Sách Phật giáo
Giải mã Kinh Niệm Xứ chặng đường thoát khỏi khổ đau (P.11)
Thứ hai, 14/06/2016 04:37
Người tu Phật cần phải nhận thức rõ sự khác nhau giữa tưởng uẩn và thức uẩn nhằm giữ tâm luôn trên bình diện của ý thức tỉnh giác “đi biết đi, đứng biết đứng, nằm biết nằm, ngồi biết ngồi, thân thể sử dụng như thế nào thời biết rõ như vậy”, và biết chánh niệm chủ động sử dụng hợp lý, đúng thời các niệm và các tưởng có lợi (niệm từ, niệm bi, tưởng bất tịnh, tưởng vô dục...) để đoạn trừ các niệm và các tưởng có hại.
4.1.6 Một Vài Trường Hợp Quán Sai Cách
Như đã phân tích ở trên, cần phải phân biệt rõ các trạng thái của thân và tâm cùng những biện pháp đối trị thích đáng, từ đó mới đoạn trừ được các kiết sử và triền cái đúng pháp. Mỗi bệnh phải có thuốc đặc trị riêng. Tuy nhiên còn phải biết điều trị đúng cách, đúng phương pháp thì thuốc mới phát huy tác dụng, nhờ vậy bệnh mới thuyên giảm và khỏi hẳn.
Thuốc dù hay đến đâu nhưng nếu sử dụng không đúng cách thì cũng không có hiệu quả. Ví như thuốc thoa ngoài da lại đi chích vào người, thuốc uống vào bụng lại đi bôi lên đầu thì hẳn nhiên không những không chữa được bệnh mà có khi còn nguy hại thêm. Nói chung, THUỐC HAY nhưng còn phải TRỊ ĐÚNG thời mới có kết quả.
Cũng vậy, Bốn Niệm Xứ là những phương thần dược nhưng cũng cần phải sử dụng từng liệu pháp theo đúng cách thức như bài kinh đã chỉ dạy mới mong chữa lành các phiền não, lậu hoặc. Sau đây là một vài ví dụ tiêu biểu cho các cách quán sai cách.
Người tu sĩ khi bị một tịnh tướng cụ thể ám ảnh khiến khởi dục tưởng nơi đối tượng đó, nhưng chỉ quán pháp bất tịnh chung chung, không quán tưởng bất tịnh thích ứng ngay trên tịnh tướng ấy, thì không thể diệt trừ được tham dục triền cái. Ngược lại khi bị tham kiết sử trói cột, do không có đối tượng với sắc tướng cụ thể, nên pháp quán bất tịnh không hiệu quả bằng pháp quán về sự nguy hiểm của tham dục.
- Một vị Tỳ-kheo thấy một ‘pháp tịnh tướng’ sống trong cảnh cô đơn trống vắng, nếu vị Tỳ-kheo cứ quán từ bi, thương cảm, tội nghiệp cho tịnh tướng ấy, hẳn sẽ dẫn đến tình cảnh bị ái kiết sử trói cột. Trong trường hợp này, chỉ cần nhắc nhở người thân, hàng xóm láng giềng, hoặc người hợp duyên với ‘pháp tịnh tướng’ quán từ bi giúp đỡ cho đối tượng ấy là tốt hơn.
- Khi bị đối tượng khác gây cho ta tức giận hiềm hận, tức bị sân triền cái chi phối, nếu tác ý quán từ bi thương xót mình, tội nghiệp cho mình thì sự buồn khổ tức giận càng tăng thêm. Ngược lại, nếu quán pháp bất tịnh tướng trên pháp chướng ngại (mặt mày kẻ đó hung dữ, xấu xí, ghê sợ…) thì càng dễ bị sân triền cái tác động. Hoặc giả khi đang tức mình, bực mình lại ngồi quán từ bi với kẻ khác chung chung sẽ không thể cắt đứt được sợi dây sân kiết sử.
- Khi hôn trầm thuỳ miên chi phối lại ngồi tu chỉ, hoặc tiếp tục duy trì tâm theo một định tướng, khiến tâm đã thụ động lại càng bị thụ động thêm, do đó buồn ngủ và ngủ gục càng tăng trưởng không thể đoạn tận được. Ngược lại, khi bị trạo cử lại dùng các pháp tà tinh tấn, hoặc tu quán sẽ khiến thân tâm càng bị dao động thêm.
Thực tế đã cho thấy, dù có thuốc hay nhưng không điều trị đúng cách cũng không thể chữa được bệnh. Hẳn nhiên, không biết đến diệu dược, không sử dụng đúng diệu dược thì muôn đời cũng không thể chữa khỏi bệnh. Không biết vận dụng tu tập Bốn Niệm Xứ để điều trị, gột rửa năm triền cái và các kiết sử mà cứ ôm giữ chúng rồi tu thiền, đó là tà thiền. Còn bị các căn bệnh này hoành hành sai khiến dù có nhập được định, đó chỉ là tà định.
Với bài kinh Sandha, đức Thế Tôn có nhắc đến những đặc điểm cơ bản của chánh thiền, chánh định mà tất cả những ai muốn tu tập thiền định cần phải phân biệt rõ:
“- Này Sandha, hãy tu Thiền với sự Thiền định của con ngựa thuần thục, chớ có với Thiền định của con ngựa chưa thuần thục.
- Và này Sandha, thế nào là Thiền định của con ngựa chưa thuần thục?
Con ngựa chưa thuần thục, khi bị cột vào máng ăn, liền Thiền tư: “Cỏ ăn, cỏ ăn”. Vì sao? Này Sandha, con ngựa chưa thuần thục, khi bị cột vào máng ăn, không có nghĩ như sau: “Không biết hôm nay, người đánh xe điều phục ngựa sẽ bảo ta làm việc gì? Nay ta có thể làm gì để báo đáp?”. Con ngựa bị cột vào máng ăn, chỉ Thiền tư: “Cỏ ăn, cỏ ăn!”
Cũng vậy, này Sandha, ở đây có hạng người chưa được thuần thục, khi đi đến ngôi rừng, hay khi đi đến gốc cây, hay khi đi đến ngôi nhà trống, trú với tâm bị dục tham ám ảnh, bị dục tham chi phối, không như thật rõ biết sự xuất ly khỏi dục tham đã khởi lên. Người ấy tàng trữ dục tham vào trong, rồi Thiền tư, Thiền lự, Thiền liên tục, Thiền quán; trú với tâm bị sân ám ảnh, bị sân chi phối... trú với tâm bị hôn trầm thụy miên ám ảnh, bị hôn trầm thụy miên chi phối... trú với tâm bị trạo hối ám ảnh, bị trạo hối chi phối... trú với tâm bị nghi hoặc ám ảnh, bị nghi hoặc chi phối, không như thật rõ biết sự xuất ly ra khỏi nghi hoặc đã khởi lên. Người ấy tàng trữ nghi hoặc vào trong, rồi Thiền tư, Thiền lự, Thiền liên tục, Thiền quán.
Người ấy Thiền tư, y chỉ vào đất, Thiền tư y chỉ vào nước, Thiền tư y chỉ vào lửa, Thiền tư y chỉ vào gió, Thiền tư y chỉ vào Không vô biên xứ, Thiền tư y chỉ vào Thức vô biên xứ, Thiền tư y chỉ vào Vô sở hữu xứ, Thiền tư y chỉ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Thiền tư y chỉ vào đời này, Thiền tư y chỉ vào đời sau, phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy tư, đều y chỉ vào đấy người ấy Thiền tư. Như vậy, này Sandha là người Thiền tư không thuần thục.
- Và này Sandha, như thế nào là Thiền tư như con ngựa thuần thục?
Con ngựa hiền lương, này Sandha, con ngựa được thuần thục, khi bị cột vào máng ăn, không có Thiền tư:
“Cỏ ăn, cỏ ăn!” Vì sao? Này Sandha, con ngựa đã thuần thục, khi bị cột vào máng ăn, suy nghĩ như sau: “Không biết hôm nay, người đánh xe điều phục ngựa sẽ bảo ta làm việc gì? Nay ta có thể làm gì để báo đáp?” Con ngựa bị cột vào máng ăn, không có Thiền tư: “Cỏ ăn, cỏ ăn!” Con ngựa hiền lương, này Sandha, được thuần thục, nhìn sự áp dụng cây gậy thúc ngựa hiền lương như là món nợ, như là trói buộc, như là một thiệt hại, như là một điềm xấu.
Cũng vậy, này Sandha, con người hiền thiện, thuần thục, khi đi đến khu rừng, khi đi đến gốc cây, khi đi đến ngôi nhà trống, trú với tâm không bị dục tham ám ảnh, không bị dục tham chinh phục, như thật quán tri sự xuất ly khỏi dục tham đã khởi lên. Vị ấy an trú với tâm không bị sân ám ảnh... Vị ấy an trú với tâm không bị si ám ảnh... Vị ấy an trú với tâm không bị hôn trầm thụy miên ám ảnh... Vị ấy an trú với tâm không bị trạo hối ám ảnh... Vị ấy an trú với tâm không bị nghi hoặc ám ảnh, không bị nghi hoặc chinh phục, như thật rõ biết sự xuất ly ra khỏi nghi hoặc đã khởi lên.
Vị ấy Thiền tư không y chỉ vào đất, Thiền tư không y chỉ vào nước, Thiền tư không y chỉ vào lửa, Thiền tư không y chỉ vào gió, Thiền tư không y chỉ vào Không vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Thức vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Vô sở hữu xứ, Thiền tư không y chỉ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Thiền tư không y chỉ vào thế giới này, Thiền tư không y chỉ vào thế giới sau, phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy tư, Thiền tư không y chỉ vào cái ấy. Tuy vậy, vị ấy vẫn có Thiền tư.
Lại nữa, này Sandha, với vị ấy Thiền tư như vậy, chư Thiên với Thiên chủ, các Phạm thiên với chúng Phạm thiên, dầu từ xa, đảnh lễ con người hiền thiện thuần thục:
Chúng tôi đảnh lễ Ngài,
Con người hiền, thuần thục,
Chúng tôi đảnh lễ Ngài,
Con người bậc Thượng thủ,
Y chỉ gì Ngài Thiền,
Con người hiền, thuần thục,
Chúng tôi đảnh lễ Ngài,
Con người bậc Thượng thủ,
Y chỉ gì Ngài Thiền,
Chúng tôi không được biết…”
(TC XI:10, tr.655 = [I.11.10])
Từ bỏ được năm triền cái và thành tựu năm chi phần (tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm) là những tiêu chuẩn để thể nhập vào Sơ Thiền. Điều này đã được Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời cho Tôn giả Maha Kotthita trong Đại Kinh Phương Quảng:
“- Này Hiền giả, Thiền thứ nhất từ bỏ bao nhiêu chi phần và thành tựu bao nhiêu chi phần?
- Này Hiền giả, Thiền thứ nhất từ bỏ năm chi phần và thành tựu năm chi phần. Ở đây, này Hiền giả, vị Tỳ kheo thành tựu Thiền thứ nhất từ bỏ tham dục, từ bỏ sân, từ bỏ hôn trầm thụy miên, từ bỏ trạo hối, từ bỏ nghi; thành tựu tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm. Này Hiền giả, như vậy Thiền thứ nhất từ bỏ năm chi phần, và thành tựu năm chi phần.” (TB1, 44 = [Vd.1.22])
Một vị tu sĩ dù xuất thân từ bất cứ giai cấp nào, thuộc bất cứ thành phần nào nhưng đã đoạn diệt năm triền cái và thành tựu Năm chi Vô học, không những xứng đáng để chư Thiên đảnh lễ mà còn là ruộng phước rộng lớn cho những người thiện tín cúng dường bốn vật dụng. Đây là điều đức Phật đã dạy cho vua Pasenadi:
“- Cũng vậy, thưa Ðại vương, dầu cho một người có xuất gia từ một gia đình nào, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy đoạn trừ năm chi và hội đủ năm chi. Bố thí cho một người như vậy có quả báo lớn.
Thế nào là năm chi được đoạn trừ? Tham dục được đoạn trừ, sân được đoạn trừ, hôn trầm thụy miên được đoạn trừ, trạo hối được đoạn trừ, nghi được đoạn trừ. Năm chi này được đoạn trừ.
Thế nào là năm chi được hội đủ? Vô học giới uẩn được hội đủ, vô học định uẩn được hội đủ, vô học tuệ uẩn được hội đủ, vô học giải thoát uẩn được hội đủ, vô học giải thoát tri kiến uẩn được hội đủ. Năm chi này được hội đủ
Chính một người như vậy, năm chi được đoạn trừ, năm chi được hội đủ, bố thí cho người như vậy được quả báo lớn.” (Bài kinh Cung Thuật (S.i,98) = [Su.9.23])
Tóm lại, ‘có những pháp ở đây’ là có những pháp thiện tương ưng để đối trị với các pháp bất thiện thuộc năm triền cái bao gồm: tham dục triền cái, sân triền cái, hôn trầm thuỳ miên triền cái, trạo hối triền cái, nghi triền cái. Người tu tập Bốn Niệm Xứ phải ghi nhớ đầy đủ các pháp thiện thích ứng và sử dụng chúng để đoạn trừ từng pháp triền cái theo nguyên tắc quán pháp trên các pháp đúng với tinh thần của đoạn kinh:
“Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay vị ấy sống quán tánh sinh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sinh diệt trên các pháp. “Có những pháp ở đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỳ kheo, như vậy là Tỳ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm triền cái”.
IV. QUÁN PHÁP (tt)
4.2 Quán Pháp Năm Thủ Uẩn
Chánh Kinh
Lại nữa, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Năm Thủ Uẩn. Này các Tỳ kheo, thế nào là Tỳ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Năm Thủ Uẩn?
Này các Tỳ kheo, Tỳ kheo suy tư:
“Ðây là sắc, đây là sắc tập, đây là sắc diệt.
Ðây là thọ, đây là thọ tập, đây là thọ diệt.
Ðây là tưởng, đây là tưởng tập; đây là tưởng diệt.
Ðây là hành, đây là hành tập, đây là hành diệt.
Ðây là thức, đây là thức tập, đây là thức diệt”.
Như vậy, vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay vị ấy sống quán tánh sinh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sinh diệt trên các pháp.
“Có những pháp ở đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỳ kheo, như vậy là Tỳ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm thủ uẩn.
Giải Trình
Quán pháp Năm Thủ Uẩn
Muốn hiểu cách quán pháp năm thủ uẩn, trước hết cần phải biết rõ năm uẩn là gì và các uẩn này khác nhau như thế nào.
4.2.1 Năm Uẩn
Uẩn là thành phần, hợp phần. Năm uẩn là năm thành phần hay năm hợp phần, bao gồm: Sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn (tham khảo kinh Thủ Chuyển (TƯ3, 58 = [Ve.7.56]), kinh Trăng Rằm (TƯ3, 100) = [Ve.7.82]).
Trong đó:
- Sắc uẩn là thân vật chất, tứ đại đất-nước-lửa-gió.
- Thọ uẩn là các cảm giác, cảm thọ.
- Hành uẩn là các sự vận hành của thân (như hơi thở, nhịp tim, vận động cơ bắp…); và sự vận hành của tâm (như trí thông minh, hiểu nhanh, nhớ chậm, tư duy nhạy bén…).
Riêng Thức uẩn và Tưởng uẩn khó phân biệt hơn.
- Thức uẩn là sự nhận biết của tâm có liên hệ trực tiếp với các giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân). Có sáu thức: nhãn thức là sự nhận biết trực tiếp của mắt đối với các sắc, nhĩ thức là sự nhận biết trực tiếp của tai với các âm thanh, tỷ thức là sự nhận biết trực tiếp của mũi với các hương, thiệt thức là sự nhận biết trực tiếp của lưỡi với các vị, thân thức là sự nhận biết trực tiếp của thân khi xúc chạm, và ý thức là sự nhận biết của ý căn (bộ não) đối với các pháp trần thông qua năm căn.
- Tưởng uẩn cũng là sự nhận biết của tâm nhưng không liên hệ trực tiếp đến năm giác quan. Ví dụ sự nhận biết trong giấc mơ, hoặc trong trạng thái hồi tưởng, tưởng nhớ, mơ màng… Có sáu loại tưởng: sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng và pháp tưởng (TC VI:63, tr.215 = [I.6.63.5]).
Mắt đang thấy chữ viết màu đen trên nền màu trắng hoặc nhận biết trực tiếp màu áo đang mặc là nhãn thức. Nhưng nhắm mắt lại tưởng nhớ và như ‘thấy’ được màu áo hoa mẹ mua cho hồi nhỏ, hoặc trong giấc mơ ‘thấy’ người thân đã khuất, hoặc ngồi thiền nhắm mắt nhưng ‘thấy’ như có hào quang, ánh lửa; màu khói xanh, vàng, đỏ, trắng… tất cả lại là biểu hiện của sắc tưởng.
Khi tai đang nghe tiếng và nhận biết một cách trực tiếp các âm thanh là nhĩ thức. Nhưng đêm qua nằm mơ ‘nghe’ như người thân đã khuất đi lại nói chuyện, hoặc ‘nghe’ như có tiếng vo ve trong tai do ô nhiễm tiếng ồn, hoặc ngồi thiền trong trạng thái mơ màng ‘nghe’ như có ai đó mặc khải, ấn chứng cho mình chứng đạo… tất cả đều là thanh tưởng.
Trong bữa ăn khi mũi đang ngửi hương, lưỡi đang nếm vị, tâm nhận biết trực tiếp hương và vị của thức ăn, đó là tỷ thức và thiệt thức. Nhưng đêm qua nằm mơ được ăn uống, nếm ngửi những món ưa thích; hay lúc ngồi thiền như ‘ngửi’ được mùi hương kỳ lạ, hoặc mùi hôi thúi khác thường không có thật, hoặc như ‘nếm’ được vị đặc biệt nào đó… tất cả chỉ là hương tưởng và vị tưởng.
Khi thân đang xúc chạm trực tiếp với chỗ ngồi, biết được bề mặt cứng hay mềm, nóng hay lạnh, đấy là thân thức. Nhưng nằm mơ hoặc hồi tưởng những chạm xúc êm ái, hoặc ngồi thiền cảm nhận (không trực tiếp bằng thân xúc) những cảm giác mơ màng lâng lâng hoặc như bị kiến cắn… đây chỉ là xúc tưởng.
Sự hiểu biết trực tiếp từ năm giác quan đem lại có thể kiểm chứng qua thực tế thuộc về ý thức. Còn những đối tượng nhận thức do tưởng tượng hay định tưởng mà có được gọi là pháp tưởng. Trong kinh Pháp Môn Căn Bản, những hiểu biết qua tư duy, suy xét, thẩm định, phù hợp với chân lý khách quan, có thể cảm nhận trực tiếp bằng các giác quan được gọi là tuệ tri hay thắng tri (những nhận thức của khoa học nằm trong phạm trù này). Ngược lại những hiểu biết do tưởng tượng hoặc định tưởng mà có, không gắn liền với thực tế, không phản ánh đúng chân lý khách quan được gọi là tưởng tri.
Như vậy, có thể phân biệt rõ hơn sự khác nhau giữa tưởng thức và ý thức thông qua hai trạng thái ngủ và thức. Trong lúc ngủ, nếu nằm mộng thì đó là tưởng thức đang hoạt động, và lúc này ý thức tỉnh giác vắng mặt vì năm giác quan cũng trong trạng thái ‘ngủ’. Ngược lại, khi thức giấc và làm việc thì ý thức cũng ‘thức dậy’ và hoạt động; còn tưởng thức sẽ vắng mặt, vì lúc này năm giác quan được vận dụng một cách tỉnh thức.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, đối với những người không biết tu tập chánh niệm - tỉnh giác nhiều khi tưởng thức và ý thức hoạt động xen kẽ với nhau rất khó phân biệt.
Một cô gái tuy ngồi giữa các bạn nhưng cô ta cứ như người ‘mộng du’. Cô có mắt nhìn nhưng đôi khi dường như không thấy ai, có tai nghe nhưng không biết bạn bè đang nói gì. Thực ra những lúc ấy tâm trí cô đang mải mê tương tư về hình bóng của người yêu: cô gái có lúc đã sống trong mộng tưởng.
Một bà mẹ quá nhớ thương người con quá cố, tâm niệm của bà luôn nhớ về người con khiến có lúc bà không còn ý thức được thực tại. Nhiều lần bà ‘thấy’ như người con vẫn còn hiện hữu trong ngôi nhà và đang nói chuyện cùng bà: chính lúc ấy bà mẹ chìm đắm trong tưởng nhớ.
Một nhà điêu khắc đặt trọn tâm tư của mình vào sáng tác bức tượng. Ông say mê đến độ quên cả thế giới hiện thực quanh mình, không biết cả ngoài trời đang mưa hay người qua kẻ lại: người nghệ sĩ đã sống và làm việc bằng trí tưởng tượng của mình.
Một thanh niên vốn ham thích du lịch tâm linh. Một hôm do quá mệt mỏi anh bị ngất xỉu một lúc. Trong khi hôn mê, anh thấy mình ‘bay’ đi khắp nơi, thăm viếng hết di tích nọ đến đền miếu kia, gặp cả thần hoàng lẫn cô tiên mẫu. Sự việc chỉ một mình anh thấy biết, nhưng chúng rõ ràng đến độ khi hồi tỉnh lại anh vẫn còn tin tưởng rằng mình vừa thực hiện một chuyến du hành thật sự.
Nhiều người tuy đang lái xe nhưng lắm lúc điều khiển xe theo phản xạ tự nhiên, còn tâm hồn cứ rong ruổi hồi tưởng về chuyện quá khứ, hoặc lại thích viễn du mơ tưởng đến chuyện tương lai. Ngay lúc ấy, nếu bất ưng nhãn thức nhận ra tín hiệu đèn đỏ giao thông bắt phải dừng lại, nhưng ý thức tỉnh giác không còn thời gian để thắng xe; tai nạn xảy ra là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Nguyên nhân gốc tạo nên các trạng thái tưởng khác nhau chính là do thói quen mà ra. Điều này đã được đức Thế Tôn chỉ rõ: “Và này các Tỳ kheo, thế nào là các tưởng dị thục? Này các Tỳ kheo, Ta tuyên bố rằng các tưởng là kết quả của thói quen, khi nào người ta biết sự vật như thế nào, như thế nào, người ta nói sự vật ấy như sau, như sau: “Như vậy tôi tưởng”. Này các Tỳ kheo, đây gọi là các tưởng dị thục” (TC VI:63, tr.215 = [I.6.63.5]).
Thật vậy, thói quen chính là các thân hành, khẩu hành, ý hành lập đi lập lại nhiều lần. Theo pháp 12 Nhân duyên, các hành nghiệp này duyên sinh nên Thức, trong đó có tiềm thức. Tới lượt mình Thức này tạo nên Danh-Sắc, và vì trong Danh có Tưởng nên Thức cũng là nguồn dinh dưỡng cho Tưởng. Nói khác đi, chính thói quen là nguyên nhân hình thành nên các tưởng dị thục theo các nhân duyên tương ứng (Xem Giải mã hệ thống 12 Nhân Duyên). Bởi thế, dân gian mới có câu “ngày làm sao, chiêm bao làm vậy” cũng nằm trong ý nghĩa này.
Một cô gái hằng ngày cứ hay nhắc tên và nhớ nghĩ đến người yêu của cô, sẽ đến lúc cô ta nằm mơ và gặp được ‘người trong mộng’. Cũng vậy, nhưng giờ đây hàng trăm người cùng có thói quen nhắc tên và nhớ nghĩ đến cùng một thần tượng chung, nếu trong các trạng thái tưởng của họ có sự trùng hợp giống nhau về thần tượng đó, đây là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nhận thức rõ được điều này sẽ giúp người phật tử không bị rơi vào mê tín dị đoan hoặc phân vân giữa các pháp môn tu tập chánh niệm và tà niệm.
Bên cạnh đó, người tu tập Bốn Niệm Xứ cũng cần phân biệt thêm hai loại tưởng, đó là tưởng có hại và tưởng có lợi. Các trạng thái tưởng phát sinh từ thói quen của bản năng thường là các tưởng có hại như dục tưởng, sân tưởng, hại tưởng. Ngược lại các tưởng phát sinh từ thói quen của phương pháp quán tưởng tỉnh giác hay từ Như lý tác ý, đúng thời, đúng đối tượng là các tưởng có lợi như tưởng vô dục, tưởng từ bi, tưởng vô thường…
Biết chủ động dùng các tưởng có lợi để đối trị, đoạn diệt các tưởng có hại cũng nằm trong phương pháp chánh niệm tỉnh giác của Bốn Niệm Xứ. Ví dụ dùng tưởng bất tịnh để diệt tưởng tham dục, dùng tưởng từ bi để diệt tưởng sân… Đương nhiên, muốn những pháp đối trị về tưởng trở thành phản xạ tự nhiên, tất phải có thói quen tu tập!
Cũng trong ý nghĩa này, đức Phật đã bác bỏ những tri kiến sai lầm của các tu sĩ ngoại học về sự sinh diệt của các tăng thượng tưởng, tức các loại tưởng phát sinh trong khi tu tập thiền định gặp phải:
“Này Potthapāda, những Sa-môn, Bà-la-môn nào đã nói: “Không nhân, không duyên, các tưởng của con người sinh và diệt”. Những vị này đã sai lạc ngay từ ban đầu. Vì sao vậy? Này Potthapāda, chính vì có nhân, có duyên, các tưởng của con người sinh và diệt. Chính do sự học tập, một loại tưởng sinh, chính do sự học tập, một loại tưởng diệt”. Và Thế Tôn nói: - Sự học tập ấy là gì?...”
Những ai muốn tìm hiểu cách học tập cho đúng và tri kiến chánh trực về sự sinh diệt của các tăng thượng tưởng tức các trạng thái tưởng phát sinh từ thiền định, hãy đọc kỹ bài kinh Potthapāda (số 9, TrB1 = [So47]) để hiểu rõ hơn.
Trong khoảng thời gian rất ngắn, tâm thức của một người bình thường có thể hoán chuyển giữa hai trạng thái ý thức và tưởng thức một cách rất mau lẹ đến độ khó phân biệt. Chính vì vậy, nếu không hiểu rõ sự khác nhau giữa ý thức và tưởng thức, sẽ dẫn đến những ngộ nhận giữa thế giới thực tại và thế giới của tưởng. Có nhiều khi bị rơi vào tưởng nhưng lại tưởng rằng mình không bị tưởng (cao nhất của các trạng thái này là Phi tưởng phi phi tưởng được các tu sĩ ngoại học xếp vào mức tột cùng của bốn thiền Vô sắc!)
Trong trường hợp tưởng thức hoạt động quá mạnh và liên tục, lấn át cả ý thức tỉnh giác, một người sẽ rơi dần vào sự rối loạn các chức năng tâm thức, từ đó dẫn đến các chứng bệnh về tâm lý hoặc tâm thần. Những căn bệnh về tâm lý, tâm thần và tâm linh có rất nhiều nguyên nhân và biểu hiện khác nhau, nhưng xét riêng về mặt tưởng thức và ý thức, một người tâm thần bị rối loạn các chức năng tâm thức chỉ khác với người không tâm thần ở chỗ, họ không còn khả năng phân biệt giữa thế giới thực tại và thế giới ảo tưởng, không có khả năng từ trạng thái bị tưởng uẩn chi phối trở về với trạng thái của ý thức tỉnh giác khi cần thiết, thân của họ tuy sống giữa đời thường nhưng tâm lại bị đắm chìm trong các trạng thái của tưởng uẩn.
Do vậy, bước đầu để giúp các bệnh nhân tâm thần giảm bớt các trạng thái bị tưởng uẩn chi phối, người chăm sóc nên áp dụng các hoạt động nhằm duy trì sự tỉnh giác của năm giác quan cho người bệnh để giúp họ củng cố ý thức tỉnh giác, đồng thời nên tránh các sinh hoạt kích thích tưởng uẩn.
Theo chiều hướng này, thiết nghĩ, việc áp dụng các ngành nghề hoặc các môn thể thao giúp tăng cường điều khiển các giác quan của người bệnh tưởng sẽ tốt hơn so với các hoạt động kích thích nhiều tưởng uẩn như đóng kịch, vẽ, thơ, ca… Tất nhiên, những lúc người bệnh ra khỏi trạng thái của tưởng và trở về với trạng thái của ý thức, họ cần được tiếp tục giúp đỡ để thoát khỏi những bức xúc, ức chế, ám ảnh về tâm lý. Có vậy những căn bệnh về tưởng uẩn của họ mới có cơ may chữa lành tận gốc.
Trong dân gian, bấy lâu nay nhiều trường hợp về bệnh tưởng đã bị ngộ nhận thành hiện tượng ‘ma nhập’. Vấn đề này có thể giải thích như sau: Khi người bệnh rơi vào trạng thái của tưởng uẩn quá mạnh, họ hoàn toàn không còn ý thức được thực tại và chính bản thân mình, do vậy họ biến thành một ‘người khác’. Chính vì thế, những người xung quanh nghĩ rằng họ đã bị ‘quỷ ma’ trong cõi vô hình chi phối. Nhiều nơi người ta còn dùng cây dâu, gậy vông đánh quất vào người bị ma nhập để đuổi ‘con ma’ xuất đi.
Thật tội nghiệp! Vì thật ra không có ‘con ma’ nào chạy đi, mà chỉ vì người bệnh bị đánh đau, thân thức của họ bị kích thích. Khi thân thức bị kích thích sẽ quy hướng về ý thức và kích thích ý thức khiến người bệnh từ trạng thái bị tưởng uẩn chi phối trở về với trạng thái của ý thức tỉnh giác, cho nên người bệnh tỉnh lại.
Biết được điều này những người chăm sóc người bệnh tưởng cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao người bệnh tưởng bị rơi vào trạng thái tưởng nhằm giúp họ phòng tránh. Khi người bệnh bị tưởng, người nhà nên tìm mọi cách để giúp nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức của người bệnh hoạt động trở lại (lay gọi, thức tỉnh...) nhằm kích thích ý thức tỉnh giác của họ.
Mọi người chỉ nên xem như họ đang bị ngủ mơ vậy thôi, không nên dùng những biện pháp thô bạo đối với người bệnh tưởng khiến gây tổn hại tinh thần hoặc thể xác của họ. Trường hợp người bị mộng du phải cẩn thận hơn, tránh làm họ kinh động khiến họ giật mình, phản ứng nguy hiểm.
Mọi người chỉ nên xem như họ đang bị ngủ mơ vậy thôi, không nên dùng những biện pháp thô bạo đối với người bệnh tưởng khiến gây tổn hại tinh thần hoặc thể xác của họ. Trường hợp người bị mộng du phải cẩn thận hơn, tránh làm họ kinh động khiến họ giật mình, phản ứng nguy hiểm.
Đối với người tu tập thiền định còn cần phải phân biệt rõ một điểm rất quan trọng khác: tưởng thức chính là trạng thái khi ý thức tách rời khỏi năm căn. Một trong những cách khiến cho ý thức tách khỏi năm căn dễ nhất đó là ức chế tâm, tập trung tâm đơn thuần vào một đối tượng nào đó như hơi thở, cơ bụng, ý niệm của tâm… (nhưng không có Chánh niệm Tỉnh giác, không Như lý tác ý). Hầu hết tất cả các phương pháp tu tập thiền định ngoài Chánh niệm - Bốn Niệm Xứ và Chánh định - Tứ thiền đều mắc phải tấm lưới võng nguy hiểm này.
Thật thế, do tâm quá tập trung đơn thuần vào một đối tượng thiền định cho nên ý thức đến một lúc nào đó quên cả sự tỉnh giác nơi các căn, chính lúc này các trạng thái của tưởng sẽ xuất hiện. Nếu cứ tiếp tục duy trì sự nhất tâm trong trạng thái của tưởng uẩn, thiền sinh sẽ đạt được các tầng định của tưởng vô sắc (nhất tâm là định).
Trong Đại Kinh Phương Quảng, ngài Xá-lợi-phất đã cảnh giác về điều này: “ý thức thanh tịnh, không liên hệ đến năm căn, có thể đưa đến Hư không vô biên xứ; hư không là vô biên, có thể đưa đến Thức vô biên xứ; thức là vô biên, có thể đưa đến Vô sở hữu xứ, không có sự vật gì” (TB1, 43 = [Vd.1.12])
Trong Đại Kinh Phương Quảng, ngài Xá-lợi-phất đã cảnh giác về điều này: “ý thức thanh tịnh, không liên hệ đến năm căn, có thể đưa đến Hư không vô biên xứ; hư không là vô biên, có thể đưa đến Thức vô biên xứ; thức là vô biên, có thể đưa đến Vô sở hữu xứ, không có sự vật gì” (TB1, 43 = [Vd.1.12])
Chính đức Thế Tôn cũng đã xác định các tầng thiền vô sắc thuộc về các trạng thái của tưởng. Đương thờ