Sống an vui
“Đợi khi tôi giàu tôi sẽ giúp”
Chủ nhật, 02/05/2021 05:55
Khi gặp một người nghèo khổ đang cần giúp đỡ, bạn sẽ làm gì? Có không ít người suy nghĩ thế này: “Đợi mình giàu có mình sẽ giúp”, nhưng cuối cùng mấy ai thực hiện được lời hứa đó?
Muốn độ chúng sinh phải có phước báo từ việc bố thí
Đọc câu chuyện dưới đây và cùng suy ngẫm!
Một lần vị lão thiền sư dẫn theo một tiểu đồ đệ đi hoá duyên ở một vùng nọ. Trên đường, hai thầy trò họ gặp một bà lão ăn mày tàn tật, vị lão thiền sư nói với tiểu đồ đệ: “Con hãy lấy chút lương khô và số ngân lượng còn lại cho bà lão kia đi!”
Tiểu đồ đệ nghe xong, trong lòng cảm thấy không thoải mái, không tình nguyện nhưng vẫn miễn cưỡng làm theo lời lão thiền sư.
Lão thiền sư thấy vậy liền nói: “Sinh tử và công đức chỉ ở một niệm. Chỗ ngân lượng và lương khô này đối với chúng ta mà nói thì chẳng qua cũng chỉ là tạm thời duy trì cuộc sống mà thôi. Nhưng đối với thí chủ đây thì lại là vật cứu mạng đấy”.
Tiểu đồ đệ nghe xong, có điều hiểu có điều chưa hiểu liền nói: “Sư phụ dạy bảo, con xin ghi khắc trong tâm. Đợi đến lúc con tích được nhiều tài vật cho nhà chùa rồi, con nhất định sẽ cứu giúp những người dân nghèo khổ”.
Lão thiền sư nghe xong, không nói gì chỉ lắc đầu thở dài. Mấy năm sau, ông viên tịch và để lại cho tiểu đồ đệ một lá thư, trong lòng vẫn còn chút phiền muộn.
Tiểu đồ đệ sau này trông nom ngôi chùa và không ngừng quyên góp được nhiều tiền của. Từ một ngôi chùa nhỏ cũ nát, tiểu đồ đệ đã xây dựng thành một ngôi chùa rộng rãi, khang trang.
Tiểu đồ đệ nghĩ thầm: “Sau khi việc xây dựng hoàn tất, mình nhất định sẽ nghe theo lời dạy bảo của sư phụ đi cứu tế những người dân nghèo”.
Nhưng sau khi ngôi chùa được xây dựng xong, tiểu đồ đệ lại nghĩ: “Đợi đến khi ngôi chùa được mở rộng hơn nữa một chút, mình sẽ đi cứu tế làm việc thiện cũng không muộn!”
Thời gian thấm thoắt trôi qua, tiểu đồ đệ khi xưa đã trở thành một ông lão 80 tuổi, ngôi chùa đã trở thành một ngôi chùa trăm gian, tường vách sáng lạn. Nhưng mấy chục năm qua, tiểu đồ đệ luôn bận rộn với việc quyên góp tiền xây dựng chùa, quên mất việc cứu tế. Vì vậy, ông vẫn chưa thể làm được một việc thiện tích công đức nào.
Trước khi lâm chung, ông chợt nhớ đến bức thư của sư phụ năm xưa. Ông chậm rãi mở thư ra, chỉ một dòng chữ đập ngay vào mắt khiến ông chấn động: “Giúp người một lần, hơn hẳn tụng kinh 10 năm!”
Tiểu đồ đệ năm xưa không khỏi trào nước mắt và hối tiếc khôn cùng, nhưng ông đã không còn chút thời gian và sức lực nào để làm được việc cứu tế người khác nữa. Tiểu đồ đệ lâm chung, hai khóe mắt vẫn giàn giụa nước mắt.
Quả báu của bố thí tùy thuộc vào đối tượng thọ thí
Lời bàn:
Kỳ thực, việc giúp đỡ người khác không nhất thiết phải đợi đến lúc bản thân có đầy đủ khả năng, tiền bạc.
Chúng ta phải biết rằng, cứu giúp người khác ngay cả khi mình chưa đủ khả năng mới thật ý nghĩa.
Làm việc thiện, giúp đỡ người khác là tùy thời, tùy chỗ mà thực hành chứ không phải đợi đến lúc mình có đủ khả năng. Rất nhiều khi chúng ta lấy “khả năng chưa đủ” để không giúp đỡ người khác, thực ra đó chỉ là một cái cớ để che giấu tâm ý thật của bản thân mà thôi!
Từ Tâm