Sách Phật giáo
Giải mã Kinh Niệm Xứ chặng đường thoát khỏi khổ đau (P3)
Thứ hai, 16/05/2016 01:26
Như vậy giới cấm thủ là chấp thủ những giới cấm sai lầm và chúng do ái luyến tà pháp tạo ra. Những ái luyến này cũng do còn bị chi phối bởi cảm thọ dục, và nguyên nhân sâu xa của giới cấm thủ kiết sử cũng vì vô minh, thiếu trí tuệ mà có. Do vậy muốn cắt đứt sợi dây giới cấm thủ phải biết dùng trí tuệ quán sát suy tư để đoạn trừ vô minh trên cơ sở nhận thức rõ mối quan hệ giữa giới luật và các cảm thọ.
II. QUÁN THỌ
Chánh Kinh
Này các Tỳ kheo, như thế nào là Tỳ kheo sống quán thọ trên các thọ? Này các Tỳ kheo, ở đây Tỳ kheo: khi cảm giác lạc thọ, tuệ tri: “Tôi cảm giác lạc thọ”; khi cảm giác khổ thọ, tuệ tri: “Tôi cảm giác khổ thọ”; khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ, tuệ tri: “Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ”.
Hay khi cảm giác lạc thọ thuộc vật chất, tuệ tri: “Tôi cảm giác lạc thọ thuộc vật chất”; hay khi cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất, tuệ tri: “Tôi cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất”.
Hay khi cảm giác khổ thọ thuộc vật chất, tuệ tri: “Tôi cảm giác khổ thọ thuộc vật chất”; hay khi cảm giác khổ thọ không thuộc vật chất, tuệ tri: “Tôi cảm giác khổ thọ không thuộc vật chất”.
Hay khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ thuộc vật chất, tuệ tri: “Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ thuộc vật chất”; hay khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ không thuộc vật chất, tuệ tri: “Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ không thuộc vật chất”.
Như vậy, vị ấy sống quán thọ trên các nội thọ; hay sống quán thọ trên các ngoại thọ; hay sống quán thọ trên các nội thọ, ngoại thọ. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các thọ, hay sống quán tánh diệt tận trên các thọ; hay sống quán tánh sanh diệt trên các thọ.
“Có thọ đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỳ kheo, như vậy Tỳ kheo sống quán thọ trên các thọ.
Giải Trình
2.1 Thế nào là quán thọ trên các thọ?
Để trả lời câu hỏi trên, trước hết cần nhận thức rõ nội dung niệm thọ cũng có hai phần phân biệt, đó là tỉnh giác và chánh niệm.
- Tỉnh giác là phải tỉnh thức biết rõ oai nghi, thân hành mình đang thực hiện và nếu một niệm thuộc về các cảm thọ khởi lên phải giác tri nhận biết ngay. Theo kinh Niệm Xứ, có chín loại thọ cần giác tri phân biệt:
1. thọ lạc,
2. thọ khổ,
3. thọ không khổ không lạc,
4. thọ lạc thuộc vật chất,
5. thọ lạc không thuộc vật chất,
6. thọ khổ thuộc vật chất,
7. thọ khổ không thuộc vật chất,
8. thọ không khổ - không lạc thuộc vật chất
9. thọ không khổ - không lạc không thuộc vật chất.
- Chánh niệm là quán thọ trên các thọ. Đến đây có các câu hỏi đặt ra:
1. Vì sao phải giác tri các cảm thọ?
2. Trong chín loại thọ nêu trên thọ nào là ‘thọ bệnh’ phải đoạn trừ? Thọ nào là ‘thọ thuốc’ cần phải duy trì, tăng trưởng?
3. Quán thọ nào trên các thọ nào?
Với câu hỏi 1 cần liên hệ đến Thánh lý Nhân Duyên để lý giải. Theo lý Duyên khởi, chi phần thọ là duyên cho ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.
Và cũng theo lý duyên diệt: chi phần thọ diệt thì ái diệt, ái diệt - thủ diệt, thủ diệt - hữu diệt, hữu diệt - sanh diệt, sanh diệt - già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não cũng diệt.
Từ đây câu hỏi thứ nhất dễ dàng được trả lời. Thực vậy, do không tỉnh giác tuệ tri được tác hại của các cảm thọ nên dễ bị các cảm thọ chi phối làm duyên cho ái luyến, từ đó tạo ra nhiều khổ đau: được thọ lạc thì mê say, đắm nhiễm, tham ái; khi bị thọ khổ thì đấm ngực khóc than, sầu bi, khát ái thọ lạc. Đúng như Đức Phật đã dạy “Cái gì được cảm thọ, cái ấy nằm trong đau khổ” (TƯ2, 50 = [U.51.32]).
Ngược lại, nhận thức được bản chất của các cảm thọ để tâm không bị chi phối bởi chúng, cũng có nghĩa là sự thấy biết chơn chánh để đoạn trừ khổ đau: “Này các Tỳ kheo, có ba cảm thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này các Tỳ kheo, lạc thọ cần phải được xem như là khổ. Khổ thọ cần phải được xem như là mũi tên. Bất khổ bất lạc thọ cần phải được xem như là vô thường.
Vì rằng này các Tỳ kheo, Tỳ kheo đã xem lạc thọ như là khổ, đã xem khổ thọ như là mũi tên, đã xem bất khổ bất lạc thọ như là vô thường, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo này gọi là bậc Thánh đã chơn chánh thấy, đã chặt đứt ái, đã giải toả kiết sử đã chơn chánh thắng tri mạn, đã đoạn tận khổ đau” (It.47 = [Iti.53]).
Những cảm thọ dẫn đến tái sanh luân hồi đều phát xuất từ vô minh và theo chiều hướng của bản năng nên chúng được gọi là các cảm thọ dục. Và do bị chi phối bởi những cảm thọ dục nên ái luyến phát sanh; từ đó dẫn đến những chấp thủ của khổ đau đó là: dục thủ, giới cấm thủ, kiến thủ và ngã luận thủ.
Đến lượt mình các chấp thủ này làm duyên cho tái sanh trong tương lai “Ví như, này Vaccha, một ngọn lửa cháy đỏ khi nào có nhiên liệu (saupàdàna), không phải không có nhiên liệu. Cũng vậy, này Vaccha, Ta tuyên bố về sanh khởi đối với người có chấp thủ (sanh y), không phải với người không có chấp thủ” (TƯ4, 398 = [Sb.38.9]). Rõ ràng theo quy luật Nhân Duyên, những cảm thọ dục gây ra đau khổ không những cho đời này mà còn cho đời sau, vì thế chúng là những kiết sử nguy hiểm cần phải đoạn trừ.
Cách quán thọ trên các thọ của Bốn Niệm Xứ giúp đoạn trừ những nguy hiểm này và có nhiều ý nghĩa khác nhau. Riêng trong mối quan hệ giữa thọ dục và giới cấm thủ, bài kinh Hạnh Con Chó (TB2, 57 = [So.11]) đã cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa thọ - ái - thủ - khổ đời này và đời sau. Trong bài kinh này tu sĩ Punna Koliyaputta, hành trì hạnh con bò, và lõa thể Seniya, hành trì hạnh con chó; cả hai do ái luyến theo tà pháp của mình nên đều chấp thủ những giới luật không đúng. Cả hai không những phải chịu đựng những cảm thọ khổ đau ngay trong hiện tại, mà còn phải tiếp tục chịu khổ đau trong tương lai do phải tái sanh làm kiếp bò và chó theo đúng hành nghiệp của mình.
Rõ ràng, chấp thủ hành trì những tà giới, ác giới, những giới cấm sai lầm là sợi dây nguy hiểm trói cột con người vào đau khổ đời này và đời sau, vì thế chúng được gọi chung là giới cấm thủ kiết sử.
Như vậy giới cấm thủ là chấp thủ những giới cấm sai lầm và chúng do ái luyến tà pháp tạo ra. Những ái luyến này cũng do còn bị chi phối bởi cảm thọ dục, và nguyên nhân sâu xa của giới cấm thủ kiết sử cũng vì vô minh, thiếu trí tuệ mà có. Do vậy muốn cắt đứt sợi dây giới cấm thủ phải biết dùng trí tuệ quán sát suy tư để đoạn trừ vô minh trên cơ sở nhận thức rõ mối quan hệ giữa giới luật và các cảm thọ.
Khi hành trì theo giới Luật Pātimokkha, các điều luật khác nhau có thể tạo ra nhiều cảm thọ khác nhau tùy theo từng người. Với người này có thể đạt được hiện tại lạc trú, với người khác lại cảm thấy bất như ý; có người lại cảm thấy thọ không khổ - không lạc.
Đương nhiên khi thực hành theo các giới luật sai lầm cũng đều có những cảm thọ tương tự. Vì vậy vấn đề đặt ra là phải biết phân biệt rõ và hiểu được vì sao cảm thọ này là của các giới luật đúng, có lợi, cần phải chấp hành theo; còn các cảm thọ khác là của các giới luật sai, có hại, không nên chấp thủ hành trì.
Quán xét, như lý tư duy kỹ lưỡng những lời dạy sau đây của đức Thế Tôn, người học Phật sẽ trả lời được các câu hỏi nêu trên.
-“Này Upāli, những pháp nào Thầy biết: “Những pháp này không đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết Bàn”, thời này Upāli, Thầy cần phải nhất hướng thọ trì là: “Ðây không phải Pháp, đây không phải Luật, đây không phải lời dạy Thế Tôn”.
Và này Upāli, những pháp nào Thầy biết: “Những pháp này đưa đến nhất hướng, nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết Bàn”, thời này Upāli, Thầy cần phải nhất hướng thọ trì là: “Ðây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy Thế Tôn” (Bài kinh Thông Điệp, TC VII:79, tr.479 = [I.7.79]).
-“Không viên mãn các giới luật, sẽ từ bỏ dục tham, sắc tham, hay vô sắc tham, sự kiện này không xảy ra…Sau khi làm cho viên mãn các giới luật sẽ từ bỏ dục tham, sắc tham, hay vô sắc tham, sự kiện này có xảy ra” (Bài kinh Những Người Bạn, TC VI:67, tr.229 = [I.6.67]) (Sắc tham là tham của cải, tài sản, vật chất…; vô sắc tham là tham danh vọng, quyền lực, đạo vị, cung kính, cõi Thiên; hoặc ái sắc tưởng, hương tưởng, vị tưởng…)
- “Và này các Tỳ kheo, thế nào là sự tinh tấn có kết quả? Ở đây, này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo không để cho tự ngã chưa bị nhiếp phục, bị đau khổ nhiếp phục và không từ bỏ lạc thọ hợp pháp, và không để lạc thọ ấy bị chi phối.
Vị ấy biết như sau: “Trong khi ta tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ này, do chống lại nguyên nhân đau khổ, ta không có tham dục. Nhưng trong khi ta xả đối với nguyên nhân đau khổ này, trong khi tu tập xả, ta không có tham dục” (Kinh Devadaha, TB3, 101 = [U.25.20]).
- “Chớ có hành trì dục lạc, hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích. Và cũng không nên hành trì tự kỷ khổ hạnh, đau khổ, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích. Từ bỏ hai cực đoan ấy, có con đường Trung đạo đã được Như Lai giác ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết Bàn” (Kinh Vô Tránh Phân Biệt, TB3, 139
= [U.46.3]).
Cũng trong chiều hướng trên, đương thời Phật, ngài Ānanda đã được chính đức Thế Tôn tán thán là vị ‘còn là hữu học, nhưng không dễ gì tìm được người có trí tuệ ngang bằng’ khi Tôn giả trả lời câu hỏi của Đức Phật về mục đích của giới cấm, phạm hạnh và sự hầu hạ căn bản:
- “Bạch Thế Tôn, phàm giới cấm, sinh sống Phạm hạnh, sự hầu hạ căn bản nào được áp dụng, khiến pháp không thiện tăng trưởng, pháp thiện đoạn tận, thời giới cấm, sinh sống Phạm hạnh, sự hầu hạ căn bản như vậy không có kết quả.
Và bạch Thế Tôn, phàm giới cấm, sinh sống Phạm hạnh, sự hầu hạ căn bản nào được áp dụng, khiến pháp không thiện đoạn tận, pháp thiện tăng trưởng, thời giới cấm, sinh sống Phạm hạnh, sự hầu hạ căn bản như vậy có kết quả” (TC III:78, tr.407 = [I.3.70]).
Từ những lời dạy trên cần đi đến nhận thức như sau:
- Các giới luật Pātimokkha của đạo Phật cũng theo lý Trung đạo của Tám Chánh Đạo, tức không chủ trương cảm thọ khổ hạnh ép xác và cũng không theo xu hướng cảm thọ dục lạc thế tục. Những giới luật Pātimokkha đều căn cứ trên cảm thọ vô dục hợp pháp nhằm giúp vị Tỳ-kheo ly dục tức là ly khổ, diệt dục tức là diệt khổ cho đời này và đời sau.
Do đó càng thực hành nghiêm chỉnh các giới luật đúng của Đức Phật càng đoạn tận được tham-sân-si, càng khiến cho thiện pháp tăng trưởng, ác pháp suy giảm, càng giúp cho tâm được thanh tịnh và thân được an lạc trong Thánh pháp. Và vì vậy nếu có lúc chúng đem lại thọ khổ, bất như ý cũng phải kiên quyết chấp hành, huống hồ thọ lạc.
Trong khi đó, các giới luật sai lầm do vô minh chi phối nên thường rơi vào một trong hai cực đoan có hại: hoặc chạy theo thoả mãn cho bản năng dục, hoặc phải chịu khổ hạnh ép xác một cách vô lý. Do vậy những giới luật này không đem lại kết quả ly dục, diệt dục đúng pháp, vì thế chúng không giúp đoạn trừ khổ đau một cách cụ thể. Thực hành các giới luật phi pháp này không những không thể đoạn trừ được tham-sân-si, mà còn khiến ác pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm. Cho nên dù những giới luật này có đem lại lạc thọ cũng phải kiên quyết đoạn trừ, huống hồ khổ thọ.
Như vậy những giới cấm đúng giúp giải trừ khổ đau đều theo xu hướng thọ vô dục, có trí tuệ và đi tới giải thoát triệt để. Trái lại những giới cấm sai lầm đều theo xu hướng chịu chi phối bởi thọ dục, vô minh và không giải thoát. Người tu tập Bốn Niệm Xứ biết phân biệt rõ ràng chánh giới và tà giới dựa trên cảm thọ vô dục và cảm thọ dục, từ đây chỉ chấp hành những giới luật đúng của Đức Phật và đoạn trừ không chấp hành các giới luật tà vạy, nhờ vậy mới có thể đoạn dứt được giới cấm thủ kiết sử - sợi dây nguy hiểm trói cột con người vào đau khổ đời này và đời sau.
Để chặt đứt hoàn toàn giới cấm thủ kiết sử, người học Phật cần biết cách quán thọ trên các cảm thọ theo các ý nghĩa nêu trên trong khuôn khổ chín loại thọ đã được giới thiệu. Nói chung, cả chín loại thọ sẽ là ‘thọ bệnh’ khi chúng còn bị chi phối bởi bản năng dục; và các giới cấm tạo ra các cảm thọ này là các giới cấm sai lầm. Ngược lại chín loại cảm thọ cũng có thể là ‘thọ thuốc’ khi chúng theo khuynh hướng vô dục, ly dục, diệt dục và các giới luật Pātimokkha đều theo nguyên tắc này.
Ví dụ: người học Phật quán xét một giới luật nào đó, nếu biết rằng chúng tạo ra thọ lạc thuộc dục, như vậy có thể kết luận ngay chúng là giới phi phạm hạnh và lạc thọ có được là ‘thọ bệnh’. Trong khi đó, có những giới luật tạo ra thọ lạc giúp ly dục (như sơ thiền), như vậy những giới này là chánh giới và lạc thọ có được là ‘thọ thuốc’. Dựa theo đây các loại cảm thọ khác cũng cần được quán xét tương tự.
Tóm lại, biết vận dụng các nhận thức về cảm thọ ‘thuốc’ thay thế các cảm thọ ‘bệnh’ bằng cách ý thức suy tư, quán sát về các cảm thọ vô dục đối với các cảm thọ dục; từ đó nhận biết và thực thi các giới luật đúng, đồng thời kiên quyết đoạn trừ chấp thủ các giới cấm sai lầm, đây chính là nội dung ý nghĩa của phương pháp Quán thọ vô dục trên các cảm thọ dục để khắc phục tham ưu do giới cấm thủ gây ra.
Vị Tỳ-kheo khi tu tập quán thọ trên các cảm thọ phải lần lượt quán xét từng trường hợp cụ thể để có nhận thức phân biệt đầy đủ về các giới luật chính đáng đúng đắn và các loại giới phi phạm hạnh, tà giới, ác giới. Dưới đây là các cách quán tiêu biểu với các câu hỏi gợi ý trong khi thực hành.
1. Quán thọ vô dục trên các thọ lạc thuộc dục: Lạc thọ có được từ nếp sống giới luật ăn ngủ phi thời thoải mái, thỏa mãn cho bản năng, làm tăng trưởng dục hay giúp ly dục? Lạc thọ này hợp pháp hay phi pháp? Đáng sợ hay không đáng sợ? Lợi hay hại cho cá nhân, cho cộng đồng, cho cả hai như thế nào?
Hỷ lạc trong trạng thái của Sơ thiền do ly dục, ly bất thiện pháp là lạc thọ hợp pháp hay phi pháp? Đáng sợ hay không đáng sợ? Nếp sống chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng để hỗ trợ cho hỷ lạc này nên hay không nên thực hành? Có lợi hay hại cho cá nhân, cho cộng đồng, cho cả hai như thế nào?
2. Quán thọ vô dục trên các thọ khổ thuộc dục: Các cảm giác thọ khổ từ giới luật chỉ ngồi chò hỏ không nằm, đứng một chân, phơi trần dưới nắng gió tuyết giá, chặt- châm-chích-đốt hủy hoại thân thể… có nhằm giúp ly dục, diệt dục không? Các thọ khổ này chánh đáng hay không chánh đáng? Có trí tuệ hay không có trí tuệ?
Các khổ thọ phát sanh từ sự nỗ lực thực hành các học pháp, học giới nhằm giúp đoạn trừ năm triền cái làm chướng ngại tâm, làm yếu ớt trí tuệ là chánh đáng hay không chánh đáng? Nên hay không nên thực hiện?
3. Quán thọ vô dục trên các thọ không khổ - không lạc thuộc dục: Cảm giác trung tính có được khi thực hành hạnh liếm tay cho sạch hay đi khất thực không chịu bước tới chỉ bước lui có giúp cho tâm ly dục? Có giúp thiện pháp tăng trưởng, ác pháp suy giảm?
Cảm giác trung tính khi thu thúc các căn trước các pháp gây ô nhiễm có giúp thiện pháp tăng trưởng, ác pháp suy giảm? nên hay không nên thực hiện?
4. Quán thọ vô dục trên các thọ lạc thuộc vật chất: Hỷ lạc phát sinh khi nhận được tiền bạc, vàng ngọc, tài sản… làm tăng trưởng tham dục hay giúp ly tham dục? Hỷ lạc này nguy hiểm như thế nào?
Hỷ lạc có được do hạnh ít muốn, biết đủ với tấm y che thân, che xúc chạm ruồi muỗi; biết đủ với trú xá che mưa nắng, nóng lạnh, với thuốc men khi cần thiết… là hỷ lạc hợp pháp hay phi pháp? Giúp ly tham dục hay tăng trưởng tham dục?
5. Quán thọ vô dục trên các thọ lạc không thuộc vật chất: Hỷ lạc phát sanh từ sự thích thú được nghe nhạc, xem văn nghệ; hoặc do được đạo vị chức tước cao trong giáo hội là đáng sợ hay không đáng sợ? Có hại như thế nào đối với vị tu sĩ tầm cầu giải thoát?
Hỷ lạc phát sanh từ nếp sống độc cư thanh tịnh, không màng đến địa vị, danh vọng là đáng sợ hay không đáng sợ? Có lợi hay không có lợi cho người tu sĩ muốn giải thoát sanh tử? Vì sao?
6. Quán thọ vô dục trên các thọ khổ thuộc vật chất: Những phiền não sanh khởi vì phải lo phát triển, bảo vệ các tài sản kiếm được là thuận duyên hay nghịch duyên cho sự an trú nội tâm của vị tu sĩ? Đáng chấp nhận hay không đáng chấp nhận?
Những thọ khổ phát sanh do kềm thúc năm dục trưởng dưỡng, không để bị dính mắc bởi vật chất bên ngoài là tốt hay không tốt? Đáng chấp nhận hay không đáng chấp nhận? Vì sao?
7. Quán thọ vô dục trên các thọ khổ không thuộc vật chất: Khổ thọ phát sanh từ giới luật phải gào thét thật lớn khi tụng đọc kinh điển suốt hàng tháng trời có giúp ly dục, diệt dục không? Có trí tuệ hay không có trí tuệ? Nên thực hành hay không nên thực hành?
Cảm thọ không được thoải mái (nếu có) phát sanh vì phải giữ gìn những oai nghi tế hạnh của vị Tỳ-kheo khi vào làng hay trong nhà gia chủ có giúp thiện pháp tăng trưởng, ác pháp suy giảm? Có lợi hay không có lợi cho tu sĩ và tăng đoàn?
8. Quán thọ vô dục trên các thọ không khổ - không lạc thuộc vật chất: Cảm thọ trung tính phát sinh do thờ lửa, thiết đàn tế lễ tẩy trần, mỗi đêm phải tắm ba lần để gột sạch tội lỗi… có phù hợp với quy luật nhân quả hay không? Có giúp ly khổ, diệt khổ thiết thực hay không?
Cảm thọ không khổ - không lạc từ việc giữ gìn các giới luật như không cất chứa y dư, đồ ăn phi pháp, không vô cớ phá hoại thảo mộc cây rừng… có làm thiện pháp tăng trưởng, ác pháp suy giảm? Nên hành trì hay không nên hành trì?
9. Quán thọ vô dục trên các thọ không khổ - không lạc không thuộc vật chất: Cảm thọ trung tính có được khi mỗi sáng phải lễ lạy cầu xin bốn phương tám hướng có giúp đoạn trừ tham, sân, si?
Cảm thọ trung tính có được do giữ gìn các giới luật không làm mai mối cưới gả, không làm mậu dịch, thương mãi, không kích bác phỉ báng người khác… có làm thiện pháp tăng trưởng, ác pháp suy giảm? Có giúp đem lại an ổn, đoàn kết cho tăng đoàn?
Nói tóm lại, từ các cách quán thọ trên các thọ nêu trên rút ra kết luận sau: nói chung các điều khoản trong giới bổn Pātimokkha đều mang ý nghĩa làm tăng trưởng thiện pháp, đoạn trừ ác pháp; giúp vị Tỳ-kheo ly dục, diệt dục một cách thiết thực hiện tại, góp phần đem lại giải thoát cho vị Tỳ-kheo và giúp Tăng đoàn cực thiện.
Nói tóm lại, từ các cách quán thọ trên các thọ nêu trên rút ra kết luận sau: nói chung các điều khoản trong giới bổn Pātimokkha đều mang ý nghĩa làm tăng trưởng thiện pháp, đoạn trừ ác pháp; giúp vị Tỳ-kheo ly dục, diệt dục một cách thiết thực hiện tại, góp phần đem lại giải thoát cho vị Tỳ-kheo và giúp Tăng đoàn cực thiện.
Cụ thể hoá các nội dung trên là mười mục đích của sự thiết lập giới bổn đã được đức Thế Tôn tuyên dạy trong bài kinh ‘Upali và Giới Bổn’ (TC X:31, tr.333 = [I.10.31]):
“- Này Upāli, do duyên mười mục đích, các học pháp được thiết lập cho các đệ tử Như Lai và giới bổn Pātimokkha được tuyên đọc. Thế nào là mười?
1. Ðể Tăng chúng được cực thiện,
2. để Tăng chúng được an ổn,
3. để chận đứng các người cứng đầu,
4. để các thiện Tỳ kheo được sống an ổn,
5. để chế ngự các lậu hoặc ngay trong hiện tại,
6. để chận đứng các lậu hoặc trong tương lai,
7. để đem lại tịnh tín cho những người không tin,
8. để làm tịnh tín tăng trưởng cho những người có lòng tin,
9. để Diệu Pháp được tồn tại,
10. để Luật được chấp nhận”
Các giới luật Pātimokkha giúp cho người thực hiện cùng Tăng chúng được yên vui, an lạc ngay trong hiện tại. Không những thế, vị Tỳ-kheo gìn giữ giới luật Pātimokkha được thanh tịnh cũng là một công dân tốt của đất nước, là một thành viên lương thiện của xã hội. Hơn nữa, vị Tỳ- kheo khi thực hiện thanh tịnh giới luật của Phật sẽ đạt được những lợi ích thiết thực cho mình, từ đó mới có được những nhận thức đúng đắn về các giới luật chân chính như một phương tiện hữu hiệu mang lại lợi ích cho người khác.
Chính vì vậy, một vị Tỳ-kheo hiền trí phải có ý thức giữ gìn phạm hạnh của mình để nêu gương cho những người theo sau, đồng thời góp phần giúp duy trì Diệu Pháp được tồn tại lâu dài. Đây mới chính là ý nghĩa của tự lợi - lợi tha của một giáo pháp thiết thực cụ thể.
Trong bài kinh Trở Về Già, Tôn giả Đại Ca Diếp đã trình bày rõ hai lợi ích song hành từ giới hạnh đầu đà của Ngài:
“- Bạch Thế Tôn, con thấy có hai lợi ích nên đã lâu ngày con sống ở rừng và tán thán hạnh ở rừng... con đi khất thực... con mang y phấn tảo... con mang ba y... con thiểu dục... con tri túc... con sống viễn ly... con sống không giao thiệp... con sống tinh cần và tán thán hạnh sống tinh cần.
Con thấy tự mình được hiện tại an lạc trú và vì lòng từ mẫn đối với chúng sinh sắp đến, mong rằng các chúng sinh sắp đến sẽ bắt chước (ditthanugatim): “Ðối với các đệ tử Phật và tùy Phật (Buddhānubuddhasāvakā), mong họ trong một thời gian dài trở thành những vị sống ở rừng và tán thán hạnh ở rừng... những vị đi khất thực... những vị mang y phấn tảo... những vị mang ba y... những vị thiểu dục... những vị tri túc... những vị viễn ly... những vị không giao thiệp... những vị tinh cần và tán thán hạnh tinh cần... họ sẽ thực hành như vậy, và như vậy trong một thời gian dài họ sống hạnh phúc an lạc” (TƯ2, 202 = [Su.35.5])
Sau đó, chính đức Thế Tôn đã tán thán ngài Đại Ca Diếp: “- Lành thay, lành thay, Kassapa! Thật vì hạnh phúc cho quần sanh, này Kassapa, Ông đã thực hành như vậy, vì an lạc cho quần sanh, vì lòng từ mẫn với đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Do vậy, này Kassapa, hãy mang vải gai thô, phấn tảo đáng được quăng bỏ. Hãy sống khất thực và trú ở trong rừng!” (Sđd)
Nhờ nếp sống nghiêm tịnh giới hạnh đầu đà ly mọi tham dục nên Thánh tăng Đại Ca Diếp đã hưởng thụ được sự giải thoát hiện tại lạc trú, như vậy Ngài đã biết tự độ cho mình. Đồng thời khi Ngài thực hành giữ gìn Phạm hạnh để nêu gương tốt cho người khác noi theo để từ đó họ từng bước đi tới giải thoát, điều này có nghĩa Ngài Đại Ca Diếp đã thực hiện hạnh độ tha cao cả của một Bậc A- la-hán.
Cũng vậy, vị Tỳ-kheo biết giữ gìn giới luật thanh tịnh không những vì lợi ích cho bản thân mình, vì bảo vệ cho thanh danh cá nhân mà còn bảo vệ lợi ích cho sự hưng thịnh của Tăng đoàn, cho thanh danh của Tăng đoàn; và nêu gương tốt cho thế hệ theo sau. Vị Tỳ-kheo biết giữ gìn thanh tịnh giới luật là người biết từ bi với mình và từ bi với các chúng sinh khác. Người biết giữ gìn giới hạnh là người có trí tuệ, người có trí tuệ là người biết giữ gìn giới hạnh.
Chính đức Thế Tôn đã xác chứng cho Bà-la-môn Sonadanda như sau: “- Thật như vậy, này Bà-la-môn. Này Bà-la-môn, trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh, giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh. Chỗ nào có giới hạnh, chỗ ấy có trí tuệ; chỗ nào có trí tuệ, chỗ ấy có giới hạnh. Người có giới hạnh nhất định có trí tuệ; người có trí tuệ nhất định có giới hạnh. Giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời” (Kinh Sonadanda, số 4, TrB1 = [So.42.22])
Do vậy, các đệ tử Phật cần phải luôn ghi nhớ một điều quan trọng: Giới hạnh là Từ Bi, Từ Bi là Giới hạnh; Giới hạnh là Trí tuệ, Trí tuệ là Giới hạnh.
Đến đây cần xác định rõ thêm về khái niệm ‘đầu đà’ trong đạo Phật. Như đã nói ở trên, đạo Phật không chủ trương khổ hạnh ép xác hoặc hủy hoại thân thể, và cũng không chủ trương dục lạc thế tục. Trước sau như một, đạo Phật là con đường trung đạo theo Tám Chánh Đạo.
Chính vì thế, dù sanh tử luân hồi có rất nhiều khổ đau và để chấm dứt luân hồi có phải chịu khổ hạnh cũng nên tiến hành, thế nhưng các phương pháp để đạt tới giải thoát khổ đau của đạo Phật dựa trên hỷ và lạc của trí tuệ vô dục, chứ không phải bằng khổ và ưu của bản năng vô minh. Đây mới thực sự là giá trị cao quý của một Chánh Pháp cao thượng.
“Ví như, này các Tỳ kheo, một người tuổi thọ đến một trăm năm, mạng sống đến một trăm năm. Có người đến nói với người ấy: “Này Ông, vào buổi sáng, Ông sẽ bị đâm một trăm cây thương. Vào buổi trưa, Ông sẽ bị đâm một trăm cây thương. Vào buổi chiều, Ông sẽ bị đâm một trăm cây thương.
Này Ông, như vậy mỗi ngày Ông bị đâm ba trăm cây thương, với tuổi thọ đến một trăm năm, với mạng sống đến một trăm năm. Sau một trăm năm, Ông sẽ được giác ngộ bốn Thánh đế trước kia chưa được giác ngộ”. Này các Tỳ kheo, một thiện nam tử hiểu biết nghĩa lý (atthavasikena) có thể chấp nhận chăng? Vì sao?
Vô thỉ, này các Tỳ kheo, là sự luân chuyển, khởi điểm không thể nêu rõ, đối với (những đau khổ) do bị thương đâm, do bị kiếm chém, do bị búa chặt. Dầu vậy đi chăng nữa, này các Tỳ kheo, Ta cũng không tuyên bố rằng nhờ khổ và ưu mà bốn Thánh đế được chứng ngộ.
Nhưng này các Tỳ kheo, Ta tuyên bố rằng nhờ lạc và hỷ mà bốn Thánh đế được chứng ngộ” (TƯ 5, 440 = [Ve.4.34])
Nói tóm lại, tất cả các điều khoản trong giới luật Pātimokkha đều tuân theo nguyên tắc trung đạo, và đều giúp cho người thực hiện ly dục là ly khổ, đoạn trừ dục là đoạn trừ khổ, làm thiện pháp tăng trưởng, ác pháp suy giảm; đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho bản thân vị Tỳ- kheo, cho Tăng đoàn và cho xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phải kể thêm có một vài giới luật Pātimokkha khi thực hiện không có ý nghĩa trực tiếp của sự vô dục mà chỉ nhằm tạo nên sự thống nhất trong Tăng đoàn (như luật về kích cỡ của y, về mặc y…), hoặc để tạo tăng tướng cho vị Tỳ-kheo phù hợp với thuần phong mỹ tục (như giới không đứng tiểu, không ngồi bó gối…) vì vậy các giới luật này cũng nên được thực hành nghiêm túc, không nên tự ý từ bỏ.
Đến đây người Tu sĩ đệ tử Phật hãy vận dụng ý nghĩa quán thọ trên các thọ và thảo luận cùng nhau để giải nghi một vấn đề có liên quan đến giới luật như sau:
Nguyên trong bài kinh Đại Bát Niết Bàn, trước lúc nhập diệt đức Thế Tôn đã di giáo: “Này Ānanda, nếu chúng Tăng muốn, sau khi Ta diệt độ có thể hủy bỏ những học giới nhỏ nhặt chi tiết” (TrB1, 16 = [Ab.7.186]).
Câu hỏi thảo luận:
- Những học giới nào là &lsquo