Sách Phật giáo

Đức Phật và Phật Pháp

Thứ hai, 14/02/2020 03:21

Cuốn sách Đức Phật và Phật Pháp được tác giả hoàn thành có lẽ vào năm 1964, đến nay vẫn là một quyển sách vô cùng giá trị. Tác phẩm có giá trị tương đương với quyển Một - Phật Học Phổ Thông của Cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa.

>Tướng lạ về bàn chân của Đức Phật

Đôi nét về tác giả

Tác giả, ngài Narada Maha Thera (1898 – 1983), người Sri Lanka, xuất gia năm 18 tuổi dưới sự dẫn dắt của vị cao tăng lỗi lạc Pelene Vahiranyna. Đại đức Narada được đào luyện chu đáo và thấm nhuần Giáo Pháp. Ngài nổi tiếng về kiến thức sâu rộng và nhất là về đạo hạnh và từ bi. Narada Maha Thera về sau đã sáng lập ra nhiều Trung tâm và Hiệp hội Phật giáo ở Đông cũng như Tây phương. Ngài là một Pháp sư nổi tiếng khắp nơi, cho đến trong chốn bình dân. Đặc biệt, Narada Maha Thera có nhiều gắn bó với đất nước và Phật giáo Việt Nam. Ngài đã từng đến Việt Nam vào đầu thập niên 1930, mang theo nhiều nhánh cây bồ đề để trồng tại nhiều nơi. Trong thập niên 1950, khi Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam được thành lập, ngài đến Việt Nam nhiều lần để thuyết pháp.

Ngài Narada Maha Thera (1898 – 1983).

Ngài Narada Maha Thera (1898 – 1983).

Narada Maha Thera là tác giả của nhiều quyển sách có giá trị về Phật giáo. “Đức Phật và Phật Pháp (The Buddha and his teachings) là một tác phẩm xuất sắc của tác giả… là sách căn bản cho ai muốn tìm hiểu Phật giáo Nguyên thủy” (trích lời ngài Piyadassi Maha Thera).

Về cuốn sách Đức Phật và Phật Pháp

Trong Lời mở đầu, tác giả đã viết: “Giáo Pháp chắc chắn phải được học hỏi, nhưng hơn hết, phải được thực hành, và trên hết, phải được tự mình chứng ngộ”. Hay: “Đức Phật không trông chờ hàng tín đồ mãi sống trong những nghi lễ mà trái lại, khuyên dạy nên thực hành đúng theo Giáo Huấn của Ngài”. Đây chắc chắn là những lời chỉ dạy vô cùng ý nghĩa và đúng đắn để người học Phật chúng ta suy ngẫm trong bối cảnh hiện nay.

Tác phẩm có giá trị tương đương với quyển Một - Phật Học Phổ Thông của Cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa.

Tác phẩm có giá trị tương đương với quyển Một - Phật Học Phổ Thông của Cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa.

Quyển sách, đơn giản như chính tên sách, gồm 2 phần: Phần I đề cập đến Đức Phật từ Đản sanh đến nhập Niết Bàn, phần II trình bày về Phật Pháp. Chúng tôi xin chia sẻ vắn tắt, giới thiệu về 2 phần này.

Phần I: Đức Phật, gồm 14 chương. Theo tác giả, dưới lăng kính kinh tạng Nam truyền, cho rằng Thái tử đản sanh “nhằm ngày trăng tròn tháng năm (tiếng Sinhala là Vesak), năm 623 trước D.L” (trích chương I). Tác giả, bằng kiến thức uyên thâm đã chắt lọc những tư liệu đáng tin cậy, dẫn nguồn cụ thể, ví như lời dạy của Đấng Thế Tôn:

“Hãy tự xem con là hải đảo của con. Hãy tự xem con là nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác”. (trích Trường A-hàm và kinh Đại Bát Niết Bàn, tập 2, trang 100). Tiếp đến tác giả trình bày về quá trình Thái tử chiến đấu để chứng thành Đạo Quả, Đức Phật và thân quyến, Con đường Hoằng pháp, Đời sống hàng ngày của Đức Phật… và cuối cùng là chương Đức Phật nhập Đại Niết Bàn (chương 14).

Phần II: Phật Pháp. Ngài Narada đã trình bày Giáo pháp của Đức Phật qua 28 chương, từ chương 15 đến chương 42. Đầu tiên, chương 15, tác giả đã trình bày để trả lời câu hỏi: Phật giáo là gì? Theo tác giả, “Phật giáo là con đường giác ngộ duy nhất”. Ngài Narada dùng biện luận của mình để trả lời hai câu hỏi: Phật giáo có phải là một Triết học không? Và Phật giáo có phải là một tôn giáo không? Theo bạn thì sao? Phật giáo là một Triết học hay là một tôn giáo? Hãy cùng tác giả tìm cho mình câu trả lời.

“Đức Phật và Phật Pháp” được tác giả hoàn thành có lẽ vào năm 1964, đến nay vẫn là một quyển sách vô cùng giá trị.

“Đức Phật và Phật Pháp” được tác giả hoàn thành có lẽ vào năm 1964, đến nay vẫn là một quyển sách vô cùng giá trị.

Tiếp đến, ngài Narada đã lần lượt trình bày về: Vài đặc điểm của Phật Giáo, Tứ Diệu Đế, Sự báo ứng của Nghiệp, Cái gì đi tái sanh? Đặc tánh của Niết Bàn, Lý tưởng của Bồ Tát… Gần như tất cả những vấn đề về Giáo Pháp đều được tác giả trình bày kèm những trích dẫn cụ thể. Tất cả đều không ngoài:

“Không làm việc ác.

Làm những việc thiện.

Thanh lọc thân tâm.

Đó là lời dạy của chư Phật”.

“Đức Phật và Phật Pháp” được tác giả hoàn thành có lẽ vào năm 1964, đến nay vẫn là một quyển sách vô cùng giá trị. Tác phẩm, theo tôi có giá trị tương đương với quyển Một - Phật Học Phổ Thông của Cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa. Có khác chăng là ngài Narada đã đứng trên lập trường Phật giáo Nguyên thủy để diễn bày về Đức Phật và những lời dạy. Một tác phẩm rất căn bản cho những ai bước đầu nghiên cứu, tìm hiểu về Phật Giáo. Quyển sách xứng đáng để mỗi người học Phật nên có trên mỗi kệ sách của chính mình, đọc và suy nghiệm để hiểu hơn giá trị, tinh thần của Đạo Phật.

“Người thực hành đúng theo giáo huấn của Như Lai nhất là tôn sùng Như Lai nhất”.

“Người thực hành đúng theo giáo huấn của Như Lai nhất là tôn sùng Như Lai nhất”.

Còn nếu bạn mới bắt đầu đến Phật Giáo, muốn tìm hiểu Giáo Pháp theo trình tự và hệ thống thì đây là một quyển sách tuyệt vời. Bởi “Người thực hành đúng theo giáo huấn của Như Lai nhất là tôn sùng Như Lai nhất”.

Còn rất nhiều điều chúng tôi muốn trình bày về tác phẩm của ngài Narada, nhưng xin dừng lại ở đây để mọi người cùng tìm đọc và chiêm nghiệm.

Xin giới thiệu cuốn sách: ĐỨC PHẬT VÀ PHẬT PHÁP, tác giả: Narada Maha Thera, Phạm Kim Khánh dịch, NXB. Tôn Giáo ấn hành.

loading...