Sách Phật giáo
Giá trị và xuất xứ của những câu chuyện
Chủ nhật, 02/06/2013 10:56
Đức Phật vẫn thường nhắc các đệ tử và những người theo học Phật là cần phải biết văn, tư, tu. Vậy văn, tư, tu là gì?. Văn, tư, tu là phương cách tu tập, khai mở trí tuệ, giúp cho người phật tử học và hành theo lời Phật dạy
Phần thứ Ba
NHỮNG CHUYỆN VỀ
THIỆN ÁC NGHIỆP BÁO
Chương 1
GIÁ TRỊ VÀ XUẤT XỨ CỦA NHỮNG CÂU CHUYỆN
* Đức Phật là một bậc Thầy vĩ đại. Trong suốt cuộc đời 49 năm thuyết pháp của Người, đức Phật đã đi giáo hóa chúng sinh bằng những giáo lý vô cùng thâm diệu và bất kỳ trong một thời nói pháp nào, Người cũng đưa vào bài pháp những câu chuyện kể nhằm thuyết phục người nghe. Vì thế ngày nay trong các bộ kinh, ngoài những phần nói pháp, nói kệ, ta thấy bản kinh nào cũng đều có những câu chuyện kể sen kẽ. Những câu chuyện đó có giá trị minh họa, làm sáng lên ý nghĩa nội dung của bài pháp, có tác dụng làm cho người nghe hiểu hết ý nghĩa giáo lý xâu sa vi diệu của bài pháp để từ đó suy tư thấu đáo, đi đến hành động một cách thực tế nhằm thực hiện một cách tốt đẹp những lời răn dạy của Người trong những lời kinh.
Đức Phật vẫn thường nhắc các đệ tử và những người theo học Phật là cần phải biết văn, tư, tu. Vậy văn, tư, tu là gì?. Văn, tư, tu là phương cách tu tập, khai mở trí tuệ, giúp cho người phật tử học và hành theo lời Phật dạy. Văn tức là phải biết nghe (tìm hiểu và đọc) một cách chính pháp, nghe theo những lời chính ngữ, dựa trên y nghĩa bất y ngữ để thu nhận được những nội dung chính đạo. Văn là phải biết nhận thức được những gì nghe, thấy, trình bày, ghi nhận, trong kinh điển và các luật, luận từ các thầy tổ ghi chép, nói ra và để lại cho đến ngày nay. Tư là suy tư, nghiền ngẫm những điều đã tiếp thu được, đưa ra những nhận định chính yếu cùng những suy luận phù hợp chính pháp. Còn Tu là sau khi đã nghe, đã thấy, đã suy nghĩ thì phải áp dụng, phải quán xét, phải thực hiện giới định tuệ để thi hành những điều đã học.
Vậy giá trị của những câu chuyện kể ghi trong các bản kinh và trong các bộ luận mà các vị Tổ để lại cũng như trong các sách vở, trong các bài thuyết pháp, giảng giải của các Thầy đều là những bài học thực tế và sắc sảo giúp cho người học Phật hiểu thêm, giác ngộ thêm và thêm quyết tâm thực hành theo chính đạo.
* Những câu chuyện kể Phật giáo có từ nhiều xuất xứ khác nhau, nhưng chung quy có thể chỉ từ hai phía:
1. Những câu chuyện kể đó là do cuộc sống thực để lại. Đó là những mẩu chuyện có thật trong đời sống con người. Có thể là những mẩu chuyện về một con người đã có những hành động tạo nên nghiệp ác và bị trả quả ngay trong đời sống của họ mà bà con xóm giềng chứng kiến kể lại. Có thể là những mẩu chuyện cảm động về một hành xử thiện tâm, một nhân cách cao đẹp, một đạo đức thâm sâu đã để lại do thực hành những lời răn dạy theo giáo lý Phật đà đã làm cho chúng sinh thức tỉnh ghi sâu và kể lại. Tóm lại là những câu chuyện có từ trong cuộc sống thực tế của con người trong thế giới Ta Bà này.
2. Những câu chuyện kể đó có thể là có từ xưa, đã được ghi lại trong các bộ kinh và luận mà các vị Tổ để lại, trong đó có những chuyện mà người trần mắt thịt không thể thấy biết được, mà chỉ có những vị Phật, Thánh có chứng đắc mới nhìn thấy được và nói lại. Đó là những chuyện liên quan đến vận mệnh, số kiếp của chúng sinh trong nhiều đời nhiều kiếp mà những vị tu luyện có được các phép thần thông mới nhìn thấy được. Ta biết rằng theo quan niệm của đạo Phật; thế giới là vô thủy vô chung, thời gian là vô thủy vô chung, cuộc đời của chúng sinh thay đổi từ kiếp này sang kiếp khác từ vô lượng kiếp về trước và đến vô lượng kiếp sau này. Cuộc đời thay đổi theo lẽ vô thường. Các vị tu hành, từ các hành giả có chứng đắc đến các vị thánh Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật ở mỗi địa vị khác nhau đều có những khả năng thần thông khác nhau. Những khả năng ấy cho phép có thể thấy rõ được muôn vật, trong muôn đời muôn kiếp trước và sau của muôn loại chúng sinh.
Ngày xưa, Đức Phật tọa thiền 49 ngày đêm dưới gốc cây Bồ Đề, đến khi sao mai mọc thì Ngài chứng được Lục thần thông, đắc Tam minh trở thành bậc Vô thượng Bồ Đề cho nên Lục thần thông là sáu khả năng vi diệu vô ngại tự tại của Phật. Những khả năng thần thông ấy thường được thể hiện theo 6 phép sau đây:
1. Thần túc thông: Khả năng biến hiện tuỳ theo ý muốn, thân có thể bay lên trời, đi trên biển, chui vào trong núi...tất cả mọi động tác đều tuỳ theo như ý muốn, không hề chướng ngại. Theo Luận Đại Trí Độ của Ngài Long Thọ thì Thần túc thông thể hiện dưới ba thứ Như ý (theo như ý muốn):
- Năng đáo: Thân bay đi được, giống như chim bay. Dời xa lại gần, không đi mà đến. Biến mất nơi đây, xuất hiện nơi khác. Trong một niệm là đến nơi cần đến.
- Chuyển biến: Lớn biến thành nhỏ, nhỏ biến thành lớn. Một biến thành nhiều, nhiều biến thành một cho nên mọi vật đều có thể chuyển biến.
- Thánh như ý: Tức khả năng quán vật bất tịnh không đáng ưa thích của sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) là tịnh, quán vật thanh tịnh đáng ưa là bất tịnh. Pháp thánh như ý này chỉ Phật mới có.
2. Thiên nhãn thông hay còn gọi là Thiên nhãn minh là khả năng nhìn thấy tất cả mọi hình sắc ở gần hay ở xa trong cả thế gian, nhìn thấy mọi hình tướng khổ vui của mọi chúng sinh trong các kiếp, trong sáu nẻo luân hồi.
3. Thiên nhĩ thông là khả năng nghe và hiểu hết mọi âm thanh trong thế gian, nghe và hiểu hết mọi ngôn ngữ của mọi chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi.
4. Tha tâm thông là khả năng biết hết tất cả mọi ý nghĩ trong tâm của mọi chúng sinh trong lục đạo.
5. Túc mạng thông còn gọi là Túc mạng minh là khả năng biết được kiếp trước của chính bản thân mình và của mọi chúng sinh trong lục đạo, từ một đời, hai đời cho đến trăm ngàn vạn đời trước đều biết rõ, nhớ rõ sinh ra ở đâu, cha mẹ là ai, tên gì, làm gì...
6. Lậu tận thông hay còn gọi là Lậu tận minh là khả năng dứt trừ toàn bộ kiến hoặc và tư hoặc trong ba cõi, không còn sinh tử luân hồi trong ba cõi, được giải thoát hoàn toàn.
Trong Lục thông thì ba pháp Thiên nhãn thông, Túc mạng thông và Lậu tận thông còn được gọi là Tam Minh. Theo Luận Câu xá [1], trong 6 phép thần thông trên, 5 phép thần thông đầu thì mọi người (tà thần, tiên, phàm phu, phật tử, hành giả) đều có thể đạt được thông qua luyện tập tu hành, duy nhất phép thần thông thứ 6 thì chỉ có những bậc Thánh mới có thể đạt được.
Do các vị có các phép thần thông mới thấy hết được các kiếp trước của mình và của chúng sinh mà nói ra cuộc đời luân hồi của họ và những chuyện đã sảy ra trong các kiếp khác trong lục đạo luân hồi. Đó là xuất xứ của những câu chuyện trong các bản kinh và luận đã để lại cho đến ngày nay.
Vì vậy tất cả các câu chuyện kể sau đây đều lấy từ các bản kinh, luận hoặc những bài pháp của các vị Tổ. Những chuyện kể Phật giáo sau đây, tất cả đều là có căn cứ xác thực để chúng sinh hữu tình tin theo mà tu tập.
Trích cuốn "Hành Thập thiện và con đường giải trừ khẩu nghiệp"
[1] Luận Câu xá của Thế Thân Bồ tát. Bản dịch A tỳ đạt ma câu xá luận của Huyền Trang. Bản dịch Việt của Đạo Sinh