Sách Phật giáo

Giải mã Kinh Niệm Xứ chặng đường thoát khỏi khổ đau (P.16)

Thứ hai, 23/06/2016 09:35

Thông thường khi tâm chưa gột rửa hết tham dục thì các niệm câu hữu với dục tham sẽ phát khởi trong tâm trở thành những niệm ác, bất thiện. Những tà niệm này rất đa dạng và phức tạp, chúng thể hiện trong các kiết sử và triền cái, hoặc có khi biến thành những tà kiến như xem đời là lạc thú, hoặc cần phải thoả mãn các tham dục kể cả việc sẵn sàng thực hiện tà đạo để đạt được các lạc thú đó, hoặc ngụy biện để phủ nhận sự thật khổ đau cuộc đời từ đó phủ nhận con đường đoạn diệt khổ đau chân chính v.v…

4.5.2 Quán Pháp Bốn Thánh Đế trên các ngoại pháp

Cách quán này để đối trị với những tâm niệm trái với Bốn Chân Lý của bậc Thánh khởi lên trong tâm (các tà niệm trong tâm chứ không phải chủ đích tranh luận với bên ngoài). Thông thường khi tâm chưa gột rửa hết tham dục thì các niệm câu hữu với dục tham sẽ phát khởi trong tâm trở thành những niệm ác, bất thiện.

Những tà niệm này rất đa dạng và phức tạp, chúng thể hiện trong các kiết sử và triền cái, hoặc có khi biến thành những tà kiến như xem đời là lạc thú, hoặc cần phải thoả mãn các tham dục kể cả việc sẵn sàng thực hiện tà đạo để đạt được các lạc thú đó, hoặc ngụy biện để phủ nhận sự thật khổ đau cuộc đời từ đó phủ nhận con đường đoạn diệt khổ đau chân chính v.v…

Những niệm ác, bất thiện còn tuỳ miên hay đã phát khởi sẽ được đoạn trừ dần khi người học Phật quán xét để liễu tri như thật Bốn Thánh Đế. Trong đó cần nhận thức rõ cách quán pháp Tám Chánh Đạo trên các ngoại pháp tám tà đạo như sau:

- Tà kiến là không nhận thức như thật hoặc phủ nhận Bốn Thánh Đế, khiến ác pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm; và tà kiến này phải do Chánh Kiến đoạn trừ.

- Tà tư duy là tư duy theo chiều hướng tham dục, sân hận, hại mình và hại người. Tà tư duy phải do Chánh Tư Duy đoạn trừ.

- Tà ngữ là nói láo, nói hai lưỡi, nói ác ngữ, nói phù phiếm. Tà ngữ phải do Chánh Ngữ đoạn trừ.

- Tà nghiệp là sát sinh, trộm cắp, tà hạnh trong các dục. Tà nghiệp phải do Chánh Nghiệp đoạn trừ.

- Tà mạng là lừa đảo, nói lời mê ly, hiện tướng gian trá, lấy lợi cầu lợi. Tà mạng phải do Chánh Mạng đoạn trừ.

- Tà tinh tấn là nỗ lực trái với xu hướng ngăn ác, diệt ác, sinh thiện, tăng trưởng thiện, và càng tinh tấn theo chiều hướng sai lầm này càng khổ hoặc càng bị tà dục tăng trưởng. Tà tinh tấn phải do Chánh Tinh Tấn đoạn trừ.

- Tà niệm là nhớ nghĩ theo chiều hướng của tham-sân- si khiến các kiết sử tăng trưởng cột trói vào đau khổ, và các triền cái phát triển làm cấu uế tâm, ngăn che trí tuệ không phát triển. Tà niệm phải do Chánh Niệm - Bốn Niệm Xứ tức biết quán thân trên thân, quán thọ trên các thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên các pháp mới đoạn trừ được.

- Tà định là sự nhất tâm thiền định nhưng không dựa trên căn bản của Chánh Tri Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm; là ôm giữ một định tướng để tập trung tâm trong khi tham-sân-si còn đầy đủ; là gom tâm trên một đối tượng thiền định trong khi các kiết sử và triền cái không biết đoạn trừ; là dồn nén, đè ép ức chế tâm không biết đoạn trừ xả ly tham dục, ly các bất thiện pháp để nhập định. Tà định phải do Chánh Định đoạn trừ (Tham khảo Kinh Đoạn Giảm, TB1, 8 = [Sb.1]; Đại Kinh Bốn Mươi, TB3, 117 = [U.36])

Riêng về Chánh Định và tà định cần quán xét thêm để phân định rõ hơn. Như trong bài kinh Golaka Moggallàna còn ghi lại, ngay sau khi đức Thế Tôn vừa mới nhập Niết Bàn không bao lâu, Bà-la-môn Vassakara cũng đã khéo léo xuyên tạc Phật Pháp bằng cách lập lờ rằng chính đức Thế Tôn tán thán tất cả Thiền định.

- “Thưa Tôn giả Ānanda, một thời Tôn giả Gotama ở tại Vesali, Ðại Lâm, ở Kutagarasala (Trùng Các giảng đường). Rồi, thưa Tôn giả Ānanda, tôi đi đến Mahavana (Ðại Lâm), Kutagarasala, đến Tôn giả Gotama. Ở đấy, Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện nói về Thiền định luận. Tôn giả Gotama thật là vị tu Thiền và tánh thiên về Thiền định. Và Tôn giả Gotama tán thán tất cả Thiền định” (TB3, 107 = [So.33])

Nhưng tôn giả Ānanda đã không bị lời ca ngợi giả dối của Bà-la-môn Vassakara đánh lừa, trái lại ngài đã vạch trần sự xuyên tạc nêu trên bằng cách xác định rõ thiền định nào không được Thế Tôn tán thán và thiền định nào được Thế Tôn tán thán:

- “Này Bà-la-môn, Thế Tôn ấy không tán thán tất cả Thiền định, không không tán thán tất cả Thiền định. Và này Bà-la-môn, loại Thiền định nào Thế Tôn ấy không tán thán?

Ở đây, này Bà-la-môn, một số vị sống với tâm thấm nhuần dục tham, bị dục tham chi phối, và không như thật biết sự giải thoát khỏi dục tham đã được khởi lên. Vị ấy lấy dục tham làm đối tượng tối hậu, Thiền tu, Thiền tư, Thiền định, Thiền nhập.

Vị ấy sống với tâm thấm nhuần sân hận, bị sân hận chi phối, và không như thật biết sự giải thoát khỏi sân hận đã được khởi lên. Vị ấy lấy sân hận làm đối tượng tối hậu, Thiền tu, Thiền tư, Thiền định, Thiền nhập.

Vị ấy sống với tâm thấm nhuần hôn trầm thụy miên, bị hôn trầm thụy miên chi phối, và không như thật biết sự giải thoát khỏi hôn trầm thụy miên đã được khởi lên. Vị ấy lấy hôn trầm thụy miên làm đối tượng tối hậu, Thiền tu, Thiền tư, Thiền định, Thiền nhập.

Vị ấy sống với tâm thấm nhuần trạo hối, bị trạo hối chi phối và không như thật biết sự giải thoát khỏi trạo hối đã được khởi lên. Vị ấy lấy trạo hối làm đối tượng tối hậu, Thiền tu, Thiền tư, Thiền định, Thiền nhập.

Vị ấy sống với tâm thấm nhuần nghi hoặc, bị nghi hoặc chi phối và không như thật biết sự giải thoát khỏi nghi hoặc đã được khởi lên. Vị ấy lấy nghi hoặc làm đối tượng tối hậu, Thiền tu, Thiền tư, Thiền định, Thiền nhập. Này Bà-la-môn, Thế Tôn ấy không tán thán loại Thiền định như vậy.
 
Và này Bà-la-môn, loại Thiền định nào Thế Tôn ấy tán thán?

Ở đây, này Bà-la-môn, Tỳ kheo ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh, với tầm với tứ.

Vị ấy diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sinh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm.

Vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba.

Vị ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Bà-la-môn, loại Thiền như vậy, Thế Tôn ấy tán thán” (Sđd)

Theo lời dạy trên, những phương pháp thiền định nào được thực hiện trong khi không biết cách diệt trừ năm triền cái và các bất thiện pháp là loại thiền định không được đức Thế Tôn tán thán. Ngược lại Tứ thiền - Tứ Thánh Định là thiền định được tán thán, vì phương pháp thiền định này được thực thi dựa trên nền tảng thân tâm phải được làm cho thanh tịnh tránh khỏi sự ô nhiễm của các kiết sử, triền cái và lậu hoặc trước; rồi sau đó mới tiến hành định chỉ. Nói cách khác, Chánh Niệm có viên mãn mới dẫn đến Chánh Định được viên mãn.

Do vậy, bất kỳ loại thiền định nào dù được ca ngợi cao siêu đến đâu nhưng không chỉ dạy cho người thực hành theo biết cách đoạn trừ các ác bất thiện pháp này mà lao ngay vào tu thiền là tà thiền, nhập định ngay là tà định, giải thoát liền là tà giải thoát, và trí tuệ đạt được cũng chỉ là tà tuệ mà thôi.

Để hiểu thêm về hai loại thiền định nói trên, người tu thiền hãy thẩm nghiệm ví dụ sau đây.

Giả sử có hai vị tướng quân trấn giữ hai thành trì trong cùng một bối cảnh còn nhiều bất ổn với cả thù trong lẫn giặc ngoài. Trong khi vị tướng quân thứ nhất lờ đi, bỏ qua mọi sự bất ổn và giặc cướp, ông chỉ biết khuyên dân chúng đóng chặt cửa, cố sức ngồi yên trong nhà chú tâm vào một đối tượng nào đó.

Người dân vì quá tập trung vào một đối tượng ưa thích của mình nên tạm thời quên đi lo âu phiền não, hoặc có lúc sinh ra mỏi mệt và ngủ quên, hoặc có khi gặp được mộng tưởng như ý, hoặc khi thức dậy cũng có được đôi chút khoan khoái, thoải mái. Tất nhiên, sau đó người dân ra khỏi nhà thì đâu vẫn hoàn đấy, họ vẫn bị giặc cướp hoành hành.

Ngược lại, vị tướng quân thứ hai lo giữ gìn giới luật tinh nghiêm, đồng thời tích cực tỉnh giác canh phòng ngăn chặn giặc ác chưa khởi lên không cho chúng khởi lên, khi chúng đã khởi lên thì tích cực chánh niệm tiêu trừ dẹp loạn, bằng cách tích cực đào tạo thiện binh và làm hùng mạnh thiện binh đó.

Nhờ vậy, sau một thời gian giặc cướp không còn phá hoại. Đến lúc này vị tướng quân an trú cả thiện binh để dồn sức xây dựng thành trì trong sự thanh bình chân chánh, tạo nên sự an lạc thực sự cho dân chúng về lâu dài.

Thử hỏi, trong hai trường hợp trên, vị tướng quân nào tài trí hơn và khôn ngoan hơn? Sự bình an nơi nào mới thực sự được tán thán và nên thực hiện?

Rõ ràng là vị tướng quân thứ hai và thành trì của ông!

Người tu thiền cũng là một vị tướng quân phải lo trấn giữ và xây dựng thành trì tâm của mình. Sự bất ổn là ví dụ để chỉ những niệm ác bất thiện, phiền não, lậu hoặc trong tâm. Thù trong là năm hạ phần kiết sử. Giặc ngoài là năm triền cái và năm thượng phần kiết sử.

Ví dụ về ‘chú tâm vào một đối tượng’ là tượng trưng cho các phương pháp thiền gom tâm đơn thuần vào các đối tượng thiền định dẫn đến định tưởng. Sự bình an giả tạm trong giấc mộng hoặc khoan khoái sau khi ngủ dậy là các trạng thái của xúc tưởng hỷ lạc do định tưởng mang lại. ‘Ngôi nhà’ là trạng thái thiền định.

Trong khi đó, thiện binh là tượng trưng cho các niệm thiện, pháp thiện thuộc chánh pháp. Tinh tấn ngăn ác, diệt ác, sinh thiện, tăng trưởng thiện là Chánh Tinh Tấn - Bốn Chánh Cần hay còn gọi là ‘Định tư cụ’ (dụng cụ nhập các định, TB1, 44 = [Vd.35]). Sự bình an thật sự sau khi giặc ác không còn để ổn định xây dựng nhà cửa và thành trì là các trạng thái hiện tại lạc trú của Chánh Định - Bốn Thiền Bốn Thánh Định dựa trên cơ sở thành tựu về Chánh Niệm - Bốn Niệm Xứ và các chánh đạo khác (Tham khảo bài kinh Thành Trì, TC VII:63, tập 3, tr.426 = [I.7.63]).

Người tu sĩ đạo Phật có quán xét phân biệt rõ ràng hai con đường thiền định hoàn toàn khác nhau như trên, mới chọn đúng con đường thiền định cho mình, không đi lạc vào tà thiền, tà định.

Trên đây là cách quán pháp Chánh Định trên ngoại pháp Tà định nhằm khắc phục tham ưu do tà định gây ra. Và cách quán này nằm trong phương pháp quán pháp Tám Chánh Đạo trên ngoại pháp Tám tà đạo nhằm khắc phục tham ưu do Tám tà đạo gây ra.

Như vậy quán pháp Bốn Thánh Đế trên nội-ngoại pháp là tu tập quán niệm kết hợp hai phương pháp quán theo nội pháp và ngoại pháp để khắc phục tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà mạng, tà nghiệp, tà tinh tấn, tà niệm, tà định.

Cũng cần nhận thức thêm, Tám Chánh Đạo là đạo lộ của vị đệ tử hữu học. Hơn thế nữa để đạt được địa vị đệ tử vô học - không còn học thêm gì nữa - vị Tỳ-kheo hữu học phải thành tựu thêm hai chi phần là Chánh Trí Tuệ và Chánh Giải Thoát để đoạn diệt hoàn toàn hai bất thiện nghiệp đạo là tà tuệ và tà giải thoát. Trong đó:

- Tà tuệ là tri thức dựa trên nền tảng của tám tà đạo, của tưởng tri, không phản ánh đúng với thực tế khách quan, đem lại đau khổ cho mình và cho người khác, làm ác pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm; thế nhưng nó lại khéo nguỵ biện lươn lẹo khiến cho nhiều người bị lầm tưởng đó là chân chánh. Tà tuệ phải được đoạn trừ hoàn toàn bởi Chánh Trí Tuệ - tức trí tuệ của Minh thực hiện bởi Chánh Định - Bốn Thiền.

- Tà giải thoát là trạng thái ‘giải thoát ảo’ hữu hạn của xúc tưởng hỷ lạc khi đạt được các tầng định của vô sắc và hậu quả mang lại là ‘tưởng tri Niết Bàn là Niết Bàn’. Tà giải thoát cũng là kết quả của tám tà đạo và phải được đoạn trừ bởi Chánh Giải Thoát tức sự giải thoát hoàn toàn, triệt để từ trí tuệ của Minh ‘thắng tri Niết Bàn là Niết Bàn’.

Đến đây, người tu Bốn Niệm Xứ cần nghiên cứu kỹ Đại Kinh Bốn Mươi đã dẫn ở trên để có tri kiến hiểu biết đầy đủ hơn về hai loại chánh đạo: Chánh đạo hữu lậu và chánh đạo thuộc bậc Thánh, cùng hai loại tà đạo: Tà đạo hữu lậu và tà đạo phi Thánh. Chánh đạo có mười chánh đạo hữu lậu và mười chánh đạo bậc Thánh; tà đạo cũng tương tự.

Người học Phật nào phân biệt rõ ràng vững vàng bốn mươi pháp này, chắc chắn sẽ không còn phân vân hoài nghi giữa Phật Pháp với tà pháp, và không thể bị đánh lừa bởi bất kỳ luận thuyết ngụy biện nào:

“Như vậy, này các Tỳ kheo, có hai mươi thiện phần, hai mươi bất thiện phần. Ðại pháp môn Bốn mươi đã được chuyển vận không bị chận đứng lại bởi một Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma, Phạm thiên hay một ai ở đời” (Sđd).

4.5.3 Quán tánh sinh khởi, quán tánh đoạn diệt, quán tánh sinh diệt trên pháp Bốn Thánh Đế

Quán tánh sinh khởi trên pháp Bốn Thánh Đế là quán khổ và nguyên nhân sinh khởi nên khổ đau. Nói cách khác chính là quán hai chân lý đầu ‘Khổ đế’ và ‘Tập đế’.

Quán tánh diệt tận trên pháp Bốn Thánh Đế là quán sự đoạn diệt và phương pháp đoạn diệt khổ đau. Nói cách khác là quán hai chân lý sau ‘Diệt đế’ và ‘Đạo đế’.
 
Quán tánh sinh diệt là quán kết hợp sinh khởi và đoạn diệt đối với bốn Thánh Chân lý - Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

Các cách quán này đã được chi tiết và cụ thể hoá trong tiến trình của hệ thống Nhân Duyên thông qua 12 chi phần cơ bản:

“Và này các Tỳ kheo, thế nào là Thánh đế về Khổ tập?

Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên sắc, danh sắc duyên sáu xứ, sáu xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não. Như vầy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Này các Tỳ kheo, đây gọi là Thánh đế về Khổ tập.

Và này các Tỳ kheo, thế nào là Thánh đế về Khổ diệt?

Do vô minh diệt không có tàn dư, nên các hành diệt. Do hành diệt, nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sinh diệt. Do sinh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não đều diệt. Như vậy là sự đoạn diệt toàn bộ của khổ uẩn này. Này các Tỳ kheo, Ðây gọi là Thánh đế về Khổ diệt” (TC III:61, tr.317 = [I.3.53]).

Nội dung quán pháp 12 Chi phần Nhân duyên đã được giới thiệu trước đây trong phần ‘Giải mã tóm lược hệ thống pháp Nhân Duyên - Thánh lý cứu khổ’. Ở đây, trong mối quan hệ giữa quán pháp Bốn Thánh Đế và các kiết sử thông qua hệ thống 12 chi phần Nhân Duyên, có thể thấy xuất hiện thêm hai kiết sử là Vô minh kiết sử và Ái kiết sử. Như đã được biết, hai kiết sử này cũng có liên quan đến các pháp bên ngoài nên chúng cũng được xem là các thượng phần kiết sử.

Như vậy bằng cách quán tánh sinh khởi, quán tánh đoạn diệt, quán tánh sinh diệt trên Bốn Thánh Đế trong mối liên hệ với pháp Nhân Duyên, người học Phật có thể biết cách đoạn trừ thêm hai thượng phần kiết sử còn lại là Vô minh kiết sử và Ái kiết sử.

“Này Tỳ kheo, chính là không rõ biết Khổ, không rõ biết Khổ tập, không rõ biết Khổ diệt, không rõ biết Con Ðường đưa đến Khổ diệt. Này Tỳ kheo, đấy gọi là vô minh. Cho đến như vậy là đi đến vô minh.

Này Tỳ kheo, chính là rõ biết Khổ, rõ biết Khổ tập, rõ biết Khổ diệt, rõ biết Con Ðường đưa đến Khổ diệt. Này Tỳ kheo, đấy gọi là minh. Cho đến như vậy là đi đến minh” (TƯ5, 429 = [Ve.4.17/18).

“Vô minh và hữu ái, này các Tỳ kheo, những pháp này được gọi là những pháp cần phải đoạn tận với thắng trí” (TC IV:251, tr.288 = [I.4.251]). ‘Thắng trí’ là có trí tuệ khéo thể nhập Thánh lý 12 Chi phần Nhân Duyên.

Nói theo ngôn ngữ Bốn Niệm Xứ, đây là cách Quán pháp 12 Chi phần Nhân Duyên trên nội - ngoại pháp nhằm khắc phục tham ưu do Vô minh kiết sử và Ái kiết sử gây ra (Lưu ý: Pháp Nhân Duyên còn có rất nhiều ý nghĩa khác nữa nên được tách thành một hệ thống riêng biệt)

Đến đây, cũng cần phân biệt thêm sự khác nhau giữa Tà kiến kiết sử và Vô minh kiết sử. Tuy cả hai đều có nghĩa là không nhận thức như thật Bốn Thánh Đế, nhưng chúng khác nhau về mặt hậu quả phát sinh. Trong khi tà kiến tạo ra tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định; thì vô minh tạo nên hành, thức, danh sắc, sáu xứ… Và để đoạn diệt tất cả các chướng ngại đạo này, trước sau, chỉ có Tám Chánh Đạo mà thôi!

Rõ ràng sự phân biệt một cách chi tiết như vậy đã nói lên ý nghĩa của sự phân tích cụ thể mọi di chứng, hậu quả của bệnh tật để từ đó có các phương pháp đối trị thích hợp, trọn vẹn và triệt để của một chánh pháp ‘thiết thực hiện tại, đến để mà thấy, không có thời gian’.

Tóm lại, nếu xét riêng Bốn Niệm Xứ trong mối quan hệ với các kiết sử có thể rút ra nhận thức như sau:

Năm hạ phần kiết sử bao gồm: Thân kiến kiết sử, giới cấm thủ kiết sử, nghi kiết sử, tham kiết sử và sân kiết sử. Năm sợi dây trói cột ‘ta với ta’ vào với đau khổ này được tẩy trừ, đoạn diệt bằng quá trình tu tập quán thân trên thân, quán thọ trên các thọ, quán tâm trên tâm.

Năm thượng phần kiết sử bao gồm: Mạn kiết sử, tà kiến kiết sử, hữu tham kiết sử, vô minh kiết sử và ái kiết sử. Năm thượng phần kiết sử này có liên quan đến người khác, đến các pháp bên ngoài khác nên phức tạp hơn và chúng được tẩy trừ, đoạn diệt bằng quá trình tu tập quán pháp trên các pháp.

Tuy nhiên năm hạ phần kiết sử và năm thượng phần kiết sử có quan hệ mật thiết với nhau như thân kiến kiết sử có liên hệ với sắc thủ uẩn thuộc chấp mạn kiết sử, giới cấm thủ có liên hệ với tà kiến và vô minh kiết sử…

Chính vì thế muốn đoạn diệt các kiết sử này phải tu tập trọn vẹn Bốn Niệm Xứ và các học pháp khác. Điển hình như lời dạy trong các bài kinh số 67 và 70 thuộc Tăng Chi 4, chương 9, Phẩm Niệm Xứ [I.9.67/70]:

- “Này các Tỳ kheo, để đoạn tận năm hạ phần kiết sử này, Bốn Niệm Xứ cần phải tu tập” (Tham khảo thêm lộ trình đoạn diệt năm hạ phần kiết sử trong Đại Kinh Malunkya (TB2, 64) = [U.22]).

- “Này các Tỳ kheo, để đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, cần phải tu tập Bốn Niệm Xứ”.

Tỳ Kheo Pani Giới Pháp
Trích trong Giải mã Kinh Niệm Xứ chặng đường thoát khỏi khổ đau
Còn nữa...

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

loading...