Hỏi - Đáp
Đức Phật có chỉ dạy phương pháp làm ăn?
Thứ sáu, 13/09/2023 09:50
Tôi thường băn khoăn tự hỏi không biết giáo pháp của Đức Phật có chỉ dạy, hướng dẫn cho hàng Phật tử những vấn đề bình thường trong cuộc sống như những phương thức làm ăn chân chính, sinh lợi mà không mang tội hay không?
Hỏi:
Tôi là Phật tử, thỉnh thoảng có đi nghe pháp. Đa phần những giáo lý tôi được nghe là sự tu tập để giải thoát, rất cao siêu và khó áp dụng trong đời sống tại gia. Tôi thường băn khoăn tự hỏi không biết giáo pháp của Đức Phật có chỉ dạy, hướng dẫn cho hàng Phật tử những vấn đề bình thường trong cuộc sống như những phương thức làm ăn chân chính, sinh lợi mà không mang tội chẳng hạn? Nếu có thì vì sao quý thầy ít đem những điều ấy ra giảng dạy? Mong được chia sẻ về vấn đề này.
Mưu sinh đúng gọi là chánh mạng
Đáp:
Giáo pháp của Đức Phật vô cùng rộng lớn, như biển cả mênh mông, thích hợp cho mọi căn cơ, bao trùm khắp pháp giới và có lợi ích thiết thực đối với vạn loại hữu tình. Tùy theo trình độ nhận thức, khả năng tu tập của mỗi hội chúng mà Đức Phật tuyên thuyết những pháp thoại tương ứng, thích hợp. Vì thế, tìm hiểu kinh tạng Phật giáo, chúng ta dễ dàng nhận thấy: có những bộ kinh thực sự cao siêu, dành cho những bậc Bồ tát nhận thức và thực hành; có những bộ kinh mang nội dung và tư tưởng giải thoát, xuất thế dành cho hàng Tăng sĩ xuất gia; và có rất nhiều kinh văn đề cập đến việc kiện toàn nhân cách, trau giồi đạo đức, xây dựng đời sống xã hội hòa bình, thịnh vượng, văn minh cho hàng Phật tử tại gia.
Và như thế, không chỉ vấn đề “những phương thức làm ăn chân chính” (kinh tế) mà những vấn đề khác như chính trị, xã hội, tư tưởng, quản trị, giáo dục, y học, nông nghiệp v.v… đều được Đức Phật đề cập đến khá nhiều trong kinh điển. Tuy nhiên, Đức Phật là bậc Giác ngộ, Giải thoát chứ không phải là một nhà chuyên môn về chính trị, kinh tế, giáo dục hay quản trị… do đó những lời dạy của Ngài về các lĩnh vực này thường có tính khái quát, thiên về đạo đức nhằm xa lìa thủ lợi cá nhân, hướng đến lợi mình và lợi người. Theo Đức Phật thì một nhà chính trị phải hướng đến mục tiêu là vì dân, vì nước; một nhà kinh tế làm ra lợi nhuận phải san sẻ, mình và mọi người đều được hưởng; một nhà xã hội phải đấu tranh cho quyền bình đẳng, tự do, dân chủ của cộng đồng… Nói cách khác, Đức Phật luôn dạy hàng Phật tử ý thức, trách nhiệm về vị trí và công việc đương tại của mình để nỗ lực, cống hiến nhằm đem lại lợi ích thiệt thực cho bản thân và cộng đồng xã hội. Đem lại lợi ích cho mình và người, trong hiện tại và tương lai là nhiệm vụ quan trọng mà hàng Phật tử phải đạt được trong các lĩnh vực của đời sống. Và đây chính là con đường thiết lập đạo đức, xả kỷ vị tha, kiện toàn nhân cách Phật tử, những chuẩn mực cần thiết để hàng Phật tử bước lên địa vị tu tập cao hơn, xuất thế gian.
Trở lại vấn đề “những phương thức làm ăn chân chính, sinh lợi mà không mang tội” thực ra là nội dung tu tập quan trọng của Bát chánh đạo, chánh mạng, vốn được chư Tăng giảng dạy rất phổ biến vì không thể thiếu trong đời sống của hàng Phật tử. Chánh mạng là làm ăn, kiếm sống, mưu sinh bằng một nghề chính đáng, lương thiện. Những phương thức làm ăn mà lợi mình, hại người hoặc có hại cả hai đều là tà mạng, không phải chánh mạng và Đức Phật khuyến cáo hàng Phật tử phải từ bỏ, không được làm. Đơn cử như các hoạt động buôn bán vũ khí, chất độc, ma túy, mại dâm, nấu rượu… là những nghề không chân chính, tà mạng, vì mang đến nguy hại cho bản thân, gia đình và xã hội. Và ngay cả trong những nghề nghiệp chân chính, được xã hội tôn trọng mà cá nhân chỉ lo thủ lợi, chỉ biết lợi dụng vị trí của mình để làm giàu riêng, phó mặc lợi ích của mọi người thì hành vi đó cũng là gian dối, tổn hại và tà mạng.
Trong hệ thống giáo lý Phật giáo có sự khu biệt về Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Bồ tát thừa nhằm phù hợp với các hội chúng, các nhóm đối tượng có hoàn cảnh, căn cơ, trình độ tu tập khác biệt. Tất nhiên, mỗi hội chúng có một thứ “bệnh” và cần có phương pháp trị liệu riêng. Có thể, các bạn chưa đủ duyên để tham dự và nghe những pháp thoại thuộc về Nhân thừa, tức các phương thức tu học của những người Phật tử tại gia như nghệ thuật sống, ứng xử, thương yêu, hiếu đạo, cách thức tu niệm, làm ăn v.v...
Để khắc phục điều này, các bạn cần đi nghe pháp nhiều hơn nữa và mạnh dạn đề nghị được nghe những đề tài mà mình quan tâm cũng như đặt những câu hỏi về các vấn đề mình ưu tư để được chư vị giảng sư trực tiếp giải đáp. Và nhân đây, chúng tôi thiết nghĩ, chư vị giảng sư khi trình bày pháp thoại cho hàng Phật tử cần lưu tâm hơn đến việc vận dụng giáo pháp vào thực tiễn cuộc sống nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong đời sống gia đình, những vấn nạn xã hội để người nghe pháp vượt qua những khó khăn, thiết lập được bình an, vững tin vào Tam bảo.
Giáo pháp của Đức Phật luôn gắn liền với cuộc sống con người, thực tiễn và có tác dụng trị liệu, chuyển hóa ngay trong hiện tại. Vì thế, tất cả các phương diện của đời sống đều có thể ứng dụng Phật pháp để soi sáng, làm cho tốt đẹp hơn lên.