Kiến thức
Duyên khởi việc hành hương
Thứ bảy, 20/03/2024 09:08
Khi Thế Tôn sắp thành đạo, nàng chăn bò đem dâng cúng lư hương của Phật Câu Lưu Tôn, nàng cầm lò đốt hương, đi nhiễu quanh gốc cây Phật ngự cả thảy 32 vòng và ngay trong lúc đó chư Phật trong mười phương đều vân tập, trên tay cầm lư hương, tự thân đem trao Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni.
Lúc đốt hương này mười phương chúng sanh, tất cả trời người đều phát khởi lòng tin mà tỏ được đạo mầu, rồi sau mới bước lên bảo tòa Kim Cang, thành vô thượng đạo. Vì thế, khi Phật thuyết pháp trước hết phải thắp hương. Bởi lẽ, đó là nghi thức thuyết pháp của cổ Phật vậy.
Hành hương thuở xưa là chỉ cho lúc cử hành Phật sự. Vị Tăng chủ trì pháp hội và trai chủ cầm hương đi nhiễu quanh pháp hội, hoặc dẫn ra khỏi Tự viện hoặc cầm hương đi trên đường, từ đó hành hương dần dần trở thành một nghi thức trong Pháp hội.
Trong nghi lễ cử hành Pháp hội gì long trọng, khi niêm hương bạch Phật khai chung bảng xong, có nghi đi sái đàn hay còn là huân đàn tức là Duy na cầm thủ lư dẫn đi khắp đàn tràng, vị chủ sám cầm tịnh bình sái đàn.
Ở Trung Quốc nghi thức hành hương nầy có khởi nguyên vào thời Tấn Ngài Đạo An lập nên, nhưng đến đời Đường Tống bèn trở thành một tập tục triều bái.
Bài thơ Hành Hương Qui của Bạch Cư Dị có câu:
“Xuất tác hành hương khách Qui như tọa hạ Tăng”.
(Khi ra làm khách hành hương Lúc về như Tăng an cư).
Đây là biểu hiện của tập tục hành hương đời Đường. Bạch Cư Dị là người đệ tử Phật có tiếng, tự thân ông đã tham gia qua nghi thức hành hương.
Bộ Cách Trí chép: “Hành hương nghĩa là hành đạo thắp hương vậy. Hành đạo nghĩa là chỉ cho trai chủ, đích thân tự đi vòng quanh đạo tràng, còn thắp hương là đốt hương để vào trong lò”.
Đông Ngụy Tỉnh Đế từng thiết lập pháp hội xe giá đi hành hương, bề tôi là Cao Hoan cầm lư hương đi bộ. Xét theo đây thì danh từ hành hương là đi bộ tiến về phía trước mà nhiễu quanh đạo tràng, tự mình thắp nhang làm lễ. Do đây mà hành hương nghĩa là thắp hương hành đạo.
Từ ý nghĩa nầy trong nghi lễ Phật giáo, tiết thứ thỉnh sư cử hành Phật sự, lúc nào cũng phải có khai trầm trang trọng bưng để thỉnh.
Sau nầy, hành hương và các pháp hội khác được kết hợp với nhau, trở thành một nghi thức siêu độ vong linh. Đối với người Việt Nam chúng ta, hành hương là tổ chức thành đoàn đi lễ bái cầu nguyện các chùa nội ngoại thành, có khi đi thập tự tức là sắp xếp theo lịch trình như thế nào miễn đi cho hết 10 chùa trong vòng một ngày rồi mới về, thậm chí đi sang nước ngoài theo sự tổ chức của các tour du lịch để lễ Phật cầu nguyện... và đó cũng chính là dịp kết hợp để tham quan chiêm bái những Phật tích danh lam thánh địa mầu nhiệm linh thiêng mà “trăm nghe không bằng một thấy”.
Căn cứ vào Phật điển thì thuyết hành hương nầy là kết hợp giữa kinh hành và đốt hương. Có khi chính vị thí chủ thiết trai cúng dường chúng Tăng, trước hết dùng hương phân phối cho đại chúng rồi cử hành nghi thức thắp hương nhiễu tháp.
Theo quyển 7, kinh Hiền Ngu và quyển thượng Đại Tỳ Kheo Tam Thiên Oai Nghi chép: Khi hành hương chúng Tăng phải đứng nhận hương, người hành hương là nữ thì chúng Tăng nên ngồi mà nhận, nếu không thì phạm tội Đột Kiết La.
Trong nghi thức tụng giới của các chùa viện Luật Tông Trung Quốc cũng có đề mục hành hương cúng dường:
“Một Tỳ kheo rời chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ 1 lạy, cầm 3 cây nhang, bưng lư hương tiến về thượng tòa, cắm hương vào trong lò.
Duy Na nói: Người hành hương nói bài kệ.
Đại chúng đồng âm xướng:
“Giới hương định hương giải thoát hương
Quang minh vân đài biến pháp giới
Cúng dường thập phương vô lượng
Phật Kiến văn phổ huân chứng tịch diệt”
(Giới hương định hương giải thoát hương
Đài mây chói sáng khắp pháp giới
Cúng dường mười phương vô lượng
Phật Thấy nghe khắp xông chứng tịch diệt).
Duy Na đả tĩnh 2 tiếng. Sau đó tụng giới bổn”.
Ngoài ra trong Thiền Tông, vào 2 buổi sớm chiều thiền Tăng đốt hương đi tuần khắp Khố đường, Đông ty, Sơn môn, Dục thất, Tăng đường... vì thắp nhang để đi tuần các điện đường đã nêu đại khái như trên cho nên gọi là hành hương.
Vào thời quá khứ, có một người tham lam cất chứa bảy hủ vàng, chôn giấu dưới đất. Người này sau khi chết đi biến thành rắn độc để giữ chiếc bình vàng ấy. Trải qua thời gian lâu dài, con rắn độc nầy mệt mỏi và gọi một người đi đường, hãy lấy bình vàng nầy và mang đến cúng dường chư Tăng. Người đi đường mới mang con rắn độc nầy đến Tự viện. Căn cứ theo lời phó chúc của nó, ông bèn thắp một cây hương đi đến chỗ chư Tăng. Chư Tăng bèn thuyết pháp cho rắn độc nghe, sau khi nó nghe xong, sanh lòng vui mừng không còn tham lam nữa, lại hiến sáu bình còn lại cúng dường chư Tăng. Không bao lâu rắn độc chết đi được sanh lên cõi trời Đao Lợi. Do đây mới biết hành hương có hai công năng đó là tiêu trừ nghiệp chướng và được phước báu.
Theo kinh Hiền Ngu chép: “Lúc hành hương, Tăng chúng phải đứng nhận hương”. Khi hành hương người thọ hương phải xướng kệ. Thích Thị Yếu Lãm chép:
Giới định huệ giải tri kiến hương.
Biến thập phương giới thường phân phúc.
Nguyện thử hương yên diệc như thị.
Vô lượng vô biên tác Phật sự.
(Hương giới, hương định, hương huệ, hương giải thoát, hương giải thoát tri kiến. Biến khắp mười phương cõi nước, luôn luôn thơm tho. Nguyện cho khói hương nầy cũng như vậy. Làm được vô lượng vô biên Phật sự).
Hoặc cử bài kệ trong kinh Thắng Man:
“Như Lai diệu sắc thân
Thế gian vô dữ đẳng
Vô tỷ bất tư nghị
Thị cố kim kính lễ
Như Lai sắc vô tận
Trí huệ diệc phục nhiên
Nhất thiết pháp thường trụ
Thị cố ngã quy y”.
(Sắc thân Như lai đẹp Thế gian không gì bằng Không sánh không nghĩ bàn Nên nay con đảnh lễ Như Lai đẹp vô cùng Trí huệ cũng như thế Tất cả pháp thường trụ Nên nay con qui y).
Vào thời Nam Bắc Triều, triều đình nhiều lần cử hành pháp hội hành hương. Việc hành hương vào thời nhà Đường rất là hưng thịnh.
Vào thời vua Đường Văn Tông, việc hành hương trở nên bị gián đoạn vì do sự cấm chế của triều đình, có đại thần tâu rằng: “Thiết trai hành hương là việc quá lãng phí cho nên bài trừ”. Đến khi Đường Tuyên Tông lên ngôi, ông phục hưng lại những văn hóa Phật giáo và khuyên mọi người nên thực hiện nghi thức hành hương.