Đức Phật
Đức Phật trong tôi
Thứ năm, 18/01/2024 10:30
Là một con người cả đời nghiên cứu và giảng dạy văn hóa phương Đông tôi suy nghĩ và tâm đắc nhiều về ba nền văn hóa, văn minh tiêu biểu rực rỡ của phương Đông và nhân loại. Đó là nền văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ và Nhật Bản.
Nói đến văn hóa phương Đông là nói đến cốt lõi, hạt nhân cơ bản, sợi chỉ đó xuyên suốt và có tác dụng, ảnh hưởng lớn đến nó là tư tưởng triết học Nho, Đạo (Trung Hoa), Phật (Ấn Độ) và Thần đạo (Nhật Bản). Ngoài Nho giáo và Đạo giáo, nước Trung Hoa cổ xưa lúc đầu có hơn một trăm tôn giáo (Bách gia chư tử), dần dần lu mờ chỉ còn có 6 tôn giáo (lục gia), và cuối cùng chỉ có hai tôn giáo ngự trị trong xã hội phong kiến hàng ngàn năm của xã hội phong kiến Trung Quốc là Nho và Đạo giáo (hay còn gọi là Lão giáo). Người khởi xướng và đứng đầu Nho giáo là Khổng Tử và Mạnh Tử nên còn gọi là học thuyết Khổng - Mạnh. Về sau để chỉ nền giáo dục Nho giáo người ta thường nói đó là nền giáo dục “Cửa Khổng sân Trình”. “Sân Trình” chỉ nền giáo dục do Trình Hạo - người đời Tống chịu ảnh hưởng sâu sắc của học thuyết do Khổng Tử và Mạnh Tử đề ra.
Ngoài Phật giáo, Ấn Độ thời cổ xưa có đạo Bà-la-môn. Đạo Jain xuất hiện đồng thời với đạo Phật. Người sáng lập ra đạo Jain là Vardhamana. Đạo Sikh do Thánh sư Nanak sáng lập (đầu thế kỷ XVI) v.v… So với Nho - Phật - Đạo của Trung Hoa và Ấn Độ thì Thần đạo của Nhật Bản ra đời muộn hơn nhưng nó rất tỏa sáng và góp phần phát triển toàn diện xã hội Nhật Bản. Thần đạo không có triết lý cao siêu mà bắt nguồn từ lý tưởng tốt đẹp của con người là Makôtô. Đó là sự “chân thành - trong sạch - tự nhiên” trong đời sống văn hóa.
So với đạo Bà-la-môn thì Phật giáo ra đời muộn hơn, nhưng nó được coi là một tôn giáo lâu đời của nhân loại, và ngày nay đã có hàng trăm triệu Phật tử trên khắp hành tinh ở mọi quốc gia, lãnh thổ và châu lục. Người sáng lập đạo Phật là Đức Phật Gautama. Sự nghiệp của Ngài thật vĩ đại, tỏa sáng muôn nơi muôn đời. Ngài sinh năm 563 trước TL tại Kapilavastu. So với các giáo chủ đứng đầu các tôn giáo loài người từ xưa đến nay thì không có ai có thành phần xuất thân vinh hiển và cao sang quý tộc như Ngài. Cha của Ngài là một vị vua của bộ tộc Sakya.
Thuở ấu thơ Ngài sống và trưởng thành trong cung đình của vương triều xa hoa, lộng lẫy tràn đầy sự giàu sang, sung sướng và trọng vọng. Đức vua mong muốn rằng khi ông qua đời người con yêu quý của ông sẽ kế vị ngai vàng. Mặc dù sống sung sướng, đủ đầy mọi thứ, được chăm lo hầu hạ nhưng Ngài vẫn thường buồn rầu, trầm tư nhiều về thân phận con người và muôn dân đang sống lầm than cực khổ ở bên ngoài.
Một điều mà Ngài suy tư thường nhật, đó là lẽ sống, quy luật của con người và tự nhiên mà sau này Ngài nêu lên trong triết lý sinh - lão - bệnh - tử của đạo Phật. Ngài sớm nghiệm ra rằng vẻ đẹp, niềm vui, sự sống và hạnh phúc của con người là không vĩnh cửu mà sau đó được triết lý của Đạo giáo Trung Quốc kế thừa là sự “phù du”, “nhân sinh nhược mộng” trong đời sống con người. Một trong ý nghĩ luôn thường trực trong thuở thiếu thời của Ngài, đó là nỗi khổ vô cùng tận của con người. Từ đó nó thôi thúc Ngài phải tìm hiểu, giải thích và tìm ra giải pháp để “cứu khổ” cho bản thân và đồng loại.
Ngọn lửa “cứu khổ” từ lâu đã âm ỉ ở trong Ngài, để rồi Ngài đã dứt khoát từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý của bản thân và gia đình trong cung vua để trốn ra ngoài, hòa nhập với mọi người và hòa đồng với cuộc sống cần lao để tìm đường cứu mình, cứu người. Ngài đi khắp vùng lưu vực sông Hằng để tìm thầy học đạo. Ngài đến học những điều mình chưa thấu hiểu với những đạo sư (guru) khác nhau. Nhưng Ngài thật không hài lòng với những điều họ dạy bảo. Ngài chưa tìm thấy được một lời giải đáp rốt ráo về “sự khổ” và phương thức “cứu khổ” cho con người. Ngài tự mình ép xác, chịu sự khổ hạnh cùng cực đến gần như kiệt sức và tưởng chừng chẳng có thể qua khỏi cái chết. Và rồi Ngài hiểu một điều đơn giản rằng con người muốn sống, tồn tại và có minh triết sáng suốt thì phải khỏe mạnh.
Từ chỗ nhịn ăn, nhịn uống Ngài bắt đầu ăn uống và tắm rửa để khỏe mạnh trở lại. Thấy Ngài thay đổi phương thức tu tập, năm nhà tu hành cùng với Ngài tỏ vẻ khinh bỉ và bỏ đi. Ngài thành kẻ đơn độc, cô hành trên con đường đi tìm chân lý giải thoát.
Cái gì đã đến rồi sẽ phải đến. Một đêm vào ngày trăng tròn tháng năm, lúc này đã 35 tuổi, dưới một gốc cây lớn trên bờ sông Neranjara ở Gaya, Ngài đã lặng lẽ thiền định một mình và phát nguyện rằng nếu chưa tìm ra chân lý thì sẽ không đứng lên. Sau thời gian kiên trì thiền định Ngài đã tìm ra được chân lý về đời người và cõi đời. Từ đây Ngài trở thành Phật (Buddha) - Đấng Giác ngộ tối cao của con người. Bóng cây nơi Ngài ngồi thiền thì được gọi là cây Bồ-đề (Boddhi) - Cây minh triết tỏa sáng muôn đời.
Sau khi giác ngộ, Đức Phật bắt đầu vạch ra những việc cần làm tiếp theo mà người đời thường gọi là từ lý thuyết đến hành động. Trước tiên Ngài tìm đến năm người bạn cũ đã từ bỏ mình trước đây để thuyết giảng cho họ những gì mình chứng ngộ. Từ bờ sông Hằng, Ngài đi mải miết về phía Benares, đến Lộc viên và ở đó, Ngài đã tìm thấy họ. Họ cảm kích trước phạm hạnh và lòng từ bi của Ngài. Và bấy giờ Ngài bắt đầu thuyết giảng cho họ những điều mà Ngài đã chứng ngộ trong thời gian ngồi thiền. Đó là giáo pháp Trung đạo và Tứ diệu đế mà sau này trở thành lý thuyết diệu kỳ và phổ quát của giáo lý Phật giáo.
Hơn nửa đời người còn lại, nghĩa là từ năm 45 tuổi trở đi, Đức Phật đã đi khắp mọi miền để giảng đạo. Ngài thuyết giảng chân lý mà bản thân mình tìm ra cho mọi người, giúp họ hiểu rõ và tự giác làm theo những điều dạy ấy. Đức Phật không chủ trương “lập ngôn trước thư”. Ngài không soạn thảo sách vở kinh điển như Đức Thánh (Khổng - Mạnh) mà chỉ thuyết giảng những điều mình thấu hiểu và tìm ra. Để mọi người có thể hiểu, làm theo và có hiệu quả, Ngài dùng ngôn ngữ Pali - một thứ ngôn ngữ thông dụng, dễ hiểu và chuẩn xác vào thời đó. Dân chúng hiểu, yêu mến, tin tưởng và làm theo Ngài ngày càng nhiều. Đàn ông, phụ nữ, người già, trẻ con tìm đến ngày càng đông để được nghe Ngài giảng thuyết. Ảnh hưởng của Đức Phật ngày càng lan rộng khắp vùng rộng lớn Bắc Ấn.
Tuổi càng cao, sức càng yếu, Đức Phật tự hiểu sức khỏe của mình không được như trước, và Ngài thông báo với đại chúng là sẽ diệt độ trong thời gian gần. Khi nghe điều đó, đệ tử của Ngài nhiều người lo lắng, trong đó có vị đệ tử thân cận là Tôn giả Ananda. Đức Phật bảo mọi người chớ sầu bi, sợ hãi khi Ngài không còn trên cõi đời này.
Trong lời dạy cuối cùng, được coi như lời di chúc của Ngài cho đệ tử Ananda, Đức Phật nói rằng: “Này Ananda! Con hãy làm ngọn đèn soi sáng cho chính bản thân con. Con hãy làm nơi cư ngụ cho chính bản thân con. (Con) hãy cầm chắc Pháp như một ngọn đèn. (Con) hãy giữ chắc Pháp như một nơi cư ngụ. (Con) đừng tìm nơi cư ngụ ở bất cứ ai khác ngoài chính bản thân con”. Ngài cũng căn dặn các Tỳ-kheo rằng: “Này các Tỳ-kheo, (các người) hãy hiểu rằng tất cả những gì được tạo thành hết thảy đều phải bị tiêu diệt. Vậy các người càng nên không ngừng dốc lòng gắng sức”.
Hơn hai ngàn năm trăm năm đã trôi qua. Thời gian rất dài. Đời người rất ngắn ngủi. Đức Phật đã từ giã cõi người để ra đi nhưng sự nghiệp vĩ đại của Ngài là bất diệt. Ngài sống mãi muôn đời. Ngày Phật đản hàng năm của thời đại ngày nay nói lên lòng tưởng nhớ và tri ân của con người đối với Ngài. Lời dạy và tôn tượng của Ngài hiện diện khắp nơi và được người đời tôn kính.
Tác giả bài viết này vinh dự được đặt chân lên nhiều quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Đâu đâu tôi cũng gặp những ngôi chùa và đâu đâu cũng nhìn thấy tượng Phật. Trên những vùng đất xa xôi của bờ Tây, bờ Đông nước Mỹ tôi vẫn “gặp” Người. Mọi người đều tôn kính Người vô hạn.
Trong những giây phút thiêng liêng đứng ngắm nhìn tôn tượng Người, tôi không sao quên được lời dạy đơn giản của Người là “Đời là bể khổ”, hay “Nước mắt chúng sinh còn nhiều hơn nước tất cả các đại dương trên trái đất”. Rồi từ nơi biển người muôn màu da sắc tộc trong cuộc sống hòa nhập, rộng mở hôm nay, bất giác tôi lại nghĩ đến biết bao lời dạy quý báu của Người.
Đạo Nho dạy “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” hay “Nhất nhật khắc kỷ phục lễ” thì Đức Phật dạy rằng “Hãy tự mình cố gắng để tự giải thoát cho mình. Hãy quay về với chính mình, mọi người đều có thể thành Phật”. Trong khi nhân loại đang ngày ngày chứng kiến bao cảnh khủng bố, bạo hành, bạo loạn, đói nghèo, bệnh tật, tôi mơ ước đến sự từ bi, cứu nhân, độ thế và giải thoát mà Đức Phật đã dạy từ ngàn xưa. Đức Phật ở trong tôi. Đức Phật trong ta là vậy. Xin cám ơn Người.