Kiến thức
Đừng bỏ người thương
Chủ nhật, 30/11/2021 05:57
Dửng dưng là một thái độ chúng ta cần phải buông bỏ. Ghét bỏ cũng là thái độ chúng ta cần phải buông bỏ. Chúng ta đừng tưởng rằng tách lìa người kia thì tự nhiên chúng ta sẽ có hạnh phúc.
Chúng ta phải thấy được những liên hệ đã có và sẽ tiếp tục tiếp diễn giữa ta và người kia, dầu người kia ở xa ta cả ngàn dặm, dầu người kia đã chết rồi cũng vậy.
Vấn đề là vấn đề chuyển hoá. Người đó chết rồi nhưng ta vẫn còn đó với những khổ đau của ta. Người đó có thể là cha hay là mẹ, hay là em hay là bạn, hay là người tình mà ta đã hờn dỗi thù hận… Dầu người đó chết rồi, vết thương vẫn còn y nguyên trong lòng ta. Chết hay không chết xa hay không xa, đó không phải là vấn đề. Vấn đề là ta có thấy được cội nguồn của vết thương đó và có thể chuyển hoá vết thương đó hay không.
Trong các kinh đại thừa có danh từ bất xả. Xả là một giáo lý trong bốn tâm vô lượng nhưng trong đạo Bụt lại có giáo lý bất xả. Bất xả có nghĩa là đừng bỏ rơi. Xả ở trên có nghĩa là không vướng mắc, không kỳ thị. Còn chữ Xả ở đây (bất xả) có nghĩa là ghét bỏ, buông bỏ, không còn muốn dính tới người kia: “Mày đi đâu thì đi, mày không dính dáng gì tới tao nữa, mày không phải là con tao”. Ngôn từ nhà thiền nói xin quý vị từ bi bất xả, nghĩa là hãy đem lòng Từ lòng Bi ra tiếp độ, đừng có bỏ chúng tôi (hay chúng sanh) mà tội nghiệp. Chúng sanh đang quằn quại trong ba cõi khổ đau này, ngài đành lòng nào mà rời nơi tam giới. Thái độ bất xả là thái độ Bồ tát.
Không tìm cách trốn tránh, không tìm cách ly khai cuộc sống khổ đau. Đó là thái độ của Bồ tát Địa Tạng nguyện đi vào những vùng khổ đau để cứu độ chúng sanh. Bất xả là không bỏ, Bồ tát Quan Thế Âm tuy ở trong rừng trúc hay dưới biển Nam Hải nhưng hai tai luôn luôn mở ra để nghe những tiếng kêu thương của mọi loài mà tìm tới. Bồ tát Phổ Hiền với hai cánh tay hành động, luôn luôn có mặt để làm vơi bớt những nỗi khổ đau của chúng sanh. Đó là những hình ảnh của giáo lý bất xả.
Buông bỏ dính mắc của cuộc đời
Tại sao ta phải bỏ. Bỏ cái người mà ngày xưa ta đã nghĩ rằng không có người đó thì ta không sống nổi. Không những ta không bỏ người đó mà ta không bỏ bất cứ ai, dầu người đó đang gây những khó khăn cho ta. Điều này rất quan trọng. Bỏ tức là chạy trốn. Chạy trốn không phải là thái độ của Bồ tát. Anh chạy đi đâu để trốn? Anh không chạy đi đâu được hết. Anh chạy đi đâu thì niềm đau nỗi khổ vẫn còn đó và vẫn đi theo anh. Dù người đó chết rồi thì người đó vẫn còn ở trong anh. Dù người đó có đi sang Tokyo mà sống thì người đó vẫn có trong anh. Chuyện bỏ là chuyện không thể có được. Cái an vui của mình không thể có được khi mình có ý muốn bỏ. Đừng mơ tưởng hão huyền là ta có thể xa lánh ta có thể buông bỏ người kia. Hơn nữa theo giáo lý chúng ta học hỏi thì chúng ta phải đem sự hiểu biết và tình thương của chúng ta mà bao trùm ngay cả những người mà chúng ta gọi là thù địch: những người đã làm chúng ta khổ.
Trong Kinh Hoa nghiêm phẩm Phổ Hiền có câu duy nguyện cửu trù sát trần kiếp, lợi lạc nhất thiết chư chúng sanh, xin các vị Bụt ở lại với chúng con kiếp này sang kiếp khác thật lâu để tiếp tục cứu độ và làm lợi lạc cho tất cả các chúng sanh đang chìm đắm. Trong bài Phòng Hộ Chuyển Hoá cũng có một câu tương tợ cùng tăng thân xin nguyện ở lại nơi cõi đời làm việc độ sanh. Đó là tinh thần bất xả. Chúng ta nỡ lòng nào mà bỏ đi. Mà có muốn bỏ đi cũng không bỏ đi được. Tôi hay nói đùa với những người muốn ly dị “divorce or not divorce that is not the question” (ly dị hay không ly dị đó không phải là vấn đề). Vấn đề nằm ở trong đầu của ta. Ly dị cũng không được mà không ly dị cũng không được. Khạc cũng không ra mà nuốt cũng không vào. Đó là tình trạng của rất nhiều người. Con đường là con đường chuyển hoá, chuyển hoá cho mình và chuyển hoá cho người. Làm thầy thuốc cho mình và làm thầy thuốc cho người. Chiến thắng cho mình và chiến thắng cho người. Chiến thắng cho cả hai. Đó là đường lối thực tập của chúng ta. Bụt đã cho chúng ta những biện pháp rất cụ thể. Chúng ta có thể thực tập trong mỗi giây phút của đời sống.