Chùa Việt

Ghế đá cổ ở chùa Phúc Linh

Thứ sáu, 07/09/2015 09:35

Có ai đó nói rằng: Tìm về chùa là về với thế giới nhà Phật, về với cõi niết bàn nơi trần thế. Điều đó rất đúng! Nhưng về chùa còn là không gian văn hóa, và biết bao điều huyền diệu nếu ta để tâm chiêm nghiệm.

Chùa còn là nơi để chúng ta tìm đến sự hòa quyện giữa quá khứ hiện tại và tương lai. Dòng suy nghĩ miên man đó đã đưa chúng tôi về với chùa Phúc Linh tại thôn Đồng Lại, xã Quyết Thắng, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương vào những ngày đầu thu tháng 9.
 
Đến với chùa Phúc Linh vào đầu mùa thu thật đẹp, các hàng liễu rủ bóng mát xanh mướt đong đưa trước những cơn gió thu dịu nhẹ. Có lẽ chùa Phúc Linh mùa nào cũng đẹp. Còn nhớ cách đây 3 tháng, chúng tôi cũng có dịp ghé thăm khi cả không gian chùa bừng lên mùi thơm ngát tinh khiết của hương sen. Dưới hồ lúc này cũng còn rất nhiều bông hoa sen chưa nở, đang chúm chím như thì con gái e ấp khi đứng trước một chàng trai lạ. Mải ngắm không gian thoáng đáng, dễ chịu của chùa mà vô tình chúng tôi đã ngồi xuống chiếc ghế đá tự bao giờ. Bây giờ chúng tôi mới để ý đến những chiếc ghế đá ở đây! Đúng là có sự khác biệt thật. Hay là nhà chùa mới cho đặt những hàng ghế này? Sao những lần trước chúng tôi ghé thăm lại không thấy nhỉ? Khi những câu hỏi đang xáo trộn trong đầu thì cô Xuân – người trông coi chùa cười nói:

- Có phải chú đang tự hỏi tại sao chùa lại có nhiều ghế đá thế đúng không? Thực ra, do mấy lần trước chú đến, chú không để ý đó thôi. Chùa Phúc Linh có nhiều ghế đá và đồ đá thế này từ mấy năm nay rồi, có từ khi sư Thầy Thích Giới Vân về trụ trì chùa cơ. Có lẽ cảnh đẹp của chùa đã hút hồn chú mất rồi – Vừa nói, cô Vân vừa cười và lại dọn dẹp sân vườn.

- Ồ hoá ra la vậy! 
 
Tôi tự nhủ mình vô tình bỏ qua một điều rất thú vị đã tồn tại ở ngôi tự viện này từ lâu. Đó là ghế đá chùa Phúc Linh. Bây giờ chúng tôi mới có thời gian theo dõi từng chiếc ghế đá trong chùa. Một, hai, ba… và rồi chúng tôi không đếm được. Cứ chỗ nào có cây xanh là chỗ đó có ghế đá. Gọi là ghế đá cho sang trọng, chứ thực ra đó là những tấm đá to nặng được đặt lên các trụ gạch xây sẵn.

Ghế đá tại chùa Phúc Linh không giống như các ghế đá ở các ngôi chùa khác. Vì toàn bộ ghế đá ở đây được làm bằng đá cổ và không mất tiền mua và do các phật tử và nhân dân khắp nơi mang đến công đức. 

Ghế đá chùa Phúc Linh có hình thù khác nhau và không theo một khuôn mẫu nào cả. Có tấm dài, tấm ngắn và có độ dày khác nhau. Tuỳ theo những tấm đá đó mà nhà chùa cho làm các chân cột phù hợp để đặt phiên đá đó lên làm ghế.

Sư thầy Thích Giới Vân – trụ trì chùa cho biết: Khi Thầy về trụ trì chùa, cảnh vật sơ sài và hoang vắng. Sau khi xây dựng xong chùa chính và các công trình phụ trợ, nhận thấy khuôn viên có nhiều khoảng trống. Sư Thầy đã cho trồng nhiều loại cây khác nhau, từ cây ăn quả, cây bóng mát đến cây cảnh. Cùng với thời gian, các loại cây này lớn lên và toả bóng làm đẹp tự viện. Cũng trong quá trình đi làm công tác phật sự, sư Thầy Giới Vân nhận thấy trong nhân dân có nhiều đá phiên, đá tảng người dân không sử dụng, Thầy đã xin về và nhờ người vận chuyển đặt dưới các gốc cây. Đối với các gốc cây có tán to và rộng, Thầy đặt tấm đá dài mặt phẳng, còn những tấm đá ngắn Thầy cho đặt dưới các gốc cây nhỏ để lấy chỗ ngồi cho mọi người, phật tử đến chiêm bái, vãn cảnh chùa và nhân dân đến ngồi hóng mát, nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả nặng nhọc.
 
Có phải chúng tôi dành nhiều tình cảm cho chùa Phúc Linh hay không mà, mỗi lần về với chùa là mỗi lần trong tôi luôn trào dâng những xúc cảm khác nhau. Mỗi mùa, chùa Phúc Linh mang một vẻ đẹp khác nhau và in đậm chùa quê nhưng lại mang hơi thở của hiện đại. Hôm nay chúng tôi đến chùa khi đã thấy mấy bác nông dân đang giúp nhà chùa xây toàn bộ hệ thống tường bao cây xanh. Nhìn các bác hăng say lao động và những giọt mồ hôi ướt đẫm trên áo nhưng luôn nở nụ cười hoan hỉ và an vui khi được mang công sức nhỏ bé của mình làm đẹp cho tự viện. Các tường bao vừa được xây xong vuông vắn đã tạo cho các gốc cây như khoác trên mình bộ áo mới để chuẩn bị đón Tết Trung thu sẽ được tổ chức tại nhà chùa vào tối ngày 14/8/Âm lịch.

Trở lại với nét đẹp ghế đá chùa Phúc Linh, chúng tôi có cảm nhận sự hiện hữu hơi thở của thời đại, những đôi bàn tay khéo léo mang cả khối óc được dồn vào từng phiến đá sần sùi, ghồ ghề và thô kệch. Nhờ những bàn tay khéo léo và khối óc tinh hoa ấy đã biến những phiên đá đó có hồn, trở thành những công dụng hữu ích cho cuộc sống con người và trở thành vật trang trí cho chùa Phúc Linh. Bước ra cổng Tam quan, chúng tôi còn thấy sự có mặt của đá ở khắp xung quanh chùa. Từ góc tường, gốc tre, cầu ao hồ sen đến gốc cây bồ đề. Những phiến đá có mặt phẳng phiu, nhẵn mịn được nhà chùa chọn làm ghế. Còn những phiến to dầy được chọn làm lối đi ra khu vườn cây, vườn hoa của chùa. Đối với những cối đá và trục được nhà chùa làm vật trang trí cho hai bên đường đi. Ghế đá được dùng để ngồi, còn bàn đá dùng để thờ, bàn nước tiếp khách và trang trí những vật dụng trong chùa. 
 
“…Để có được số ghế đá này trong chùa là công sức lớn lắm của Thầy trụ trì Giới Vân đấy cháu ạ! Nhiều hôm chú gặp Thầy và phật tử mượn xe kéo để mang từng phiến đá, trục đá ở khắp mọi nơi về chùa, ai cũng mệt nhọc, mướt mồ hôi. Không kể ngày nắng hay mưa, cứ có người bảo ở đâu có đá là Thầy lại tìm đến. Nhiều thì Thầy gửi tiền, ít thì công đức vào chùa” – một bác đang ngồi hóng mát trong chùa cho biết. 

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh những chiếc ghế đá được làm bằng chất liệu khác nhau, vừa có độ bền và vừa đẹp về thẩm mỹ. Có thể ghế đá đó được đặt ở công viên, khu công cộng, trước cửa nhà và tại khác nơi thờ tự tôn giáo. Tuy nhiên, ghế đá trong chùa Phúc Linh lại khác, ngoài những yếu tố trên, chúng tôi còn nhận thấy hồn cách của cha ông, hình hài của người dân ta thủa xa xưa. Từ những phong tục, tập quán, lối sống đến văn hoá nước Việt đều được thổi hồn trong từng phiến đá, trục đá. Nhìn từng hàng ghế đá thẳng đều được bài trí phù hợp khoa học và những điều mà chúng tôi đã được nghe, được chứng kiến, mới thấy hết công sức, sự nhiệt thành và cái Tâm, cái Đức của người hành Đạo.
 
“Chùa Phúc Linh mùa nào cũng đẹp và thơ mộng. Chùa Phúc Linh luôn mở rộng cửa để đón mọi người. Hãy về với Phúc Linh tự mỗi khi chú thấy ưu phiền để được an vui….”. Đó là câu nói của Thầy Thích Giới Vân – trụ trì chùa khi tiễn chúng tôi ra cổng.

Đức Tuỳ

loading...