Kinh Phật

Giá trị và sức hút thiêng liêng của bộ kinh Pháp Hoa

Thứ sáu, 29/03/2022 08:41

Đọc “Kinh Pháp Hoa, tiểu sử” (một trong những loạt sách “tiểu sử” có tiêu đề “Đời sống của các giáo điển vĩ đại”) của học giả Donald S.Lopez do Trần Văn Duy dịch và chú thích, chắc chắn với những người sùng kính nhất cũng phải đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác.

nguoiphattu_com_gia_tri_va_suc_hut_thieng_lieng_cua_bo_kinh_phap_hoa0

Theo dòng “tiểu sử” kinh Pháp Hoa của Lopez chúng ta được “du hành” cùng kinh Pháp Hoa trên mảnh đất Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, và khi vượt Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, ở đâu nó cũng thể hiện một sức sống mang màu sắc hư thực của riêng nó.

Tuy nhiên, đằng sau những cứ liệu, những phân tích dẫn giải mang tính học thuật uyên bác của tác giả, người ta vẫn cảm nhận một sức cuốn hút kỳ lạ của bộ kinh cổ xưa từng được đẩy lên tới mức tối thượng thừa cho tới tận hôm nay này.

Pháp Hoa vẫn được những Phật tử Đại thừa xem là vua của các bộ kinh, là cao tột không gì sánh bằng. Nhưng ở một khía cạnh khác, với những người theo trường phái tiểu thừa, thì ngay từ khi ra đời tại quê hương Ấn Độ, Pháp Hoa vẫn không được xem là “lời Phật thuyết”.

Và cho dù hôm nay, người ta cố gắng tránh dùng từ “Tiểu thừa” hay “Đại thừa” để bớt đi sự phân biệt, thì bản thân nó, ngay nơi kinh Pháp Hoa, chỉ có ngôn từ cụ thể ấy mới nhìn rõ thêm sức sống và sự thách thức kỳ lạ của bộ kinh này ngay trên đất Ấn và đặc biệt tại Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Tây Tạng và Việt Nam.

Lopez đã cung cấp cho chúng ta nhiều góc nhìn mang tính gợi mở, đặc biệt khi làm sáng tỏ những giá trị và đời sống riêng của bộ kinh này, đi tận cùng vào ngóc ngách nguồn gốc của những tàng bản, thủ bản, ở bất kỳ khía cạnh nào, dù với danh nghĩa “kết tập” hay “biên soạn”, dù còn những nghi vấn không dứt của phái Tiểu thừa, thì Pháp Hoa vẫn chưa từng bị coi là nguỵ kinh như một số người luôn phát biểu ẩu thả, thiếu cân nhắc về các kinh Đại thừa.

Rất rõ ràng, trước tiên, dù đứng trên quan điểm nào, cần phải thống nhất rằng nguỵ kinh phải là các bộ kinh được biên soạn ngoài Ấn Độ nhưng mang danh Ấn Độ, khoan bàn đến những lần “kết tập”, “biên soạn” ấy có đến từ kim khẩu của Đức Phật hay không, bởi thực tế kinh điển đã phải trải qua 5 thời kỳ kiết tập, trải dài nhiều thế kỷ.

Theo Lopez, các học giả Phạn ngữ nhất trí với nhau rằng kinh Pháp Hoa được hình thành trong 4 giai đoạn. Giai đoạn đầu bao gồm các thi kệ từ phẩm Hai đến hết phẩm Chín, cũng là phiên bản sớm nhất của kinh Pháp Hoa. Giai đoạn hai, những phần văn xuôi được thêm vào trong chính các phẩm này. Giai đoạn ba có thêm phẩm Một, phẩm Mười cho tới phẩm Hai Mươi Hai, trừ phẩm Mười Hai (phẩm Đề Bà Đạt Đa). Giai đoạn thứ tư những phẩm Hai Mươi Ba tới phẩm Hai Mươi Bảy, phẩm Mười Hai, cùng với phẩm Hai Mươi Tám được thêm vào về sau.Kinh Pháp Hoa được hình thành và phát triển trong suốt 3 thế kỷ, với các phẩm giai đoạn đầu xuất hiện từ khoảng giữa những năm 100 và 50 trước dương lịch và văn bản hiện có ngày nay được hoàn thành vào năm 220 dương lịch.

Nhiều thủ bản, phiến bản kinh Pháp Hoa được tìm thấy ở Pakistan, Trung Á, Nepal.., không chỉ cho thấy sức ảnh hưởng rộng lớn của bộ kinh này bên ngoài biên giới Ấn Độ mà còn trực tiếp khẳng định Pháp Hoa không phải một bản kinh vô danh tại Ấn Độ.Trường phái Đại thừa cho rằng kinh Pháp Hoa chính là lời Phật thuyết. Trường phái Tiểu thừa thì cho rằng không phải do Phật thuyết. Rõ ràng có một sự mâu thuẫn không nhỏ trong việc xác định quả vị tu chứng và kinh điển được xem như căn cứ để lập thuyết và dẫn giải cho điều này.

Muốn hiểu điều này cần phải trở lại với 2 điều tiết lộ lớn lao của Phật, điều đầu tiên Phật khẳng định “Ta chỉ nói một Phật thừa không nói thừa nào khác”. Điều thứ hai Ngài đã thành Phật từ vô lượng kiếp, ngài thị hiện ở cõi Sa Bà dùng phương tiện thiện xảo để khích lệ thế gian tu tập chứ tuổi thọ của Phật là vô lượng “Ta thường trụ mà không nhập Niết bàn”.Từ những tiết lộ này mà hình thành quan điểm “nhất niệm tam thiên” (ba ngàn thế giới chỉ trong một niệm) hay các quan điểm Tam thân Phật, thân vô lượng thọ về sau.

Thực tế, với việc xem nhẹ quả vị Tam thừa, bộ kinh này ngay khi ra đời đã không thể nhanh chóng thuyết phục người ta tin vào Nhất thừa và vấp phải những phản ứng quyết liệt. Nên trong kinh buộc phải dẫn giải đây là pháp khó tin, khó hiểu, khó thấu suốt...

Và như đã biết, liền xuất hiện các phản ứng, nếu là giáo lý tối thượng thừa, tại sao không được minh bạch sớm hơn để hành giả tu tập. Nhưng cũng vì điểm này mà một số hành giả cho rằng Pháp Hoa và Niết Bàn thích hợp với thời giáo sau cùng.Từ đây xuất hiện quan điểm “Hai địa điểm và ba hội chúng”, xét trên phương diện căn cơ trình độ. Vì thế ngay khi Phật tiết lộ Nhất thừa có đến 5 ngàn người rời khỏi hội chúng mà không nghe nổi. Trong thực tế, cũng từng có giai đoạn hội chúng bỏ Phật mà theo ngài Đề Bà Đạt Đa vì một số quan điểm tu tập khác biệt.

Kinh Pháp Hoa đã tiên đoán chính xác rằng nó sẽ gặp phải chống đối, thậm chí nói như phẩm Mười Ba, người giữ gìn, ủng hộ, thọ trì, giảng giải kinh này có thể bị lăng mạ, chửi rủa, đánh đập bằng dao gậy... Như thường thấy, sự rẽ nhánh nào không sớm thì muộn cũng mang danh “lạc thuyết”. Ngay cả những người theo tư tưởng Đại thừa cũng không dễ dàng tín hành theo kinh Pháp Hoa.

Lời giới thiệu về tác giả của cuốn sách

Lời giới thiệu về tác giả của cuốn sách

Và Lopez đã cho chúng ta biết, không phải khi trường phái Đại thừa thắng thế và ảnh hưởng khắp vùng Đông Á rộng lớn thì Tiểu thừa suy tàn. Bởi nếu kinh Pháp Hoa dễ dàng được chấp nhận ngay từ đầu, hẳn nhiên trong đó sẽ không liên tiếp xuất hiện các dạng khuyến cáo nếu khinh cười pháp sư, người trì kinh Pháp Hoa thì sẽ gặp các quả báo giống như phạm vào ngũ nghịch trọng tội. Song song với đó là ca ngợi công đức lớn lao của những người gìn giữ, đọc, tụng, giảng giải, biên chép kinh này. Thậm chí với những người có niềm tin chỉ cần lấy móng tay vẽ hình tượng Phật, hoặc chỉ hơi cúi đầu trước Phật, hoặc chỉ niệm thầm danh hiệu Phật cũng sẽ được thọ ký cho thành Phật.

Một số kinh Đại thừa khác cũng đặt ra các khuyến cáo như vậy. Nên cũng không khó hiểu khi các tông phái vẫn luôn bài xích nhau, tạo ra các xung đột gay gắt: một là họ có xu hướng bảo vệ những quan điểm trong tông phái của mình, công kích các tông phái khác; hai là họ chịu đựng sự công kích một cách khắc kỷ xem những lời tiên đoán trong kinh đang ứng với trường hợp của mình.

Đây cũng là quan niệm cho rằng hành trì kinh Pháp Hoa sẽ nhanh chóng “đổ nghiệp” (những nghiệp xấu ác tai ương sẽ dồn dập đến với mình, nếu kiên nhẫn trải qua thì sẽ gặt hái những thành tựu về sau) mà Phật tử Việt Nam hay truyền tai nhau.

Dù sự phân chia kinh Pháp Hoa theo các phẩm bằng hình ảnh nhân dụ, pháp dụ, liễu nghĩa, bất liễu nghĩa, tích môn hay bổn môn, thì bàng bạc trong đó vẫn là nỗi lo âu của Phật về căn tính chúng sinh cang cường khó độ. Nào là những ẩn dụ về người có viên minh châu trong túi áo mà không chịu dùng phải sống trong đói khổ; rồi kẻ cùng tử với tâm trí hạ liệt không chịu thừa hưởng tài sản giàu có từ người cha làm trưởng giả; rồi những người con mê loạn đến sắp chết ỷ lại vào việc cha còn sống mà không chịu uống thuốc giải độc vẫn cứ rong chơi nhảy múa trong nhà lửa ba cõi; rồi thì kẻ mù loà không biết đến mặt trăng mặt trời cho đến khi được chữa lành (dụ ngôn về kẻ mù loà không xuất hiện trong kinh Pháp Hoa bản do Cưu Ma La Thập dịch)...Chính những ẩn dụ này được diễn đạt như một minh chứng cho lời Phật nói là không hư dối.

Tuy nhiên sự cao tột của Nhất thừa, tối thượng thừa này lại mang màu sắc nhân sinh gần gũi, điều này được lột tả trong câu nói của Bồ tát Thường Bất Khinh “Tôi không dám khinh qúy ngài đâu vì qúy ngài đều sẽ thành Phật”, hay trong ẩn dụ Long Nữ trong nháy mắt chuyển tướng trượng phu và thành Phật. Thậm chí hàng nhất xiển đề như Đề Bà Đạt Đa cũng được thọ ký thành Phật...

Đây là những điều không thể tin nổi đối với những người theo trường phái Tiểu thừa, những cũng chính ở những điểm này mà kinh Pháp Hoa tại Nhật Bản có sức sống kỳ lạ trong tâm lý những người phụ nữ hèn kém và các tội nhân. Và trong đời sống tín ngưỡng riêng tại Nhật, kinh Pháp Hoa trở thành bộ kinh tiêu trừ nghiệp chướng, kết hợp với các bài thần chú bí mật, nó hoà nhập dễ dàng với Mật giáo để trở thành một siêu kinh uyên áo, huyền nhiệm.

Nhưng bên cạnh đó cũng chính cách tôn xưng khiến Pháp Hoa là nguồn cơn của không ít cuộc xung đột tín ngưỡng tôn giáo, chính trị tư tưởng tại Nhật Bản trong những giai đoạn lịch sử nhất định.

Như vậy, có thể thấy quả vị Phật trong kinh Pháp Hoa vừa rất khác với A la hán (Trường phái Tiểu thừa vẫn xem Phật là một vị A la hán cao thượng), nhưng lại vừa có trong tất cả chúng sinh (nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính). Tư tưởng Nhất thừa trong kinh Pháp Hoa vì thế mà vừa cao tột vừa thấp cùng, đến ngay cả chúng sinh trong địa ngục cũng có Phật tính, đáng được cứu độ, đừng nên bằng lòng với quả vị của riêng mình.

Mâu thuẫn và đối kháng sinh ra lập thuyết, và ở các trường phái hay ngay trong một trường phái cũng xuất hiện các vị luận sư uyên bác. Sự lập thuyết mang tâm Phật tương ưng này, vẫn thống nhất toàn bộ giáo điển trên phương diện thực nghiệm hành trì và khả năng thích nghi trong các điều kiện hoàn cảnh khác nhau, nó khác biệt hoàn toàn với tư biện. Còn mâu thuẫn chỉ là những cái thấy hẹp hòi trên bề mặt ngôn từ.

Kinh Pháp Hoa “phủ định” Tam thừa (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát) và chỉ tuyên bày duy nhất Nhất thừa (Phật thừa), xem ba thừa kia chỉ là cỗ xe nhỏ và vừa, chỉ có Phật thừa mới là cỗ xe lớn chuyên chở được nhiều người và đi đến đích một cách viên mãn.

Đây là một điểm rất chạm tự ái đối với các vị đã chứng thánh quả A la hán, thậm chí gây không ít hoang mang trong đường lối tu hành trước đó của họ. Luận điểm này xem niết bàn Thanh Văn và quả vị A la hán chỉ là giới hạn của ảo tưởng, mà trong kinh Pháp Hoa ẩn dụ niết bàn của hàng tiểu quả kia bằng hình ảnh của một hoá thành, cho rằng đó chỉ là nơi tạm nghỉ khi đói khát mệt mỏi thôi, hành giả nghỉ ngơi rồi vẫn phải đi tiếp...

Tuy nhiên, ngay trong trường phái Đại thừa, nếu phái Trung Quán chỉ tuyên xưng Nhất thừa, thì phái Du già Hành tông lại chấp nhận cả 3 thừa. Phái Du già xem kinh có 2 dạng nghĩa, một là xác định (liễu nghĩa), hai là ước định (bất liễu nghĩa), nên kinh cũng có những nghĩa ước định thông qua các ẩn dụ, phóng dụ.

nguoiphattu_com_gia_tri_va_suc_hut_thieng_lieng_cua_bo_kinh_phap_hoa1

Ngoài ra, con người luôn có chủng tính Đại thừa hay Tiểu thừa. “Chủng tính xác định” thì đi theo một trong hai thừa, không thay đổi từ thừa này sang thừa khác. Nhưng nếu mang “chủng tính bất định” thì có thể đi từ thừa này sang thừa khác tuỳ năng lực, hoàn cảnh. Vì thế bộ Đại thừa Trang nghiêm kinh luận nói rõ: “Để dìu dắt một số người, tiếp độ tha nhân, chư Phật toàn giác đã dạy nhất thừa cho người bất định”. Ẩn dụ kẻ mù loà được chữa cho sáng mắt, nhận được chân lý thuộc người có chủng tính bất định.

Thực tế, trong kinh Pháp Hoa miêu tả và xem những người rời bỏ pháp hội Linh Sơn là hạt giống lép, thì những hạt giống chắc còn lại rất ít, đều là các bậc thượng thủ bồ tát, mới nghe được những pháp mà chỉ có Phật với chư Phật mười phương mới hiểu nổi.Phải chăng những đứt đoạn, những chắp nối và sự thăng trầm của bộ kinh này cho tới hôm nay vẫn như lời tiên tri của chính nó về một giáo pháp khó tin, khó hiểu và khó hành trong lịch sử truyền bá và tiếp nhận của Phật giáo đại thừa?

Câu hỏi, sự đối đáp, những kiến giải chắc chắn sẽ còn tiếp nối sau khi chúng ta đọc Lopez, nhưng cho dù với những người chỉ chuyên về học thuật hay với những ai luôn tín mộ sâu xa trong pháp hành bộ kinh này thì cuốn sách trên của Lopez vẫn rất đáng có mặt trên kệ sách.

loading...