Chùa Việt

Độc đáo chùa Cây Mít

Thứ hai, 27/10/2015 10:42

Di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia chùa Hòa Thạnh (xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) hoặc Hòa Thạnh Cổ Tự, dân gian thường gọi phổ biến nhất là chùa Cây Mít. Bởi lẽ, nơi đây chứa đựng một kho tàng văn hóa lịch sử và nghệ thuật trên vùng đất phía Tây Nam của Tổ quốc.

 
 
Tổng diện tích xây dựng chùa khoảng 500m2, kiến trúc gồm 4 bộ nóc, cột gỗ tròn, vách xây hồ vôi ô dước trộn đá trứng. Nghệ thuật nổi bật của ngôi chùa là các tượng thờ, hầu hết đều bằng gỗ mít do nghệ nhân tại địa phương đã khéo tay tạc 19 loại tượng, cao từ 0,4m đến 1,4m.
 
 
Những tượng gồm: Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Hộ Pháp, Diêm Vương, Địa Tạng, Nam Tào, Bắc Đẩu… được thể hiện kỹ thuật tạo hình khá chính xác theo từng khuôn mẫu, tướng mạo trang nghiêm, y trang tươm tất. Từ các chi tiết tay cầm bửu bối, đầu đội mão, dáng đứng trên bục hoặc ngồi cỡi thú, đề thính hay tòa sen… đều được phác họa rất chuẩn mực, đường nét sắc sảo, với màu sắc sơn son thếp vàng rất rực rỡ.
 
 
 
Khoảng nửa đầu thế kỷ XX, ngôi chùa Hòa Thạnh được xây dựng trên vùng đất hẻo lánh và ven biên giới Việt Nam – Campuchia. Vào những năm đầu thập niên 20, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cụ Nguyễn Sinh Sắc về đây truyền bá tư tưởng yêu nước (1921-1923). Qua đó, người dân Nhơn Hưng (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) tiếp thu và dấy lên phong trào cách mạng mạnh mẽ.
Bàn thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc tại chùa Hòa Thạnh
Toàn cảnh chùa Hòa Thạnh hôm nay
Trong những kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bảo vệ biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc, chùa Cây Mít – Hòa Thạnh (xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) là cơ sở vững chắc của cách mạng và bộ đội. Khuôn viên nhà chùa có hầm bí mật che giấu cán bộ và tổ chức hoạt động. Do vậy, người dân vùng Bảy Núi coi chùa Cây Mít – Hòa Thạnh là công trình văn hóa và là di tích ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử vẻ vang trong chiến đấu, bảo vệ và xây dựng quê hương An Giang.

Bài, ảnh: Phan Trọng Ân
loading...