Kiến thức

Giá trị của việc niệm Phật

Thứ bảy, 25/03/2023 10:52

Niệm Phật giúp con người duy trì được chiều sâu của đời sống tâm linh thông qua việc gắn liền với các hạnh lành mà Thế Tôn đã sống và truyền bá mang lợi lạc đến chúng sinh.

Audio

Tại chùa Long Thành tỉnh Vĩnh Long có hai câu đối sâu sắc và được xem là tông chỉ của pháp môn Tịnh độ:

“Vô não, vô ưu chơn Cực Lạc.

Bất cấu, bất nhiễm thị Tây phương.”

Bản chất cực lạc là trạng thái an vui về phương diện cảm xúc, nhận thức và hành trì. Trong trạng thái đó, tất cả dòng chảy cảm xúc của buồn, vui, thương, ghét, giận… nói chung là những cảm xúc âm tính đều vắng lặng. Nhờ trạng thái vắng lặng các phiền não mà con người thiết lập được cực lạc ngay trong cuộc đời này.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Tây phương Cực Lạc là cảnh giới an lành của đức Phật A-di- đà và là nơi mà các vị liên hữu mong mỏi phát nguyện vãng sinh về. Mục đích của bản kinh là giúp hành giả có mặt ở Tây phương, không còn bị nhiễm cấu trần lao, thái độ chấp trước và nhiễm đắm không còn. Bản chất của pháp môn Tịnh độ bao gồm ba yếu tố là niệm Phật, thiền quán và chánh định. Tuy là pháp môn đơn giản nhưng lại dung thông các pháp môn khác. Niệm Phật là yếu tố trọng tâm nhất của pháp môn Tịnh độ.

Có một gia đình tu theo pháp môn Tịnh độ, họ có hai người con, đứa út mười tám tuổi và đứa lớn hai mươi bốn tuổi. Hai người con học rất giỏi, có năng khiếu thể thao nên được tuyển dự thi giải thể dục thể thao cấp tỉnh. Trước và trong lúc thi đấu, cả hai người đều niệm Phật. Kết quả thi đấu, người anh đoạt giải quán quân, còn cậu em út đoạt giải nhì.

Lúc trở về nhà, cha mẹ chúng đã hỏi các con có niệm Phật khi thi đấu hay không, cả hai đều trả lời là “có”. Người cha vui mừng lắm và nghĩ rằng đó là lý do mà hai người con ông đã thi đấu thành công. Ông quay sang đứa con út hỏi: “Con niệm như thế nào?”, nó trả lời: “Thưa cha, con không niệm Phật A-di-đà mà con niệm danh hiệu đức Bồ-tát Quán Thế Âm.” Nghe xong, ông suy tư về sự khác nhau giữa thần lực của Phật và Bồ tát. Kế tiếp, ông quay sang hỏi đứa con lớn: “Thế con niệm Phật nào?”. Nó vội trả lời: “Thưa cha, con niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà”. Từ kết quả đó, ông suy luận rằng niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà có công đức lớn hơn niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm.

Thực ra, giá trị của niệm Phật không nằm ở kết quả thông thường như gia đình này vừa nêu. Giá trị của nó vượt lên trên sự thắng thua hay những ứng dụng về phước báu mà con người có thể có trong cuộc đời. Trong tinh thần kinh A-di-đà, trì danh hiệu của đức Phật A-di-đà là để nắm lấy các giá trị tâm linh mà tất cả chúng ta cần phát huy trong đời này.

Bản chất của giá trị tâm linh nằm ở chỗ con người dụng tâm và hành trì như thế nào. Khi ta khởi lên ý niệm hồi hướng công đức cho kết quả học tập hay công ăn việc làm,  thông thường ta vẫn đạt được kết quả. Bởi sự hồi hướng công đức là cách tạo ra năng lượng, làm cho kết quả diễn ra trong thời điểm ta đang mong đợi. Thay vì để cho tiến trình thời gian tự diễn ra trong tương lai mười năm hay hai mươi năm, nhờ sự chuyển tâm, các hạt giống tích tụ trong quá khứ trổ quả sớm hơn thời gian dự định. Việc hồi hướng công đức có thể sánh ví như tình trạng hỗ trợ cho trái cây chín sớm hơn thời gian dự kiến hoặc như chất xúc tác giúp cho hoa mai có thể nở đúng vào ngày xuân. Đừng nên nghĩ rằng niệm Phật để đạt các giá trị quá quyền thừa hưởng từ nỗ lực chân chính của chúng ta.

loading...