Kinh Phật
Đức Thế Tôn khen ngợi oai lực công đức của Bồ Tát Văn Thù
Thứ sáu, 29/05/2022 08:40
Nghe như vầy: Một thời, Đức Phật du hóa tại tinh xá nơi khu vườn Kỳ-đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo gồm đủ một ngàn hai trăm năm mươi vị và một vạn vị Bồ Tát.
Bấy giờ, Đức Phật ngồi trên tòa, nơi giảng đường Ca Lợi La, thuyết giảng kinh cho trăm ngàn vô số chúng ngồi giáp vòng chung quanh.
Khi ấy, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, cùng với năm trăm Bồ Tát và các vị trời Thích, Phạm, Tứ Thiên vương và quyến thuộc của họ… cùng nhau đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, đi nhiễu ba vòng rồi ngồi qua một bên.
Bấy giờ, Hiền giả A Nan nói với Tôn giả Xá Lợi Phất:
– Thưa Tôn giả! Tôi cũng đã thấy Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hiện biến hóa nơi vườn Kỳ thọ. Tôi nhớ vào lúc nọ, Đức Phật du hóa đến tinh xá Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ, cùng với một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ-kheo và một vạn hai ngàn Bồ Tát. Lúc đó, trời mưa tầm tã, sương mù ảm đạm đến bảy ngày bảy đêm. Có các thầy Tỳ-kheo đã đắc đại thần thông, thực hành pháp môn Nhất tâm giải thoát, định ý chánh thọ, mặc dù không thọ thực, nhưng các thầy Tỳ-kheo ấy dùng Tam-muội Tam-ma-việt để tự nuôi thân. Còn những thầy Tỳ-kheo kia, chưa đạt được thiền định chánh thọ, trong suốt năm ngày liền, không có ai cúng dường, nên thân thể gầy ốm hốc hác, chẳng còn khí lực để dốc tâm thấy Phật. Tôi thầm nghĩ: “Các Tỳ-kheo ấy chắc sẽ không sống nổi. Bây giờ, ta nên đến bạch với Đức Phật về các Tỳ-kheo này, không có thực phẩm, bị đói đã năm ngày, gầy gò, tiều tụy, đến nỗi không đứng dậy được.”
Đức Phật bảo: “Này A Nan! Ông hãy đến thưa với Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi về sự kiện này.”
Vì các thầy Tỳ-kheo, tôi liền vâng lời Phật dạy, đi đến phòng của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi. Khi ấy Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đang thuyết pháp cho các vị trời Thích, Phạm, Tứ Thiên vương. Tôi đem sự việc trên thưa với Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi và lời Đức Phật dạy tôi nói với Nhân giả nên lập đàn.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bảo: “Này A Nan! Hãy trải tòa cụ, rồi đến đánh kiền chùy.”
Tôi vâng lời Bồ Tát, bảo trải tòa cụ lên các tòa xong, trở về phòng của mình. Tôi muốn biết Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi có ra khỏi tinh xá không? Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi vẫn ở tại phòng, biến hóa và thuyết pháp cho Tứ Thiên vương, nhập Tam-muội tên là Hành nhập chư thân định ý chánh thọ. Sau đó, Bồ Tát ra khỏi tinh xá, vào khất thực trong thành Xá Vệ.
Khi ấy, ma Ba Tuần thầm nghĩ: “Hôm nay, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi là bậc Sư tử gầm vang mà vào thành khất thực, ta sẽ quấy rối việc lập công đức của ông ấy.” Ma Ba Tuần liền biến hóa, khiến cho hàng trưởng giả và dân chúng trong thành Xá Vệ không ai tiếp rước Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, cũng không cho khất thực.
Lúc này, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thấy mọi nhà đều đóng cửa, không ai ra tiếp đón cả. Bồ Tát biết ngay là ma Ba Tuần quấy rối, nên liền chí thành phát nguyện: “Giả sử nơi mỗi một sợi lông hiện có trên thân ta đều hiện bày đầy đủ công đức và trí tuệ, cho dù trong hằng hà sa thế giới, đầy đặc các ma cũng không bằng công đức nơi một sợi lông, xét rõ như vậy mà không hư dối. Những gì của ma biến hóa, ngay khi ấy, đều bị tiêu diệt. Sứ giả của ma sẽ tự đến các nẻo đường và tuần tra khắp vùng, khiến các trưởng giả, Phạm chí cúng dâng đầy đủ cho Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi. Những người cúng thí này được phước đức vô lượng. Nếu có ai cúng dường cho những người tài giỏi khắp tam thiên đại thiên thế giới, trong trăm ngàn năm, cũng không bằng cúng dường cho Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, được phước nhiều nhất.”
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi vừa phát nguyện này xong, ngay khi ấy được như điều nguyện. Tất cả các cửa nhà đều mở ra. Hết thảy mọi người tự đến nghênh tiếp Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi. Các ma đi vào từng nhà ở các nẻo đường, ra lệnh và tuần tra khắp nơi để bảo dân chúng, các trưởng giả, Phạm chí cúng dường Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, vì cúng dường người này, phước đức sẽ rất lớn. Nếu có ai cúng dường cho những người tài giỏi khắp tam thiên đại thiên thế giới trong trăm ngàn năm, bố thí những sự an vui tùy tâm mọi người mong muốn, cũng không bằng cúng dường cho Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi khất thực, phước đức ấy thật cao dày.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đi hóa duyên được thực phẩm đầy ắp bình bát, gồm đủ những thức ăn thượng diệu ngon quý, có hương vị khác nhau, những hương vị đặc biệt ấy không hề lẫn lộn. Lượng thực phẩm nhiều hơn số chư Tăng được thỉnh là một ngàn hai trăm năm mươi thầy Tỳ-kheo và một vạn hai ngàn Bồ Tát. Trong bình bát của những vị ấy, đã biến ra thức ăn như vậy.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đi khất thực khắp nơi xong, ra khỏi thành Xá Vệ, có ma Ba Tuần đi theo sau. Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bèn đứng ở giữa đường, đem bát đặt dưới đất và bảo ma Ba Tuần: “Ngươi hãy nhấc bát lên rồi đưa ra phía trước.”
Ma Ba Tuần nhấc chiếc bát từ đất lên không được, bèn thưa với Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: “Thật tình tôi không thể lay nổi chiếc bát này.”
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bảo ma Ba Tuần: “Ngươi có thế lực, thần thông cùng tận, hãy dùng đại thần túc, có thể nhấc bổng chiếc bát ấy.”
Ma Ba Tuần vận dụng hết sức thần túc rồi vẫn không thể nhấc nổi. Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi biến hóa làm cho chiếc bát không thể rời khỏi đất, dù chỉ một chút. Ma Ba Tuần gặp việc chưa từng có, nên thưa với Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: “Có núi tên Y-sa-đà, chỉ cần một thoáng nghĩ đến, tôi đã có thể dùng tay đem đặt núi ấy nơi hư không. Bây giờ chỉ mỗi chiếc bát nhỏ này mà lại không thể nhấc nổi!”
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bảo ma Ba Tuần: “Này ma Ba Tuần! Lý do ngươi không thể nhấc nổi chiếc bát vì ngươi thường tự so sánh với các Bồ Tát là chỉ dùng sức lớn của mình là giữ lấy được chiếc bát ấy, cho nên không thể nhấc được.”
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lấy chiếc bát từ đất trao cho ma vương và nói: “Ba Tuần! Ngươi hãy cầm chiếc bát này mà đi trước.”
Lúc ấy, ma Ba Tuần rất sầu khổ mới nhấc bát lên đi trước. Ma vương là kẻ tôn quý, tự tại trong hàng chư Thiên, lại ôm bát đứng trước một vạn hai ngàn trời và quyến thuộc vây quanh, đảnh lễ dưới chân Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi. Chư Thiên thưa ma Ba Tuần: “Thưa Nhân giả! Vì sao lại ôm bát đứng trước Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, giống như người hầu hạ vậy?”
Ba Tuần trả lời chư Thiên: “Không nên cùng tranh với bậc có sức mạnh này.”
Lại hỏi Ba Tuần: “Nhân giả cũng có sức thần thông vô cùng tận, vì sao không kham nổi?”
Lúc ấy, ma Ba Tuần vâng theo sự chỉ dạy của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, tuy là bậc có uy lực trong chư Thiên, nhưng vẫn không kham nổi, nên mới đáp lời các chư Thiên: “Ma lực là si mê, Bồ Tát lực là trí tuệ. Ma lực nhận các tà kiến mà tồn tại, Bồ Tát lực hiểu rõ lớn không. Ma lực dối trá, Bồ Tát lực thành thật. Ma lực là ngã sở và phi ngã sở, Bồ Tát lực là đại Từ đại Bi. Ma lực là cửa của dâm, nộ, si, Bồ Tát lực là cửa của ba giải thoát. Ma lực luôn luân chuyển trong đường sinh tử, Bồ Tát lực là pháp nhẫn không sinh, không diệt, không khởi.”
Khi Thiên ma Ba Tuần nói những lời ấy, có năm trăm vị trời trong chúng chư Thiên, phát tâm đạo Chánh chân Vô thượng, ba trăm Bồ Tát đắc pháp Nhẫn vô sinh.
Khi ấy, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bảo ma Ba Tuần đem bát đặt lên giảng đường. Lúc này Hiền giả A Nan cũng không kiểm tra kỹ, mà giờ thọ trai đã đến, chẳng thấy Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi ra khỏi phòng, nên A Nan thầm nghĩ: “Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi dối gạt các Tỳ-kheo, ta nên đến bạch Thế Tôn, biết là giờ thọ trai đã đến, mà Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi vẫn không ra khỏi phòng.”
Tôn giả A Nan liền đến bạch Phật: “Con không thấy Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi ra khỏi tịnh thất.”
Đức Phật bảo Tôn giả A Nan: “Ông có xem xét kỹ nơi giảng đường không?”
Tôn giả A Nan thưa: “Dạ có. Con chỉ thấy một bình bát đầy cơm ở đấy.”
Đức Phật bảo: “Ông đánh kiền chùy, tập hợp chúng Tỳ-kheo.”
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn! Số chúng đại Tỳ-kheo rất đông nhưng chỉ có một bình bát đồ ăn, làm sao đủ?”
“Thôi, ông đừng nói. Cứ như vậy mà thực hành. Giả sử có số người đầy khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới, trong trăm ngàn năm cùng dùng bình bát đồ ăn này, cuối cùng vẫn không giảm đi chút nào. Vì sao? Vì mạng lệnh và oai thần biến hóa của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đã khiến cho bát cơm này không bao giờ vơi. Đó là trí tuệ và thần thông đầy đủ của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đã lập nên, làm tăng trưởng hạnh Bố thí ba-la-mật không cùng.”
Tôn giả A Nan vâng lời Đức Thế Tôn, liền đánh kiền chùy tập hợp các Tỳ-kheo. Một bình bát cơm cho ra các món thơm ngon, những thức ăn thượng diệu và vô lượng mùi vị đặc biệt. Ví như các bình bát đựng thức ăn, mỗi một cái đều đựng đầy bao nhiêu là món ăn khác nhau, tất cả những món ấy đều dùng để cúng dường các Tỳ-kheo và các Bồ Tát. Hết thảy đều được no đủ, vì chiếc bình bát ấy có những thức ăn ngon như thế, không bao giờ cạn.
(Trích soạn tại quyển Thượng, kinh Văn Thù Sư Lợi Hiện Bảo Tạng, Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi)