Kiến thức
Đức Phật và khái niệm “linh hồn”
Thứ ba, 10/06/2023 07:15
Theo kinh điển Phật giáo, Đức Phật chưa từng dùng khái niệm “linh hồn” và cũng chưa từng giảng dạy cho “linh hồn” (thuyết linh). Ta hãy khảo sát một số bài kinh có liên quan đến sự sanh tử của các đệ tử của Đức Phật.
Kinh Giáo giới Cấp Cô Độc, số 143 thuộc kinh Trung bộ (được Thiền sư Nhất Hạnh đặt lại tên là kinh Độ người hấp hối) trình bày quá trình Đại đức Xá Lợi Phất và Đại đức A Nan giúp cư sĩ Cấp Cô Độc tu tập quán chiếu trước khi lâm chung. Nhờ sự hướng dẫn của hai vị Đại đức, cư sĩ quán chiếu thành công thấy rõ bản chất của các pháp là vô ngã, rỗng không do duyên hợp thành. Do đó, cư sĩ thấy trong người nhẹ nhàng, thanh thoát. Khi mạng chung, cư sĩ tái sanh cõi trời.
Kinh Quán vô lượng thọ Phật chỉ dạy phương pháp để được vãng sanh thế giới Cực lạc của Đức Phật A Di Đà. Nguyên do là thái tử A Xà Thế con bà hoàng hậu Vi Đề Hi ngỗ nghịch giết cha là vua Tần Bà Sa La để chiếm ngôi khiến người mẹ này chán cõi Ta-bà nguyện sanh cõi Cực lạc. Đức Phật giới thiệu cho bà cõi Tây phương Cực lạc và chỉ phương thức tu tập để được toại nguyện. Ngoài việc tu ba phước hay ba tịnh nghiệp làm chánh nhơn vãng sanh Tây phương Cực lạc, hành giả còn phải tu mười sáu pháp quán tưởng. Người nào thực hành theo lời dạy trên thì hiện đời thấy Phật Vô lượng thọ và mạng chung vãng sanh cõi Cực lạc.
Kinh A Di Đà giới thiệu cảnh giới Tây phương Cực lạc và điều kiện để được vãng sanh về cõi ấy. Các điều kiện bao gồm căn lành lớn, phước đức lớn, nhân duyên lớn, nhất tâm bất loạn.6 Trong ba kinh tiêu biểu thuộc hai truyền thống Nam và Bắc truyền, khái niệm “linh hồn” tái sanh hay vãng sanh không được đề cập. Phương pháp “độ” hay “cầu siêu” cho “linh hồn” cũng không được ghi chép. Các kinh chỉ đề cập cư sĩ hay chúng sanh khi mạng chung thì sẽ tái sanh hay vãng sanh cõi lành, cõi trời hay cõi Cực lạc. Tên gọi cư sĩ A hay chúng sanh B là tên gọi chung cho một tổ hợp các yếu tố cấu thành cư sĩ hay chúng sanh đó.
Do đó, danh từ “linh hồn” bất biến biệt lập không được sử dụng trong Phật giáo. Để giải thích cái gì tái sanh, Phật giáo tạm dùng khái niệm “tâm tái sinh” để chỉ cho phần tâm tiếp tục tái sanh theo nghiệp như trên đã nói.
Sau khi Đức Phật và các Thánh tăng viên tịch (chết), các thế hệ đệ tử có các hình thức, nghi thức đảnh lễ cung kính, tán dương khác nhau tùy theo văn hóa địa phương. Các nước theo Nam truyền, sự cung kính đảnh lễ Đức Phật và Thánh tăng được thể hiện bằng cách đảnh lễ tôn tượng và tôn xưng đức hiệu chung chứ không xưng tên. Ví dụ, câu “Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa”, nghĩa là con xin thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Ngài là Bậc Ứng cúng, Đấng Chánh biến tri, được tụng đọc để tán dương công hạnh của Đức Phật.
Ngược lại, truyền thống Bắc tông lại đảnh lễ cung kính Đức Phật bằng cách xưng tên như “Nam-mô Thích Ca Mâu Ni Phật”, hay “Chí tâm kính lễ Phật Thích Ca Mâu Ni.” Các Đức Phật huyền sử, các vị Bồ-tát huyền sử cũng được xưng tán tương tự như “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát” thay vì xưng tán “Kính lễ Đức Bồ-tát có hạnh lắng nghe hay Đức Bồ-tát có lòng từ bi lớn”.
Đối với các bậc A-la-hán và các Tổ sư thì sự xưng dương có chút thay đổi. Thay vì xưng tán bằng “Nam-mô A-la-hán Ma-ha Ca Diếp” thì được xưng bằng “Nam-mô Ma-ha Ca Diếp Tôn giả”, hay “Kính lễ Tôn giả Ma-ha Ca Diếp.” Từ Tôn giả nghĩa là bậc tôn kính được thay cho từ A-la-hán. Riêng các vị Tổ hành đạo tại Trung Quốc danh từ Tôn giả được thay bằng danh từ Tổ sư như “Nam-mô Bồ Đề Đạt Ma Tổ sư” hay “Nam-mô Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma”, hay “Kính lễ Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma”.
Ở Việt Nam, các vị Tổ thiền sư như Khương Tăng Hội, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Trúc Lâm Trần Nhân Tông… được tôn kính xưng tán bằng câu nam-mô hay nhất tâm đảnh lễ Sư tổ (Tổ sư) trước tôn hiệu của các vị thiền sư.
Dù tên gọi và cách xưng tán có khác nhưng các khái niệm có liên quan đến “linh hồn” không được đề cập khi xưng tán chư Phật, Thánh tăng và các Sư tổ.
*Trích từ bài viết "Giáo lý vô ngã & các khái niệm về “linh hồn”" - Thích Hạnh Chơn