Sách Phật giáo

Đọc “Trúc Lâm Thiền Phái tại Huế” của HT.Thích Tín Nghĩa

Thứ hai, 11/12/2017 01:58

Một dân tộc muốn tiến lên, muốn hùng cường phải đọc và thường xuyên ôn lại lịch sử để thấy những cái bi, cái hùng của tổ tiên. Không hiểu biết gì về lịch sử thì giống như một người ngoại quốc, một khách lạ sống trên chính quê hương mình.

Nhân dịp Nguyên Giác và tôi ra mắt sách ở chùa Bát Nhã, Nam California, Hòa thượng Thích Tín Nghĩa, Viện chủ Từ Đàm Hải Ngoại Irving, Texas không về dự được nhưng đã có thư cáo lỗi. Từ việc làm hết sức cẩn trọng và khéo léo đó, tôi sinh lòng cảm mến và làm quen với Hòa thượng qua điện thư và được Hòa thượng ưu ái tặng cho bốn cuốn sách của chính Hòa thượng, bao gồm:

- “Trúc Lâm Thiền Phái tại Huế” tái bản năm 1993.

- Kỷ yếu Giáo hội Phật giáo VN/TN Hải Ngoại - Hoa Kỳ (Văn phòng II Viện Hóa Đạo) xuất bản năm 1999.

- “Ôn Mật Hiển” xuất bản năm 2007 nói về một danh tăng của đất Thần Kinh - HT.Thích Mật Hiển (1907-1992) còn gọi Hòa thượng Trúc Lâm là bổn sư mà trong Lời bạt, Hòa thượng Thích Tín Nghĩa đã trích lời dạy bất hủ của Ôn như sau: “Đã là thầy tu thì đừng sợ chết, nếu sợ chết thì đừng làm thầy tu”. Sách này là một công trình đóng góp bài viết về cuộc đời và kỷ niệm với Ôn Mật Hiển của chính tác giả cùng HT.Thích Hộ Giác, Ni trưởng Thích Nữ Viên Minh, HT.Thích Huyền Tôn, Thích Chơn Thiện, Thích Tuệ Sĩ, Thích Tín Đạo, Trung Hải Nhuận, Thích Tịnh Từ, Thích Đạt Đạo, Thích Nguyên Hạnh, Thái Thị Kim Lan, Thích Nguyên Siêu, Nguyên Trung (Chánh Đạo), Ngô Trọng Anh, Minh Tâm, Thích Nữ Hạnh Thanh, Tâm Huy Huỳnh Kim Quang, Hoàng Nguyên Nhuận, Hoàng Nguyên Nhơn, phật tử Nguyễn Đình Niên, Châu Trọng Ngô, Đức Hạnh, Trần Kiêm Đoàn, Đỗ Xuân Lượng, Thích Như Đạt, Thích Lưu Phương, Nguyễn Văn Nhơn, Phước Hải, Nguyên Tịnh…và khá nhiều bài thơ vinh danh, tưởng nhớ vị danh tăng này. Phải nói đây là cuốn tiểu sử (Biography) thật đồ sộ.

- “Dấu Thời Gian” xuất bản năm 2015, sách dày 660 trang mà trong phần giới thiệu, Hòa thượng Thích Nguyên Siêu, trụ trì chùa Phật Đà San Diego, California đã viết: “Chứng tích lịch sử Phật giáo hải ngoại “Dấu Thời Gian” đã đưa người đọc từ khúc quanh lịch sử này đến khúc quanh lịch sử khác, như là sự vận động thành lập Giáo hội phật giáo VN/TN hải ngoại tại Hoa Kỳ năm 1992 tại San Jose, Bắc Cali…tuần tự suốt thời gian làm việc mấy nhiệm kỳ cho đến ngày nội bộ bị phân hóa… xẻ đôi”.

Tôi đặc biệt chú ý tới cuốn “Trúc Lâm Thiền Phái tại Huế” vì đây là một tài liệu quý giá cho chúng ta biết về một Thiền phái mà trong Lời giới thiệu, Giáo sư Kiêm Đạt đã viết: “Thượng tọa Thích Tín Nghĩa, một trong những vị truyền thừa của Thiền phái Trúc Lâm tại Huế đã ra công biên soạn tài liệu này, một phần để cống hiến tài liệu hy hữu của Thiền phái hiện nay, phần khác để cúng dường những cao tăng Thiền đức trong Thiền phái Trúc Lâm, trong mấy thập niên lại đây đã trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm của đất nước và chiến tranh”.
 
Sách dày 292 trang, bao gồm các chương như sau:

1) Trong chương nói về Thừa Thiên - Huế, kinh đô của Việt Nam kể từ Gia Long 1802 cho tới năm 1945, mảnh đất văn vật và linh hồn của Phật giáo, tác giả viết: “Đứng về Phật giáo, thì những đại hội thống nhất Phật giáo, chấn hưng Phật giáo, những đại hội Gia đình phật tử đầu tiên, những lớp Phật học gương mẫu đầu tiên cũng đều phát xuất từ Thừa Thiên - Huế” và đã sản sinh ra các danh tăng như: Liễu Quán, Phước Hậu, Nhất Định, Tâm Tịnh, Huệ Pháp, Giác Tiên, Viên Thành, Tịnh Khiết, Giác Nhiên, Đôn Hậu, Mật Khế, Mật Hiển, Mật Nguyện, Mật Thể, Trí Quang, Thiện Minh, Thiện Siêu, Trí Thủ, Sư Bà Diên Trường, Diệu Viện, Diệu Hương, Thể Yến, Diệu Huệ, Diệu Không, Thể Quán… và các cư sĩ như Bs.Tâm Minh Lê Đình Thám, Cụ Nghè Đinh Văn Chấp, Cụ Tôn Thất Tùng và Nguyễn Khoa Toàn…

Còn về chữ Huế, theo tác giả, các nhà khảo cổ chưa đồng nhất với nhau về nguồn gốc của chữ “Huế”. Có thể do chữ Hóa (Thuận Hóa) mà ra, có thể do chữ Huệ trong câu chuyện Bà Liễu Huệ như sau: “Chúa Nguyễn đến làng Thọ Xương, vùng sông Hương uốn khúc như con rồng để chọn địa điểm thuận lợi cho việc lập kinh thành. Chúa đứng trên đồi quan sát một hồi, bỗng thấy một bà già tóc bạc phơ, tướng mạo phương phi tự xưng là Liễu Huệ Quận Chúa và đã hướng dẫn Chúa: Chúa thượng nên xây kinh thành ở về hướng Đông kể từ vị trí này là thích hợp nhất. Muốn cho ngôi vị được vững vàng, chúa thượng nên xây trên ngọn đồi này một ngôi chùa cốt là để cho long mạch được vững chắc. Chúa thượng nên thắp một nén nhang (hương) chạy dọc theo con sông này về hướng Đông để định hướng". Nói xong bà biến mất. Nén nhang cuối cùng tàn là nơi mà Điện Thái Hòa được xây cất và trên ngọn đồi, chùa Thiên Mụ cũng được xây vài năm sau đó. Có thể vì sự tích này mà người ta gọi con sông là sông Hương chăng?

2) Trong chương “Huế, Thiền sư và Triều Nguyễn” tác giả cho biết suốt từ thời Gia Long tới Tự Đức, các vua đều chú trọng tới Phật giáo, xây dựng, tu bổ chùa chiền, sắc phong, ban cấp “giới đao và bộ điệp”, ban ruộng đất cho các chùa Thiên Mụ, Diệu Đế, Thánh Duyên, Linh Hựu, Long Quang, Tam Thai, Ứng Chân và Khải Trường nơi đã sản sinh ra các thiền sư như: Thiền sư Mật Hoàng (gốc Bình Định), Thiền sư Phổ Tịnh (gốc Quảng Nam), Thiền sư Thanh Đạm (gốc Ninh Bình), Thiền sư Nhất Định (gốc Quảng Trị), Thiền sư Đắc Ân (sinh tại Quảng Bình), Thiền sư Diệu Giác (gốc Bình Định), Thiền sư Đạo Thông (gốc Gò Công), Thiền sư Giác Ngộ (gốc Phú Yên), Thiền sư Liễu Triệt (gốc Thừa Thiên), Thiền sư Phước Hậu (gốc Thái Bình).

3) Trong chương “Huế, Tăng sĩ và Phật tử” tác giả trích dẫn sử liệu của Phan Xuân Hoa, xuất bản năm 1957 tại Sài Gòn cho thấy sự hy sinh cao cả của Phật giáo đồ miền Trung và tội ác dã man của thực dân Pháp: “Hôm 29/09/1949, trong một trận càn quét tại Quận Phong Điền, 860 nóc nhà bị chúng đốt cháy rụi, 80 dân quân bị giết, 113 đàn bà bị hãm hiếp; bà Hoàng Thị Phong, có mang (có thai) sáu tháng cũng bị chúng đem ra mổ bụng. Và trong trận này, ông già Trần Văn Địch ở Vĩnh Xương - Quận Phú Vang bị chúng ném vào đống lửa. Tại Quận Hương Trà, ông già Trần Xuyên bị mổ bụng. Ở Quận Quảng Điền, hai bà già trên 60 tuổi bị hiếp dâm…Chính vì những chứng tích vô cùng khốc liệt ấy, tăng sĩ cùng thanh niên phật tử cùng đồng bào toàn quốc phải đứng lên đấu tranh với thực dân Pháp giành lại chủ quyền cho đất nước, mong đem lại an bình cho dân tộc, trong số này một số đông nhà sư đã hy sinh”.

4) Trong chương “Huế, Cải Tổ Tăng Chế và Đào Tạo Tăng Tài” tác giả nói về cuộc cải tổ lớn lao của Phật giáo Trung Việt năm 1930 như thầy cúng chỉ được mặc áo lam, không được mặc áo tràng, nhật bình, y hậu như chư tăng trong chốn Thiền môn quy củ. Mở đại học ở Tổ đình Trúc Lâm (năm 1935), mở lớp trung học ở Tổ đình Tường Vân do Thiền sư Thích Tịnh Khiết làm giám đốc. Còn về ni, mới đầu học ở chùa Từ Đàm, sau dời về chùa Diệu Đức (năm 1932). Tác giả còn đưa lên tấm hình Ban sáng lập Hội Phật học Trung Việt chụp ngày 29/08/1933 tại chùa Trúc Lâm, Huế mà thành viên có 14 vị trong đó có HT.Giác Tiên, HT.Giác Nhiên, Bs.Lê Đình Thám, Bs.Trương Xướng, ông Lê Quang Thiết v.v…

5) Trong chương “Trúc Lâm Tam Tổ” tác giả trích dẫn rất nhiều sử liệu như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, Bulletin des Etudes Indochinoises của học giả Nguyễn Văn Tố nói về người kế tục Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử chính là vua Trần Nhân Tông: “Một đêm vào giờ Tý, nhà vua vượt kinh thành mà đi, mục đích là vào tu hành tại vùng núi Yên Tử, nơi mà trước đây ngài thường vào nghe giảng Phật pháp và có nhiều nhân duyên tại đó…Mặc dầu, vua Trần Nhân Tông đã thờ ngài Tuệ Trung Thượng sĩ làm thầy của mình trong suốt thời gian dài. Nhưng đến khi xuất gia để thọ cụ túc giới 250 giới của một vị tỳ kheo thì ngài Tuệ Trung Thượng sĩ vốn là một cư sĩ Thiền sư nên không thể truyền giới cho nhà vua được. Người truyền giới cho ngài chính là Thiền sư Huệ Tuệ đang lãnh đạo sơn môn ở Yên Tử - Tổ thứ năm của Thiền phái này. Từ ngài Trúc Lâm trở về sau này, phái Yên Tử nổi danh khắp nơi, dân chúng vô cùng ngưỡng mộ, thậm chí thể lệ của Trúc Lâm được lan truyền trong đế đô”.

6) Trong chương “Tổ Đình Trúc Lâm Huế”, tác giả giới thiệu về ngôi chùa cổ kính này do Sư bà Hồ Thị Nhàn, pháp danh Thanh Linh thành lập dưới triều Tự Đức 1902 là ngôi nhà tranh vách đất, đã cung thỉnh HT.Giác Tiên làm tọa chủ khai sơn. Ngôi chùa nằm trên một ngọn đồi, sơn thủy hữu tình khiến cư sĩ Đoàn Lục Quán thường tới đàm đạo với HT.Thích Mật Hiển đã đề thơ:

Trúc Lâm chùa ở chốn thần kinh.
Phong cảnh nhìn xem thật hữu tình.
Trước mặt bờ khe ùn cát trắng.
Sau lưng, chòm núi lợp cây xanh.

Gió Từ quét sạch rừng phiền não.
Mưa Pháp trôi đùa áng lợi danh.
Y bát mai sau truyền gốc đạo.
Tre già măng mọc ngắm càng xinh.

7) Chương kế tiếp tác giả nói về Tổ Giác Tiên, người khai sơn Trúc Lâm Đại Thánh Tự mà trong “Việt Nam Phật giáo Sử”, Nguyễn Lang đã viết: “Thiền sư Giác Tiên có thể nói là người khởi xướng công trình phục hưng Phật giáo tại miền Trung. Giác Tiên Thiền sư hướng đạo cho Hội An Nam Phật Học được bốn năm thì tịch. Các đệ tử của Giác Tiên là Mật Khế, Mật Hiển, Mật Nguyện và Mật Thể đều đóng những vai trò quan trọng trong phong trào chấn hưng Phật giáo sau này”. Trong chương này tác giả còn trích một số bài thơ Thiền của Tổ Giác Tiên như:

Tứ bích tiêu sơ tế vũ nan.
Tùng phong thôi xúc lậu tăng hàn.
Bồ lan tâm ý hoàng thu sắc.
Thúc đắc lô trung cá đẳng nhan.
Dịch nghĩa:
Bốn vách tiêu sơ khó ngăn mưa.
Gió tùng thấm lọt mảnh y thưa.
Bồ đoàn quyết ý thu tâm tưởng.
Biết được trong lư mặt mũi xưa.
Và:
Giác mộng tàn tinh điểm bán không.
Trường thiên cô nhạn ảnh vô tung.
Sơ minh nguyệt sắc tà lan ý.
Ấn nhập thiền tâm tiêu tức trung.
Dịch nghĩa:
Tỉnh mộng tàn canh thấy tánh không.
Dưới trời chim nhạn vốn không tung.
Vầng trăng chiếu rọi ngoài hiên vắng.
Thiền tăng chứng nhập, trong ngoài tiêu tan.

8) Chương tám nói về tiểu sử Sư bà Thích Nữ Diên Trường, thế danh Hồ Thị Nhàn, là con gái thứ ba của cụ Hồ Đắc Tuấn - Tri Phủ Ninh Giang, Hải Dương, lập gia đình, có hai người con. Người con trai mất năm lên năm tuổi, sau đó chồng cũng qua đời. Cụ xuất gia đầu Phật năm 36 tuổi với HT.Lương Duyên tại chùa Từ Hiếu. Sau khi đắc giới, cụ về trông nom chùa Phổ Quang gần Bến Ngự. Năm 1925, cụ an nhiên thị tịch, thọ 64 tuổi.

9) Chương chín nói về Thiền sư Mật Khế.

10) Chương mười nói về Thiền sư Thích Mật Hiển như đã trình bày ở trên.

11) Chương này nói về Thiền sư Thích Mật Nguyện.

12) Chương này nói về Thiền sư Thích Mật Thể.

13) Chương này nói về Sư bà Diệu Huệ, tên thật là Hồ Thị Huyên, con gái của Quận công Hồ Đắc Trung, kết hôn với Lễ bộ thượng thơ Ưng Úy, sinh ra nhà bác học Bửu Hội. Năm 40 tuổi, bà xin xuất gia với Tổ Giác Tiên nhưng Tổ không đồng ý và khuyên bà ở nhà lo chuyện hộ pháp. Tuy là cư sĩ tại gia nhưng bà giữ đúng trai giới của hạnh xuất gia. Vào năm 1952, bà được Tổ Giác Tiên chính thức cho xuất gia. Vào ngày 16/12/1965 bà lâm bệnh, mơ thấy Bồ Tát Địa Tạng đưa bà đi. Khi chư tăng/ni quy tụ đông đảo, bà hỏi đã tới giờ Ngọ chưa? Quý sư cô đáp đã tới rồi. Bà nằm nghiêng niệm Phật từ từ hóa thân một cách nhẹ nhàng.

14) Chương này nói về Sư bà Diệu Không, là em ruột của Sư bà Diệu Huệ. Năm 1929, bà vâng lệnh song thân kết hôn với Tham tá cơ mật viện Cao Xuân Xang góa vợ và có sáu con còn nhỏ. Chỉ 11 tháng sau, ông Cao Xuân Xang qua đời và như thế bà trở thành góa phụ ở tuổi 24. Sau khi nuôi các con khôn lớn, trưởng thành, bà giao chuyện nhà cửa cho cô con gái thứ năm và bước vào cửa Thiền một cách dũng mãnh và đến với Tổ Giác Tiên. Mặc dù được thọ giới sa di nhưng Tổ Giác Tiên vẫn chưa cho bà thí phát mà giao cho bà nhiệm vụ vận động chấn hưng Phật giáo.

Bà đi từ Bắc tới Nam để vận động tài chánh. Bà vào cả tỉnh Sa Đéc để đào tạo ni giới. Năm 1944, bà chính thức được thế phát. Năm 1949, bà khai sáng Hồng Ân Ni tự. Năm 1963, tham gia phong trào đấu tranh của Phật giáo đòi quyền bình đẳng tôn giáo. Năm 1968, bà xây dựng cô nhi viện Bảo Anh Tây Lộc ở Huế. Năm 1970, bà thành lập chương trình đào tạo cán bộ y tế cấp tốc. Bà thường nói rằng: “Ngày nào tôi thấy dân chúng quê mình được an cư lạc nghiệp, có trình độ học vấn khá thì tôi yên giấc, ăn mới ngon miệng”. Bà chính là Bồ Tát tại thế.

15) Chương này tác giả nói về một vị cư sĩ khả kính của Phật giáo Việt Nam mà ai cũng biết đó là Bs.Tâm Minh Lê Đinh Thám hồi nhỏ đã nổi tiếng là thần đồng, một nhà trí thức uyên thâm Phật học, làm rạng danh Phật giáo.

Lời kết

Đọc xong cuốn sách lòng luống ngậm ngùi, được hiểu thêm về Huế mà tôi chưa một lần đến đó mà chỉ biết qua một vài bản nhạc buồn ảo não như “Đêm tàn bến ngự” và “Huế buồn mơ, Huế là thơ”, “Quê hương em nghèo lắm ai ơi! Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn!” và hai câu thơ:
“Gió đưa cành trúc la đà.
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”.

Xót thương chư Tổ năm xưa phải sống dưới gót giày xâm lược của thực dân Pháp, vua quan nằm dưới áp lực của những tên khâm sứ. Chính sách thực dân là khai thác tài nguyên, chà đạp, hủy diệt tâm linh và văn hóa dân tộc bản xứ để biến nó thành “Mẫu quốc hải ngoại”. Khi người dân chỉ là những culi, nô lệ, đầy tớ nghèo đói thì còn thời giờ và tâm trí đâu để đi lễ chùa, cúng chùa, tìm hiểu về đạo Phật có lúc đã trở thành quốc giáo của dân tộc. Trong hoàn cảnh tan nát trầm vong như thế mà chư Tổ đã can đảm và quyết tâm giữ gìn đạo của tổ tiên. Đời sống thì dưa muối đạm bạc, không được ăn cả trăm món đồ chay ngon miệng như ngày nay. Chùa thì khởi đầu bằng nhà tranh vách đất, thế mà lại trở thành những Thánh Tăng, đào tạo biết bao hậu duệ danh tăng - mà một thời gian dài Phật giáo miền trung (Bình Trị Thiên, Quảng Nam, Đà Nẵng) đã trở thành tiêu biểu và linh hồn của Phật giáo Việt Nam.

Một dân tộc muốn tiến lên, muốn hùng cường phải đọc và thường xuyên ôn lại lịch sử để thấy những cái bi, cái hùng của tổ tiên. Không hiểu biết gì về lịch sử thì giống như một người ngoại quốc, một khách lạ sống trên chính quê hương mình.

Xin cám ơn HT.Thích Tín Nghĩa đã trao tặng quyển sách có giá trị lịch sử này. Quý vị nào muốn có sách xin liên lạc:

Tổ đình Từ Đàm Hải Ngoại
615 North Gilbert Rd.Irving, Texas 75061-6240
ĐT: (972) 986-1019

California, ngày 07/12/2107
Đào Văn Bình
loading...