Đức Phật
Đức Phật là tấm gương tiêu biểu nhất về đời sống đơn giản
Thứ hai, 10/09/2021 02:05
Đức Phật hiểu ra rằng, thân xác kiệt quệ thì tâm linh cũng suy yếu. Ngài đã từ bỏ con đường khổ hạnh, và chọn con đường khác để đi đến giác ngộ, đi đến giải thoát.
Vì sao tu khổ hạnh cực đoan không phải là con đường thoát khổ?
Trong thời đại đó, người ta quan niệm sống khổ hạnh là một hạnh tu cao quý. Người ta cho rằng, người chiết phục được đời sống của cơ thể này thì tâm linh của họ sẽ bừng sáng, sẽ giác ngộ. Còn người cung phụng cho thể xác này thì tâm linh sẽ mờ tối. Đức Phật cũng tin như vậy nên đã thực hành khổ hạnh một cách rất khốc liệt. Ngài ép xác, ăn uống rất ít, nhịn thở để mong khi thể xác này kiệt quệ thì tâm linh Ngài bừng sáng. Nhưng qua sáu năm ép xác đến cùng cực, thấy mình sắp rơi vào hôn mê, tinh thần mờ tối, Ngài mới hiểu là mình đã sai và những người có quan niệm như vậy là sai.
Rõ ràng, họ nói mà không thực hành, nói mà chưa có kinh nghiệm. Đức Phật hiểu ra rằng, thân xác kiệt quệ thì tâm linh cũng suy yếu. Ngài đã từ bỏ con đường khổ hạnh, và chọn con đường khác để đi đến giác ngộ, đi đến giải thoát. Đó là con đường thiền định.
Vậy, trước khi chứng đạo Ngài có một đời sống cực kỳ khổ hạnh, sống ép xác. Sau khi chứng đạo, Ngài không có nhu cầu gì nữa và sống rất đơn giản. Dĩ nhiên, chúng ta không thể sống được như Đức Phật. Nhưng người tu phải lấy đời sống của Đức Phật làm thước đo cho mình. Nghĩa là chúng ta xem mình cách Phật xa như thế nào để tự điều chỉnh, đừng đi quá xa.
… Một điều chúng ta cần lưu ý, trong cuộc sống tu hành, nếu tu chân chính, dần dần chúng ta sẽ có phước. Khi phước tăng lên, những vật dụng hằng ngày tự nhiên sẽ đến với mình. Đây là chỗ thử thách đạo lực của chúng ta. Người có đạo lực là người thắng được bản năng, biết khước từ hưởng thụ, giữ cho mình đời sống đơn giản. Người có đạo lực yếu, sẽ không thắng được bản năng hưởng thụ, phước đến bao nhiêu, hưởng thụ bấy nhiêu.
Đức Phật và đại nguyện giáo hóa chúng sinh
Trích: Tâm lý đạo đức Tập 2,
TT. Thích Chân Quang