Chùa Việt
Ghé thăm ngôi chùa 'thơm' nhất xứ Tịnh Biên với hàng cây đặc biệt sống qua 2 thế kỷ
Thứ bảy, 17/10/2022 07:59
Không ồn ào chuông mõ hàng ngày nhưng ngôi chùa nằm lưng chừng núi Két vẫn giữ nghiêm giới luật, hướng dẫn tăng chúng chuyên tu theo phái Tổ Sư Thiền. Đặc biệt xung quanh ngôi tự viện còn bảo tồn hàng cây cổ thụ che bóng mát, trấn giữ chốn thiêng.
Ngôi chùa trải qua bao thăng trầm lịch sử
Nằm lưng chừng núi Két, Chùa Cây Thị vốn là chốn yên bình gắn liền với đời sống tâm linh người dân và phật tử của vùng núi non Thất Sơn huyền bí.
Trải qua bao cuộc chiến tranh nhiều lần chùa được sửa chữa nhưng vẫn giữ nét hoang sơ, tĩnh mịch. Bao quanh chùa có 9 "lão Thị" sống hơn 1 thế kỷ che bóng mát tạo không gian trầm lắng, tỏa hương thơm thoang thoảng, nồng nàn giữa vùng núi non hùng vĩ.
Thượng tọa Thích Huệ Trí, người kế nhiệm Thượng tọa Thích Thiện Phẩm về làm trụ trì nơi ngôi chùa này kể lại: "Cuối thế kỷ 19, Hòa thượng Thích Giác Tâm ở Cần Thơ lên chốn non cao tìm nơi cất am tu hành. Khi Hòa thượng về đây khai sơn, dựng cốc ẩn tu thì cho trồng một số cây rừng trong đó có cây thị vì quả thị chín có mùi thơm, cũng là vật phẩm tinh khiết dâng cúng Phật nên hiện giờ ngôi chùa mà thầy kế tục luôn ra sức bảo tồn, chăm sóc để loại cây quý hiếm này không để bị mai một bởi những cây thị miền núi dáng vẻ rất đẹp.
Theo nhiều bô lão vùng này truyền miệng kể lại rằng những cây thị nơi này đã có hơn 100 năm tuổi, lúc nào cũng vươn chồi nảy lộc, sức sống bền bỉ mỗi mùa đều đơm hoa cho quả chín màu vàng óng ánh trông rất đẹp, tỏa hương ngào ngạt hòa quyện vào hương rừng gió núi, tán xòe rộng che phủ tạo bóng mát cho du khách bước vào sân chùa vãn cảnh, lễ Phật".
Chùa cây Thị cách thị trấn Nhà Bàn 1km bên trái hướng về núi Cấm, thuộc địa phận ấp Núi Két xã Thới Sơn huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang. Người sáng lập là ông Võ Văn Đính pháp danh Thích Giác Tâm.
Trải qua bao biến cố lịch sử, từ năm 1930 Hòa thượng khai sơn viên tịch và mãi đến năm 1990 chùa vẫn không người Trụ trì mà chỉ có con cháu tộc họ giữ gìn hương khói. Sau đó Thượng tọa Thích Huệ Trí là vị chân tu đời thứ ba về đây tôn tạo, kế thừa truyền thụ những tinh hoa Phật giáo.
Hàng cây trăm tuổi là nhân chứng thời gian
Có thể nói những "lão thị" hơn trăm năm tuổi ở vùng đất này là gốc tích còn sót lại vừa minh chứng giá trị văn hóa lịch sử, vừa tôn thêm vẻ đẹp cảnh quan ngôi chùa. Vào mùa mưa "lão Thị" đơm hoa, tạo quả có hương thơm thanh khiết khiến ai vãng cảnh cũng ngỡ ngàng như lạc vào chốn non tiên.
Tuyên truyền xưa kia vào các thời kỳ chiến tranh, kẻ thù muốn khai hoang, chặt bỏ cây rừng để quân cách mạng không nơi trú ẩn. Nhiều lần cây thị bị đốn bỏ nhưng bất thành, sau đó giặc bỏ chạy không rõ nguyên nhân, rừng núi lại tiếp tục xanh tươi, những cây thị còn sót lại cũng theo đó mà đâm chồi nảy lộc sum suê cho đến bây giờ.
Năm tháng trôi qua, ngôi chùa mà dân gian hay gọi là chùa Cây Thị không chỉ là biểu tượng thiêng liêng với dân cư Bảy Núi mà còn là điểm tựa tinh thần vững chắc, là nơi lý tưởng để Phật tử hay du khách gần xa đến gửi gắm niềm tin, nguyện ước, tịnh tâm trước bao bộn bề cuộc sống, rũ bỏ tham, sân, si, trần tục, hướng về Phật pháp.
Bà Nguyễn Thị Thùy Trang, pháp danh Liên Thủy một Phật tử ở Tp Long Xuyên, tỉnh An Giang thường xuyên về đây tịnh tâm nói: "Đầu tiên khi bước chân đến chùa Long Sơn mà người ta đích danh gọi là chùa Cây Thị thì tôi cảm nhận như lạc vào chốn thanh bình, thân tâm an lạc, chính vì thế quên đi bao bộn bề lo toan cuộc sống".
Một Phật tử khác ở Châu Phú, An Giang khi nghe kể về nơi này cũng phát tâm vãng cảnh lễ Phật bộc bạch:"Đến đây nhìn cảnh chùa yên tịnh, thoáng đãng, không khí trong lành mát mẻ, trong lòng cảm thấy dễ chịu, rất là thích luôn vì nơi đây ngoài việc lễ Phật, cầu an còn có hoa, trái, cây rừng xung quanh khuôn viên chùa cũng tạo không gian lý thú cho những ai muốn hấp thu năng lượng, tăng cường sức khỏe nên từ chỗ đó nơi đây cũng đáng để tu tập, học hiểu thêm Phật pháp".
Ngày nay chùa Cây Thị được trùng tu theo kiến trúc của văn hóa phương Đông, có tên trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam là Long Sơn tự với kết cấu mái ngói cổ kính, hoa văn rồng, mây.
Trên đỉnh nóc chùa là bánh xe chuyển pháp luân kết hợp họa tiết hoa sen, xung quanh có tượng Phật bà Quan Âm hòn non bộ, hậu cảnh sau ngôi chánh điện trang nghiêm là Anh Vũ Sơn hay còn gọi là núi Két huyền thoại.
Vào mùa Vu Lan báo hiếu hàng thị già cỗi chín rộ quả thơm nức nở, trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh đối với khách mọi nơi lên dâng hương, lễ Phật cầu an lành.
Nguồn: Báo Dân Việt