Chùa Việt
Độc đáo ngôi chùa 100 tuổi không cột, không nóc tại Gò Vấp
Chủ nhật, 15/06/2019 03:42
Chùa Kỳ Quang 2 là ngôi chùa gần 100 năm tuổi. Trước đây có tên gọi là Thanh Châu Tự. Đến đời trụ trì thứ 2 của chùa thì bắt đầu sử dụng bằng tên gọi chùa Kỳ Quang 2.
Không cột, không tường, không nóc, không đà, không cửa, ngôi chùa gần trăm tuổi này được mệnh danh là một trong những ngôi chùa vàng ở TPHCM.
Đây là kiến trúc dựa trên quan niệm của Phật giáo: 9 phương trời, 10 phương Phật. Chùa không xây cột bởi cột tượng trưng cho cột trói tinh thần làm nên sự oán hận thù hằn, không cột sẽ tạo nên sự giải thoát cho con người khỏi những khổ đau đời thường.
Cửa tượng trưng cho sự ngăn cách, co cụm. Ở đây, cửa thiền luôn rộng mở cho thập loại chúng sinh. Đà, nói một cách bình dân như “kỳ đà cản mũi” là tắc nghẽn xui xẻo, nên chùa không xây đà là vì thế. Tường là bảo vệ, nhưng cũng là sự giới hạn chật hẹp. Phật pháp vốn vô biên sao lại có tường? Nóc, mái chỉ gây ngáng trở sự vươn lên của 9 phương trời, 10 phương Phật trong chốn tâm linh này.
Tổng thể ngôi chùa gồm 18 ngọn núi được mô phỏng theo 5 non 7 núi (Ngũ hành Sơn và Thất Sơn), 11 hang động. Núi nâng đỡ chùa, chùa ở trên núi, tức Phật pháp luôn hướng về cõi hư không, thanh tịnh. Ở 4 góc chùa có 4 thác nước từ núi đổ xuống như đem đến sức sống cho muôn loài.
Chùa nằm trong hẻm hơi khó tìm. Nhưng vì vậy mà không gian yên tĩnh vắng lặng.
Đặc biệt hơn hết, Chùa Kỳ Quang 2 còn là ngôi chùa nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật lớn nhất Việt Nam, khơi gợi cái tâm thiện nguyện, trút đi mọi nỗi muộn phiền trong lòng du khách đặt chân đến nơi này.
Vào sáng Chủ nhật, tiếng chuông vang lên cũng là lúc khách và Phật tử đổ về chùa mỗi lúc một nhiều. Trên tay họ là những phần quà như đường, sữa, quần áo… để làm từ thiện mỗi dịp ghé thăm chùa. Những món quà đó là lòng hảo tâm của cộng đồng dành cho các em nhỏ trong chùa Kỳ Quang II.
Hơn 200 em nhỏ trong chùa đều do Sư thầy Thích Thiện Chiếu chăm bẵm từ lúc lọt lòng, được thầy làm giấy khai sinh cho tất cả, được thầy dạy từng bước đi đầu đời, dạy cách học, cách đọc, cách viết. Thầy được các em nhỏ ở đây gọi với cái tên trìu mến là cha. Cả cuộc đời ông dành cho Phật pháp và lòng yêu thương vô bờ bến cho con người.
Nhiều em nhỏ được cưu mang ở cửa chùa ngay từ lúc sinh ra, âu cũng là một duyên số đẹp. Những việc thiện nguyện âm thầm này cũng là nét đẹp đặc biệt của ngôi chùa Kỳ Quang, Gò Vấp. Nơi cứ cuối tuần thu hút rất nhiều du khách và Phật tử tới thăm viếng và làm việc thiện nguyện.