Kiến thức

Dùng trí tuệ để nhìn các Pháp

Chủ nhật, 10/10/2023 09:00

Lâu nay chúng ta nhìn các pháp theo tình thức phân biệt hay là nhìn theo cái tình mê, thì cái đó gọi là thấy nhưng mà thấy theo cái chiều của vô minh sai lầm, thấy theo cái "tôi" điên đảo.

Bởi vậy luôn luôn mang đến phiền não, khổ đau cho mình và cho người.

Thấy cái gì mà thuận theo mình thì yêu, thì thích, còn không thuận theo mình thì ghét, không ưa; hợp với mình thì đúng mà không hợp với mình thì sai.

Như vậy tức là thấy nhưng không thấy theo sự thật mà thấy theo cái tôi, thành ra bóp méo sự thật.

Gọi là không thấy được đúng như thật các pháp, mà luôn luôn bóp méo theo cái tình phân biệt của Ta.

02

Như câu chuyện trong kinh Pháp Bảo Đàn, có hai ông tăng cãi nhau về phướn động và gió động:

Một hôm, hai ông tăng thấy trước chùa có treo một lá phướn (lá cờ), nó bay phấp phới thì một ông nói rằng:

- Đó là phướn động.

Còn một ông thì nói:

- Đó là gió động.

Hai ông cãi nhau hoài mà không ra lý, ông nào cũng có lý hết.

Thấy rõ ràng là lá phướn bay phấp phới đó, là phướn động chứ gì! Nhưng ông kia nói là có phướn mà không có gió thì làm sao động được, gió thổi - nó mới động.

Bởi vì mỗi người chỉ thấy một chiều thôi, theo tình phân biệt của cái Tôi thành ra che mờ đi chân lý, từ đó mới có tranh cãi, rồi có phiền não với nhau.

Trong cuộc sống chúng ta hằng ngày cũng vậy đó, nếu không khéo dùng trí tuệ để nhìn thì cũng sẽ đưa đến tình trạng người thấy thế này, người thấy thế khác rồi thì cãi nhau thôi.

Tâm Kinh Bát Nhã dạy chúng ta chuyển cái nhìn trở lại, chứ không phải nhìn theo chỗ đó nữa, nhìn các pháp theo chiều trí tuệ sáng suốt, đem trí tuệ để mà soi sáng thế gian, để khiến cho thế gian hiện ra trong ánh sáng của trí tuệ.

Học Tâm Kinh Bát Nhã là phải như vậy đó, tức là phải vượt lên cái tình mê lâu nay, là dám chuyển đổi một cái nhìn cố hữu lâu đời của chúng ta, cái nhìn của thường tình thế gian.

Những điều mà thế gian thấy như vậy là đúng, nhưng Bát-nhã thì thấy không phải vậy.

Thế gian thấy là có "ta", có "người" còn Bát-nhã thì thấy "không ta", "không người"; thế gian thì thấy có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, còn Bát-nhã thì thấy là không-sắc tức không; thế gian thấy là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, còn Bát-nhã thì cũng thấy là không - không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

Có phải là đảo lộn với cái thấy của thường tình thế gian hay không?

Nhưng người học Bát-nhã thì phải dám thấy như vậy!

Tuy nhiên, đây là thấy bằng sự quán chiếu chân thật, đúng với chánh pháp, chứ không phải là tưởng tượng, không phải là thấy suông bằng phân tích chữ nghĩa.

Trích trong : Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải.

loading...