Đức Phật
Đức Phật của thế kỷ chúng ta
Thứ bảy, 19/11/2019 08:33
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có dạy rằng giáo pháp của Ngài sẽ rực rỡ an trú ở thế gian này trong một thời gian thôi, tiếp theo đó nhân loại đi vào thời tượng pháp. Tượng có nghĩa là na ná, là giống như; tượng pháp có nghĩa là giáo pháp giống như chánh pháp, nhưng không hẳn là chánh pháp.
Tiếp theo thời tượng pháp, là thời mạt pháp, thời giáo pháp suy đồi và ẩn một. Khi đó, một đức Phật khác sẽ ra đời để khai mở cho nhân loại một kỷ nguyên chính pháp mới: đó là đức Phật Di Lặc...
Phật tử khi gặp những bước khó khăn và những cảnh tượng bất như ý trên con đường hành đạo, thường hay thở than “đời mạt pháp mà” với một ý thức cam chịu tiêu cực, đôi khi chán nản nữa. Đời mạt pháp có nghĩa là giai đoạn Chánh pháp đã suy vong, suy vong từ nội dung đến hình thức, suy vong từ nhận thức đến hành trì. Mạt pháp có nghĩa là giáo pháp đã đến lúc cùng mạt. Ý thức rằng giáo pháp đã đến thời cùng mạt, ai mà chẳng buồn, ai mà chẳng nản? Nhưng chúng ta không đau xót mấy vì ý thức ấy, bởi vì chúng ta còn mang một niềm hy vọng chan chứa trong tâm hồn: đó là niềm hy vọng ở Đức Phật tương lai, Đức Phật Di Lặc. Đức Phật Di Lặc sẽ ra đời và Chánh pháp lại sẽ được tỏ rạng. Mỗi khi nghĩ đến Đức Di Lặc, tôi cứ tưởng tượng đó là một vị Phật có hào quang sáng ngời bao quanh thân thể phương phi đẹp đẽ, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, đang phóng quang thuyết pháp cho đại chúng nhân thiên nghe. Ngài ngự trên pháp tòa cao rộng, và tôi, tôi đang được quỳ dưới chân Ngài, tai nghe lời Ngài, mắt thấy thân Ngài và mũi ngửi hương áo cà sa của Ngài. Tôi thích quá. Và tôi đã chờ đợi (...).
Trên đây là những điều tôi mong ước, suy nghĩ, tưởng tượng và dự đoán trong thời gian tôi còn ấu thơ. Các bạn định hỏi tôi rằng hiện giờ tôi còn có tin như vậy nữa thôi, có phải không? Vâng, tôi còn tin như vậy, nhưng mà dưới một nhận thức khác hơn, và tôi nghĩ, gần với đạo Phật hơn. Tôi thấy hình dung đức Phật Di Lặc mà tôi phác họa trong trí tôi dạo ấy có vẻ công thức quá, và ngây thơ nữa. Hình dung ấy, tôi đã cấu tạo nên bằng những đoạn tả đức Phật thuyết pháp trong các kinh điển, bằng những bức họa về Phật của người Trung Hoa và bằng những tưởng tượng quy ngưỡng của riêng tôi. Tôi nghĩ rằng không lý đức Phật lại xuất hiện ở thế kỷ chúng ta với một hình thức cổ điển và có tính cách hình thức như vậy. Đức Phật của thế kỷ chúng ta sẽ là bậc Chánh biến tri, thông hiểu văn hóa sử nhân loại trên trái đất chúng ta, thấu đạt mọi ý thức hệ hiện hữu soi rõ mọi tình tiết và tâm niệm của chúng ta. Ngài sẽ tạo nên nền văn hóa tổng hợp của nhân loại, vạch con đường giải thoát cho nhân loại. Chúng ta đang bị tắc lối, chúng ta đang bị ràng buộc bởi bao sợi dây khổ đau, vô minh, phiền não, những thập triền thập sử mà thế kỷ đã tạo nên và chúng ta đã dùng để tự buộc chúng ta. Trong kinh điển mới, sẽ có những danh từ mới. Trong công cuộc hoằng pháp mới sẽ có những phương thức mới. Trong sự tu tập giải phóng con người - ta và kẻ khác - sẽ có những phương pháp mới. Làm sao những cái hết sức hiện đại như vậy có thể biểu dương trong một hình thức cổ điển và ngây ngô như tôi đã tưởng tượng mười mấy năm về trước?
Có một hôm, tôi đọc kinh Kim Cương đến các câu “bất khả dĩ tam thập nhị tướng kiến Như Lai” (không thể nhận thức Đức Như Lai qua một sắc thân có ba mươi hai tướng đẹp) và “nhược dĩ sắc kiến ngã dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo bất năng kiến Như Lai” (kẻ nào muốn thấy Ta qua hình sắc và âm thanh, kẻ ấy hành tà đạo, chẳng bao giờ thấy được Ta), bất giác chợt hiểu rằng Đức Phật của thế kỷ chúng ta sẽ không dễ mà nhận biết được đâu. Ngài có thể không mang tên Từ Thị Di Lặc; Ngài có thể không mang sắc thân tam thập nhị tướng; Ngài có thể không tự xưng là Phật đà gia (Buddhaya); Ngài có thể không cần hai vị đứng hầu hai bên; Ngài có thể không khoác y màu vàng; Ngài có thể... ôi tôi biết nói làm sao cho hết, chỉ biết nói rằng Ngài có thể xuất hiện trong bất cứ một hình thức nào, miễn Ngài là Bậc Chánh biến tri, miễn Ngài là Bậc giải nguy cho nhân loại trong thế kỷ đấu tranh kiên cố, miễn Ngài là Bậc tạo nên văn hóa tổng hợp và dẫn đạo cho loài người về hòa bình, hạnh phúc, giác ngộ và Niết Bàn. Nói một cách khác, Ngài là Bậc đại nhân có một nội dung tràn đầy Phật chất.
Tôi nói dông dài như trên chẳng qua chỉ là để trở về với hai chữ mạt pháp. Bởi vì tôi quan niệm rằng nguyên do của sự mạt pháp là tại ở người Phật tử từ lâu chỉ có ý hướng bảo bọc sơn thếp một hình thức tôn giáo không còn chứa đựng nội dung Phật chất.
Mạt pháp có nghĩa là bám víu tôn thờ chấp chặt hình thức mà để cho nội dung tàn lụi. Nhưng mà các bạn hãy cho tôi nói thẳng những cảm nghĩ chân thành của tôi. Phật chất cần thiết mà tôi nói đây là sự chứng đắc, là sự tiếp xúc thường xuyên giữa tâm linh và chân lý, giữa tâm linh và bản thể, giữa tâm linh và Niết bàn. Phật chất ấy không biết đến hình thức, không biết đến hưng phế, không biết đến tổ chức, không biết đến bàn cãi, không biết đến quy chế, không biết đến lo toan, không biết đến vôi gạch. Không biết, nhưng mà cái gì cũng biết. Nghĩa là có sự hiện hữu của Phật chất thì tất cả đều có. Và nghĩa là nếu không có sự hiện hữu của Phật chất thì tất cả những cái kia đều là vô nghĩa, đều không có.
Vậy thì Pháp mà mạt không phải là do chúng ta không giữ gìn nó mà chính vì chúng ta đã giữ gìn nó chặt chẽ quá, ôm ấp nó kỹ lưỡng quá.
Và một ngày kia, chúng ta sẽ đau khổ nhìn thấy, trong vòng tay cứng nhắc và siết chặt của ta, nó chỉ còn là một cái xác không hồn. Cái xác sơn phết bóng lộn.
Vấn đề là vấn đề thực hiện, thực hiện liên tục nguồn sinh hoạt Phật chất, chứ không phải là vấn đề cố thủ, bảo bọc.
Đạo pháp chỉ có sinh lực trong những thời đại có tu tập, có chứng ngộ. Chúng ta không nên chờ đợi Đức Di Lặc một cách quá ngây thơ. Chúng ta phải sửa soạn đón tiếp Ngài.
Sửa soạn như thế nào? Sửa soạn một khung cảnh nhân tâm hướng thiện, một khung cảnh thực chất của đạo pháp, xứng đáng làm nơi ngự tọa của một Đức Phật. Khung cảnh ấy được xây dựng bằng cộng nghiệp hướng thượng của chúng ta, của tâm linh chúng ta. Không còn chỗ nào xứng đáng cho Ngài ngự tọa hơn là ngôi vị trong sạch của tâm hồn ta. Bằng không, Ngài có thể xuất hiện bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào mà chúng ta vẫn không hay không biết, bởi vì mắt chúng ta mù lòa, bởi vì tâm chúng ta vẩn đục, bởi vì hai tay chúng ta bị trói chặt trong dây xiềng hình thức.
Tôi tin rằng thế giới chúng ta đã quá đau thương, và Ngài đã hiện về hoặc sẽ hiện về. Văn hóa loài người đang đi tới thế tổng hợp. Ngài sẽ là bậc hướng đạo quang minh cho toàn thể nhân loại. Đừng than phiền đời này là đời mạt pháp. Hãy buông bỏ hình thức. Hãy phủi sạch hai tay. Hãy đứng lên, gạt qua những mối tơ vò của thế kỷ. Hãy để tâm hồn trong sạch lắng đọng. Và hãy tiếp nhận hình bóng tròn đầy của mặt trăng đêm rằm xuất hiện trong biển lặng tâm linh của mình.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có dạy rằng giáo pháp của Ngài sẽ rực rỡ an trú ở thế gian này trong một thời gian thôi, tiếp theo đó nhân loại đi vào thời tượng pháp. Tượng có nghĩa là na ná, là giống như; tượng pháp có nghĩa là giáo pháp giống như Chánh pháp, nhưng không hẳn là Chánh pháp. Tiếp theo thời tượng pháp, là thời mạt pháp, thời giáo pháp suy đồi và ẩn mật. Khi đó, một Đức Phật khác sẽ ra đời để khai mở cho nhân loại một kỷ nguyên chính pháp mới: đó là Đức Phật Di Lặc.
Đức Phật Thích Ca là một Bậc Giác ngộ, một Đấng Pháp vương. Nhưng Ngài đã nói tiếng nói của con người. Vì Ngài đã là một con người đã sống trong xã hội loài người, đã khai thị chân lý vì con người, cho nên ta có thể, trên bình diện con người của chúng ta, nhận thức được nội dung của tiếng nói Ngài một cách chân xác. Khi Ngài nêu lên một khoảng thời gian phỏng định cho sự lưu hành của chính pháp Ngài, Ngài đã căn cứ trên những nhận định lúc bấy giờ của Ngài về xã hội, về thời gian. Quan niệm về năm tháng của Ngài, cũng như của bất cứ một người nào đã sống cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, không thể giống như quan niệm về năm tháng của chúng ta, những con người sống trong thời đại mới. Nhân loại xã hội trong thời đại chúng ta đã và đang đi những bước khổng lồ về tương lai chứ không phải đã và đang trôi một cách chậm chạp lững lờ như vào khoảng sáu trăm năm trước Tây lịch. Như vậy, ta không nên lấy 5.000 năm ước định để làm khoảng thời gian chia cách hai Đức Phật, Đức Phật Thích Ca và Đức Phật Di Lặc. Chỉ nên nhớ rằng: Khi Phật pháp đã tới thời cùng mạt, nói một cách khác hơn, khi nhân loại đã đi đến giai đoạn cùng cực nhất vì loạn lạc, vì phân tán, vì khổ đau, thì đó chính là lúc Đức Phật Di Lặc phải xuất hiện để mở một con đường mới cho xã hội loài người.
Pháp mà mạt là do chúng ta đã không cố gắng thực hiện dòng sinh hoạt Phật chất ở bản thân và ở những hình thái sinh hoạt của xã hội chúng ta. Chúng ta chỉ lo bảo tồn những hình thái sinh hoạt cũ không đáp ứng được với căn cơ của xã hội và do đó không thể hiện được những nguyên lý Phật học. Những nguyên lý ấy hết sức linh động, và ta chỉ có thể nói rằng những sinh hoạt nào muốn khế lý bao giờ cũng phải khế cơ. Vì sao? Khế lý là để khế cơ. Mục đích của đạo Phật là phụng sự con người, nếu không khế hợp con người thì sao gọi là đạo Phật, sao gọi là khế hợp với chân lý đạo Phật?
Mà căn cơ của con người mới, của xã hội mới là những căn cơ hết sức phiền toái, phức tạp. Ai cũng nhận thấy rằng con người mới có những ao ước, những đòi hỏi, những thao thức... nói tóm lại, những sinh hoạt tâm lý hết sức phiền tạp. Con người mới lại sống trong một thời đại mới, một thế giới mới, một xã hội mới với những sinh hoạt kinh tế, chính trị, tôn giáo, văn học... không còn giống gì với xã hội cũ cách đây hàng ngàn năm. Làm gì có thể khế cơ được (ít nhất là khế cơ một cách hoàn toàn), những hình thức sinh hoạt của hai ngàn năm trăm năm về trước? Trong kinh có chép chuyện một vị thiền sư vì lòng từ bi không muốn giẫm đạp lên các sinh vật cho nên mỗi khi đi đâu đều có cầm một cây chổi, quét một lát chổi, đặt một bước chân. Vào thời xưa, trong khung cảnh nên thơ của thôn làng, hành vi đó được nhận định là đẹp như một bài thơ nhân ái, nói lên được tâm niệm từ bi của một con người thấm nhuần đạo lý. Nhưng giá bây giờ có một vị Tăng bắt chước làm y hệt như thế trên những con đường của Sài Gòn chẳng hạn, ta thử đoán xem quần chúng sẽ nghĩ như thế nào về vị Tăng đó? Quần chúng sẽ cho đó là một người không bình thường, hành động đó đã không khế hợp với căn cơ của con người bây giờ (kể cả căn cơ của người chủ động), lại cũng không còn khế hợp với những nguyên lý Phật học, mà trái lại, có thể làm mai một các nguyên lý ấy nữa. Không khế lý, không khế cơ con người, những lề lối sinh hoạt như trên làm sao được gọi là đạo Phật và đã không phải là đạo Phật, tại sao chúng ta cố thủ chặt chẽ như thế?
Vậy thì sự xuất hiện của Đức Phật Di Lặc phải được nhận định như là một cuộc vận động mới để làm sống dậy dòng sinh hoạt Phật chất trong những sinh hoạt vừa khế hợp căn cơ nhân loại, vừa khế hợp với những nguyên lý Phật giáo. Nếu không khế hợp căn cơ con người, những sinh hoạt được mệnh danh là của Đạo Phật chỉ có thể còn là những xác cũ không còn chứa đựng Phật chất; nếu không khế hợp với những nguyên lý Phật học, những sinh hoạt kia sẽ có thể chỉ là ma nghiệp phục vụ cho lòng dục vọng và óc u mê của ma vương, của chúng sinh. Lịch sử đạo pháp đã ghi những nét son của những cuộc biến cải cần thiết để làm sống dậy rạt rào những khí lực của Phật giáo: Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước v.v... đều là những nhà đại cách mệnh của Phật giáo. Gia sản văn hóa hiện hữu mà chúng ta được thừa hưởng của Phật giáo ở Á Đông một phần lớn chính là do công trình tạo dựng của những bậc trượng phu như thế.
Các bậc vĩ nhân kia đều là những nhà đại văn hóa, những nhà đạo học đã thấu hiểu được con người của thời đại họ, đã thấu hiểu xã hội của thời đại họ, và đã đáp ứng được những nhu yếu của những khu vực văn hóa riêng biệt trong đó họ đang sống. Nhưng bây giờ thì khác. Chúng ta không có những khu văn hóa riêng tư nữa. Những khu vực văn hóa đều đã mở cửa rộng rãi. Những ranh giới văn hóa đã được tháo tung. Nhân loại đang tiến tới nền văn hóa tổng hợp. Công cuộc tổng hợp vĩ đại này phải do một con người đầy đủ kiến thức về con người, đầy đủ nhận định về xã hội con người, đầy đủ trí năng và tâm thức để có thể hướng dẫn loài người, đứng ra lãnh đạo. Một nhà văn hóa có đầy đủ chánh biến tri, có đủ đại hùng, đại bi, đại lực, đại nguyện như thế, ta phải gọi đó là một Đức Phật. Đó là Đức Phật Di Lặc, Con Người cấp thiết của thế kỷ chúng ta.