Sống an vui

Đứa trẻ trong tôi

Thứ năm, 27/01/2024 11:44

Khi còn nhỏ, nó như bất kỳ một đứa trẻ nào đều có cuộc sống hết sức vô tư, hồn nhiên đẹp đẽ. Đối với nó, khoảng sân trước nhà, khóm hoa trước cửa, mảng trời sau vuông cửa sổ… là tất cả thế giới, là niềm vui bất tận, là mục đích để cho nó khám phá không biết chán.

Nó có thể ngồi cả buổi ngắm một con chuồn chuồn khép cánh, chờ đợi đôi cánh của nó từ từ thay đổi, cong vút lên, rồi bay đi. Nó có thể tò mò xem xét đôi mắt trong veo to lớn ấy để ngẫm nghĩ về tạo hoá, “Từ đâu chuồn chuồn có đôi mắt lạ lùng thế. Nó có nhìn thấy mình không? Nếu biết nói, nó sẽ nói gì với mình nhỉ?”…Còn nó, nó có thể nói với chuồn chuồn, chim chóc, hoa lá cả ngày, tâm sự đủ thứ như một người bạn. 

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nó, đứa trẻ ấy vẫn luôn sống trong hân hoan, luôn tìm ra niềm vui thích để tận hưởng hoàn cảnh mà cuộc sống đưa lại, không phải suy nghĩ đến việc phải thay đổi hoàn cảnh sống bao giờ. 

Đứa trẻ ấy có nhiều ước mơ, nhưng không bị sự khao khát phải đạt được. Nó có nhiều phân tích, nhưng không có sự can thiệp của lý trí. Trong nó chỉ luôn là những cảm xúc tích cực, trong sáng, hồn nhiên và đầy ắp niềm vui. Hạnh phúc của một đứa trẻ thật ra chỉ đơn giản như thế!

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Rồi đứa trẻ ấy cũng phải lớn lên. Rời vuông cửa, rời khoảng sân, khóm hoa, rời cánh rừng sau nhà để về thành phố, rồi phải đi học, phải tiếp xúc với chúng bạn, với xã hội. Khi phải bước chân vào môi trường này, cuộc sống của nó bắt đầu xáo trộn. Mỗi hoàn cảnh tác động lên nó thật dữ dội.

Tâm thức của nó được (bị) mở ra liên tiếp với bao nhiêu câu hỏi 'Tại Sao?' dồn dập đến, dồn dập những câu trả lời. Vừa phải tập quen với hoàn cảnh sống mới, phải tiếp xúc với những lễ nghi, vừa phải phấn đấu theo trào lưu chung như một một đứa trẻ thành phố, phải tới trường, phải học giỏi, phải làm hài lòng người lớn, cha mẹ, thầy cô, phải chứng tỏ với chúng bạn, phải… phải… và vô vàn “sự phải” khác thấm đẫm nghĩa vụ ngày càng dày đặc trong cuộc đời nó.

Khi nhận thức càng có, sự học hành càng nhiều, túi đời của nó, đứa trẻ ấy càng đầy, càng chật chội. Một mặt khác, tự bên trong nó hình thành nên những suy nghĩ mới, những hơn thua, lấy, bỏ, được mất. Cảm xúc của nó cũng thế, nhiều và đa dạng hơn, như chính những va đập xảy ra trong xã hội. 

Giờ đây cuộc sống của nó, đứa trẻ ấy bắt đầu có nước mắt, những sự “chịu đựng” hay những thoả hiệp bắt buộc. Những conflict đối nghịch. Những gì là “tự nhiên” ngày xưa chỉ còn là những rơi rớt, những khoảng khắc, những ký ức đẹp đẽ để thỉnh thoảng tìm về khi mệt mỏi hay thất vọng với cuộc sống. Sự tìm về trú ẩn tạm thời trong tâm thức của nó giống như tìm về một ốc đảo an lành trong sa mạc, như hốc cây khô ấm áp của chú sóc trong mùa đông lạnh lẽo.

Tất cả mài dũa dần đi sự tự nhiên của một đứa trẻ. Tâm thức của nó ngày càng mất đi sự hồn nhiên, khi nó bắt đầu công cuộc “mài dũa” chính mình.

Nó không còn nhìn đời với con mắt trong sáng “vô điều kiện” nữa. Hành vi của nó bắt đầu có điều kiện, có mục đích. Nó dần thấy những mặt trái, tiêu cực, hơn là tích cực. Sự khám phá của nó vươn ra bên ngoài thay vì nhìn vào bên trong như trước. Suy nghĩ của nó ngày càng mang tính suy xét, kết luận, logic, đúng sai. Những cái “bên ngoài” ấy hình thành nên những thay đổi trong nhân cách của chính nó. 

Cả quá trình đó nếu nói đúng từ, thì chính là quá trình phá vỡ tâm thức của một “đứa trẻ” ngày xưa để nhào nặn nên những sự trưởng thành khác biệt, đôi khi là “dị biệt” của một con người.

Và thế là đứa trẻ trong nó tiếp tục lớn, tiếp tục trưởng thành. Rồi biết yêu, rồi lấy chồng, rồi có con, rồi phấn đấu vì sự nghiệp riêng. Càng bước qua những giai đoạn ấy trong cuộc đời, những niềm vui và hạnh phúc của nó cũng thay đổi. Các giá trị cũng ngày một đổi khác. Nhưng có một sự thật đó là, nó ngày càng cách xa tâm thức một đứa trẻ của một thủa nào.

Kiếm nhiều tiền để mua những gì khiến nó vui hơn. Đi khắp thế giới đến những nơi nó cho là đẹp hơn. Lựa chọn hoàn cảnh để mong tìm ra “ốc đảo” an bình, yên ấm hơn. 

Cả đời nó cứ đi như thế để tìm kiếm. Càng làm đầy cho mình sự hào nhoáng bên ngoài, trong lòng nó càng nhiều hơn những thất vọng, những vết thương bầm dập, những xác xơ trong tâm. Thật sự cuối cùng nó khao khát điều gì, đang tìm kiếm điều gì trong cái thế giới không ngừng biến đổi này? 

Biết bao lần nó tự hỏi: Hạnh phúc đích thực là gì, có phải là một điều gì đó tốt “hơn” những gì nó đang có? Vậy thì hạnh phúc luôn ở phía trước, ở tương lai của nó mà nó không bao giờ chạm tới được.

Có một ngày như thế, giống như khi xưa Đức Phật giáo hoá kẻ sát hại 999 người vô tội chạy đuổi theo để giết Ngài. Kẻ đó hét lên: “Hãy dừng lại, nếu không ta sẽ giết chết ngươi”. Ngài vẫn đi, không dừng lại và ôn tồn nói: “Ta đã dừng lại từ lâu rồi, chỉ có ngươi chưa biết dừng lại đấy thôi.” Chỉ câu nói ấy mà rung động tâm can một kẻ giết người không nương tay, để hắn buông giáo, quỳ gối xin làm đệ tử của Ngài. 

Dừng lại. Hoá ra chỉ đơn giản như vậy thôi!

Đúng vậy. Khi dừng lại chính là lúc nó được trở lại sự an lành đã mất, là những giây phút của ngày xưa được sống trong an bình, ngắm chuồn ngủ bên bờ suối. Dừng lại để trở lại với chính mình. Dừng lại để thấy mình trở về là.. một đứa trẻ.

Sự thực đơn giản ấy phải đến khi đi hết gần cả cuộc đời nó mới hiểu...

loading...