Sách Phật giáo

Đức Phật giảng giải về "Mười hai nhân duyên"

Chủ nhật, 09/06/2013 09:41

Giáo lý Mười hai nhân duyên chỉ ra rằng trên thế giới này phàm bất cứ loại người nào: giàu sang hay nghèo hèn, quan chức hay thường dân, người hiền hay kẻ ác nếu hiểu được lý thuyết nhân quả và luật luân hồi

1. Mười hai nhân duyên là giáo lý của đức Phật giảng giải về lý thuyết duyên sinh hay duyên khởi áp dụng cho con người. Dưới đôi mắt tuệ giác của đức Phật, con người không khác gì hơn là sự hiện hữu của Mười hai Nhân duyên. Con người do vô minh nên tạo nghiệp nhân quả hết đời này sang đời khác, chìm đắm trong vòng sinh tử luân hồi, nên đức Phật đặc biệt hướng dẫn con người hành trì, tu tập vì mục đích giải thoát, giác ngộ. Do vậy Mười hai nhân duyên là một giáo lý dùng để áp dụng cho con người. Giáo lý này là một sự thật tồn tại và là một pháp tu tập vì sự giải thoát thiết thực cho con người.

2. Đức Phật giảng giải lý thuyết Mười hai nhân duyên từ việc thuyết pháp về Tứ Diệu đế, từ việc giải thích về Đạo đế, về 37 phẩm trợ đạo, về Bát chính đạo (tám con đường chân chính), trong đó con đường căn bản và quan trọng nhất là chính kiến. Nói khác đi, chính kiến là cái nhìn toàn diện, là nhận thức đúng đắn về bản chất của sự vật, về các pháp là do duyên sinh, vô thường, vô ngã.

 

3. Mười hai nhân duyên giải thích sự vận hành cuộc sống của con người qua các kiếp (quá khứ, hiện tại và vị lai và nhiều kiếp tiếp theo). Trong những đời quá khứ vì do vô minh, con người đã tạo nghiệp, làm cái nhân sinh ra cái quả của hiện tại, quả hiện tại lại là nhân tạo ra cái quả của tương lai, và cứ vậy luân chuyển nhiều đời nhiều kiếp. Đó là luật nhân quả và cũng là quy luật luân hồi của kiếp sống con người.

4. Con người muốn tránh mọi niềm đau nỗi khổ thì phải biết thực hành thiện nghiệp. Đời trước làm việc tốt thì đời sau sẽ hưởng quả lành, đời trước gây nghiệp ác thì đời sau lĩnh quả ác. Vì vậy con người phải luôn luôn hướng thiện, chỉ làm việc thiện, không gây tội ác và để được như thế, phải trải qua tu tập rèn luyện trí tuệ và đạo đức, hun đúc từ bi hỷ xả, tạo cho mình một cuộc sống an lạc và hạnh phúc. Đó là phương pháp tu chỉ tức là đình chỉ mọi vọng niệm, phiền não, chấp trước. Một phương pháp tu nữa để đi đến giải thoát sinh tử luân hồi là phải diệt trừ vô minh. Đó là phương pháp tu quán. Đối với người bình thường, diệt vô minh căn bản tức vô minh quá khứ là không thể được. Chỉ có một cách là diệt trừ vô minh hiện tại thông qua việc hành trì tu quán tức là dùng trí tuệ quán chiếu hành để thấy rõ sự sinh khởi, lưu chuyển và hoàn diệt của Mười hai nhân duyên, thấy rõ thực tướng của vạn pháp là duyên sinh, vô ngã thì sẽ giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.

Và cuối cùng, giáo lý Mười hai nhân duyên chỉ ra rằng trên thế giới này phàm bất cứ loại người nào: giàu sang hay nghèo hèn, quan chức hay thường dân, người hiền hay kẻ ác nếu hiểu được lý thuyết nhân quả và luật luân hồi, thấy được quả báo của việc làm ác do mình gây ra thì thế giới này sẽ không còn cảnh chém. giết chết chóc, đau khổ, không còn chiến tranh, không còn hận thù, thiên hạ sẽ mãi mãi thái bình, con người sẽ mãi mãi sống trong cảnh an vui vĩnh viễn.

Phạm Đình Nhân
Pháp danh Chánh Tuệ Định
Viết xong tại Ngọc Hà, Hà Nội, ngày 10.9.2012 (25.7.Nhâm Thìn)
Nhân kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh.

Trích cuốn "Con người với giáo lý Mười hai nhân duyên"

loading...