Sách Phật giáo
Giải mã Hệ thống Pháp nhân duyên Thánh lý Cứu khổ (P1)
Thứ hai, 10/05/2016 05:49
Từ ngàn xưa cho đến nay, ở bất kỳ nơi nào trên trái đất này và trong bất kỳ thời đại nào cũng vậy, không có một gia đình nào lại không có sự khổ đau của già và chết (tức cũng phải sầu, bi, khổ, ưu, não). Có sinh y là có già - chết, đây là một chân lý hiển nhiên không thể phủ nhận. Vì thế nên nói Sinh y duyên Già, Chết, sầu, bi, khổ, ưu, não hay toàn bộ khối khổ uẩn sinh khởi cũng vì thế.
Lời Tựa
"Ai thấy được lý Duyên Khởi, người ấy thấy được Pháp; ai thấy được Pháp, người ấy thấy được lý Duyên Khởi” (Đại Kinh Dấu Chân Voi, số 28, Trung Bộ 1)
Từ hơn hai ngàn năm qua đã có rất nhiều các luận thuyết đưa ra nhằm giải thích hệ thống Nhân Duyên (hay Pháp Duyên Khởi) của đức Phật. Tuy nhiên, cho đến nay, Thánh Lý này vẫn còn ẩn chứa nhiều Diệu Pháp chưa được nhận thức thích đáng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng trên, trong đó, xét về mặt thực tế, có hai lý do chủ yếu:
(1) Phần lớn các luận thuyết đã không vận dụng sát sao những lời dạy của đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni để lý giải các pháp môn của đức Phật.
(2) Đồng thời các luận thuyết đã không được y cứ theo các nguyên tắc của phương pháp luận nghiên cứu khách quan, nên đã không tránh khỏi mang tính chủ quan của nhà luận giải.
Do vậy, bản giải mã này căn cứ theo hai nguyên tắc căn bản:
- Thứ nhất, vận dụng chính những lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni để giải mã hệ thống pháp Nhân Duyên. Trung thành với nguyên tắc đó, ngay trong phần nội dung quan trọng của lời tựa này cũng xin trân trọng ghi lại những lời khuyến giáo của đức Thế Tôn về các Đại căn cứ địa tối quan trọng mà các đệ tử Phật phải luôn ghi nhớ:
“- Nhưng ở đây, này các Tỳ-kheo, nếu có Tỳ-kheo nói như sau: "Tại trú xứ kia có vị trưởng lão, vị này là bậc nghe nhiều, được trao truyền kinh điển, bậc trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Ðối diện với vị trưởng lão ấy, tôi nghe như vậy, đối diện với vị trưởng lão ấy, tôi lãnh thọ như vậy: "Ðây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Ðạo sư””.
Này các Tỳ-kheo, các Thầy không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỳ-kheo ấy, không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật.
Nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương xứng với Luật, thời các Thầy có thể kết luận: "Chắc chắn những lời này không phải lời dạy của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và các Tỳ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm". Và này các Tỳ-kheo, các Thầy hãy từ bỏ chúng.
- Nhưng ở đây, này các Tỳ-kheo, nếu có Tỳ-kheo nói như sau: "Tại trú xứ kia có vị trưởng lão, vị này là bậc nghe nhiều, được trao truyền kinh điển, trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Ðối diện với vị trưởng lão ấy, tôi nghe như vậy, đối diện với vị trưởng lão ấy, tôi lãnh thọ như vậy: "Ðây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Ðạo sư””.
Này các Tỳ-kheo, các Thầy không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỳ-kheo ấy, không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật.
Nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các Thầy có thể kết luận: "Chắc chắn những lời này là lời dạy của Thế Tôn, bậc A-la- hán, Chánh Ðẳng Giác và các Trưởng lão ấy đã thọ giáo chơn chánh”. Này các Tỳ-kheo, như vậy là Đại căn cứ địa thứ tư các Thầy cần phải thọ trì.” (Xem thêm các Đại căn cứ địa thứ nhất, thứ hai, thứ ba trong Tăng Chi tập 2, Chương 4, tr.135-140 = [I.4.180.2-9])
- Thứ hai, bản giải mã này căn cứ trên Phương pháp luận nghiên cứu khách quan khoa học trong việc phân cấp thứ tự các tài liệu, kinh văn. Theo những nguyên tắc khách quan khoa học này, các Kinh điển nguyên thủy Nikāya và Luật Pātimokkha được kết tập lần đầu tiên phải được xem là các kinh văn tài liệu cấp I, là tư liệu nguồn; và phải được dùng làm căn bản để nghiên cứu, so sánh, đối chiếu đầu tiên. Chính vì lẽ đó, tất cả các trích dẫn trong phần giải mã này đều dựa theo bộ Đại Tạng Kinh Nikāya bản dịch Việt ngữ từ nguyên bản chữ Pāli của Hòa thượng Thích Minh Châu.
Hy vọng bản giải mã này, cũng như tất cả các luận thuyết từ trước đến nay, sẽ được tham cứu và tìm hiểu theo tinh thần nêu trên.
Tỳ kheo Pani Giới Pháp
***
I. Khái Quát
Trong toàn bộ hệ thống giáo pháp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hệ thống Thánh lý Nhân Duyên - hay pháp Duyên khởi - có một vai trò quan trọng đặc biệt. Mối liên hệ này đã được chính đức Thế Tôn xác định rõ trong Đại Kinh Dấu Chân Voi: "Ai thấy được lý Duyên Khởi, người ấy thấy được Pháp; ai thấy được Pháp, người ấy thấy được lý Duyên Khởi” (Trung Bộ tập 1, bài kinh số 28 = TB1, 28 = [Vd.4.25]):
Thông thường Pháp Nhân Duyên được xem như một hệ thống với 12 chi phần căn bản, mặc dù tùy trường hợp cụ thể có khi hệ thống này được phân tích nhiều hơn hoặc ít hơn 12 chi phần. Hệ thống pháp Nhân Duyên hay Thánh lý 12 Chi phần Nhân Duyên (12 CPND) được định danh theo thứ tự từ chi phần đầu đến chi phần cuối như sau:
1. Vô Minh - 2.Hành - 3.Thức - 4.Danh Sắc - 5.Sáu Xứ (Sáu Nhập) - 6.Xúc - 7.Thọ - 8.Ái - 9.Thủ - 10.Hữu - 11.Sinh - 12.Già, Chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.
Trong kinh Nikāya, đức Thế Tôn đã định nghĩa rất cụ thể sự nhận thức và thể nhập hệ thống Thánh lý Nhân Duyên với trí tuệ: “Thế nào là Thánh lý được khéo thấy, khéo thể nhập với trí tuệ? Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử quán sát như sau: "Do cái này có, cái kia có. Do cái này sinh, cái kia sinh. Do cái này không có, cái kia không có. Do cái này diệt, cái kia diệt”.
Tức là do duyên vô minh, có các hành. Do duyên các hành có thức. Do duyên thức có danh sắc. Do duyên danh sắc có sáu nhập. Do duyên sáu nhập có xúc. Do duyên xúc có thọ. Do duyên thọ có ái. Do duyên ái có thủ. Do duyên thủ có hữu. Do duyên hữu có sinh. Do duyên sinh có già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Như vậy, là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
Do vô minh diệt không có dư tàn, nên các hành diệt. Do các hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu nhập diệt. Do sáu nhập diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sinh diệt. Do sinh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này diệt. Ðây là Thánh lý được khéo thấy và khéo thể nhập với trí tuệ.” (Tăng Chi Bộ, Chương 10, bài kinh số 92, trang 490 = TC X:92, tr.490 = [I.10.92.4])
Để thể nhập được Thánh lý 12 CPND, hệ thống này cần phải được quán sát và nhận thức theo nhiều hệ quy chiếu khác nhau. Tuy cùng một chi phần nhưng tùy theo mỗi cách quán sẽ có những ý nghĩa khác nhau, và các chi phần này liên hệ với nhau theo nhiều chiều, nhưng tất cả đều chỉ nhằm mục đích thực tri khổ và đoạn diệt khổ. Quán xét hệ thống 12 CPND theo chiều hướng này cũng là thực thi mục tiêu duy nhất của Phật pháp: “Chư Tỳ-kheo, xưa cũng như nay, Như Lai chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ” (TB1, 22 = [Sb.4.35]).
Xuyên suốt toàn bộ kinh tạng Nguyên thuỷ Pāli là sự phản ảnh trung thực cho lời dạy trên. Do đó, tuệ tri được 12 CPND sẽ giúp nhận thức và lý giải rõ ràng hơn ý nghĩa các bài kinh và toàn bộ hệ thống giáo pháp của đức Phật trong kinh tạng Nikāya.
Nói đến kinh tạng Nikāya là phải nói đến hệ thống 37 Phẩm Trợ Đạo. Nói đến hệ thống 37 Phẩm Trợ Đạo là phải bao gồm hệ thống Bốn Niệm Xứ. Nói đến hệ thống Bốn Niệm Xứ là phải bao gồm hệ thống quán Pháp.
Theo Kinh Niệm Xứ (TB1, 10 = [U.8]), trong phần quán pháp, đức Thế Tôn dạy phải quán pháp theo sáu cách khác nhau:
“Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay vị ấy sống quán tánh sinh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sinh diệt trên các pháp”.
Hệ thống 12 CPND là một pháp, do đó cũng phải quán pháp này theo sáu cách:
1. Quán pháp 12 CPND trên các nội pháp.
2. Quán pháp 12 CPND trên các ngoại pháp.
3. Quán pháp 12 CPND trên các nội pháp, ngoại pháp.
4. Quán tánh sinh khởi trên các pháp 12 CPND.
5. Quán tánh diệt tận trên các pháp 12 CPND
6. Quán tánh sinh diệt trên các pháp 12 CPND.
Bên cạnh đó, trong các bài kinh số 1, 2, 3 thuộc Kinh Phật Tự Thuyết, Tiểu Bộ tập I (Ud I. 1,2,3 = [Uda.1.1-3]), để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Thánh lý Nhân Duyên, ngay khi vừa thành đạo, đức Thế Tôn đã tự thân giáo hoá bằng ba cách quán khác nữa:
7. Quán thuận ứng 12 CPND.
8. Quán nghịch ứng 12 CPND.
9. Quán thuận ứng - nghịch ứng 12 CPND.
Ngoài ra trong những trường hợp cụ thể, đức Phật cũng đã chỉ dạy quán 12 CPND với các phương pháp:
10. Quán đôi tương tác.
11. Quán diễn dịch và quy nạp.
12. Quán trực tiếp.
Như vậy, về căn bản, hệ thống pháp Nhân Duyên được quán theo 12 cách khác nhau. Trước khi phân tích sâu hơn 12 cách quán nêu trên, có một số điểm cần phải lưu ý:
1. Trong quá trình giải mã hệ thống Nhân Duyên nói riêng và toàn bộ các pháp đã được đức Thế Tôn tuyên thuyết trong Kinh tạng Nikāya nói chung, phải luôn căn cứ trên những nguyên lý đã được đức Phật nêu ra trong Kinh Pháp Môn Căn Bản (TB1,1 = [U.3]).
2. Pháp 12 CPND không nhằm mục đích nêu rõ ai vô minh, ai hành, ai ái… Điều quan trọng và chủ yếu là xác định mối quan hệ NHÂN và DUYÊN của các chi phần.
Trong kinh Nikāya, nhiều lần đức Thế Tôn đã phân định rõ rằng Ngài không đặt vấn đề chủ thể trong lý Nhân Duyên. Do đó các câu hỏi như ‘Ai cảm xúc? Ai thọ? Ai khát ái? Ai chấp thủ?...’ là không phù hợp.
Câu hỏi phù hợp với lý duyên sinh, duyên diệt phải là: do duyên gì xúc sinh, thọ sinh, ái sinh, thủ sinh… già chết sinh tức khổ sinh; hay do duyên gì xúc diệt, thọ diệt, ái diệt, thủ diệt… già chết diệt tức khổ diệt? (Xem Tương Ưng, phẩm Nhân Duyên = [U.51])
Điều này ví như có một tai nạn xảy ra, một người cha nhân từ hiểu biết chỉ ôn tồn nêu rõ cho các con nguyên nhân của sự việc là do: xe không có đèn, không thắng, chạy nhanh lúc trời mưa ban đêm, trên đoạn đường dốc quanh co trơn trợt, đồng thời chỉ rõ cách thoát khỏi hiểm họa. Người cha không nỡ trách mắng các con của mình vì lòng từ bi, vì sự việc đã xảy ra và vì quan trọng hơn là phải hóa giải được tai nạn.
Tuy nhiên, 12 CPND là một hệ thống ‘thông tin nén’ phức tạp với rất nhiều dữ liệu đa dạng, việc giải mã hệ thống này hoàn toàn không đơn giản. Vì vậy, trong một số trường hợp, khi lý giải bắt buộc phải dùng những ví dụ chúng sinh này hoặc chúng sinh khác cho dễ hiểu hơn, đây là điều bất khả kháng.
3. Các trích dẫn trong bài viết này đều dựa theo bộ Đại Tạng Kinh Nguyên Thuỷ Nikāya do HT Thích Minh Châu dịch Việt từ nguyên bản chữ Pāli, với các số trang của ấn bản 1992 – 2000.
Các ký hiệu trong ngoặc [...] là các trích dẫn tương đương theo hệ thống Chín Tạng Thánh Kinh.
Nhằm thuận lợi cho việc nhận thức Thánh lý Nhân Duyên, các cách quán lần lượt được giới thiệu theo trình tự thích hợp, bắt đầu bằng cách quán trên các ngoại pháp.
II. Quán Pháp 12 CPND Trên Các Ngoại Pháp
Theo cách quán này phải đặt các chi phần của hệ thống 12 CPND trong mối liên hệ với các pháp khác hay các đối tượng khác ngoài hệ thống. Pháp bên ngoài hệ thống hay các đối tượng có liên quan ấy sẽ được nhận ra trong quá trình phân tích lý giải sau đây:
Vô minh là không thấy rõ Chân lý khổ đau của sinh-già-bệnh-chết (Khổ đế), Chân lý về nguyên nhân của khổ đau là do tham dục (Tập đế), Chân lý về trạng thái diệt khổ là đoạn trừ tham dục chứng ngộ Niết Bàn (Diệt đế) và Chân lý về con đường đi đến đoạn diệt khổ đau là Tám Chánh Đạo (Đạo đế). Chính vì không thấy như thật Bốn Chân Lý đó nên bản năng tham ái tăng trưởng và chi phối rất nhiều các hoạt động khác nhau, trong đó có những hành động kết hợp do dục ái (kể cả các hành động tạo tác một chúng sinh trong sinh sản vô tính). Khi có những hành động kết hợp giữa hai chúng sinh, trong thời kỳ cơ thể người mẹ có thể thụ thai hay noãn trứng có thể thụ tinh, đây là cơ sở để hình thành bào thai (điều này cũng có nghĩa các tinh trùng dưới sự chi phối của vô minh tiếp tục vận hành gặp noãn trứng để thực hiện việc thụ tinh tạo tác mầm thai). Cho nên mới nói Vô minh duyên cho Hành.
Chính vì có các ‘hành’ như vậy nên ‘thức’ mới có điều kiện nảy sinh và tồn tại cùng mầm thai. Trong kinh văn, thức này còn được gọi là hương ấm (gandhabba). Như vậy Thức được hình thành do duyên và có tên gọi khác nhau tùy theo nguồn gốc phát sinh. Trong Đại Kinh Đoạn Tận Ái, đức Thế Tôn đã dạy rõ: “do duyên mà thức sinh, và thức ấy có tên tùy theo duyên ấy” (TB1, 38 = Sb.10)
- Được gọi là Thai Thức hay Noãn Thức với ý nghĩa đây là một dạng tâm thức sơ khai trong thời kỳ phôi thai.
- Gọi là Nghiệp Thức với ý nghĩa Thai Thức này được hiện khởi là do có Nghiệp làm nhân và Hành làm duyên cho nó.
- Gọi là Chủng Tử Thức với ý nghĩa đây là mầm mống đầu tiên để hình thành một chúng sinh.
Tất cả gọi chung là ‘Thức’ và do ‘Hành’ làm duyên để hiện khởi, không có hành thì thức không hiện khởi. Chính vì thế nên nói Hành duyên cho Thức.
Với sự hiện hữu của Thai thức, noãn thai mới có thể phát triển dần thành bào thai trong bụng người mẹ với hai thành phần cơ bản: Danh là tâm thức trong quá trình phôi thai và Sắc là thân thể vật chất ban sơ của thai nhi. Phải có thức thì danh- sắc mới có, không có thức thì danh-sắc không thể hình thành. Vì thế nên nói Thức duyên cho Danh- Sắc.
Thai nhi với đầy đủ Danh và Sắc, đến cuối thai kỳ, ra đời một hài nhi và phát triển cùng với sáu căn hay sáu giác quan (gồm: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý căn - bộ não) để tiếp nhận sáu trần, tức các sự vật hiện tượng bên ngoài (gồm: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Điều này có nghĩa sáu trần nhập vào sáu căn, và vì thế, được gọi tắt là Sáu Nhập hay Sáu Xứ. Sáu Nhập này phải do Danh- Sắc mới có, không có Danh-Sắc không thể có Sáu Nhập. Vì thế nên nói Danh-Sắc duyên cho Sáu Nhập.
Cha có sáu nhập của cha, mẹ có sáu nhập của mẹ, con có sáu nhập của con, các anh chị em có sáu nhập của anh chị em… Nhờ có các ‘sáu nhập’ như vậy nên cha mẹ, con cái và các anh chị em trong một gia đình hằng ngày mới giao tiếp, tiếp xúc, xúc chạm với nhau được. Các sự giao tiếp, tiếp xúc phải y cứ trên sáu nhập; không có sáu nhập không thể có chạm xúc, tiếp xúc. Vì thế Sáu Nhập duyên cho Xúc.
Từ sự tiếp xúc, xúc chạm mới có các cảm thọ. Thật dễ dàng nhận ra những cảm thọ lạc, thọ khổ, thọ không khổ - không lạc trong phạm vi gia đình. Mắt người cha nhìn đứa con đang chập chững bước đi, tai ông nghe tiếng con bập bẹ “Ba! Ba!” khiến lòng ông trào dâng sự hoan hỷ lạc thọ. Người mẹ mang nặng đẻ đau đứa con mình, bà cảm nhận biết bao thọ khổ qua sự xúc chạm trực tiếp với thai nhi. Có nhiều lúc những người trong cùng gia đình tiếp xúc với nhau hằng ngày với nhiều cảm thọ trung tính không khổ - không lạc. Nói chung do tiếp xúc, xúc chạm nên các cảm thọ phát sinh, không có xúc không thể có cảm thọ. Vì thế Xúc duyên Thọ được nêu lên.
Tất cả những cảm thọ này đều dẫn đến sự luyến ái giữa những người thân trong gia đình, thậm chí ngay cho dù có những cảm thọ khổ (người mẹ mang nặng đẻ đau nhưng vẫn yêu con của mình, người cha chịu bao cực nhọc vì con nhưng vẫn thương con, người chị sẵn sàng chịu ướt lạnh nhường áo mưa cho em nhưng vẫn quý em…). Có ba sợi dây ái luyến trong phạm vi gia đình, đó là: dục ái, sắc ái và vô sắc ái (có khi được hiểu là dục ái, hữu ái và phi hữu ái với ý nghĩa các ái này đều dẫn đến hữu và sinh)
- Dục ái là sự luyến ái liên hệ đến dục. Trong phạm vi gia đình đó là sự ái luyến giữa vợ và chồng, chồng và vợ.
- Sắc ái là sự yêu thương giữa những người thân còn sống có hình tướng, hình sắc như giữa cha mẹ và con cái, giữa ông bà và các cháu, giữa các anh chị em…
- Vô sắc ái là sự nhớ thương của những người còn sống với những người thân yêu đã khuất.
Ba sợi dây luyến ái vô hình này trói cột chặt con người vào với nhau và vào với bất an, hệ lụy; vì thế chúng còn được gọi chung là ‘ái kiết sử.’ Dù dục ái, sắc ái hay vô sắc ái, tất cả cũng đều phát sinh từ những cảm thọ. Do đó nên nói Thọ duyên Ái.
Vì có luyến ái mới có chấp thủ nhau, nắm giữ nhau. Chính vì vợ luyến ái chồng, chồng luyến ái vợ nên vợ muốn nắm giữ chồng, chồng muốn nắm giữ vợ. Cha mẹ, con cái, anh chị em có yêu thương, luyến ái nhau nên mới muốn thủ giữ nhau... Có yêu thương, luyến ái là có chấp thủ; không có yêu thương, luyến ái thì không có chấp thủ. Cho nên nói Ái duyên Thủ là như vậy.
Vì có chấp thủ, nắm giữ nhau nên mới có nhau (hữu). Con muốn nắm giữ mẹ nên con phải có mẹ, vợ chấp thủ chồng nên vợ phải có chồng… Không có chấp thủ, không nắm giữ nhau thì không thể có nhau. Do vậy Thủ duyên Hữu được nêu lên.
Chính vì sự hiện hữu của những người thân chung sống, nương tựa nhau trong cùng một mái gia đình như vậy nên mới hình thành một Sinh y (Sinh là sanh sống, y là nương tựa với nhau). Không có sự hiện hữu của những người thân trong gia đình không thể có sanh y. Vì vậy Hữu duyên Sinh y.
Từ ngàn xưa cho đến nay, ở bất kỳ nơi nào trên trái đất này và trong bất kỳ thời đại nào cũng vậy, không có một gia đình nào lại không có sự khổ đau của già và chết (tức cũng phải sầu, bi, khổ, ưu, não). Có sanh y là có già - chết, đây là một chân lý hiển nhiên không thể phủ nhận. Vì thế nên nói Sinh y duyên Già, Chết, sầu, bi, khổ, ưu, não hay toàn bộ khối khổ uẩn sinh khởi cũng vì thế.
Như vậy quán pháp 12 CPND trên các ngoại pháp chính là quán các chi phần nhân duyên trong mối quan hệ với các pháp khác bên ngoài hệ thống. Nói theo ngôn ngữ Bốn Niệm Xứ tức là phải quán Pháp 12 CPND trên các ngoại pháp ‘gia đình’, pháp ‘cha mẹ’, pháp ‘chồng vợ’, pháp ‘con cái’, pháp ‘anh chị em’, pháp ‘người thân đã khuất’ để nhận thức rõ khổ như thật và nguyên nhân khổ đau như thật từ đó biết cách đoạn trừ khổ đau cho mình và cho người thân.
Cũng cần nói rõ thêm, đương thời đức Phật, đã có một số ngoại đạo xuyên tạc đạo Phật, pháp Phật khi họ vu cáo rằng sa-môn Gotama chủ trương diệt dục tức là huỷ diệt mầm sống, diệt tận cuộc sống. đức Thế Tôn đã chỉ rõ sự ngụy trá này bằng sự phân định rõ rằng Ngài không chủ trương huỷ diệt mầm sống, tiêu diệt cuộc sống mà chỉ chủ trương diệt tham dục với ý nghĩa nó là nguyên nhân gây ra đau khổ. Để minh chứng cho điều này, có thể nêu hai trường hợp tách biệt mà người trí có thể hiểu được.
- Đạo Phật không chủ trương tiêu diệt sắc đẹp hay tiêu huỷ tiền bạc vì đó là những tồn tại khách quan. đạo Phật chỉ chủ trương đoạn diệt lòng đam mê sắc đẹp, tâm tham đắm tiền bạc khi những ham mê này gây ra đau khổ cho mình và cho người khác; khiến ác pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm; có hại cho mình, cho người và cho xã hội.
- Bên cạnh đó, cũng không có gì khó hiểu khi trong 37 Phẩm Trợ Đạo của đạo Phật, pháp Bốn Như Ý Túc lại có Dục như ý túc tức là lòng khát vọng giúp mình và mọi người đi tới giải thoát cao thượng, là sự khát khao mong cầu mình và các chúng sinh khác vượt thắng khổ đau của sinh, già, bệnh, chết.
Rõ ràng đây là hai khía cạnh hoàn toàn khác nhau, không thể lẫn lộn.
Bên cạnh đó, ở bất kỳ đâu, trong bất cứ thời đại nào cũng vậy, những khổ đau do tham dục không thể nói hết được. Không làm chủ bản năng tham dục chính là nguyên nhân của biết bao thảm kịch hại mình, hại người và rối loạn xã hội. Thật vậy, từ những tệ nạn hiếp dâm, ấu dâm, thú dâm, thủ dâm, mại dâm cho đến vấn nạn ngoại tình, loạn luân, ghen tương, thù hận v.v... xét cho cùng, tất cả cũng chỉ do tham dục mà ra.
Do vậy, thật dễ hiểu khi nói rằng dục là nguyên nhân gây ra đau khổ; dục vui ít, khổ nhiều, nguy hiểm lại càng nhiều hơn. Và vì thế ly tham ái là ly khổ, làm chủ bản năng tham ái là làm chủ khổ, đoạn trừ tham ái là đoạn trừ khổ.
Muốn đoạn diệt khổ đau, trước hết, cần phân biệt khổ đau theo hai dạng chung nhất: thường hằng khổ đau và thực tại khổ đau.
Được gọi là ‘thường hằng khổ đau’ là những khổ đau xảy ra cho tất cả mọi người, xảy ra trong bất kỳ thời đại nào và xảy ra ở bất cứ nơi đâu, đó chính là bốn nỗi khổ đau của Sinh, Già, Bệnh (thân và tâm), Chết.
Bên cạnh đó, còn có những ‘thực tại khổ đau’ là những khổ đau có thể xảy ra nhiều cho người này nhưng ít (hoặc không có) nơi người khác, có thể mạnh lúc này nhưng yếu lúc khác, có thể xảy ra nhiều nơi này nhưng ít ở nơi khác, đó là những khổ đau của Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận mối quan hệ mật thiết giữa thường hằng khổ đau và thực tại khổ đau. Trong bất kỳ thời đại nào, ở bất cứ nơi đâu và đối với bất kỳ ai cũng vậy, khi gặp phải những thực tế này đều phải thừa nhận chúng là những khổ đau như thực. Vì thế chúng được gọi là Chân lý khổ đau hay Khổ đế.
Như vậy trong một gia đình, lúc này lúc khác, dù ít dù nhiều, cũng có những thực tại khổ đau của sầu-bi-khổ-ưu-não, nhưng tất cả mọi sanh y đều phải chấp nhận bi cảnh tất yếu không thể khác được với những khổ đau thuộc về chân lý của già và chết. Dù lạc quan hay bi quan, dù hữu thần hay vô thần, dù duy tâm hay duy vật cũng đều phải thừa nhận thực tế khách quan này.
Người học Phật khi quán pháp 12 CPND không nhìn cuộc sống qua lăng kính mầu hồng, cũng không nhìn đời qua lăng kính mầu đen, mà nhìn đời qua lăng kính trong suốt với những gì đã xảy đến cho một sanh y như thực có, không thêm, không bớt.
Hơn thế nữa, còn phải biết nguyên nhân và cách diệt tận khổ đau để cứu mình và cứu những người thân của mình. Thái độ và cách nhìn như vậy chắc chắn không phải là tiêu cực, yếm thế.
Tỳ kheo Pani Giới Pháp
Trích trong Giải mã hệ thống Pháp nhân duyên Thánh lý cứu khổ
Còn nữa...
-