Kiến thức
Đức Pháp chủ GHPGVN: 'Dấn thân phụng sự nhưng không được xa rời Giới luật'
Chủ nhật, 01/12/2022 06:00
Mỗi khi chúng ta có dấn thân phục vụ, đi vào thực tiễn thì mới có sáng kiến, trí tuệ theo đó mà phát sinh, nhìn cuộc đời rõ hơn trong tinh thần Chánh kiến. Nếu tránh né khó khăn, ngại đụng chạm thì cái nhìn về cuộc đời của mỗi người sẽ khó toàn diện và chính xác được.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng được suy tôn Quyền Pháp chủ Hội đồng Chứng minh - cơ quan lãnh đạo tối cao về Đạo pháp và Giới luật của GHPGVN, tại Hội nghị kỳ 6 - khóa VIII của Giáo hội (31-12-2021), suy tôn Pháp chủ ngày 29-11-2022 tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX (2022-2027). Ngài đã dành cho báo Giác Ngộ cuộc phỏng vấn đặc biệt.
Nhận định lại một chặng đường 5 năm của nhiệm kỳ VIII của Giáo hội, các hoạt động của Hội đồng Chứng minh, ngài chia sẻ:
- Trước nhất, tôi muốn nói về những ý tưởng của Đức Đệ tam Pháp chủ - Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ (1917-2021). Ngài là vị giáo phẩm rất thao thức về thực trạng và hướng phát triển của Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là về vấn đề thực hành Giới luật Phật chế, Hiến chương của Giáo hội.
Điều đó thật dễ hiểu, khi Giáo luật, những điều di huấn của Đức Phật không được tôn trọng; khi người tu không thực hành nghiêm túc Giới luật thì Phật giáo sẽ suy đồi. Đức Đệ tam Pháp chủ luôn nhấn mạnh vấn đề Giới luật là một tiêu chí hàng đầu trong việc đánh giá con người trong Giáo hội, nhưng ngài tuổi cao, cùng với các nhân duyên khách quan khác, do vậy ý tưởng đó không được thực hiện sớm.
Ngài đã tâm sự với tôi nhiều lần và cuối cùng, chính ngài đã đề nghị tôi thành lập Hội đồng Giám luật thuộc Hội đồng Chứng minh cũng như gởi gắm kỳ vọng cho Hội đồng này.
Việc thành lập Hội đồng Giám luật dẫu muộn, nhưng được Tăng Ni, Phật tử ủng hộ là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, những gì Hội đồng Giám luật đã làm trong thời gian qua phải nói là khiêm tốn so với yêu cầu từ thực tế cũng như đang chịu các quy định khác liên quan tới Hội đồng Chứng minh đề cập trong Hiến chương tu chỉnh lần thứ 6. Giai đoạn kế tiếp, Hội đồng Giám luật sẽ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo Quy chế hoạt động sẽ bắt đầu trong nhiệm kỳ tới (2022-2027), sau khi Hiến chương được tu chỉnh lần thứ 7.
Bên cạnh Giới luật, Tăng Ni còn là công dân, phải tuân thủ pháp luật hiện hành và các tương quan khác trong đời sống xã hội. Việc tôn trọng Giới luật và tuân thủ pháp luật của Tăng Ni sẽ làm nên uy tín cho Giáo hội tồn tại, hội nhập và phát triển.
Lịch sử đã minh chứng cho thấy nếu Tăng Ni không tôn trọng và thực hành Giới luật nghiêm túc thì Phật giáo suy đồi. Đó là sự thật, chúng ta không thể đổ lỗi cho điều kiện khách quan, tác động từ bên ngoài. Mặt khác, Phật giáo phát triển thực sự thì phải phát triển trong lòng quần chúng.
Sự xuất hiện của tư tưởng Phật giáo được đề cập trong các bộ kinh Duy-ma, Hoa nghiêm, Pháp hoa… đã mở ra một giai đoạn, hướng phát triển cho Phật giáo mà chúng ta cần quan tâm. Với tinh thần Đại thừa, những tu sĩ một lòng tu hành, tuân thủ Giới luật cần phải tôn trọng hàng đầu. Đối với những người lợi dụng Phật giáo dưới hình thức tu sĩ thì nhất định phải bị xử lý triệt để thì mới mong Phật giáo tồn tại và phát triển.
Tôn vinh những trường hợp tu hành nghiêm mật, những người dấn thân vào cuộc đời theo hạnh Bồ-tát; xử lý các trường hợp vi phạm Giới luật và pháp luật trong hàng ngũ tu sĩ là việc mà Hội đồng Chứng minh sẽ đặt làm trọng tâm trong giai đoạn tiếp theo, ở nhiệm kỳ IX (2022-2027).
Đầu năm 2021, sau các phiên họp của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của GHPGVN, Ban Thường trực đã ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng Chứng minh và Quy chế hoạt động của Hội đồng Giám luật. Bạch Hòa thượng, được biết Hiến chương (dự thảo) có nhiều điều chỉnh, bổ sung nhiều nội dung trong lần tu chỉnh này, vậy Hội đồng Chứng minh có tu chỉnh các quy chế trên hay không?
- Trước khi Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX diễn ra, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh sẽ có phiên họp nhằm xem xét dự thảo tu chỉnh Hiến chương do Hội đồng Trị sự đệ trình; đồng thời sẽ xem xét các nội dung trong các quy chế thuộc Hội đồng Chứng minh đã ban hành, có sự sửa đổi cho phù hợp với các điều chỉnh trong Hiến chương tu chỉnh lần thứ 7.
Được biết trong các phiên họp của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, chư vị Trưởng lão tôn túc đã đề cập và thống nhất các điều kiện để giới thiệu và suy tôn một vị giáo phẩm làm thành viên Hội đồng Chứng minh. Những điều kiện đó cụ thể như thế nào, bạch Hòa thượng?
- Qua các phiên họp của Ban Thường trực, chúng tôi đã thảo luận và thống nhất điều kiện để giới thiệu và suy tôn làm thành viên Hội đồng Chứng minh phải là các bậc Thầy, người từng là lãnh đạo các cấp Giáo hội. Do đó, điều kiện cụ thể các vị từng được cung thỉnh vào hàng Tam sư (Hòa thượng Đường đầu, Thầy Yết-ma, Thầy Giáo thọ - PV) trong các giới đàn truyền giới Tỳ-kheo; các vị đang là hoặc từng là giáo thọ giảng dạy ở các trường Phật học; hay các vị giáo phẩm từng lãnh đạo Trung ương, chứng minh hoặc lãnh đạo Giáo hội cấp tỉnh thành có uy tín, được Tăng Ni tại địa phương nhất tâm đề nghị… Những trường hợp trên sẽ được Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh xem xét và đề cử để Đại hội suy tôn.
Giáo hội chúng ta đã thành lập hệ thống toàn quốc, ở tất cả 63/63 tỉnh thành cả nước, do đó, Hội đồng Chứng minh sắp tới sẽ có sự phân bổ theo vùng, địa phương, truyền thống, hệ phái, để các vị Trưởng lão chịu trách nhiệm giám sát một cách tường tận, cho ý kiến các vấn đề Phật sự một cách cụ thể; tránh trường hợp sau khi suy tôn vào Hội đồng Chứng minh, nhưng cả nhiệm kỳ, hoặc nhiều nhiệm kỳ không làm gì, như chúng tôi đã nhận được nhiều phản ánh trong các phiên họp của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh gần đây.
Các vị được giới thiệu để suy tôn vào Ban Thường trực sẽ được phân công phận sự theo chức danh cụ thể từng con người, và phải là những vị còn sức khỏe đảm đương Phật sự; ngoại trừ những trường hợp tiêu biểu rất đặc biệt.
Bên cạnh đó, Hội đồng Chứng minh sẽ tăng cường các vị Thượng tọa có năng lực, chuyên môn cần thiết vào Ban Thư ký, Văn phòng và Thư ký Hội đồng Giám luật để giúp việc cho chư tôn Trưởng lão thực hiện trách nhiệm của mình theo Hiến chương và Quy chế hoạt động của Hội đồng.
Hội đồng Chứng minh cũng sẽ có các phiên họp định kỳ, ngoài các phiên họp bất thường do yêu cầu cấp bách của Phật sự cụ thể của Giáo hội.
Bạch Hòa thượng, Hòa thượng có thể chia sẻ những trăn trở về mẫu hình lý tưởng của người xuất gia, tu sĩ Phật giáo trong thời đại hiện nay?
- Luật Tứ phần có đề cập tới 8 loại Tỳ-kheo, kinh điển cũng nói tới nhiều loại hình Tỳ-kheo, tuy nhiên, tôi tâm đắc với sự phân loại của Trí Giả đại sư (538-597), sống cách chúng ta cả 1.500 năm, nhưng đã phân loại Sa-môn có tới bốn hạng. Đó là thị hiện thanh văn, thoái chuyển thanh văn, thú tịch thanh văn và tăng thượng mạn thanh văn.
Hạng thứ nhất, thị hiện thanh văn, là Bồ-tát Tăng, những vị xuất hiện ở đời để trùng hưng Phật giáo, do vậy họ dấn thân làm những việc chỉ vì lợi ích cho đạo, cho đời, nỗ lực xây dựng và tịnh hóa Tăng đoàn. Nếu không có những vị này thì Phật giáo khó có thể phát triển được.
Thứ hai, thoái chuyển thanh văn, những người phát nguyện hành Bồ-tát đạo, luôn tha thiết với đạo, nhưng cảm thấy lực bất tòng tâm. Đối với trường hợp này, là tổ chức Giáo hội thì nên tiếp sức cho họ để họ bớt cô đơn, thêm sức mạnh và tự tin để tiếp tục dấn thân làm Phật sự.
Hạng thứ ba, thú tịch thanh văn, là những người khi xuất gia chỉ hướng một lòng tu hành trong pháp của Phật, ít để tâm tới việc giúp đỡ xã hội cũng như xây dựng tổ chức Tăng đoàn, xu hướng thích lối sống độc cư thiền định. Hạng người này tu rất tốt, cần trân trọng.
Thứ tư, tăng thượng mạn thanh văn, đây là loại người rất nguy hiểm cho đạo. Đó là những người có kiến thức thế gian, khi đi tu không dốc lòng vì sự giải thoát và giác ngộ mà vận dụng những kiến thức về sự khôn dại ở đời để thuyên giải Phật pháp, với tài diễn đạt, khiếu ăn nói, tài lanh và kiến thức khi ở trong hình thức tu sĩ, họ sẽ dễ tạo nên những ảnh hưởng cộng đồng nhất định, kéo được số đông quần chúng theo mình. Loại này khi có được các vị trí lãnh đạo trong Giáo hội thì sẽ khiến cho Phật giáo suy đồi. Do vậy, quá trình lựa chọn lãnh đạo cần phải quan tâm hạn chế loại này.
Hạng thứ 4 trên cũng được gọi là “sư tử trùng” - bản chất không phải Phật giáo nhưng mang hình thức đạo Phật, trong hình tướng người xuất gia.
Nhân dịp Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027, Hòa thượng có lời nhắn nhủ gì đến Tăng Ni, Phật tử?
- Đại hội là dịp để hoạch định hướng hoạt động của Giáo hội trong giai đoạn tới, bắt đầu từ việc sửa đổi Hiến chương, điều chỉnh một số quy định để các hoạt động của Giáo hội phù hợp với sự thay đổi của thời đại. Tôi mong Tăng Ni, Phật tử tùy theo khả năng và nhân duyên của mình tích cực dấn thân phụng sự.
Mỗi khi chúng ta có dấn thân phục vụ, đi vào thực tiễn thì mới có sáng kiến, trí tuệ theo đó mà phát sinh, nhìn cuộc đời rõ hơn trong tinh thần Chánh kiến. Nếu tránh né khó khăn, ngại đụng chạm thì cái nhìn về cuộc đời của mỗi người sẽ khó toàn diện và chính xác được.
Điều quan trọng nhất là tôi mong Tăng Ni, Phật tử dấn thân hành động nhưng đừng xa rời Giới luật mà Đức Phật đã chế định dành cho hai giới xuất gia và cư sĩ.
Kính tri ân Hòa thượng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!
Hoàng Độ thực hiện - GNO