Kiến thức

“Đương nguyện chúng sanh” có nghĩa là gì?

Thứ hai, 07/09/2023 02:00

Bài học vỡ lòng của người con Phật không phải là nguyện cho bản thân mình mà là nguyện cho chúng sanh. Mà không phải đợi lên tụng kinh hay nhân dịp lễ kỷ niệm gì mới nguyện mà nguyện trong mọi hành vi và ý nghĩ của mình. Có nghĩa là mọi hành vi và ý nghĩ đều phải vì chúng sanh vậy.

01

Khi mới vào chùa, ngoài các kinh như Lăng nghiêm, A Di Đà phải học thuộc để tụng ở các thời khóa ra, điều đầu tiên mà những người mới xuất gia phải học là Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu.

Có đến hơn 50 bài kệ. Mỗi bài có 4 câu. Mà gần như bài nào cũng phải có câu “Đương nguyện chúng sanh”. Mỗi câu chỉ có 4 chữ thôi, rất dễ nhớ, nhưng đó lại là câu quan trọng nhất, không chỉ là cốt lõi của bài kệ mà còn là “tinh hoa, là cốt tủy của phương pháp đạo Phật” (Thích Nhất Hạnh, Nẻo vào thiền học”. Đó chính là tinh thần vô ngã vị tha, là lòng từ bi đối với tất cả chúng sanh.

Khi học Tỳ-ni, thấy bài kệ nào có câu “Đương nguyện chúng sanh” là tôi rất thích. Vì nó dễ, không cần học cũng thuộc. Và như vậy là chỉ học 3 câu còn lại. Một câu rất ngắn, không cần học cũng thuộc, nhưng thực hành theo được câu đó thì khó vô cùng, vì nó đi ngược lại với bản tính vị kỷ của con người. “Đương nguyện chúng sanh” có nghĩa là nguyện cho tất cả chúng sanh. Thì ra Tỳ-ni nhật dụng không chỉ nhắc nhở chúng ta phải tỉnh thức và chánh niệm đối với mỗi việc làm của mình mà còn nhắc nhở chúng ta phải nhớ nghĩ đến tất cả chúng sanh. Chúng ta phải cầu nguyện cho tất cả chúng sanh trong mọi hành vi, việc làm của mình, từ khi vừa mới thức dậy cho đến khi đi ngủ.

Tỳ-ni nhật dụng được rút ra từ phẩm Tịnh hạnh của kinh Hoa nghiêm. Kinh Hoa nghiêm là một bộ kinh vĩ đại của Phật giáo Đại thừa. Mà tư tưởng chủ đạo của Phật giáo Đại thừa, như chúng ta đều biết, đó là tinh thần Bồ-tát đạo, lấy việc cứu giúp chúng sanh làm bổn nguyện dù cho có bỏ cả thân mạng cũng sẵn sàng. Bồ-tát là những người quên thân mình để làm lợi ích cho chúng sanh, “Hoằng pháp vi gia vụ, độ sinh vi bổn hoài”. Bất cứ làm việc gì Bồ-tát cũng không bao giờ nghĩ cho bản thân mình trước, mà luôn luôn tự hỏi việc làm đó có mang lại lợi ích gì cho người khác. Bồ-tát sống vì lợi ích, vì an lạc và hạnh phúc của người khác.

Chính vì thế mà các bài kệ trong Tỳ-ni nhật dụng không có câu nào xin điều gì cho bản thân hành giả mà chỉ cầu cho chúng sanh, cho người khác. Đây là điều mà chúng ta cần phải để ý mỗi khi đọc Tỳ-ni. Cầu là cầu cho chúng sanh chứ không phải cho bản thân mình. Tất nhiên trong chúng sanh vẫn có mình trong đó, nhưng mình chỉ là một phần nhỏ, như giọt nước trong đại dương rộng lớn. Nói cách khác, nếu chúng ta muốn có được điều gì thì phải làm điều đó cho người khác trước. Nếu chúng ta muốn bình yên thì phải làm cho thế giới hòa bình trước.

Tại sao một tư tưởng vĩ đại như thế lại dành cho người mới bước chân vào đạo. Đây chính là giáo dục Phật giáo. Nếu như giáo dục thế gian thông thường dạy người ta làm thế nào để thành công cho bản thân, thì giáo dục Phật giáo dạy chúng ta phải nghĩ đến người khác trước. Bài học vỡ lòng của người con Phật không phải là nguyện cho bản thân mình mà là nguyện cho chúng sanh. Mà không phải đợi lên tụng kinh hay nhân dịp lễ kỷ niệm gì mới nguyện mà nguyện trong mọi hành vi và ý nghĩ của mình. Có nghĩa là mọi hành vi và ý nghĩ đều phải vì chúng sanh vậy.

Cuộc sống có một “nghịch lý” như thế này. Khi nào chúng ta chỉ muốn làm cho mình hạnh phúc thì chúng ta sẽ bị đau khổ. Còn khi nào chúng ta không màng đến hạnh phúc của mình mà chỉ nghĩ cho người khác thì chúng ta sẽ được hạnh phúc. Đây chính là bí quyết hạnh phúc của Phật giáo và những người thông thái từ xưa đến nay. Nếu bạn không tin thì hãy làm thử. Bạn hãy thử dành ra một tuần đừng nghĩ gì cho mình, đừng mong muốn mình sẽ được điều gì, mà chỉ nghĩ cho người khác, nguyện cho người khác. Rồi bạn sẽ thấy có một sự thay đổi rất mầu nhiệm. Sẽ hạnh phúc hơn, nhẹ nhàng hơn, lạc quan hơn, tươi mới hơn và cao thượng hơn.

Tu là phải độ chúng sanh nào trước?

loading...