Sách Phật giáo

Đóng góp của Phật giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Chủ nhật, 02/01/2015 03:33

Phật giáo Việt Nam là tôn giáo có truyền thống “hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc", luôn gắn bó với vận mệnh của đất nước. Lịch sử đã minh chứng, khi đất nước hùng cường thì Phật giáo hưng thịnh; khi Tổ quốc lâm nguy, Phật giáo sẵn sàng đứng lên tham gia chống giặc ngoại xâm, góp phần giành lại độc lập cho dân tộc. 

Khi đất nước hòa bình, Phật giáo tích cực tham gia xây dựng cuộc sống và có những đóng góp trên tất cả các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, đạo đức xã hội…

Thật chân thành khi có người định nghĩa Phật giáo là tôn giáo của dân tộc, vì sao lại như vậy, ngay trong giáo lý của đạo Phật về Tứ trọng ân mà mỗi một chúng sinh phải luôn ghi nhớ; đó là Ân cha, mẹ; Ân Tam bảo sư trưởng; Ân Quốc gia xã hội; Ân chúng sinh vạn loại. Trong đó Ân quốc gia xã hội được hiểu qua mỗi việc làm thiết thực vì quốc gia, vì xã hội cũng chính là cách hành đạo “phụng sự dân tộc là cúng dường chư Phật”. 

Xuất phát từ minh triết Phật giáo và đạo học truyền thống của người Việt nên Phật giáo đã có chỗ đứng, vị trí trong lòng dân tộc, lịch sử dân tộc Việt đã ghi nhận những đóng góp của Phật giáo trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần trọng tâm vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam trong mọi thời đại, mọi hoàn cảnh lịch sử.
 
1. Đóng góp của Phật giáo trên phương diện chính trị, ngoại giao.

Lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng đã chứng minh những đóng góp quan trọng vào công cuộc dựng nước, giữ nước và bảo vệ Tổ quốc của Phật giáo. Qua nhiều triều đại phong kiến ở nước ta, nhiều vị vua quan là phật tử với sự hiểu biết Phật pháp nên đã vận dụng những tinh hoa trong tư tưởng, triết lý của đạo Phật phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước cường thịnh. 

Vị thế văn hoá-chính trị như một nhà lãnh đạo Phật giáo của Sĩ Nhiếp đã trở thành vị thế văn hoá-chính trị của những vị minh quân-anh hùng dân tộc đã khai sáng những thời đại độc lập và vinh quang cho đất nước Việt Nam, từ Lý Nam Đế, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn đến Lý Công Uẩn, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, và các chúa Nguyễn trong buổi đầu lập quốc và dựng nước ở Đàng Trong, như Nguyễn Hoàng (chúa Tiên), Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi), Nguyễn Phúc Lan (chúa Hiền), Nguyễn Phúc Tần (chúa Nghĩa), Nguyễn Phúc Chu (xứng đáng để được tôn vinh là chúa Phật). Nguyễn Phúc Chu là người đã đúc đại hồng chung nặng 3.285 ký ở chùa Linh Mụ. 

Các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần đã thể hiện tinh thần tự chủ, độc lập, anh dũng của dân tộc; đồng thời khẳng định tinh thần gắn liền đạo pháp với dân tộc của Phật giáo Việt Nam. Sự kiện các Thiền sư Không Lộ, Tuệ Tĩnh, Vạn Hạnh… đã hết lòng phò vua giúp nước, xây dựng xã tắc vững bền vì bách tính. Đặc biệt, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã hai lần khoác áo chiến bào cùng toàn dân kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông; khi đất nước yên bình, Ngài nhường ngôi cho con và vượt qua trở ngại lên núi Yên Tử tu thiền trở thành Sơ tổ Thiên phái Trúc Lâm Việt Nam. 

Phát huy truyền thống quý báu đó, trong hai cuộc kháng chiến trường kì anh dũng gần đây của nhân dân ta, Phật giáo đã có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc; nhiều chùa chiền, tịnh viện là cơ sở cách mạng, nuôi dấu cán bộ; nhiều nhà sư cũng đã tạm gác áo cà sa để mặc chiến bào tham gia chiến đấu chống ngoại xâm góp phần giành độc lập, tự do cho dân tộc. 

Đó chính là những việc làm thể hiện tinh thần cao cả đối với non sông đất nước của những người con Phật. Điển hình cho việc xả thân cầu đạo, bảo vệ giang sơn là Bồ tát Thích Quảng Đức – Ngài như ngọn lửa thép tiếp bước hào khí của các bậc tăng tài Phật giáo Việt Nam.

 Sau khi giang sơn thu về một mối, hàng triệu tăng ni, phật tử trong các tổ chức, hệ phái đã đồng lòng xây dựng một ngôi nhà chung của Phật giáo

Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kế thừa truyền thống vẻ vang của Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp quan vào công cuộc dựng nước, giữ nước và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới. 

Nhiều vị chức sắc tu hành được người dân tin tưởng bầu là Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; nhiều điểm sáng với vai trò đặc biệt của sư sãi trong việc vận động quần chúng xây dựng đời sống văn hóa, kinh tế xã hội ở các địa bàn dân cư. Các nhà tu hành Phật giáo tiếp tục đẩy mạnh việc truyền bá đạo pháp tại vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo để cho tinh thần Phật giáo là lá chắn tâm linh, là phên dậu của quốc gia xã tắc được trường tồn.

2. Đóng góp của Phật giáo đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội

Hiện nay trên cả nước có hàng chục triệu tín đồ Phật giáo, đa số người dân có tín ngưỡng kính ngưỡng Phật giáo nên vai trò của cộng đồng trong việc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội hết sức quan trọng. Nhiều vị doanh nhân thời đại mới thấm đẫm tinh thần Phật giáo, thì việc làm giàu không còn đơn thuần chỉ chăm chăm cho bản thân mà trước hết còn nghĩ đến trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng; chú trọng hoạt động xã hội, thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Người Việt Nam có truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, tinh thần đó của người Việt được nâng lên khi tiếp ứng tinh thần Từ – Bi – Hỷ – Xả của đạo Phật. 

Biểu hiện của lòng Từ là sự cho đi mà không mong đợi được đền đáp, hay còn gọi là Pháp Bố thí. Trong Phật Pháp, Pháp Bố thí luôn là Pháp đứng đầu của ba Pháp tu căn bản của phật tử, như Tứ nhiếp Pháp ( Bố thí – ái ngữ – Lợi hành – Đồng sự), Lục Độ Ba La Mật ( Bố thí – trì giới – tinh tấn – nhẫn nhục – thiền định- trí tuệ). 

Phật tử đã và đang làm lợi ích cho Phật Pháp. Đó là ý nghĩa của lời Phật dạy: “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”.

Thấy người đói khát ở đâu
Bây giờ thí một sau hầu được trăm
Tu hành nhân kết càng thâm
Thí một được vạn phúc thầm ai hay.

Pháp Bố thí là nhân lành của quả phúc ở thế gian. Trong một xã hội, có được nhiều người giàu lòng từ bi bác ái, luôn tìm cách giúp người, xã hội ấy chắc chắn được an vui thịnh đạt.

Biết bao chương trình từ thiện mang áo ấm, lương thực, vật dụng thiết yếu do các đạo tràng, câu lạc bộ phật tử tại các chùa trong cả nước đã nhận được nhiều sự ủng hộ quyên góp của người dân, để dành cho đồng bào miền Trung và bà con dân tộc thiểu số, bà con ở vùng sâu, vùng xa và vủng hải đảo trên mọi miền đất nước. 

Nhờ đó tỷ lệ người nghèo từ năm 1993 đang ở mức 58,1% giảm xuống còn 10,7% năm 2010, tính theo chuẩn nghèo mới của Chính phủ giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ người nghèo giảm đáng kể từ 14,2% năm 2010 xuống còn 9,6% năm 2012, và tiếp tục giảm trong năm 2013.

3. Đóng góp của Phật giáo vào nền văn hóa dân tộc 

Phật giáo là nền giáo dục trí tuệ để hướng con người về cái Thiện với kim chỉ nam “Duy tuệ thị Nghiệp”, có nghĩa là phát triển trí tuệ là sự nghiệp duy nhất của Phật giáo; ý nghĩa đó nhắc nhở người con Phật không những thực hành theo giáo lý Phật để tu tâm, mà còn đóng vai trò “hoằng pháp viên” giảng giải truyền bá đạo lý đến với những người khác,  để giúp họ ứng dụng vào cuộc sống và có được an lạc.

Trước khi giảng giải đạo lý đến với người khác, nối tiếp truyền thống thế hệ Cao Tăng đi trước từ thời Lý – Trần, các quý Thầy đã mở những lớp học tình thương, xóa mù chữ cho trẻ em vùng cao, tạo điều kiện tốt nhất để cùng các thầy cô giáo khác dạy cái chữ và đạo làm người đến các cháu. 

Kết quả của những sự cố gắng nỗ lực không mệt mỏi vì tha nhân của những người con Phật đã và đang chung tay cùng xã hội dẹp giặc dốt, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rõ rệt trong công tác phổ cập giáo dục: Năm 2009, tỉ lệ nhập học tiểu học đúng độ tuổi là 97%, và tỷ lê trẻ em đi học hoàn thành năm năm tiểu học là 88%, và 90% trong số đó vẫn tiếp tục được học lên cao.

Phật giáo là nền giáo dục trí tuệ, nên ngoài việc chú trọng phổ cập giáo dục văn hóa phổ thông cho nhân dân gặp khó khăn, Phật giáo còn đặc biệt quan tâm đến quá trình chuyển hóa nội tâm, cải tạo cái xấu, bồi dưỡng phát huy cái tốt, trang bị cho mỗi cá nhân những nhận thức có chính kiến, đức tin chân chính, những phẩm chất tâm linh, ý chí và đạo đức nhân bản, để họ làm hành trang tư lương cho đời sống an lạc. 

Biết bao quý thầy đã vào thăm hỏi và giảng giáo lý cho các tù nhân mang trọng án với chủ đề “Quay đầu lại là bờ”, cốt để mang lại cho họ niềm tin, và quyết tâm cải tạo thành người lương thiện, để sớm được hòa nhập với xã hội; hàng trăm tổ chức cơ sở Phật giáo đã cưu mang chăm sóc hàng ngàn cháu nhỏ, người gia không nơi nương tựa, những bệnh nhân HIV/AIDS….

4. Phật giáo góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Phật giáo chủ trương việc hành đạo là vì hạnh phúc của chúng sinh, nên triết lý Phật giáo trong phát triển hài hòa hết sức được thời đại tri thức coi trọng. Hài hòa và bình đẳng không chỉ giữa người với người, quốc gia này với quốc gia kia mà còn là giữa con người với chúng sinh vạn loại, với tự nhiên để cho việc đảm bảo môi trường sống được bền lâu.

Phật giáo tôn vinh sự hiếu thảo của con cái với cha mẹ, đặc biệt là với người Mẹ. Bên cạnh việc tôn vinh tình mẫu tử của phái nữ, đức Phật và Tăng đoàn đã chấp nhận sự có mặt của Tỳ kheo Ni và cận sự nữ ngay từ năm thứ 2 sau khi Tăng đoàn thành lập, trong bối cảnh xã hội Ấn Độ cổ cũng như các nước châu Á khác vẫn còn đang trong thời kỳ của tư tưởng trọng nam khinh nữ. 

Giới luật của Ngài chế dành cho Tăng và Ni là cả một tấm lòng từ bi bình đẳng của đức Tứ sinh chi Từ Phụ đối với tất cả các “con”, vì Ngài muốn Ni giới cũng đạt đến quả vị tu hành an lạc giải thoát như chư Tăng, dù có sự khác biệt về tâm sinh lý. 

Ni giới Phật giáo Việt Nam đã luôn đồng hành mọi mặt trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ việc thực thi đạo hạnh đến tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, bảo vệ hòa bình, trùng tu chùa chiền. Cho đến những việc hoạt động từ thiện, với lòng bi mẫn của Từ mẫu, nhiều vị ni sư luôn mở rộng vòng tay nuôi nấng dạy dỗ các em bé mồ côi cơ nhỡ hoặc bị để lại trước cổng chùa, bên cạnh đó, Ni giới giúp đỡ các cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam, các hộ nghèo trên khắp mọi miền đất nước.

Hạnh Từ bi ban vui cứu khổ, luôn an ủi, khuyên lơn đã nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau khổ của thế nhân, lại gần với tình thương của người Mẹ, nên Đức Quán Thế Âm Bồ tát trong tín ngưỡng của các nước Đông Nam Á mới mang hình tướng nữ; cũng như Ni giới trong Tăng đoàn có vai trò như một hình ảnh biểu trưng cho hạnh Từ Bi của đạo Phật. 

Trong lĩnh vực kinh doanh, không ít những vị lãnh đạo nữ thành công hơn nam giới nhờ sự mềm mỏng khéo léo mà vẫn quyết đoán. 

Việt Nam là một trong năm nước châu Á có tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc Hội cao nhất; số lao động nữ chiếm hơn 50% tổng số lao động cả nước.

Phật giáo góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Đạo từ đời mà có và đạo lại đi vào đời, Phật giáo thích ứng với mọi hoàn cảnh lịch sử và văn hóa của dân tộc, hòa nhập cùng dân tộc như nước với sữa; góp phần xây dựng sự khối đại đoàn kết, hoà hợp dân tộc.

Phật giáo khi được truyền vào Việt Nam đã luôn hòa mình vào văn hóa dân tộc, khơi dậy và phát huy tinh thần khoan dung, dân chủ, yêu nước, thương nòi, cùng chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng thuận xã hội qua phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”.

Phật giáo là một tôn giáo hướng dẫn con người "biết sống và bảo vệ sự sống". Trong lịch sử thế giới không có sự kiện nào cho thấy rằng người phật tử đã làm điều nguy hại đối với tôn giáo khác ở bất cứ nơi nào trên thế giới vì mục đích truyền bá Phật pháp. Người phật tử không xem sự tồn tại của các tôn giáo khác, hoặc của cộng đồng tộc người, văn hóa khác như là một chướng ngại đối với hạnh phúc và an lạc của bản thân mình, tộc người mình, cộng đồng minh hay cả tôn giáo mà mình đang theo.

Thông điệp của đức Phật là một sự mời gọi tất cả mọi người gia nhập vào tình huynh đệ bao la để tạo sức đoàn kết vì an lạc và hạnh phúc của con người. 

LỜI KẾT

Những đóng góp thiết thực vào đời sống văn hóa và công cuộc đổi mới đất nước qua hàng ngàn năm lịch sử đã minh chứng Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo nhập thế, luôn đồng hành cùng dân tộc trên mỗi bước đường phát triển.

Phật giáo không chủ trương đi sâu vào các khía cạnh kinh tế, kỹ thuật hay đường lối chính sách quốc gia, mà đề cập nhiều hơn khía cạnh con người, vì chính “con người là chủ nhận của Nghiệp, là kẻ thừa tự của Nghiệp”. Do vậy, trong lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam luôn gắn vận mệnh Phật giáo với vận mệnh dân tộc.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tư cách là tổ chức kế thừa truyền thống vẻ vang đó sẽ tiếp tục chèo lái, dẫn dắt tăng ni, phật tử phát huy truyền thống, tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết giữa các tôn giáo, hoà hợp Đạo - Đời; trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội nhằm xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh và thu được nhiều thành tựu phật sự hơn nữa; đồng thời tiếp tục có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là tôn giáo “hộ quốc an dân”, tôn giáo của dân tộc.

Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 6 năm 2014
loading...