mở rộng, nên Giáo hội chuyển công tác cho tôi từ ngành hoằng pháp sang Phật giáo quốc tế, để chuẩn bị Lễ Vesak 2008.

Vào giai đoạn đó, tuy Phật giáo chúng ta còn thiếu thốn, nhưng đã nỗ lực tối đa trong việc tổ chức Lễ Vesak 2008 có trên 80 quốc gia đến tham dự. Họ đến vì muốn biết thêm nước xã hội chủ nghĩa có sinh hoạt tôn giáo như thế nào. Chúng ta biết tâm lý đó của họ và Nhà nước đã hỗ trợ cho việc tổ chức Đại lễ Vesak.

Tận mắt chứng kiến Đại lễ Vesak 2008, họ ngạc nhiên nói rằng không ngờ ở nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Phật giáo lại phát triển mạnh ngang tầm với các nước trên thế giới.

Và năm 2014, Giáo hội chúng ta một lần nữa tổ chức Lễ Vesak ở Bái Đính là thủ đô đầu tiên thời nhà Đinh. Dự lễ nơi này, họ nhận thấy Phật giáo Việt Nam có được ngôi chùa tầm cỡ quốc tế, có hội trường rộng lớn, khang trang, tiếp đón được nhiều đại biểu tham dự.

Vì vậy, có thể nói vị trí của Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế đã lớn mạnh và đặc biệt trong kỳ lễ Vesak này, Học viện Phật giáo chúng ta đã cấp bằng tiến sĩ danh dự cho đại biểu Phật giáo của châu Phi.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay đã có mối liên hệ thân thiện với các quốc gia trên khắp năm châu bốn biển và cũng có Tăng Ni có học vị thạc sĩ, tiến sĩ không ít.

Ở các giai đoạn trước, chúng ta nhận sự giúp đỡ của các nước bạn, nhưng ngày nay, chúng ta đã có khả năng giúp đỡ lại họ. Điển hình như trong đại nạn sóng thần xảy ra ở Nhật Bản, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã quyên góp tịnh tài, tịnh vật cho dân chúng bị nạn ở xứ Phù Tang. Lần này, chúng ta nghe tin Nepal, quê hương của Phật, bị nạn động đất rất lớn. Giáo hội Phật giáo Việt Nam lại tiếp tục vận động Tăng Ni, Phật tử ủng hộ để giúp họ vượt qua đại nạn.

Trước khi Giáo hội chúng ta sang Nepal, đã có các đoàn Tăng Ni, Phật tử nước ngoài đến giúp đỡ nhân dân Nepal. Nhưng lần này, chúng ta có đoàn chính thức và hôm nay, Thượng tọa Giác Hoàng dẫn đoàn đi cứu trợ Nepal. Tuần sau, Hòa thượng Thiện Tánh cũng sẽ dẫn đoàn sang đó cứu trợ và trong đoàn này có Phật tử Long An ủng hộ một tỷ đồng. Đây là tấm lòng vàng của Phật tử Long An, đáng trân trọng.

Thiết nghĩ Tăng Ni chúng ta thể hiện tinh thần của Phật, của Bồ-tát dấn thân vì người, vì lợi ích cho số đông; làm được như vậy là làm cho Phật giáo nước nhà có uy tín lớn với thế giới. Thật vậy, nếu quý vị học xong, nhưng không ứng dụng giáo pháp vào đời sống sẽ không đạt được kết quả tốt, vì việc tu hành của chúng ta chính yếu là thể nghiệm được lời Phật dạy trong cuộc sống và làm lợi ích cho số đông.

Tôi xin nhắc một số việc cần cho Tăng Ni. Vào thập niên 30, Hòa thượng Khánh Hòa đến tỉnh Long An, thấy chư Tăng thất học. Ngài rất đau xót, nên đã bán chùa Tiên Linh để mua bộ Đại tạng kinh. Nhờ tấm lòng vì đạo của Hòa thượng mà thế hệ kế tiếp được học lên, mới có Phật giáo phát triển ngày nay.

Vào thời kỳ đó, chư Tăng thất học, chư Ni chỉ là bà vãi ở chùa, chưa được thọ giới. Và việc tu hành chỉ có nghi thức cầu an, cầu siêu. Vì vậy, Hòa thượng Khánh Hòa đi vận động chấn hưng Phật giáo. Người dân thấy ngài đến lại nghĩ rằng có người chết. Điều này thật đáng buồn và những ông thầy thời kỳ này chỉ học được kinh Di Đà, nhưng cũng không biết nghĩa lý kinh này là gì.

Nhưng từ thời đó cho đến ngày nay, Phật giáo chúng ta đã tiến được một bước rất dài, nâng trình độ kiến thức của Tăng Ni ngang tầm thời đại và các nước trên thế giới. Điều đáng mừng này chỉ mới được ở giai đoạn một là phát triển việc học, nhưng ứng dụng giáo pháp vào việc phát triển xã hội mới là quan trọng.

Trước nhất, phải nghĩ đến việc tu hành đòi hỏi chúng ta thực tập lời Phật dạy để gặt hái được kết quả như Phật, như các bậc tiền nhân, mới khả dĩ làm cho Phật giáo hưng thạnh. Vì vậy, chúng ta học nhiều, nhưng thực tập không có, coi như không có gì.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Thực tập mà Phật đặt cho chúng ta là phát huy tam vô lậu, giới định tuệ. Giới không phải là giới điều, mặc dù chúng ta học giới, nhưng bản chất của đạo Phật không phải giới điều.

Thật vậy, nhớ lại xưa kia, sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài ở Lộc Uyển thuyết pháp, trải qua suốt mười hai năm, Phật không chế giới. Vì vậy, chúng ta biết chắc rằng thực tập theo Phật không phải theo chủ nghĩa giới điều, nên không cố chấp giới; nhưng giới nhằm rèn luyện đức hạnh con người.

Người tu lấy đức hạnh làm đầu, vì không có đức hạnh thì ở ngoài đời còn không dùng được, huống chi trong đạo. Nói chính xác, giới của người tu là giới đức, không phải giới điều.

Có người giữ giới, nhưng họ không phải là biểu tượng cho trời, người cung kính. Người có đức hạnh thì Hòa thượng Trí Thủ dạy rằng ở xa, thấy dáng họ, người đã khởi tâm kính trọng. Một thầy Tỳ-kheo đức hạnh thể hiện trên bốn oai nghi là đi, đứng, nằm, ngồi, cách ăn, cách nói. Phật không đặt vấn đề nói, vì chủ yếu Tỳ-kheo sống trong chánh định, cho nên nói hay nhưng không mang lại giải thoát thì cũng giống như Bà-la-môn tranh cãi.

Phật không tranh cãi, tâm Ngài luôn tỉnh giác. Điều này thấy rõ qua việc Mã Thắng hóa độ Xá Lợi Phất. Xá Lợi Phất là nhà hùng biện của Ma Kiệt Đà, không ai nói hay qua ông, nhưng gặp Mã Thắng yên lặng mà tỏa sức thu hút khiến ông theo về ra mắt Phật. Đó là pháp quan trọng mà chúng ta cần phải tu, làm sao đắc quả La-hán và có sức thuyết phục kỳ diệu như Mã Thắng. Thọ giới thì ai cũng đắp y, nhưng là Tỳ-kheo có sức thu hút cảm hóa người như Mã Thắng ít có người làm được. Riêng tôi, trải qua nhiều năm suy nghĩ tại sao giỏi như Xá Lợi Phất mà phải kính nể Mã Thắng không nói lời nào. Chúng ta cần cố gắng suy nghĩ và thực tập cho được pháp này.

Mình nói mà người phục là bình thường, nhưng không nói khiến cho người kính nể. Ý này được Hòa thượng Pháp Lan dạy rằng “Vô vi nhân phục”. Nói hay như Xá Lợi Phất làm người phục, nhưng không nói như Mã Thắng, người phục hơn. Đó là Đạo. Đạo là cái gì cao quý, không nói, không làm, nhưng thu phục lòng người. 

Phật dạy chúng ta tinh ba, nhưng chúng ta không học, không làm yếu lý này, mà chỉ lấy phần vỏ, phần xác bên ngoài thôi. Thực tập yếu lý này là sao. Hỏi Mã Thắng học Phật cái gì và thực tập thế nào mà có sức thuyết phục người.

Hỏi Mã Thắng, ngài yên lặng, nhưng ta tự trả lời bằng cách coi lại bài pháp đầu tiên Phật dạy gì. Chúng ta không học bài pháp đầu tiên, nhưng học bài khác để kiếm sống.

Bài học đầu tiên là Phật tới Lộc Uyển, năm anh em Kiều Trần Như ngồi tu ở vườn Nai, nhưng trong đầu họ cứ nghĩ làm gì, sáng nay ăn gì, là nghĩ vớ vẩn. Các thầy an cư nên cắt bỏ suy nghĩ vớ vẩn. Phật đến nói với họ rằng các ông phải cắt bỏ suy nghĩ vớ vẩn đó đi. Cũng như thầy Tắc Ngộ nói với các thầy chuyên tu ở đây là vấn đề ăn uống, chỗ ăn, chỗ nghỉ đã có thầy lo, các thầy chỉ lo tu cho đắc đạo.

Phật bảo năm thầy Tỳ-kheo trong mùa an cư đầu tiên, phải lo tu cho đắc quả A-la-hán, đó là sự nghiệp của người tu, không phải tu cả đời mà không được gì. Phật nói nếu các thầy chưa đắc quả, sáng lo đi khất thực, về ăn, là hết ngày. Phật bảo không cần lo như vậy nữa, để một mình Phật đi khất thực, nuôi các thầy. Phật đắc Thánh quả rồi, Ngài có thần thông tự tại, không phải đi xin ăn khổ sở như các Tỳ-kheo chưa đắc Thánh quả, có khi người ta cho, hoặc họ không cho còn nói những lời làm mình bực bội.

Điều này tôi đã trải qua, năm mươi năm trước, tôi cũng làm khất sĩ, xách túi đi theo Hòa thượng trụ trì. Ngài hỏi tôi muốn ăn gì, nếu muốn ăn bánh mì thì cứ đến hàng bánh mì đứng. Ngày nay, khất thực là một tệ nạn xã hội. Có sư giả khất thực, đến hàng thịt đứng, khó coi vô cùng.

Phật dạy Tỳ-kheo không phải vì ăn mà đi khất thực. Vì ăn là ăn mày thật. Năm Tỳ-kheo còn cần ăn để sống, nên Phật không cho họ đi khất thực. Phật đi khất thực để cho người phát tâm, gieo duyên cho họ tu. Thực tế cho thấy một Trưởng lão đức hạnh ôm bát ra khỏi tịnh xá thì hàng hàng lớp lớp người đến cúng dường. Người không thật tu đi xin, không ai cho.

Chúng ta quan sát Phật mà học theo Phật. Đầu tiên, tôi học Phật là không phải vì ăn mà khất thực. Có Phật tử hỏi tôi cần gì để họ cúng dường. Tôi trả lời không cần gì, chỉ cần làm Phật, vì trên bước đường tu, mình chỉ có mục tiêu thành Phật để cứu độ chúng sanh. Phật phát tâm Đại thừa là vậy. Ngày nay, chúng ta học Phật cũng phải suy nghĩ như Phật, làm như Phật. Vì muốn cứu độ chúng sanh, phải làm Phật; không làm Phật thì không cứu được ai, kể cả bản thân mình.

Nếu không biết thân phận phàm phu mà ráng cứu người, coi chừng bị thọ quả báo. Ý này bốn mươi năm trước, tôi được Hòa thượng Trí Tịnh nhắc rằng thầy có nghĩ thầy thương chúng sanh hơn Phật hay không. Tại sao Phật không ra đời.

Phật thành Phật trước, độ chúng sanh sau. Tu Pháp hoa gọi là thệ nguyện an lạc, mình phải an trước mới làm an người được, cũng như muốn cứu người chết đuối, mình phải biết bơi.

 Vì vậy, mục tiêu hướng thượng của chúng ta, tu làm sao cho thành Phật. Ta hỏi Phật điều này. Phật trả lời rằng các thầy muốn làm Phật, phải thực tập 37 trợ đạo phẩm, kinh Pháp hoa gọi là quét dọn sạch phân nhơ trong thân tâm, trong ngũ ấm của chúng ta, trong suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta.

Trong mùa an cư, chúng ta làm việc này. Xưa kia, Tỳ-kheo Kiều Trần Như thực tập pháp này, ba tháng an cư xong là ngài đắc La-hán. Phật thấy ông sạch nghiệp mới cho đi khất thực. Bốn Tỳ-kheo kia phải ở yên tu, sau đó các vị này cũng đắc La-hán và được phép đi khất thực. Lúc ấy, theo kinh Nguyên thủy, Phật nói mỗi Tỳ-kheo nên đi một hướng để giáo hóa chúng sanh. Nghĩa là Phật nói với người sạch nghiệp khi thành lập giáo đoàn.

Đầu mùa hạ đầu tiên, các thầy không được đi ra ngoài để khất thực, ở yên tại chỗ an cư, chỉ có Như Lai đi khất thực. Sau mùa hạ này, Phật nói Kiều Trần Như được đi khất thực, vì đã đắc La-hán, có sức thuyết phục. Sau đó, chỉ có sáu thầy trò là La-hán. Năm mươi thanh niên Da Xá thấy vườn Nai sáng lạ. Vườn Nai trước kia chưa có Phật, chỉ có năm anh em Kiều Trần Như tu, trông rất ảm đạm; nhưng nay cảnh vật vui tươi là do tính chất giải thoát của con người. Thật vậy, Phật và năm Tỳ-kheo đắc La-hán đã tạo nên cảnh vườn kỳ diệu khiến cho năm mươi thanh niên thấy không muốn về và xin ở lại tu. Phật bằng lòng. Trước kia, chỉ có các ông Tỳ-kheo lớn tuổi, nay có các Tỳ-kheo trẻ cũng nhiệt tình tu và họ cũng đắc La-hán, cộng lại có sáu mươi Tỳ-kheo thánh thiện.

Thử nghĩ xem họ thực tập pháp gì, tu thế nào mà chứng La-hán. Còn mình tu cả đời không được gì. Có các thầy Nam tông chỉ tu Tứ niệm xứ mà chưa thành tựu pháp này. Họ nói chỉ đắc được Tứ niệm xứ là đắc được Tu-đà-hoàn, đã bước một chân vào đạo, cũng tốt rồi. Tu cả đời mà không được gì là không biết chết về đâu.

Muốn bước được một chân vào đạo, phải cố gắng thực tập Tứ niệm xứ miên mật, là quét sạch tâm, tâm hoàn toàn yên tĩnh, tức không tác ý, không ham muốn. Vì vậy, người tu, trước tiên phải đoạn dục, khử ái. Khử ái là dẹp sạch tình cảm giữa nam và nữ, giữa người thân và người thù. Lòng chúng ta chất chứa đầy những thứ này, thì tu thế nào cũng không được kết quả tốt.

Riêng tôi, trước khi tu, tôi cũng có hận, nên trong giấc mơ, tôi thấy người thân của mình chết, mình muốn trả thù. Và nếu cứ theo con đường hận thù như vậy, oan oan tương báo không bao giờ cùng. Tu hành, phải quét sạch tình cảm này để lòng mình không còn hận thù, không còn đam mê nào, mới sạch nghiệp.

Đoạn dục, không còn ham muốn, thì không còn lệ thuộc cái gì, không bị ai chi phối, cho đến không cần ham sống, giết mình cũng được. Muốn thoát ly sinh tử, lên Niết-bàn, phải tới bờ mé sinh tử, mới bước chân vào đạo được. Mới tu, còn ham muốn tiền bạc, danh sắc, tức năm món dục. Muốn tu, phải cắt bỏ các dục. Không ham tiền thì họ không dùng tiền chi phối mình được. Còn ham thì họ nắm vào cái ham này mà quay mình. Cuối cùng, còn kẹt ham sống.

Tôi nhớ năm 1963, thấy ngài Quảng Đức tự thiêu, tôi cũng nghĩ mình tự thiêu và viết đơn xin tự thiêu. Nhưng tôi gặp một vị Hòa thượng hỏi tôi tự thiêu để làm gì. Tôi nói tự thiêu như Hòa thượng Quảng Đức. Hòa thượng hỏi lại rằng ông mà làm được vậy sao, hãy suy nghĩ, đừng bắt chước. Ngài Quảng Đức trì kinh Pháp hoa trong bốn mươi chín năm và làm được nhiều công đức, thì tự thiêu mới đưa đến kết quả tốt đẹp cho Phật giáo. Còn ông chưa làm được gì, đốt thân cháy nóng, chịu không nổi, nhảy lên, la lên thì hỏng. Ta phải nhìn hành trạng của ngài, tức quá trình tu hành của ngài, phải thành tựu công đức đầy đủ như vậy, mới tự thiêu được. Sống còn không làm được việc, chết làm ma à, làm sao thoát khỏi kiếp đọa đày của tham, sân, si.

Trên bước đường tu, đầu tiên cắt ngũ dục, không muốn, tâm chúng ta khả dĩ lắng yên được. Kế tiếp là khử ái. Mình còn những điều đáng thương, những việc đáng làm, coi chừng người ta dẫn mình vô đường chết. Hòa thượng Trí Tịnh nhắc tôi ý này rằng chưa biết bơi, chưa nên cứu người.

Có ý cứu người là tốt, nhưng phải tu đắc đạo mới cứu được. Phật Thích Ca đã làm việc này trong quá khứ. Ngài được cổ Phật giới thiệu các thế giới an lành. Trong khi các Bồ-tát nói rằng con nguyện về Cực lạc cho sướng, nói đến Ta-bà khổ thì rùng mình. Nhưng Phật Thích Ca trái lại, Ngài thấy Ta-bà đáng thương, chúng sanh ở đó đáng thương, nhưng không ai muốn cứu những người này, không ai dám cứu họ. Phật Thích Ca mới phát nguyện cứu chúng sanh Ta-bà. Vị cổ Phật mới dạy Ngài phải làm việc này, làm việc kia… cho đạt đến Vô thượng Bồ-đề thì mới cứu được chúng sanh. Đức Thích Ca đã làm theo lời dạy của cổ Phật, hoàn tất hạnh Bồ-tát, thành tựu viên mãn tâm đại bi, Ngài đắc Vô thượng Bồ-đề, làm giáo chủ cõi Ta-bà, cứu độ vô số chúng sanh.

Và tất nhiên, muốn được quả vị Vô thượng Bồ-đề, Đức Thích Ca phải thiết thân tu luyện. Trong kiếp quá khứ, Ngài đã bị Ca Lợi vương móc mắt, lóc thịt, nhưng Ngài không oán giận, buồn khổ. Trải qua nhiều kiếp hành Bồ-tát đạo, đầy đủ tâm đại bi, Ngài mới phát tâm độ được chúng sanh.

Trên bước đường tu, chúng ta phải đoạn dục, khử ái, trụ Không môn, không bị thiên nhiên và xã hội chi phối. Không bị xã hội chi phối, tức không vướng mắc tình cảm. Không bị thiên nhiên chi phối là đối với ba việc: ăn, mặc, ở, ta không cần, hay không lệ thuộc, có ăn cũng được, không ăn cũng không sao, hoàn toàn thanh thản. Hòa thượng Thanh Kiểm kể rằng lúc ở Nhật, vào giai đoạn nước này suy thoái, khi ngài đói quá, ngủ không được, mới uống nước cho đỡ đói và lên thiền sàng ngồi nhiếp tâm. Hòa thượng nói ngài dùng Thiền định để trấn át được cơn đói. Học với Hòa thượng Thanh Kiểm, muốn nhịn đói, phải tu Thiền, dứt bặt suy nghĩ. Tập được như vậy, biết mình không lệ thuộc thiên nhiên.

Có người nói nhịn đói được, nhịn khát thì chết. Nhưng Phật dạy người tu phải vượt qua sự chi phối của đói và khát. Chúng ta tập một ngày ăn một bữa, phải tập ăn ít để không lệ thuộc vào miếng ăn. Các thầy khất sĩ dễ tập điều này. Bình thường vì quá ngọ không ăn, tập nhịn đói, ngày mai ăn và ngày mai lại trễ giờ ăn thì nhịn nữa. Tập nhịn ăn hai, ba ngày thành quen.

Riêng tôi, cố gắng tập vượt qua hàn, nhiệt, cơ, khát. Các thầy muốn trấn át đói khát, phải đi sâu vào Thiền định. Thực tế chúng ta thấy có thiền sư nhịn, không ăn uống một tuần cũng không sao. Đó là pháp tu kỳ diệu, chỉ sử dụng pháp Thiền.

Nhưng không ăn uống, lạy Phật và tụng kinh nhiều thì không được. Các thầy Bắc tông tu thời khóa nhiều, tiêu hao năng lượng, không được bớt ăn. Muốn bớt ăn thì phải bớt lao động và bớt suy nghĩ. Chúng ta nghỉ ngơi để gia công Thiền định.

Đối với tôi, Thiền định là chính, thời khóa tụng niệm bớt lại. Thời khóa tụng niệm nhiều là cơ thể vận động nhiều, phải bổ sung, nếu không bổ sung sẽ chết.

Khi các thầy không lệ thuộc ngũ dục, tức không lệ thuộc tình cảm xã hội, không lệ thuộc thiên nhiên, không cần ăn uống, ngủ nghỉ nhiều, là đã bước được một chân vào đạo. Tu Thiền, lấy Thiền thay cho ngủ, hay yên lặng mà biết hết. Tôi nói Thiền có nghỉ, nhưng không ngủ. Các thầy thực tập Thiền, không ngủ là bước một chân vào thế giới Thiền. Làm nhiều, mệt và ngủ mê là hỏng.

Thật tu, đắc đạo, có dáng nằm dễ thương. Ở chung trong Phật học đường, tôi quán sát chúng ngủ, có người ngủ đẹp, có vị thở khò khò, có người ngủ há miệng. Tướng thiện hay ác hiện ra rõ trong giấc ngủ. Thấy vậy, nếu tâm mình thanh tịnh, nên nhắc nhở bạn.

Phật ngủ, xây bên mặt, nét mặt Ngài luôn an lạc. Chúng ta cố gắng tập nằm ngủ như Phật và việc luyện tập này phát xuất từ tâm giải thoát và hành động giải thoát. Thực tập pháp này, chúng ta bước một chân vào cửa đạo, từ nay khả dĩ khởi tâm phân biệt thiện ác.

Phật dạy điều ác đoạn dần, điều thiện tăng trưởng. Đối với tôi, Tỳ-kheo nào tu hành mà không có quá khứ xấu thường được an lành, nhưng có quá khứ không đẹp thì nghiệp ác đã tạo thường hiện lên, khó tu. Tỳ-kheo tu từ ấu niên được ví như chiếc áo trắng sạch, nhuộm màu dễ. Vì vậy, nghiệp còn, phải cố gắng xóa nghiệp quá khứ và tạo thiện nghiệp. Ngài Trí Giả dạy phải sám hối cho đến thấy hảo tướng.

Người bán thế xuất gia thường ngủ mơ về gia đình. Bạn tôi xuất thân từ nghề chài lưới, nhưng tu rồi vẫn thấy đi bắt cá. Trí Giả dạy chúng ta nhìn Phật, nghĩ về Phật và lạy Phật cho đến tiêu nghiệp quá khứ, chỉ thấy Phật.

Riêng tôi, trên bước đường tu, phần lớn tôi học thuộc lòng kinh. Trước khi ngủ, tôi tụng kinh và giựt mình thức dậy, vẫn còn tiếp tục tụng kinh, tự biết mình đã được một điểm tốt, vì trong giấc ngủ vẫn tu, tức thiện nghiệp đã sanh, ác nghiệp đã mất.

Quả vị thứ ba trước khi tiến đến A-la-hán là A-na-hàm, tức quét sạch ác quá khứ và thiện nghiệp đã tăng trưởng, tạo nên thế giới thiện là thế giới Phật, Bồ-tát. Chúng ta tu hành, cần có những điều lành như thế.

Và tiến tu thêm một bước nữa, tịnh là thiện, động là ác. Vì vậy, tâm chúng ta phải bất động, dù được người cung kính, hay bị phỉ báng. Còn nói thiện như ta đi cứu trợ, đụng việc thường nổi nóng, đó là thiện tương đối. Nằm trong thiện ác tương đối thì từ thiện sanh ác, từ ác sanh thiện. Thí dụ khởi tâm nóng giận, đánh người, cảm thấy ăn năn, nên sám hối là thiện, sám hối xong, gặp việc bực tức khác, lại làm ác, rồi lại sám hối… thiện ác cứ như vậy lặp đi lặp lại hoài.

Theo Phật, sống với thiện ác vô lậu, chư Thiên cung kính không mừng, ác ma dọa cũng không sợ. Tôi thường nói chết là cùng, mà được chết vì đạo thì càng tốt. Không ai chi phối được mình, tu hành hơn nhau ở điểm này.

Trong mùa an cư, mong quý vị nỗ lực tu tập, gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp. 

loading...