Sống an vui
Đôi khi hạnh phúc bị nhận thức như là sự chịu đựng đau khổ
Thứ sáu, 23/01/2024 09:03
Muôn loại muốn có hạnh phúc. Trong ý thức, con người không lúc nào không đi tìm hạnh phúc. Tuỳ vào điều kiện hiện hữu, hạnh phúc mà con người tìm thấy khác nhau. Có đôi khi, hạnh phúc bị nhận thức như là sự chịu đựng đau khổ.
Thực ra, hạnh phúc không đi cùng với sự chịu đựng. Chịu đựng là đau khổ. Bạo lực là biểu hiện bốc cháy của chịu đựng. Bạo lực ở đâu thì đau khổ ở đó. Mức độ bạo lực như thế nào thì đau khổ sẽ như thế đó. Không có hạnh phúc trong bạo lực.
Con người bạo lực là một con người đau khổ. Có bạo lực hành động và có bạo lực tư tưởng. Có bạo lực chính mình và có bạo lực tha nhân. Bạo lực chính mình hay bạo lực tha nhân đều cho về kết quả đau khổ.
Trong thế giới sống, hiện hữu luôn kết nối. Không có hiện hữu tồn tại tự nó. Cái này có thì cái kia có và ngược lại. Khi bạo lực phát sinh, không chỉ nơi con người hay không gian bạo lực đó có khổ. Người liên hệ và thế giới liên hệ cũng có khổ.
Paul Ricoeur nói: “Đau khổ và cái ác là kết quả của bạo lực không ngừng lập lại. Hành động nào, dù mang tính đạo đức hay chính trị, giảm thiểu độ bạo lực, do người này gây ra cho người khác, cũng sẽ giảm thiểu độ khổ đau.” [1]
Trong trải nghiệm khổ đau, không có người thắng. Bạo lực còn là khổ đau còn. Sự va chạm của bạo lực sẽ là sự bốc cháy của khổ đau.
Chỉ có sự thấu cảm thông qua khổ đau, thế giới của bao dung, bất bạo động mới hiển lộ.
Chỉ có sự lắng sâu của tâm thức thông qua thiền định, thế giới của cao thượng và minh triết mới sinh ra.
Người hạnh phúc thật sự là người đã phi bạo lực được bản thân, đã minh triết được chính mình. Không có một chịu đựng tinh thần nào còn đi qua tâm tư người ấy nữa. Kinh nghiệm khổ đau của bản thân đã hoá thành tình yêu và tuệ giác. Thế giới họ sống đầy sáng suốt với đôi mắt trong và rộng. Cái gì cũng có, mà không có cái gì bạo lực. Vắng lặng, thương và mỉm cười một mình giữa muôn ngàn hiện hữu như muôn ngàn hiện hữu, không tại ai.
Nhuận Đạt
-------------
[1] Xem sách Cái Ác (Le Mal), Bùi Văn Nam Sơn dịch Việt.