Kiến thức
Dược Sư Bổn Nguyện
Thứ năm, 03/05/2022 01:49
Phật thuyết pháp ghi trong kinh Nguyên thủy chỉ có một Tịnh độ là Đâu Suất Đà Thiên là thế giới của Bồ-tát Di Lặc; nhưng kinh Đại thừa, Phật giới thiệu thêm về thế giới Cực Lạc của Đức Phật Di Đà và thế giới Tịnh Lưu Ly của Đức Phật Dược Sư.
Và trên bước đường du hóa, Phật ngồi dưới cây thông, Ngài nói kinh Dược Sư, giới thiệu về hành trạng của Phật Dược Sư ở phương Đông. Phật Di Đà ở phương Tây và Phật Dược Sư ở phương Đông, cả hai thế giới này đều cách Ta-bà mười muôn ức Phật độ và điểm giống nhau là Đức Phật Thích Ca khuyên chúng ta về Tịnh độ của Phật Dược Sư cũng giống Tịnh độ của Đức Di Đà. Tuy hai thế giới này khác nhau, nhưng có phần giống là cả hai thế giới đều thanh tịnh, hay nói cách khác, Phật nào cũng thanh tịnh, vì không thanh tịnh thì không là Phật. Vì vậy, nếu chúng ta là Phật rồi thì ta ở đâu, chỗ đó thanh tịnh.
Có Phật thì có Bồ-tát và tạo thành thế giới thanh tịnh. Điều này khiến tôi có cảm giác rằng khi ta tới với Phật và Bồ-tát là tới thế giới thanh tịnh. Dù chúng ta chưa tới, nhưng chúng ta nghĩ đến các Ngài là tâm chúng ta được thanh tịnh, vì tâm Phật đã thanh tịnh, nên tạo thành thế giới thanh tịnh thì đem tâm chúng ta đặt vào đó là thanh tịnh. Tôi đã trải nghiệm lý này, đặt tâm vào nhiễm ô là nhiễm ô liền.
Chúng ta sai lầm là tụng kinh Dược Sư, kinh Di Đà, hay đến chùa lễ Phật, nhưng không sanh công đức, vì tâm chúng ta không đặt vào thế giới Phật và tâm chúng ta cũng không tới với Phật, đứng trước Phật, nhưng tâm chúng ta nghĩ việc gì khác ở đâu. Còn chúng ta đứng cách Phật xa mười muôn ức, nhưng nghĩ đến Phật thì ta liền đến với Phật. Đứng trước tượng Phật, nhưng nghĩ khác, nên không có kết quả.
Phật giới thiệu khi còn tu hạnh Bồ-tát, Đức Dược Sư đã phát mười hai đại nguyện. Ngài phát mười hai đại nguyện để ứng với tâm đại bi của Ngài, vì Ngài nhận thấy thế giới chúng ta khổ đau và con người si mê, nên Ngài thương xót, muốn giải cứu.
Tuy nhiên, thấy thì thương, nhưng vương thì khổ. Thấy muốn giúp, nhưng vướng vô khó tháo gỡ, vì nghiệp sanh nghiệp và phiền não phát sanh. Vì vậy, trên bước đường tu, tôi nghĩ thêm rằng việc nào làm được thì làm, chưa làm được thì để đó, khi đủ điều kiện mới làm, nên tôi thoát khỏi họa tai. Bạn đồng hành với tôi phát tâm đại bi thì cứu chúng sanh ngay, nhưng không cứu được mà còn hại người. Giống như muốn cứu người chết đuối thì phải biết bơi, muốn cứu người ra khỏi sanh tử thì mình phải ra khỏi sanh tử. Phật nói trong Nhà lửa tam giới, tất cả đều khổ, nhưng có ba hạng người đệ tử Phật thoát khổ trước là Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát. Đệ tử Phật thoát ly được sanh tử vì biết lượng sức, sức ở chỗ nào thì làm chỗ đó. Vì vậy, phải tự cứu mình trước là người đi xe dê thì chỉ đi một mình, bằng mọi cách ra khỏi sanh tử luân hồi, thoát ly khổ đau rồi mới cứu người được. Kinh Pháp hoa dạy thệ nguyện an lạc là để đó, đợi đến khi đủ sức rồi mới giúp được. Đức Phật bỏ cung điện đền đài, đi tu một mình để đạt đến đỉnh cao của đạo đức và trí tuệ; vì hai điều này chưa đủ thì nói chưa chắc đúng và làm cũng không có kết quả. Bản thân chưa được gì thì khuyên người, không ai nghe; nghĩa là Thanh văn thừa, Phật dạy làm sao ra khỏi sanh tử luân hồi, làm sao cắt bỏ phiền não, trần lao, nghiệp chướng; không cắt bỏ ba thứ này thì cầu giải thoát không thể nào có được.
Người xuất gia đầu tiên bỏ nhà thế tục, nhà phiền não và nhà tam giới là ra khỏi sanh tử. Đi xuất gia tìm giải thoát cho mình, chứ không phải xuất gia là vào chùa. Ở chùa để ăn hại thì không nên. Có người bỏ gia nghiệp, vô chùa tu, không vừa lòng, phiền não nổi dậy là sai lầm lớn. Đi xuất gia là cắt đứt việc thế gian. Cắt từ đâu? Đầu tiên, cắt cái tâm không vướng bận để tâm giải thoát và kế là thân giải thoát, không bị cuộc đời ràng buộc là xuất gia, còn vô chùa ở, nhiều khi tâm phiền não dễ phát sanh, vì ở nhà giàu có, ăn gì cũng được, ngủ nướng cũng được, nhưng vô chùa phải thức dậy sớm lúc 3 giờ khuya. Vô chùa là nằm gai nếm mật, vì cuộc sống đảo lộn, nên phải có căn lành và được Phật hộ niệm, mới thấy con đường đó là huy hoàng. Tôi sung sướng nhất vì suốt cuộc đời tu, được học Phật pháp và được làm Phật sự. Người thấy tôi khổ và gian nan, nhưng trong sự gian nan đó, tôi được tâm an lạc.
Đầu tiên tôi nhập hạ, Hòa thượng Thiện Hòa nói ba tháng an cư không được ra khỏi chùa Ấn Quang. Huynh đệ chuẩn bị đi chợ mua sắm để dành. Tôi không mua gì cả, vì nghĩ rằng nếu mình tính toán như vậy là thế tục. Người tu mà còn tính việc ăn, mặc, ở thì không phải là người tu. Ở chùa có gì ăn đó, có gì mặc đó và tôi sung sướng thêm nữa là ba tháng an cư, tu hành, mình được an lạc, không bị phiền não thế tục quấy rầy, được ở yên một chỗ; đó là tu Thanh văn thừa. Vì vậy, dành thì giờ đọc tụng kinh, sống với kinh, tham Thiền, quán tưởng để thâm nhập thế giới Phật là ý nghĩa đầu tiên của xuất gia. Ta không bận rộn với người xung quanh và tâm ta nghĩ đến Phật nào, thế giới của Phật nào thì tâm ta liền thâm nhập vô thế giới đó.
Nghĩ đến Phật nào, tâm tôi ứng vô Phật đó, nên tôi thấy rõ lời nguyện thứ nhất của Phật Dược Sư là: "Ta nguyện đời sau, khi chứng Vô thượng Bồ-đề, hào quang của Ta chiếu khắp vô lượng vô biên thế giới, khiến chúng hữu tình thấy ánh quang này, thân tâm thanh tịnh, đủ tướng trượng phu, siêng tu Lục độ, rời biển trần khổ, vào chốn Niết-bàn”. Vì mình muốn cứu đời, nhưng không có hào quang, hào quang không rọi tới người ta, nên người thấy mình, họ không phát tâm. Vì vậy, Phật Dược Sư nguyện làm sao có hào quang và hào quang rọi người nào, người đó phát tâm Bồ-đề và hết khổ. Hiểu được lý này, chúng ta mới áp dụng được trong cuộc sống của mình.
Ánh quang của Phật Dược Sư rọi lòng ta bằng cách nào? Tôi không nghĩ rằng có ánh quang như đèn pha rọi chúng ta phát Bồ-đề tâm. Hào quang Phật tiêu biểu cho trí tuệ và đức hạnh, khi trí tuệ và đức hạnh của Phật rọi vào ta, ta phát Bồ-đề tâm. Đức Phật Dược Sư cách chúng ta mười muôn ức, làm sao thấy được, chúng ta thấy bằng cách nào? Phật Thích Ca nói về hào quang của Phật Dược Sư, nhưng Phật Thích Ca vào Niết-bàn, chúng ta thấy được hào quang của Phật Dược Sư bằng cái tâm chúng ta nghĩ về Đức Dược Sư, nghĩ về hành trạng của Ngài thì chúng ta tiếp nhận được hào quang và thân tâm chúng ta được thanh tịnh. Nghĩ Phật, nhưng không thanh tịnh là nói dối. Nghĩ bằng vọng tâm tham đắm, nhất định không được, phải nghĩ bằng lòng thành, tin Phật không tiếc thân mạng. Khi tôi gặp khó khổ thì cảm về Phật sâu sắc hơn. Trước cái chết, nghĩ đến Phật bằng cả sinh mệnh của chúng ta, mà bình thường không thể có độ cảm như vậy.
Nghĩ đến Phật, ánh quang Phật rọi chúng ta, gọi là thần giao cách cảm, vì tâm giao được với nhau, trong chớp mắt, hai tâm này hợp lại. Vì vậy, chúng sanh nào thấy được hào quang Phật Dược Sư, tâm liền thanh tịnh, nghĩa là rời được biển trần khổ là Ta-bà mà chúng ta đang sống, bấy giờ, tâm đứng yên, mình và Phật là một. Thật vậy, khi chúng ta tuyệt vọng, tưởng không sống, nên tâm hướng trọn về Phật, mới được Phật gia bị, tâm chúng ta an lạc liền và trở lại Ta-bà, hoàn cảnh trở thành tốt đẹp; nói cách khác là chết rồi, ta được sống lại nhờ ánh quang Phật rọi. Trong khoảnh khắc đó, tất cả phiền lụy tiêu tan mất, tức là người thân và hoàn cảnh không còn làm khổ ta nữa. Một niệm tâm thấy ánh quang Phật Dược Sư liền hết khổ là nghĩa như vậy.
Nguyện thứ nhứt là Trí thân. Nguyện thứ hai là Pháp thân. Hai điều này kết hợp lại, ta thấy được Pháp thân Phật là đạo đức của Phật, nên cuộc sống của ta phải khác. Ta thấy Phật Dược Sư là thấy thân Ngài trong suốt như ngọc lưu ly, không tì vết. Trên bước đường tu, tầm sư học đạo, phần nhiều chúng ta gặp đạo sư mà chúng ta không bằng lòng và thấy đạo sư có tì vết thì tâm chúng ta bất an và bất kính; như vậy càng tu càng đọa. Xưa kia, tôi bắt đầu đi từ chùa này sang chùa khác, không thầy nào tôi bằng lòng, chùa nào cũng không vừa ý, thấy nghiệp của thầy thì nghiệp mình sanh. Nhưng may mắn, tôi cũng gặp được đạo sư mà tôi kính trọng và tin tưởng, nương theo đó tu hành, đi xa hơn, mới thấy Đức Phật trọn lành và gá tâm vô Đức Phật, coi đó là Thầy của ta. Chỉ có Phật không tì vết. Vì vậy, đối tượng của tôi là Phật và Bồ-tát, nên tôi dành nhiều thì giờ đọc hồng danh Phật, tin tưởng Phật và Bồ-tát, đem tâm chúng ta ký thác vào đó, nên tâm chúng ta thanh tịnh lần. Từ đó, tuy sống với đạo sư ở trần gian, nhưng sống chung với Phật nhiều hơn, nên không thấy biết tất cả cái xấu của người, tôi không khổ. Tâm để ở thế giới Phật, phấn đấu đi lên với Phật. Nhờ niềm tin như vậy, Phật che chở tôi trên bước đường hành đạo, tôi vượt được khổ.
Và khi tâm chúng ta nghĩ đến Phật thanh tịnh và niềm tin vững, mới trở lại trần gian, gặp đạo sư trên cuộc đời giúp chúng ta, đó là ứng hóa thân Phật, hay các vị đạo sư chỉ lối đưa đường cho chúng ta. Thật vậy, tôi lang thang ở Đức Hòa, gặp một Hòa thượng nói rằng chú ở đây tu không đắc đạo, nên về Thủ Đức tu. Đường xa như vậy, mà với cái tuổi 12, nhưng tôi cũng đi. Trên bước đường tu của ta, Phật vô hình gia bị phải có, nhưng thực tế là cũng phải có thầy hiền bạn tốt trong cuộc sống rất quan trọng giúp chúng ta thành công. Họ thương, giúp ta từng bước tiến lên. Ai tu không có thầy hiền bạn tốt mà nên được, ai dựng nghiệp mà không có người giúp đỡ. Nói rằng mình phấn đấu, nhưng thực tế phải có người giúp. Tôi học ở Nhật phải có các hòa thượng Nhật giúp đỡ, muốn làm luận văn, phải có giáo sư hướng dẫn. Vì vậy, ứng hóa sanh thân Phật là thầy hiền bạn tốt, nhưng "hiền và tốt” này, chúng ta chỉ thấy năm mươi phần trăm, còn năm mươi phần trăm xấu dữ, chúng ta không thấy. Chúng ta thấy họ tốt và hiền, nên họ tốt và hiền với mình, nhưng dữ với người khác. Phật dạy rằng người có việc tốt nhỏ bằng cây kim, ta cũng phải thấy cái tốt đó, còn họ xấu ngập đầu, ta cũng không thấy.
Phật trên cuộc đời này quan trọng nhất, tất cả những người đang ngồi trước mặt tôi là Phật trên cuộc đời. Chúng ta phải nhận ra điều đó mới tu được. Khi chúng ta thấy họ là người ứng hiện Phật trên cuộc đời, chúng ta sanh tâm kính trọng, nên họ kính trọng lại ta, mới hợp tác được và lập nên chúng hội đạo tràng. Tôi tốt một mình cũng không làm được, Phật pháp tồn tại nhờ mọi người cùng chung sức, cùng tu. Phật pháp phát triển cũng như là Phật hiện hữu trên cuộc đời.
Vì vậy, nguyện thứ ba của Phật Dược Sư là làm cho dân giàu nước mạnh thì phải nhờ tất cả mọi người hợp tác với nhau, tin nhau; không tin nhau mà sát phạt nhau thì nước phải loạn. Lịch sử cho thấy đời Đường, vua Đường Thái Tông, tức Đường Lý Thế Dân hung dữ, giết anh em để làm vua. Vua A Dục cũng rất hung ác, nhưng người hung dữ luôn phải đối phó và khổ sở với sự hung dữ của mình. Đường Lý Thế Dân học của Tần Thủy Hoàng là muốn yên phải trấn áp, nhưng trên thực tế, càng trấn áp thì dân càng dễ nổi loạn. Cả trăm người âm mưu thủ đoạn thì làm sao đối phó được. Họ kích động dân chúng làm loạn, nên triều đình sụp đổ. Đường Thế Dân may mắn có người bạn tri kỷ là Tam tạng Pháp sư Đường Huyền Trang được vua tin cậy nhất. Ngài chỉ khuyên vua muốn thiên hạ thái bình, bệ hạ phải tu, vua lo nghĩ dẹp thì nước sẽ loạn. Tâm bệ hạ đừng nghĩ giết ai, thì người chống đối tự nhẹ xuống. Nhà vua nghe lời ngài Huyền Trang nên đã làm cho dân giàu nước mạnh, nhà Đường kéo dài hàng trăm năm. Cuối đời Đường, Đường Võ Tông lên ngôi, ông cần tài sản để đi chinh phục, nên đã ra lệnh tịch thu đất đai của chùa, nhưng vua chưa hưởng được thì đã chết và xã hội loạn lạc. Ở nước ta, đời Lý nhờ có Thiền sư Vạn Hạnh cố vấn: "Vô vi cư điện các. Xứ xứ tức đao binh”, nên thời đó nước ta cũng được hưng thạnh. Đạo phát triển nhờ tâm người an lạc và tất cả mọi người cùng an lạc thì xã hội yên, thế giới hòa bình; đó là mục tiêu của Phật Dược Sư.
Nguyện thứ tư của Phật Dược Sư là: "Nếu có hữu tình tu theo tà đạo thì Ta khiến họ trở về Chánh đạo. Nếu theo Nhị thừa thì Ta khiến họ cầu Vô thượng giác”. Trong xã hội, không phải ai cũng đúng. Họ tu sai, phải thọ quả báo, xã hội sẽ không tốt, nên mình phải sửa bằng cách chỉ cho họ thấy sai lầm mà sửa đổi, chứ không phải ta diệt họ. Các vua Lý-Trần ở nước ta ủng hộ Phật giáo và khuyến hóa tập tục mê tín, giải thích để họ trở về Chánh đạo, vì tin theo tà ma ngoại đạo làm cho xã hội bất an. Người tu theo Nhị thừa thì chuyển họ cầu Vô thượng Đẳng giác. Tu Nhị thừa là rèn luyện đức hạnh và trí tuệ rồi thì khuyến hóa người cũng được như vậy, vì mình không thể tốt trong xã hội xấu. Tất cả đều xây dựng xã hội tốt đẹp chắc chắn sẽ làm cho xã hội trở thành tốt.
Và khi đầy đủ mười hai nguyện của Phật Dược Sư thì thế giới này trở thành thanh tịnh như lưu ly, nghĩa là biến nguyện thành hành động, mới tạo thành xã hội tốt đẹp. Ngay trong Ta-bà, Phật Thích Ca khuyên chúng ta dựng đàn Dược Sư để cầu nguyện thế giới của Phật Dược Sư ảnh hưởng đến thế giới này làm cho thanh tịnh như thế giới của Đức Dược Sư.
Phật dạy chúng ta dựng đàn Dược Sư đốt đèn tiêu biểu cho ánh sáng, cũng có nghĩa là tiêu biểu cho trí tuệ. Vì vậy, Phật khuyên chúng ta đọc tụng suy tư, dạy người làm phước thì được công đức không thể nghĩ bàn, không phải chỉ đọc kinh, lập đàn treo phan thôi. Lịch sử nước ta đã cho thấy bà Ỷ Lan mở kho bố thí cúng dường, bà nói rằng lương thực do dân làm ra, nên dân đói phải chia sẻ cho dân trước; nhờ vậy, bà nổi tiếng là Quan Âm tái hiện. Mở kho bố thí, cúng dường chúng Tăng làm người nghĩ rằng vua thương dân, lo cho dân, nên dân hết lòng với đất nước. Còn vua ác gom về cho riêng mình, để dân đói, sẽ dẫn đến việc dân nổi loạn, cướp phá.
Phật dạy đem thế giới của Phật Dược Sư đặt vào Ta-bà, Ta-bà thanh tịnh liền bằng cách mở kho bố thí thì sẽ không xảy ra ý niệm tranh cướp kho của nhà nước và khi dân đã no đủ rồi, dù có xúi giục họ chống đối, họ cũng không nghe theo.
Mong rằng tất cả quý vị tụng kinh Dược Sư, hãy nỗ lực thực hiện lời Phật dạy trong cuộc sống để có thể chuyển đổi được phần nào xã hội tốt đẹp, thanh tịnh như thế giới Tịnh Lưu Ly của Phật Dược Sư.