Lời Phật dạy

Duyên khởi và ý nghĩa của An cư Kiết hạ

Thứ sáu, 13/09/2018 01:52

Duyên khởi của sự An cư Kiết hạ, của chúng tỳ kheo dù đơn giản được nói là do đức Thế Tôn tùy thuận theo ước muốn của các đệ tử tại gia, nhưng trong ý nghĩa sâu xa thì nó là sinh mạng tồn tại của Chánh pháp được duy trì bằng đời sống thanh tịnh và hòa hiệp của cộng đồng tăng lữ. Chừng nào chúng tỳ kheo còn nhiệt thành trong phận sự an cư 3 tháng thì bấy giờ Chánh pháp vẫn còn là sức sống phong phú để loài người làm nơi quy ngưỡng và xây dựng một thế giới an lành.

Theo luật Tứ phần (1) duyên khởi của đức Phật quy định mùa an cư của chúng tỳ kheo xảy ra khi Ngài đang trú tại Xá Vệ, trong vườn của Ông Cấp Cô Ðộc. Nguyên do của việc chế định này là bởi vì sự than phiền của các người cư sĩ đối với nhóm 6 tỳ kheo. Nhóm 6 tỳ kheo này thường du hành trong dân gian bất cứ vào mùa nào. Khi mùa mưa đến, họ dẫm đạp chết vô số côn trùng. Các cư sĩ than phiền rằng những tu sĩ ngoài đạo hằng năm vẫn có 3 tháng cố định tại một chỗ, ngay đến các loại cầm thú vẫn còn có mùa trú ẩn của chúng, huống chi những người sa môn Thích tử lại không biết nghỉ chân vào mùa mưa, trái lại du hành bất cứ mùa nào. Ðức Phật hay biết sự này, và Ngài đã khiển trách nhóm tỳ kheo 6 người ấy.

Ở đây, chúng ta có thể rút ra hai nhận xét. Thứ nhất sự than phiền của các cư sĩ chứng tỏ rằng an cư mùa mưa đã trở thành tục lệ chung cho mọi tu sĩ của các giáo phái tôn giáo thời bấy giờ. Các tỳ kheo do bởi không chấp hành tục lệ này nên bị các cư sĩ chỉ trích. Thứ hai, sự khiển trách của ðức Phật chứng tỏ rằng mặc dù trước đó Ngài chưa quy định việc an cư mùa mưa, nhưng các thánh tăng hay các tỳ kheo sống tri túc và trì luật nghiêm chỉnh đều không đi lang thang trong các tháng mùa mưa. Như vậy, sự ấn định 3 tháng an cư mùa mưa của Phật là hợp pháp hóa một thông lệ hay một tập tục đã được chấp hành một cách tự nhiên giữa các tỳ kheo nói riêng, và cũng chung cho mọi tu sĩ của các giáo phái ngoài đạo Phật đương thời.

Tuy nhiên, xét theo thực tế, hành trì của giáo đoàn tăng lữ về việc an cư mùa mưa, thì sự an cư này không chỉ giới hạn bởi sự việc đi lại gây tổn hại cho các sâu bọ và các thứ cây cỏ sinh tưởng nhiều trong mùa mưa. Tham khảo thêm trong các kinh điển, chúng ta sẽ thấy việc an cư còn có những mục đích khác hơn thế nữa.

Trước hết, một đoạn ngắn trong kinh Ðiển Tôn (2) có ghi sự kiện như vậy. Ðức Phật kể lại một câu chuyện quá khứ. Trong một tiền kiếp xa xưa, lúc đức Thích Tôn còn hành Bồ Tát đạo. Bấy giờ Ngài thọ anh làm vị đại thần có tên là Ðiển Tôn. Vị đại thần này được mọi người tôn kính, cho rằng là đã từng thấy Phạm Thiên. Nhưng thực tế thì Ðiển Tôn chưa từng thấy Phạm Thiên. Ðiển Tôn tự suy nghĩ rằng, theo truyền thuyết các bậc tôn túc nói lại, nếu ai tu tập 4 vô lượng tâm trong suốt 4 tháng mùa mưa sẽ được diện kiến với Phạm Thiên. Do vậy, đại thần Ðiển Tôn xin phép nhà vua được nghỉ ngơi để có thể tu tập 4 vô lượng tâm trong suốt 4 tháng mùa mưa. Sau 4 tháng, quả nhiên Ðiển Tôn được hội kiến với hình đồng Phạm Thiên, và được Phạm Thiên đích thân giảng giải đạo lý cho.

Câu chuyện kể như vậy chứng tỏ việc an cư cố định tại một chỗ để tụ tập vào mùa mưa là một quan niệm đã có từ xưa, trước thời đức Thích Tôn rất lâu xa. Cho nên, việc an cư, hạn chế sự đi lại trong mùa mưa, không chỉ vì tránh dẫm đạp vào côn trùng và cây cỏ, mà mùa mưa còn được quan niệm từ xa xưa là thời gian thích hợp nhất cho sự tu tập để có những tiến bộ tâm linh đáng kể. Chính do điều này mà kinh Chánh pháp niệm xứ nói rằng vào thời kỳ an cư mùa mưa các tỳ kheo ngoại trừ các việc đi lại và tiểu tiện, còn lại thường xuyên phải ngồi kiết già tại một chỗ để tu tập thiền định. (3)

Ngoài ra, sự an cư mùa mưa còn có một ý nghĩa quan trọng khác nữa. Ðó là biểu hiện cho tinh thần sống chung hòa hợp của cộng đồng tăng lữ tại một trú xứ. Ðiều này được thấy rõ trong luật Tứ phần. (4) Lúc bấy giờ đức Thích Tôn trú lại Xá Vệ, trong vườn Cấp Cô Ðộc. Sau 3 tháng an cư mùa mưa, một số đông các tỳ kheo ở Câu Tát La đến hầu thăm Ngài. Ðức Thế Tôn theo thông lệ hỏi thăm đời sống của họ như thế nào trong 3 tháng an cư. Họ trình bày với Ngài sinh hoạt thường nhật của họ. Theo đó, các tỳ kheo này giao ước với nhau trong suốt mùa an cư rằng không ai nói chuyện với ai bất cứ điều gì. Nếu có những việc cần thiết mà người này cần đến sự giúp đỡ của người khác thì chỉ được phép ra dấu chứ không được phép nói. 
 
Sinh hoạt này cũng thường xảy ra giữa các nhóm tỳ kheo và được biết nhiều nhất là nhóm 3 tỳ kheo dòng họ Thích gồm Tôn giả A Na Luật, Tôn giả Nan Ðề và Tôn giả Kim Tỳ La. Các tỳ kheo khi thì ở Bát Na Nạn Xà (5), khi thì ở Sa Kê Ðế (6) và luôn luôn được Phật khen ngợi. Nhưng trong trường hợp các tỳ kheo ở Câu Tát La này, thay vì được khen ngợi, đã bị ðức Thế Tôn khiển trách. Ngài nói các tỳ kheo này là những người ngu si, sống chung như vậy là khổ nhưng lại tưởng là an lạc, chẳng khác nào những kẻ thù cùng sống trong một trú xứ. Nhiệm vụ của các tỳ kheo sống chung là phải giáo giới lẫn nhau, chỉ điểm và sách tấn nhau, chứ không thể sống như những người câm với nhau.

Cùng một lề lối sinh hoạt, nhưng có trường hợp Phật khen ngợi, có trường hợp bị Ngài khiển trách, ấy là thế nào? Ðức Phật luôn luôn ca ngợi đời sống trầm lặng của các tỳ kheo, sống xa lánh những nơi ồn ào náo nhiệt. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa rằng một tỳ kheo nên sống cách biệt ngoài cộng đồng tăng lữ. Sống chung và hòa hợp trong cuộc sống thánh thiện cao cả, giáo giới và sách tấn lẫn nhau, đó là sinh mệnh của tăng đoàn. Ðời sống của một tỳ kheo là sống không gia đình, không cố định vĩnh viễn tại một trú xứ nào, nhưng các tỳ kheo được nối kết nhau thành một cộng đồng thống nhất bằng giới bổn mà họ phải cùng nhau hòa hiệp để tụng đọc trong mỗi nửa tháng. Và sự hòa hiệp ấy được củng cố bằng 3 tháng an cư vào mùa mưa.

Như vậy, an cư mùa mưa không phải đơn giản chỉ có nghĩa là hạn chế sự đi lại của các tỳ kheo để tránh tổn thương các sinh vật bé nhỏ và các thứ cây cỏ non. Trong lịch sử phát triển của đạo Phật sinh hoạt an cư kiết hạ là một nhân tố tích cực để các đệ tử tại gia có điều kiện thuận tiện tham gia vào sự nghiệp củng cố và phát triển giáo đoàn tăng lữ. Tăng đoàn thanh tịnh và hòa hiệp là tiêu biểu của sức sống cụ thể của giáo pháp mà đức Thích Tôn đã từng giảng dạy. Ðó cũng là nơi nương tựa tinh thần vững chắc, và là niềm tin chân chính cho những người tại gia sống giữa cuộc đời hỗn tạp, đầy những hận thù và tranh chấp.

Một phật tử tại gia, có niềm tin thuần tịnh trong sáng đối với Phật, Pháp, Tăng và Thánh giới luôn luôn được ghi nhận với 4 đức tính:

- Thân cận thiện sĩ

- Học hỏi Chánh pháp

- Suy nghĩ sâu sắc những điều mới học hỏi

- Hành trì những điều đã được chiêm nghiệm

Trong 4 đức tính ấy, đức tính thứ nhất, thân cận thiện sĩ, tức gần gũi các bậc thiện tri thức, những bậc đạo cao đức trọng. Mỗi năm, vào mùa mưa, khi các tỳ kheo tạm thời dừng chân tại một trú xứ, thì đây là thời gian mà những người tại gia có điều kiện thích hợp nhất để thường xuyên gần gũi các bậc thiện sĩ học hỏi Chánh pháp. Do thế, họ có thể phát huy các đức tính đặc trưng của một phật tử tại gia có niềm tin thuần tịnh đối với Chánh pháp.

Trong thời gian đức Thế Tôn còn tại thế, các phật tử tại gia hoặc tự lực cá nhân nếu có đủ điều kiện, hoặc những người thân thuộc nhau hoặc những người cùng sống trong một làng, một thành phố, hợp tác nhau thỉnh các tỳ kheo về tại trú xứ của mình an cư kiết hạ, và hỗ trợ các tỳ kheo các nhu cầu cần thiết để các Ngài có điều kiện thuận tiện cho sự tu tập suốt trong 3 tháng mùa mưa. Các truyện ký của Phật giáo thuộc các nền văn học bảng sanh và bảng duyên thường ghi nhận có nhiều tỳ kheo đã chứng đắc quả A La Hán trong thời gian an cư này, nhờ sự hỗ trợ của các cư sĩ về các nhu cầu hằng ngày.

Một cộng đồng thanh tịnh và hòa hiệp, cùng học và cùng tu như sữa với nước vậy, quả là niềm tin và hy vọng cho con người sống giữa cảnh đời náo nhiệt, và nó chứng tỏ rằng Chánh pháp mà đức Thích Tôn đã giảng thuyết, nếu được thực hành một cách trọn vẹn, sẽ là cơ sở cho một thế giới an lành. Ðây là điều mà vua Ba Tư Nặc đã bày tỏ với đức Thế Tôn về niềm tin của mình đối với Chánh pháp được Thế Tôn giảng dạy và chúng đệ tử thực hành trọn vẹn. (7)

Nói tóm lại, duyên khởi của sự An cư Kiết hạ, của chúng tỳ kheo dù đơn giản được nói là do đức Thế Tôn tùy thuận theo ước muốn của các đệ tử tại gia, nhưng trong ý nghĩa sâu xa thì nó là sinh mạng tồn tại của Chánh pháp được duy trì bằng đời sống thanh tịnh và hòa hiệp của cộng đồng tăng lữ. Chừng nào chúng tỳ kheo còn nhiệt thành trong phận sự an cư 3 tháng thì bấy giờ Chánh pháp vẫn còn là sức sống phong phú để loài người làm nơi quy ngưỡng và xây dựng một thế giới an lành.

Trưởng lão HT.Thích Trí Thủ
-
Chú thích:
(1) Tứ phần luật 37, An cư ký đệ (Ðại 22, tr. 630b)
(2) Trường A Hàm 5 (Ðại 1, tr. 32b)
(3) Dẫn bởi Tứ phần luật san phiền bổ khuyết hành sự sao, Thượng 4 (Ðại 40, tr. 58a)
(4) Tứ phần luật 37, Tự Tứ Kiền Ðộ (Ðại 22, tr. 637c)
(5) Trung A Hàm 17, Trường Thọ Vương Bản Khởi (Ðại 1, tr. 536a)
(6) Trung A Hàm 18, Sa Kê Ðế Tam Mộc Tánh Từ (Ðại 1, tr. 544b)
(7) Trung A Hàm 59, Kinh Pháp Trang Nghiêm (Ðại 1, tr. 795b)
loading...