Lời Phật dạy

Đức Phật An cư Kiết hạ

Chủ nhật, 21/04/2013 09:56

Tinh chuyên thiền định trong ba tháng mùa mưa vốn rất quan trọng trong tiến trình tu tập của người xuất gia. Sau những tháng ngày vân du giáo hóa, dừng chân một chỗ cùng tu tập với hội chúng Tăng già để trưởng dưỡng đạo tâm, nuôi lớn hạt giống thanh tịnh lục hòa là việc cần làm

Một thời, Thế Tôn trú ở Icchànan-gala, tại khóm rừng ở Icchànan-gala. Tại đấy, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: -Ta muốn sống độc cư Thiền tịnh trong ba tháng, không tiếp một ai, trừ một người đem đồ ăn lại. 

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn. 

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Như vậy, không một ai đến viếng Thế Tôn, trừ một người đem đồ ăn lại. 

Rồi Thế Tôn, sau khi ba tháng ấy đã mãn, từ chỗ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, gọi các Tỷ-kheo: 

- Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo đến hỏi các ông: “Với sự an trú nào, này chư Hiền, Sa-môn Gotama an trú nhiều trong mùa mưa?”.

Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các ông hãy trả lời cho cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Với định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, này chư Hiền, Thế Tôn an trú nhiều trong các mùa mưa”. 

Ở đây, này các Tỷ-kheo, chánh niệm Ta thở vô, chánh niệm Ta thở ra. Hay thở vô dài, Ta rõ biết: “Ta thở vô dài”. Hay thở ra dài, Ta rõ biết: “Ta thở ra dài”. Hay thở vô ngắn, Ta rõ biết: “Ta thở vô ngắn”. Hay thở ra ngắn, Ta rõ biết: “Ta thở ra ngắn”... “Quán từ bỏ, Ta thở vô”, Ta rõ biết như vậy. “Quán từ bỏ, Ta thở ra”, Ta rõ biết như vậy. 

Này các Tỷ-kheo, ai muốn nói một cách chơn chánh, đây là Thánh trú, đây là Phạm trú, đây là Như Lai trú; người ấy nói một cách chơn chánh, phải nói định niệm hơi thở vô, hơi thở ra là Thánh trú, là Phạm trú, là Như Lai trú. 

Này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo nào là bậc hữu học, tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu vô thượng an ổn khỏi các khổ ách; những vị ấy tu tập, làm cho sung mãn định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, sẽ đưa đến đoạn tận các lậu hoặc. Và này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, đoạn tận các lậu hoặc, tu hành thành mãn, những việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí, giải thoát; những vị ấy tu tập, làm cho sung mãn định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, ngay trong hiện tại, đưa đến lạc trú, chánh niệm tỉnh giác. 

Này các Tỷ-kheo, ai muốn nói một cách chơn chánh, đây là Thánh trú, đây là Phạm trú, đây là Như Lai trú; người ấy nói một cách chơn chánh, phải nói định niệm hơi thở vô, hơi thở ra là Thánh trú, là Phạm trú, là Như Lai trú. 

(Tương Ưng Bộ V, chương 10, phẩm 2, phần Icchànangala) 
 
SUY NGHIỆM: 

An cư ba tháng mùa mưa là truyền thống tu tập của chư Tăng do Thế Tôn chế định từ thời Ngài còn tại thế, được duy trì liên tục cho đến ngày nay. Tinh chuyên thiền định trong ba tháng mùa mưa vốn rất quan trọng trong tiến trình tu tập của người xuất gia. Sau những tháng ngày vân du giáo hóa, dừng chân một chỗ cùng tu tập với hội chúng Tăng già để trưởng dưỡng đạo tâm, nuôi lớn hạt giống thanh tịnh lục hòa là việc cần làm. 

Lâu nay chư Tăng thường sách tấn nhau an cư, thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới-Định-Tuệ để chứng đắc các Thánh quả. Đó là chuyện hiển nhiên mà các Tỷ-kheo cần phải tuân thủ thực hành như một phận sự. Nhưng ít ai ngờ rằng, Thế Tôn và các bậc Thánh A la hán cũng vẫn an cư: “Những vị ấy tu tập, làm cho sung mãn định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, ngay trong hiện tại, đưa đến lạc trú, chánh niệm tỉnh giác”. 

Thế Tôn, bậc Giác ngộ, phạm hạnh đã thành, gánh nặng đã đặt xuống mà vẫn “sống độc cư Thiền tịnh trong ba tháng, không tiếp một ai, trừ một người đem đồ ăn lại”. Chúng ta cùng suy nghiệm về điều này để thấy rằng Phật đã thân giáo một cách cụ thể cho hậu thế về phận sự an cư. Rõ ràng, một Tỷ-kheo không thể nhân danh bất cứ điều gì hay viện dẫn bất kỳ lý do nào mà chểnh mảng phận sự an cư. Vì đó là Phạm trú, là Thánh trú, là Như Lai trú. 

Ứng dụng pháp quán niệm hơi thở, an trú chính niệm tỉnh giác là nền tảng của Phạm trú, Thánh trú và Như Lai trú. Thế Tôn đã chỉ rõ, chính Ngài: “Với định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, này chư Hiền, Thế Tôn an trú nhiều trong các mùa mưa”. Do đó, những hành giả an cư cần quán niệm hơi thở để thiết lập chánh niệm tỉnh giác nhằm điều phục phiền não. Tất nhiên pháp quán niệm hơi thở đã được Thế Tôn áp dụng và khẳng định như pháp hành căn bản nhưng chúng ta có thể vận dụng các pháp khác như sám hối, tụng kinh, niệm Phật, trì chú v.v…, cốt yếu của vấn đề là thiết lập được chính niệm tỉnh giác. 

Thời Thế Tôn, sau mỗi mùa an cư, các Tỷ-kheo đều thăng tiến về tâm linh, khá nhiều vị chứng đắc các Thánh quả. Chúng ta ngày nay thực hiện phận sự an cư tuy không chứng đắc như tiền nhân nhưng nhờ nương đức tu của Tăng chúng mà giới hạnh tròn đầy, phước huệ tăng trưởng. An cư chính là thiết lập, an trú và thể nhập Phạm trú, Thánh trú và Như Lai trú.


Thích Quảng Tánh

*  Chuyên đề Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikaya do tác giả Thích Quảng Tánh biên soạn đã đăng trên mạng internet.
    Khi sử dụng trên www.phatgiao.org.vn, BBT đã xin phép tác giả
loading...