Kiến thức
GHPGVN vững vàng đường hướng Dân tộc – Đạo pháp – Chủ nghĩa xã hội
Thứ hai, 05/11/2020 09:16
Nhìn lại chặng đường 39 năm GHPGVN thực hiện phương châm hành đạo “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, chúng ta có thể tin tưởng rằng GHPGVN sẽ tiếp tục có những bước tiến vượt bậc, xây dựng Giáo hội vững mạnh, xứng đáng là tổ chức đại diện cho Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước,
Phật giáo đồng hành cùng lịch sử dân tộc
Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) được thành lập, thể hiện ý chí và nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử cả nước về một ngôi nhà chung. Trải qua 39 năm hoạt động, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò, vị trí của Phật giáo và dân tộc với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” và thực hiện những việc làm thiết thực ích đạo, lợi đời, khẳng định mối quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa đạo pháp và dân tộc.
Ngay từ khi Phật giáo được truyền bá đến Việt Nam, với tinh thần “Phật pháp tại thế gian bất ly thế gian pháp”, Phật giáo đã không xung đột với văn hóa truyền thống mà cùng phát triển với lịch sử dân tộc. Những ứng xử trong gia đình và xã hội trở nên tương đồng với các quy chuẩn của Phật giáo. Phật giáo nói đến tứ trọng ân gồm: ân Tổ quốc, ân đồng bào, ân cha mẹ, ân thầy cô đều là những yếu tố gần gũi với truyền thống văn hóa của người Việt. Những yếu tố đó cũng thật gần với tam cương, ngũ thường của Nho giáo. Nhiều ngôi chùa có phối thờ các anh hùng dân tộc, những người có công với nước là một mẫu hình văn hóa đặc trưng của Phật giáo nước ta.
Lần giở những trang sử hào hùng của dân tộc, tinh thần nhập thế của đạo Phật đã thúc đẩy các vị cao tăng cùng quan quân và nhân dân đứng lên chống ách ngoại xâm. Thời Đinh Tiên Hoàng có thiền sư Ngô Chân Lưu được phong làm Quốc sư, thời Tiền Lê có thiền sư Đỗ Pháp Thuận và đặc biệt là thiền sư Vạn Hạnh có công tạo dựng nhà Lý, giúp Lý Công Uẩn đăng quang. Khi lên ngôi, vua Lý Thái Tổ đã điều hành đất nước bằng tinh thần từ bi và hướng thiện của Phật giáo, giáo hóa dân chúng bằng những chính sách hết sức nhân văn và bác ái.
Ban Tôn giáo Chính phủ chúc mừng kỷ niệm 39 năm thành lập GHPGVN
Đời Trần có các thiền sư Đa Bảo, Viên Thông, Tuệ Trung Thượng Sĩ và đặc biệt là Phật hoàng Trần Nhân Tông đã làm rạng danh Phật giáo và dân tộc bằng cách hài hòa cả hai vai trò, vị vua đạo và vua đời. Sự dung hòa một cách tài tình giữa Phật giáo và dân tộc trong cuộc dựng nước và giữ nước đã trở thành tư tưởng chủ đạo, góp phần gìn giữ nền tự chủ của đất nước.
Đến thời cận đại, lịch sử dân tộc cũng ghi nhận những đóng góp của Phật giáo vào công cuộc đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc trong những năm tháng chống lại ách đô hộ của thực dân và đế quốc. Phát huy tinh thần nhập thế tích cực của Phật giáo, nhiều nhà sư đã “cởi áo cà sa khoác chiến bào” cùng quân dân cả nước tham gia kháng chiến. Nhiều ngôi chùa đã được ghi nhận là cơ sở cách mạng nuôi giấu cán bộ. Nhiều vị Tăng Ni đã hy sinh vì độc lập dân tộc.
Hình ảnh Hòa thượng Thích Thế Long, chùa Cổ Lễ (Nam Định) gia nhập vào đoàn quân đánh giặc để bảo vệ quê hương trở thành hình tượng không phai trong ký ức của tín đồ Phật giáo Việt Nam. Sau chiến tranh, Hòa thượng lại trở về chùa xưa tiếp tục cuộc đời tu hành của một nhà sư. Hay như Hòa thượng liệt sỹ Hữu Nhem (Cà Mau) trong kháng chiến chống Mỹ giữ chức Phó Chủ tịch Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam. Đặc biệt là hành động “vị pháp thiêu thân” của Hòa thượng Thích Quảng Đức tại Sài Gòn ngày 11/6/1963 để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Ngọn lửa bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức đã làm rạng danh cho những người con Phật ở Việt Nam. Ngoài ra còn biết bao nhà sư thầm lặng góp sức vào thành công của dân tộc làm dày thêm lịch sử hào hùng của dân tộc.
Kiên định đường hướng “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”
Đến khi đất nước được thống nhất, thể hiện ý chí và nguyện vọng của đông đảo Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, ngày 07/11/1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, đánh dấu một trang sử mới trong lịch sử Phật giáo nước nhà. Đường hướng hành đạo mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đưa ra ngay từ những ngày đầu thành lâp là Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội ngày càng thể hiện tính đúng đắn và hiệu quả. Đường hướng hành đạo đó kế thừa mạng mạch Phật pháp nghìn năm trên đất nước ta và tạo nên bản sắc riêng, rất Việt Nam của Phật giáo nước ta.
Phòng An ninh Đối nội Công an TP. Hà Nội chúc mừng GHPGVN
Sự đúng đắn của đường hướng hành đạo “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thể hiện rõ nét trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ I: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào những năm đầu mới thành lập, đi từ tình hình nền Phật giáo vốn bị phân chia tổ chức, hệ phái và ngăn cách cục bộ địa phương, tiến đến thực hiện thống nhất toàn diện, thống nhất cả nước trên nguyên tắc thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, không sao tránh khỏi những nỗi niềm trăn trở, day dứt trong nội bộ hàng giáo phẩm lãnh đạo các tổ chức, hệ phái. Trong tình hình và hoàn cảnh ấy, phương châm hành đạo Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội hiện ra như ngọn đèn soi đường dẫn dắt Giáo hội đi từng bước vững chắc để có sự trưởng thành như ngày nay”.
Thực tế đã chứng minh, đường hướng hành đạo đó không mâu thuẫn với triết lý nhà Phật đề ra. Đạo Phật chủ trương đem lại hòa bình và hạnh phúc cho chúng sinh thì mục đích của chủ nghĩa xã hội cũng là đem lại hòa bình, tự do và hạnh phúc cho toàn thể nhân loại. Bởi vậy, trong bài phát biểu của mình nhân dịp đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến chào thăm xã giao, Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã nói: “Trong quá khứ, Phật giáo Việt Nam đã gắn bó chặt chẽ với dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Lịch sử Việt Nam đã xác nhận Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo từ bản chất, bản sắc, từ trong thực tiễn hoạt động của mình, biểu hiện truyền thống yêu nước, gắn bó chặt chẽ với dân tộc, với Tổ quốc. Trong sự nghiệp Cách mạng cao cả của dân tộc ngày nay, Phật giáo Việt Nam đã góp phần xứng đáng. Đối với Việt Nam, nói đến tôn giáo là người ta nghĩ ngay đến đạo Phật, đến những việc làm quý báu, đẹp đẽ của đông đảo Tăng Ni, Phật tử. Đạo Phật ở Việt Nam đã mang màu sắc của dân tộc Việt Nam rõ nét. Có thể nói rằng, Phật giáo Việt Nam đã góp phần làm sáng ngời lý tưởng của dân tộc và trưởng thành cùng dân tộc”.
Cố Hòa thượng Thích Nguyên Sinh, đại diện Hội Phật giáo Việt Nam thống nhất khẳng định: “Kinh nghiệm thực tế cho thấy rằng đạo Phật không xa lạ với chủ nghĩa xã hội như một số người lầm tưởng và mặc cảm lúc ban đầu. Đạo Phật là đạo của giác ngộ và lý trí, phản đối mọi hình thức cuồng tín và mê tín, đề cao chính tín thì không có gì đối lập với chủ nghĩa xã hội. Đạo Phật chủ trương mọi người phải chịu trách nhiệm về mọi hành động của bản thân mình, đề cao nếp sống hoạt động, lành mạnh, tích cực, làm mọi điều thiện, tránh mọi điều ác, phản đối lý luận suông. Điều đó phù hợp với chủ nghĩa xã hội”.
Từ khi thành lập đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực sự khiến Phật giáo nước nhà chuyển mình tích cực. Năng lực điều hành và dẫn dắt tín đồ của Tăng Ni được minh chứng bằng những con số ấn tượng cả về chất và lượng, cơ sở thờ tự được trùng tu, tôn tạo, bộ máy tổ chức có nhiều thay đổi và hoạt động ngày càng hiệu quả. Phật giáo còn là lực lượng tiên phong trong nhiều hoạt động xã hội như y tế, giáo dục, từ thiện, từ đô thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến vùng sâu vùng xa, kể cả hải đảo, mang lại lợi ích cho đạo, cho đời.
Những thành tựu rực rỡ
Trước những yêu cầu mới của thời đại, Giáo hội từng bước có những đổi mới phù hợp.
Giáo hội tạo điều kiện để Tăng Ni được tu học nâng cao trình độ học vấn bằng việc mở rộng các loại hình đào tạo Phật học. Hiện nay, trên toàn quốc có 4 Học viện Phật giáo ở Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Ngoài ra còn có 36 trường Trung cao Phật học. Đó là chưa kể các lớp sơ cấp Phật học mở tại chùa. Chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ Phật học cũng được triển khai. Giáo hội còn gửi Tăng Ni đào tạo nâng cao ở các quốc gia có trường Phật học quốc tế . Đây sẽ là nguồn nhân lực kế thừa có trình độ Phật học và thế học tốt, đáp ứng yêu cầu hoạt động của Giáo hội trong thời gian tới.
Khẳng định Phật giáo luôn song hành cùng sự trường tồn của dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những bước đi mở rộng mặt trận đoàn kết, chống lại những âm mưu, thủ đoạn phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo của các thế lực thù địch. Trong những năm gần đây, trước xu thế hội nhập và toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh chóng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công nhiều sự kiện Phật giáo quốc tế quan trọng như Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc vào các năm 2008, 2014 và 2019; Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới năm 2009, đồng thời cử nhiều đoàn đại diện Phật giáo tham dự các diễn đàn Phật giáo quốc tế, tổ chức các đoàn Phật giáo đến với người Việt ở nước ngoài… để tranh thủ sự ủng hộ của giới Phật giáo chân chính trên toàn thế giới, góp phần tuyên truyền về đất nước, con người và Phật giáo Việt Nam yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới, đập tan những âm mưu lợi dụng Phật giáo để gây chia rẽ, mất đoàn kết, phá hoại sự nghiệp xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa và thành quả cách mạng của nhân dân ta.
Đáp lại những nỗ lực đó, Hòa thượng, Giáo sư Tiến sĩ Brahmapundit – Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc khẳng định tại Lễ Bế mạc Đại lễ Vesak 2019 “Vesak lần này đã thật sự thành công lớn, chúng tôi đã có một khoảng thời gian rất tuyệt vời bên nhau nhờ vào lòng mến khách và sự rộng lượng của Chính phủ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhân dân Việt Nam. Chúng tôi sẽ trở về nhà nhưng chúng tôi không trở về tay không mà chúng tôi mang theo rất nhiều những giá trị mà chúng tôi đã học hỏi được từ nhau, mang theo những tình bạn mới, những cam kết mới để xây dựng xã hội bền vững cùng nhau… góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc”.
Nhìn lại chặng đường 39 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện phương châm hành đạo “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, chúng ta có thể tin tưởng rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước tiến vượt bậc, xây dựng Giáo hội vững mạnh, xứng đáng là tổ chức đại diện cho Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước, tiếp tục có những việc làm ích đạo, lợi đời, thể hiện truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc suốt hàng nghìn năm qua của Phật giáo Việt Nam.
Chú thích:
1. Kỷ yếu Đại hội kỳ II, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trang 20.
2. Kỷ yếu Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam, trang 4.
3. Kỷ yếu Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam, trang 18.
4. Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến năm 2019, GHPGVN có trên 53.000 Tăng Ni, hơn 18.000 cơ sở thờ tự và 14 triệu tín đồ. GHPGVN cấp tỉnh có 63 tổ chức và GHPGVN cấp huyện có trên 400 tổ chức.
5. Theo thống kê, hiện nay có khoảng 1000 Tăng Ni sinh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang theo học tại các quốc gia có trường đào tạo Phật học.
Nguyễn Phúc Nguyên
Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ