Kiến thức
Đức Phật là ai?
Thứ hai, 05/09/2023 09:18
Thuở xưa, có một người theo đạo Bà La Môn tên Dona, nhân khi thấy dấu chân của Đức Phật in dưới cát có những đặc điểm lạ thường, liền đến gần Ngài và hỏi:
- Phải chăng Ngài là một vị Trời (Deva)?
- Không, quả thật tôi không phải là một vị Trời.
- Vậy phải chăng Ngài là một nhạc công trong cảnh Trời (Gandhabba)?
- Không, tôi không phải là một nhạc công trong cảnh Trời.
- Vậy Ngài là quỷ Dạ Xoa (Yakka) chăng?
- Không, quả thật tôi cũng không phải là quỷ Dạ Xoa.
- Như thế chắc Ngài là người?
- Không, quả thật tôi cũng không phải là người.
- Vậy, xin cho biết Ngài là ai?
Vì sao Đức Phật không cho phép chặt đốn cây vô cớ?
Đức Phật trả lời rằng Ngài đã tận diệt những pháp trầm luân (hoặc lậu), vốn tạo điều kiện để tái sanh vào những cảnh Trời, Gandhabba, Dạ Xoa hay cảnh người và Ngài đọc bài kệ sau:
"Như hoa sen, đẹp đẽ và dễ mến,
Không ô nhiễm bùn dơ, nước đục,
Giữa đám bụi trần, ta không vướng chút bợn nhơ.
Như vậy, Ta là Phật!".
Đức Phật không hề tự xưng Ngài là hiện thân (avatara) của thần Vishnu, một Thần Linh Ấn Độ Giáo mà kinh Bhagavadgita đã ca ngợi một cách huyền diệu, sanh ra để bảo vệ sự chân chánh, tiêu diệt tội lỗi và để thiết lập và củng cố đạo lý (Dharma).
Theo lời dạy của Đức Phật thì có hằng hà sa số chư Thiên (Deva, cũng gọi là những vị Trời) - cũng là hạng chúng sanh, còn phải chịu sanh tử luân hồi - nhưng không có một Thần Linh Tối Thượng, với quyền lực siêu thế, kiểm soát vận mạng con người, xuất hiện trên thế gian từng lúc, dùng hình thức người làm phương tiện.
Đức Phật cũng không bao giờ tự gọi Ngài là "Đấng Cứu Thế", có quyền năng cứu vớt kẻ khác bằng chính sự cứu rỗi của mình. Ngài thiết tha kêu gọi những ai hoan hỷ bước theo dấu chân Ngài không nên ỷ lại nơi người khác, mà phải tự mình giải thoát lấy mình, bởi vì cả hai trong sạch và bợn nhơ, cũng đều tùy thuộc nơi chính mình. Ta không thể trực tiếp làm cho ai trong sạch hay ô nhiễm.
Để minh định rõ ràng mối tương quan của Ngài đối với hàng môn đệ và để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện tự mình nhận lãnh trọn vẹn trách nhiệm và tự mình nỗ lực kiên trì, Đức Phật minh bạch dạy rằng:
"Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư!".
Đức Phật - Ngài tinh thông bổn hạnh tri thức và trung thành với chân lý
Đức Phật chỉ vạch ra cho ta con đường và phương pháp mà ta có thể nương theo đó để tự giải thoát ra khỏi mọi khổ đau của vòng sanh tử và thành tựu mục tiêu cứu cánh. Đi trên con đường và theo đúng phương pháp cùng không, là phần của người đệ tử chân thành muốn thoát khỏi những bất hạnh của đời sống.
"Ỷ lại nơi kẻ khác để giải thoát cho mình là tiêu cực. Nhưng đảm đang lãnh lấy trách nhiệm, chỉ tùy thuộc nơi mình để tự giải thoát, quả thật là tích cực".
"Tùy thuộc nơi người khác" tức là đem tất cả cố gắng của chúng ta ra quy hàng.
"Hãy tự xem mình là hải đảo của mình. Hãy tự xem mình là nương tựa của mình. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác!".
Các lời lẽ có rất nhiều ý nghĩa kia mà Đức Phật đã dạy trong những ngày sau cùng của Ngài quả thật mạnh mẽ, nổi bật và cảm kích. Điều này chứng tỏ rằng sự cố gắng cá nhân là yếu tố tối cần để thành tựu mục tiêu. Tìm sự cứu rỗi nơi những nhân vật hảo tâm có quyền năng cứu thế và khát khao ham muốn hạnh phúc ảo huyền xuyên qua những lời van vái, nguyện cầu vô hiệu quả và nghi thức cúng tế vô nghĩa lý, quả thật là thiển bạc và vô ích.
Đức Phật là một người như chúng ta. Ngài sanh ra là một người, sống như một người, và từ giã cõi đời như một người. Mặc dầu là người, Ngài trở thành một người phi thường, một bậc siêu nhân, do những cá tính đặc biệt duy nhất của Ngài. Đức Phật đã ân cần nhắc nhở nhiều lần như vậy và không có điểm nào trong đời sống hoặc trong lời dạy của Ngài để chúng ta lầm hiểu rằng Ngài là một nhân vật vô sanh bất diệt. Có lời phê bình rằng lịch sử nhân loại, không hề có vị giáo chủ nào "phi thần linh hơn Đức Phật, tuy nhiên, cũng không có vị nào có đặc tánh thần linh hơn Đức Phật".
(Trích từ "Đức Phật và Phật Pháp" - HT. Narada Maha Thera)