Sách Phật giáo
Giải mã Kinh Niệm Xứ chặng đường thoát khỏi khổ đau (P.7)
Thứ hai, 07/06/2016 08:58
Khi tâm phóng dật không có định thì phải tỉnh giác tuệ tri rõ ngay để hướng tâm trở về trạng thái tâm có định thích ứng. Thực hiện được như vậy gọi là quán tâm có định trên tâm không có định nhằm khắc phục tham ưu do không nhất tâm gây ra.
3.7 Quán tâm có định trên tâm không có định
Muốn hiểu thế nào là tâm có định và tâm không định, trước hết cần phải hiểu ‘định’ là gì. Trong Tiểu Kinh Phương Quảng (TB1, 44 = [Vd.35]) đã định nghĩa rõ: ‘Định là sự nhất tâm’. Như vậy ‘thiền’ là quá trình thực hiện sự tập trung tâm, giữ tâm, duy trì tâm trên một đối tượng; và ‘định’ là trạng thái vững trú có được do tâm không dao động khỏi đối tượng đó. ‘Tâm không định’ là tâm không duy trì trên một đối tượng thiền định, và ngược lại ‘tâm có định’ là nhất tâm trên đối tượng thiền định.
Tuy nhiên trong kinh điển Nikāya có rất nhiều khái niệm thuộc về định được nói đến. Người tu sĩ đạo Phật phải biết phân biệt rõ các khái niệm như: Chánh định, Tà định, Định uẩn, Thánh định uẩn, Cận định, Định tưởng, Định tướng, Định tư cụ, Định tu tập, Định tư lương, Định căn, Định lực, Định như ý túc, Định giác chi, “Không” định, Vô nguyện định, Vô tướng tâm định, Vô gián định, Bất động tâm định, Định hữu sắc, Định vô sắc, Định nhất hướng, Định nhị hướng, Định có hỷ, Định không hỷ, Định câu hữu với xả, Tâm định trên thân, Thân định trên tâm, Định của sơ thiền, Định của nhị thiền, Định của tam thiền, Định của tứ thiền, Hư không vô biên xứ định, Thức vô biên xứ định, Vô sở hữu xứ định, Phi tưởng phi phi tưởng xứ định, Diệt thọ tưởng định…
Những lời dạy của đức Thế Tôn và các Thánh A-la- hán trong kinh điển Nguyên thuỷ đều có liên hệ và giải thích rõ các định nêu trên, người học Phật cần nghiên cứu kỹ tạng kinh này để hiểu được hệ thống giáo pháp của đức Phật nói chung và thiền định nói riêng.
Đến đây, một câu hỏi cần được nêu ra: Trong quá trình tu tập Bốn Niệm Xứ, quán tâm có định và tâm không có định là quán các định nào trong các định nêu trên?
Để trả lời câu hỏi này, người học Phật cần phải biết thêm về ba loại định khác nữa: Định có tầm có tứ, Định không tầm có tứ và Định không tầm không tứ. Muốn phân biệt các định này trước hết phải hiểu khái niệm tầm và tứ.
- Tầm là suy tầm, tầm tư, tầm cầu, quán tầm. Có hai loại tầm: tầm thiện (tầm ly dục, tầm không sân, tầm không hại); và tầm ác, bất thiện (dục tầm, sân tầm, hại tầm) (Xem Kinh Song Tầm, TB1, 19 = [U.12], và Kinh Đại Không, TB3, 122 = [Sb.23]).
- Tứ là tư duy, tư sát, suy tư. Có hai loại tư duy là tà tư duy (tư duy dục, sân, hại mình và đối tượng khác) và chánh tư duy (tư duy không dục, không sân, không hại mình và đối tượng khác). Ngoài ra, trong một số trường hợp, tứ còn có nghĩa là tác ý. Có hai loại tác ý: Như lý tác ý và Phi như lý tác ý.
Như Lý Tác Ý là khởi tâm tác ý theo đúng hướng chánh lý của chánh pháp và được lập đi lập lại một cách thích đáng, giúp đem lại giải thoát khổ đau. Phi như lý tác ý là tác ý không theo đúng hướng chánh lý của chánh pháp, mang lại khổ đau.
Trong giai đoạn đầu tu tập, tâm vẫn còn có các tầm và tứ ác bất thiện (nói gọn là niệm ác) khởi lên; chúng là những kiết sử trói cột con người vào những phiền não đau khổ cho đời này và đời sau. Khi tâm còn bị những niệm ác này chi phối thì không thể nhập được Chánh định của đạo Phật. Do vậy đoạn diệt các niệm ác để tâm thanh tịnh là yêu cầu thiết yếu đầu tiên.
Muốn đoạn diệt các niệm ác không có một cách nào khác là phải dùng niệm thiện (tầm, tứ thiện) tương ứng để diệt niệm ác theo nguyên tắc: quán tầm thiện để diệt tầm ác, quán tứ thiện để diệt tứ ác. Ví dụ quán tâm vô tham để diệt tâm tham, quán tâm vô sân để diệt tâm sân, tác ý tâm vô si để diệt tâm si v..v…
Như vậy chánh niệm có thể hiểu một cách đơn giản là quán niệm thiện trên niệm ác để khắc phục tham ưu do phiền não lậu hoặc gây ra, hay nói cách khác chánh niệm là sự ghi nhớ dùng niệm thiện (tầm tứ thiện) để đoạn trừ niệm ác (tầm tứ ác). Nhất tâm trong trạng thái như vậy được gọi là Định có tầm, có tứ. Đây là giai đoạn rất quan trọng, có tính quyết định cho sự tu tập theo đúng chánh pháp và cũng là sự phân định rõ rệt giữa Chánh định và Tà định, Định hữu sắc và Định vô sắc, Định niệm và Định tưởng.
Chính vì thế, trong kinh tạng Nikāya có rất nhiều những lời dạy của đức Thế Tôn liên hệ đến Định có tầm, có tứ theo nguyên tắc căn bản của phương pháp dùng niệm thiện đối trị niệm bất thiện như đã được trích dẫn trong phần quán thân.
Chính vì thế, trong kinh tạng Nikāya có rất nhiều những lời dạy của đức Thế Tôn liên hệ đến Định có tầm, có tứ theo nguyên tắc căn bản của phương pháp dùng niệm thiện đối trị niệm bất thiện như đã được trích dẫn trong phần quán thân.
- Bên cạnh đó, như lý tư duy bài Kinh Song Tầm (TB1, 19 = [U.12]), người học Phật còn rút ra được một nhận thức quan trọng khác nữa về Định có tầm có tứ.
“Chư Tỳ kheo, trước khi Ta giác ngộ, khi chưa thành Chánh Giác và còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: “Ta sống suy tư và chia hai suy tầm”. Chư Tỳ kheo, phàm có dục tầm nào, sân tầm nào, hại tầm nào, Ta phân thành phần thứ nhất; phàm có ly dục tầm nào, vô sân tầm nào, vô hại tầm nào, Ta phân thành phần thứ hai.
Chư Tỳ kheo, rồi Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Khi dục tầm khởi lên, Ta tuệ tri: “Dục tầm này khởi lên nơi Ta, và dục tầm này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết Bàn”. Chư Tỳ kheo, khi Ta suy tư: “Dục tầm này đưa đến tự hại”, dục tầm được biến mất, Chư Tỳ kheo, khi Ta suy tư: “Dục tầm đưa đến hại người”, dục tầm được biến mất. Chư Tỳ kheo, khi Ta suy tư: “Dục tầm đưa đến hại cả hai”, dục tầm được biến mất. Chư Tỳ kheo, khi Ta suy tư: “Dục tầm diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết Bàn”, dục tầm được biến mất. Chư Tỳ kheo, như vậy Ta tiếp tục trừ bỏ, xả ly và đoạn tận dục tầm.
…Chư Tỳ kheo, Tỳ kheo suy tư, quán sát nhiều vấn đề gì, thời tâm sinh khuynh hướng đối với vấn đề ấy. Chư Tỳ kheo, nếu Tỳ kheo suy tư, quán sát nhiều về dục tầm, vị ấy từ bỏ ly dục tầm. Khi tâm đã nặng về dục tầm, thời tâm vị ấy có khuynh hướng về dục tầm. Chư Tỳ kheo, nếu Tỳ kheo suy tư quán sát nhiều về sân tầm... (như trên)... về hại tầm, vị ấy từ bỏ vô hại tầm. Khi tâm đã đặt nặng về hại tầm thời tâm vị ấy có khuynh hướng về hại tầm.
Như vậy suy tư, quán sát nhiều về các niệm thiện như niệm vô dục, vô sân, vô hại thì tâm sinh khuynh hướng đối với các thiện pháp, điều này cũng có nghĩa giúp từ bỏ, xả ly và đoạn tận các ác pháp thuộc dục, sân và có hại. Quá trình này cũng giống như một hồ nước có các vòi nước trong sạch luôn chảy vào, nhờ vậy sẽ giúp cho hồ nước tẩy rửa dần chất dơ và trở nên trong sạch hơn.
Trong thời Phật, các Tỳ kheo phải học thuộc lòng kinh điển, phương pháp này không những giúp duy trì lời Phật dạy một cách chính xác mà đây còn là cách thức dùng thiện pháp để tẩy rửa các niệm ác, bất thiện trong tâm của người thọ trì.
Riêng đối với các sadi và giới tử, việc hàng ngày phải tụng đọc và học thuộc lòng Kinh Pháp Cú, Tiểu Tụng… (các kinh trong Tiểu Bộ 1) là một truyền thống tốt đẹp, rất lợi ích, cần được tiếp tục duy trì.
Ngoài ra, đối với người tu sĩ ghi nhớ nhiều lời dạy của đức Thế Tôn và tu tập thuần thục sẽ có được một kết quả rất thiết thực, đó là khi một ý niệm bất thiện vừa phát khởi thì tự động tâm sẽ nhớ những lời dạy của đức Phật tương ưng với hoàn cảnh đó để nhắc nhở và giúp vị tu sĩ vượt qua.
Hơn thế nữa, ghi nhớ đầy đủ lời Phật dạy chính là làm cho Niệm Giác Chi được sung mãn. Có Niệm Giác Chi sung mãn mới giúp phân biệt rõ pháp Phật và không phải pháp Phật. Biết phân biệt rõ pháp trắng - pháp đen, pháp thắng - pháp liệt từ đó mới đi đúng đường, không bị sai đường nên được gọi là Trạch Pháp Giác Chi. Niệm Giác Chi và Trạch Pháp Giác Chi là hai chi phần quan trọng đầu tiên trong Bảy Giác Chi giúp giác ngộ giải thoát. Chính vì lẽ này, “nghe nhiều” chánh pháp là một phẩm hạnh được nhắc đến rất nhiều lần trong kinh tạng Nikāya.
Tóm lại Định có tầm - có tứ bao gồm hai nội dung song hành:
(1) Khi có một niệm ác bất thiện phát khởi trong tâm thì ngay đó nhất tâm trong trạng thái dùng một tầm tứ thiện tương ưng để diệt trừ tầm tứ ác, bất thiện đó (Giống như đau đâu trị đó).
(2) Cũng có nghĩa là trạng thái nhất tâm ghi nhớ, quán sát các tầm tứ thiện để tẩy rửa dần các tầm tứ ác còn tuỳ miên ngủ ngầm trong tâm (Giống như phòng trị bệnh)
Quá trình tu tập Định có tầm - có tứ được viên mãn cũng chính là quá trình làm viên mãn Sơ thiền. Bởi lẽ, khi các niệm ác được thanh lọc dần, giờ đây tâm càng lúc càng nhiều những tầm thiện và các tứ thiện, điều này cũng có nghĩa tâm trong quá trình ly dục (mới ly chứ chưa diệt). Đây cũng chính là trạng thái của Sơ thiền cùng với những chi phần được đức Thế Tôn nói đến trong quá trình tu tập tiêu biểu của ngài Xá-lợi-phất:
“Ở đây, này các Tỳ kheo, Sārīputta ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú sơ Thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh, có tầm, có tứ. Và những pháp thuộc về Thiền thứ nhất như tầm, tứ, hỷ, lạc, nhứt tâm; và xúc, thọ, tưởng, tư, tâm, dục, thắng giải, tinh tấn, niệm, xả, tác ý; các pháp ấy được an trú bất đoạn. Các pháp ấy được Sārīputta biết đến khi chúng khởi lên, được Sārīputta biết đến khi an trú, được Sārīputta biết đến khi đoạn diệt.
Sārīputta biết rõ như sau: “Như vậy các pháp ấy trước không có nơi ta, nay có hiện hữu, sau khi hiện hữu, chúng đoạn diệt”. Sārīputta đối với những pháp ấy, cảm thấy không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy, an trú với tâm không có hạn chế. Sārīputta biết: “Còn có sự giải thoát hơn thế nữa. Ðối với Sārīputta, còn có nhiều việc phải làm hơn nữa” (Kinh Bất đoạn, TB3,111 = [U.30.4]).
[Chú thích: tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm thuộc về thiền Chỉ (với ý nghĩa tịnh chỉ tầm ác, tứ ác); còn xúc, thọ, tưởng, tư, tâm, dục (như ý túc), thắng giải, tinh tấn, niệm, xả, tác ý thuộc về thiền Quán. Các tầng thiền khác cũng có hai phần Chỉ và Quán cần phân biệt. Đây là thêm một minh chứng nữa của phương pháp Chỉ - Quán gắn liền nhau của Chánh thiền định]
Theo lời dạy kế tiếp của đoạn kinh trên, việc phải làm hơn nữa chính là chứng và trú Nhị thiền, bởi lẽ cho dù tâm có được sung mãn tầm - tứ thiện đi nữa nhưng đến giai đoạn thiền định sâu hơn chúng lại trở thành “cây gai” làm động tâm. Vì thế khi đã vững trú trong trạng thái Sơ thiền, người tu phải tiếp tục thực hành các bước cao hơn, phải tiến tới an trú các tầm - tứ thiện này với các phương pháp thích nghi (xem Kinh An Trú Tầm, TB1, 20 = [U.13]) cùng các câu tác ý thích đáng (Như Lý Tác Ý).
Trong bài kinh Samanamandikà, đức Thế Tôn đã dạy rõ về điều này: “Và này Thợ mộc, những bất thiện tư duy này từ đâu được trừ diệt, không có dư tàn? Sự trừ diệt của chúng cũng được nói đến. Ở đây, này Thợ mộc, vị Tỳ kheo ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh, với tầm, với tứ. Ở đây, những bất thiện tư duy được trừ diệt, không có dư tàn.
... Và này Thợ mộc, những thiện tư duy này từ đâu được diệt, không có dư tàn? Sự trừ diệt của chúng cũng được nói đến. Ở đây, này Thợ mộc, vị Tỳ kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sinh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Ở đây, những thiện tư duy ấy được trừ diệt không có dư tàn.” (TB2, 78 = [So.20.15])
Để thực hiện được quá trình chuyển tiếp từ Sơ thiền lên Nhị thiền một cách không gián đoạn, bước đầu vẫn cần phải giữ tứ - tác ý, vì Như lý tác ý là thức ăn cho Chánh niệm - Tỉnh giác và giúp duy trì được sự nhất tâm tốt. Hai trích đoạn kinh dưới đây là những minh chứng:
- “Này các Tỳ kheo, chánh niệm tỉnh giác có thức ăn, không phải không có thức ăn. Cái gì là thức ăn cho chánh niệm tỉnh giác? Như lý tác ý, cần phải trả lời như vậy.” (bài kinh Vô minh, TC4, C10, số 61 = [I.10.61])
- “Rồi này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau: “Không tác ý khởi lên nơi Ta. Vì không có tác ý, nên định bị biến diệt nơi Ta; khi định bị biến diệt, hào quang biến mất cùng với sự hiện khởi các sắc pháp. Vậy Ta phải làm như thế nào để nghi hoặc và không tác ý không khởi lên nơi Ta nữa” (Kinh Tùy Phiền Não, số 128, TB3, 128 = [Sb.26.24])
Như vậy, điều này có nghĩa nhất tâm trong trạng thái an trú không để cho các tầm sinh khởi bằng các câu Như lý tác ý chính là thực hiện Định không tầm - có tứ. Pháp môn Định niệm hơi thở là tiêu biểu cho loại định này. Vì vậy trong phần quán thân của Bốn Niệm Xứ có phần đầu của Định niệm hơi thở chính là để chuẩn bị cho giai đoạn kế tiếp này.
Đoạn kinh trích dẫn lời Phật sau đây cho thêm một minh chứng cụ thể: “Này Tỳ kheo, khi nào định này của Thầy được tu tập, được làm cho sung mãn như vậy, khi ấy, này Tỳ kheo, Thầy cần phải tu tập định này với tầm với tứ; cần phải tu tập không tầm, chỉ với tứ; cần phải tu tập không tầm không tứ; cần phải tu tập có hỷ, cần phải tu tập không hỷ; cần phải tu tập câu hữu với lạc; cần phải tu tập câu hữu với xả...” (Bài kinh Pháp Lược Thuyết, số 63, TC3, C8, VII. Phẩm Đất Rung Động = [I.8.63])
Như vậy Định không tầm - có tứ chính là giai đoạn chuyển tiếp giữa Sơ thiền và Nhị thiền, vì giai đoạn kế tiếp của Định không tầm - có tứ là Định không tầm - không tứ, đây cũng là trạng thái của Thiền thứ hai: “Lại nữa, này các Tỳ kheo, Sārīputta diệt tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sinh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhứt tâm” (Kinh Bất đoạn, TB3, 111 = [U.30.5]).
Đến đây có thể hiểu thêm: Định có tầm - có tứ và Định không tầm - có tứ là cận định, còn Định không tầm - không tứ mới là định thực sự và đây cũng là các trạng thái từ Nhị thiền trở lên.
Tuy nhiên cần ghi nhớ thêm, nói theo kinh Pháp Môn Căn Bản, những hiểu biết về các cấp độ thiền nêu trên mới chỉ là ‘tưởng tri bốn Thiền là bốn Thiền’ (vì mới chỉ biết trên giấy trắng mực đen), chứ không phải là ‘tuệ tri bốn Thiền là bốn Thiền’ của vị Tỳ-kheo hữu học có thực tu thực hành, càng không phải là ‘thắng tri bốn Thiền là bốn Thiền’ của vị A-la-hán. Người học Phật hiểu điều này để không nên chủ quan hay kiêu mạn vì những nhận thức cơ bản về thiền.
Một điểm nữa cần phải đặc biệt lưu ý, đó là các bước tu tập phải tuần tự, mọi sự nóng vội đốt giai đoạn đều sẽ dẫn đến những thất bại nguy hại do ‘tưởng tri bốn Thiền là bốn Thiền’. Người học Phật phải nhớ kỹ lời khuyến cáo của đức Thế Tôn trong bài kinh Con Bò Cái (TC IX:35, tr.167-173 = [I.9.35]):
“Ví như, này các Tỳ kheo, một con bò cái sống ở rừng núi, ngu si, không thông minh, không biết đồng ruộng, không thiện xảo đi đến các núi non hiểm trở. Nó suy nghĩ: “Ta hãy đi đến phương hướng trước kia chưa đi, ta hãy ăn cỏ trước kia chưa được ăn, ta sẽ uống nước trước kia chưa được uống”, và con bò cái ấy đã giơ chân sau lên, trước khi nó khéo đặt một cách tốt đẹp bàn chân trước, và nó không có thể đi đến phương hướng trước kia chưa đi, không có thể ăn cỏ trước kia chưa được ăn, và không có thể uống nước trước kia chưa được uống.
Tại chỗ mà trước kia nó đặt chân, nó nghĩ: “Ta hãy đi đến phương hướng trước kia chưa đi, ta hãy ăn cỏ trước kia chưa ăn, ta sẽ uống nước trước kia chưa uống”, nó không có thể trở lui chỗ ấy một cách an toàn. Vì sao? Ở đây, này các Tỳ kheo, vì con bò cái ấy sống ở rừng núi, ngu si, không thông minh, không biết chỗ đồng ruộng, không thiện xảo đi đến các núi non hiểm trở.
Cũng vậy, này các Tỳ kheo, ở đây có một số Tỳ kheo ngu si, không thông minh, không biết chỗ đồng ruộng, không thiện xảo, ly dục, ly ác pháp... chứng và trú Thiền thứ nhất. Vị ấy không thực hành, không tu tập tướng ấy không làm cho sung mãn, không trú một cách khéo trú, vị ấy lại suy nghĩ: “Ta hãy diệt tầm và tứ... chứng và trú Thiền thứ hai”. Vị ấy không có thể diệt các tầm và tứ... không có thể chứng và trú Thiền thứ hai. Dầu cho vị ấy có suy nghĩ: “Ta hãy ly dục... chứng và an trú Thiền thứ nhất”, vị ấy cũng không thể ly dục... chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất.
Này các Tỳ kheo, đây gọi là Tỳ kheo rơi vào cả hai phía, đọa vào cả hai phía, ví như con bò cái ấy sống ở rừng núi, ngu si, không thông minh, không biết chỗ đồng ruộng, không thiện xảo đi đến các núi non hiểm trở”.
Tóm lại, khái niệm ‘tâm có định’ được nói đến trong giai đoạn đầu tu tập Bốn Niệm Xứ chính là tâm an trú trong Định có tầm - có tứ và Định không tầm - có tứ. Ngược lại ‘tâm không có định’ là không nhất tâm trong các trạng thái này. Khi tâm phóng dật không có định thì phải tỉnh giác tuệ tri rõ ngay để hướng tâm trở về trạng thái tâm có định thích ứng. Thực hiện được như vậy gọi là quán tâm có định trên tâm không có định nhằm khắc phục tham ưu do không nhất tâm gây ra.
3.8 Quán tâm giải thoát trên tâm không giải thoát
Với bài kinh Đại Nhân (TƯ5, 158 = [Ve.2.11]), đức Thế Tôn đã định nghĩa rõ thế nào là tâm giải thoát của một bậc đại nhân:
“Nhân duyên ở Sāvatthi. Rồi Tôn giả Sārīputta đi đến Thế Tôn... Ngồi một bên, Tôn giả Sārīputta bạch Thế Tôn:
- “Ðại nhân, đại nhân”, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là đại nhân?
- Với tâm giải thoát, này Sārīputta, Ta gọi là đại nhân. Không có tâm giải thoát, Ta không gọi là đại nhân. Và này Sārīputta, thế nào là tâm giải thoát?
Ở đây, này Sārīputta, một Tỳ kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Khi vị ấy trú, quán thân trên thân, tâm được ly tham, được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ;... trú, quán thọ trên các thọ... trú, quán tâm trên tâm... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Khi vị ấy trú, quán pháp trên các pháp, tâm được ly tham, được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.
Như vậy, này Sārīputta, là tâm giải thoát. Với tâm giải thoát, này Sārīputta, Ta gọi là đại nhân. Không có tâm giải thoát, Ta không gọi là đại nhân”.
Như đã nói ở trên, Chánh Niệm hiểu đơn giản là sự ghi nhớ chân chánh theo hướng dùng một niệm thiện tương ưng để đoạn trừ, tẩy rửa niệm ác nhằm giúp tâm thanh tịnh, từ đó mới có thể tiến tới an trú trong Chánh Định. Không biết vận dụng một niệm thiện đối trị niệm bất thiện đúng cách thì không thể đoạn diệt được các kiết sử và triền cái. Và khi đó các niệm ác, do không bị diệt trừ tẩy rửa, sẽ còn tiếp tục duy trì và tồn trữ dưới dạng tiềm thức để khi hữu duyên sẽ phát khởi trở lại và gây nên những phiền não, khổ đau.
Do vậy để đoạn diệt các niệm ác, nếu chỉ dùng phương pháp tu Chỉ - tức sự tập trung tâm trên một đối tượng - thì các niệm ác chỉ tạm thời vắng mặt chứ thực tế chúng không bị diệt mất hoàn toàn. Chính vì vậy, sau khi xả thiền các niệm ác vẫn có khả năng phát khởi trở lại, thậm chí do bị đè nén có khi chúng còn bùng phát mạnh mẽ hơn nữa. Trong trường hợp này hình ảnh ví dụ lấy đá đè cỏ là hoàn toàn chính xác; và đây chính là trường hợp tâm không giải thoát khỏi các niệm ác, bất thiện.
Trái lại, chỉ có phương pháp tu tập theo Bốn Niệm Xứ mới giúp tâm giải thoát hoàn toàn.
Người thực hành Chánh Niệm - Bốn Niệm Xứ phải luôn tự quán xét tâm mình để tuệ tri mình đã giải thoát đến đâu. Nếu tâm không còn khởi các niệm ác bất thiện nào một cách hoàn toàn vĩnh viễn, thì biết tâm đã giải thoát khỏi niệm ác, bất thiện đó. Ngược lại nếu tâm còn khởi kiết sử hay triền cái nào thì phải tuệ tri rằng tâm chưa giải thoát khỏi kiết sử hay triền cái đó.
- Nếu tâm chưa giải thoát khỏi các niệm tham ưu thuộc về thân; thì phải quán niệm thân bất tịnh, niệm thân tứ đại vô thường, niệm thân biến hoại trên niệm thân tịnh tướng - thường hằng để giải thoát tâm khỏi thân kiến kiết sử.
- Nếu tâm chưa giải thoát khỏi các niệm tham ưu thuộc về chấp thủ các giới luật không đúng, phải quán niệm thọ vô dục trên các niệm thọ thuộc dục để giải thoát tâm khỏi giới cấm thủ kiết sử.
- Nếu tâm chưa giải thoát khỏi các niệm tham dục thuộc về bản năng, phải quán tâm vô tham trên tâm tham để giải thoát tâm khỏi tham kiết sử.
- Nếu tâm chưa giải thoát khỏi các niệm tham ưu thuộc về sân hận chính mình, phải quán tâm vô sân trên tâm sân để giải thoát tâm khỏi sân kiết sử.
- Nếu tâm chưa giải thoát khỏi các niệm nghi ngờ năng lực bản thân hoặc sợ hãi vô lý, phải quán tâm vô si trên tâm si để giải thoát tâm khỏi nghi kiết sử.
- Nếu tâm chưa giải thoát khỏi trạng thái tán loạn, phải quán tâm thâu nhiếp trên tâm tán loạn để giải thoát tâm khỏi sự tán loạn.
- Nếu tâm chưa giải thoát khỏi các niệm cố chấp, nhỏ nhặt, vụn vặt phải quán tâm quảng đại trên tâm không quảng đại để giải thoát tâm khỏi sự nhỏ mọn, hẹp hòi.
- Nếu tâm chưa giải thoát khỏi các niệm hữu hạn, phải quán tâm vô thượng hướng đến Niết Bàn và tâm bất động trước các pháp để giải thoát khỏi tâm triền phược và tâm hạn lượng.
- Nếu tâm chưa giải thoát khỏi các hạ phần kiết sử và chưa nhất tâm, phải quán tâm định có tầm - có tứ và định không tầm - có tứ để cắt đứt và an trú tầm, giải thoát tâm khỏi các phiền não, tiến tới nhất tâm.
- Nếu tâm chưa giải thoát khỏi các triền cái và năm thượng phần kiết sử, phải biết quán pháp trên các pháp để giải thoát tâm khỏi các triền cái và các kiết sử đó.
Trên đây là nội dung ý nghĩa của phương pháp quán tâm giải thoát trên tâm không giải thoát để chế ngự tham ưu do tâm không giải thoát gây ra.
Trong Kinh Phật Tự Thuyết, chương bốn, phẩm Meghiya, bài kinh số 34 (Ud 34 = [Uda.31]), đã ghi lại sự kiện Tôn giả Meghiya, khi ấy đang là thị giả cho Thế Tôn, ba lần xin từ giã đức Phật để được một mình vào rừng xoài tu tập. Lần cuối cùng đức Phật phải chấp thuận.
Sau đó Tôn giả Meghiya đã phải thú nhận rằng ông không thể định tâm vì tâm của ông vẫn còn đầy niệm tham dục. Đức Phật biết trước như thế nên Ngài đã từ chối là vì vậy. Sau đó Ngài dạy:
“Này Meghiya, khi tâm giải thoát chưa được thuần thục, năm pháp đưa đến sự thuần thục. Thế nào là năm?
Ở đây thiện bạn hữu, thiện thân hữu là pháp thứ nhất, này Meghiya, khiến tâm giải thoát chưa thuần thục đi đến thuần thực.
Lại nữa, này Meghiya, Tỳ kheo giữ giới, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Ðây là pháp thứ hai, này Meghiya, khiến tâm giải thoát chưa thuần thục, đi đến thuần thục.
Lại nữa, này Meghiya, phàm có những câu chuyện nào nghiêm túc, thích ứng khai mở tâm, đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết Bàn, như câu chuyện về ít dục, câu chuyện về biết đủ, câu chuyện về viễn ly, câu chuyện về hòa hợp, câu chuyện về tinh cần, tinh tấn, câu chuyện về giới luật, câu chuyện về thiền định, câu chuyện về trí tuệ, câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến. Những câu chuyện như vậy có thể được không có khó khăn, có thể được không có mệt nhọc, có thể được không có phí sức. Ðây là pháp thứ ba, này Meghiya, khiến cho tâm giải thoát chưa thuần thục đi đến thuần thục.
Lại nữa, này Meghiya, vị Tỳ kheo sống tinh cần, tinh tấn, để đoạn tận các pháp không thiện, để làm sinh khởi các pháp thiện, kiên trì, cương quyết, không từ bỏ gánh nặng đối với pháp thiện. Ðây là pháp thứ tư, này Meghiya, khiến cho tâm giải thoát chưa thuần thục, đi đến thuần thục.
Lại nữa, này Meghiya, vị Tỳ kheo có trí tuệ, đầy đủ trí tuệ, đi đến thẩm sát sinh diệt, với Thánh thể nhập đưa đến đoạn tận khổ đau. Ðây là pháp thứ năm. Này Meghiya, khiến tâm thoát chưa thuần thục đi đến thuần thục.
Này Meghiya, đây là năm pháp khiến tâm giải thoát chưa thuần thục đi đến thuần thục”
Trong đoạn kinh kế tiếp đức Thế Tôn nhấn mạnh nhờ có thiện bạn hữu, thiện thân hữu nên một Tỳ-kheo đi đến hoàn thiện các pháp khác: biết giữ giới, có những câu chuyện nghiêm túc, tinh cần tinh tấn và có trí tuệ. Qua đó cho thấy vai trò của vị thiện bạn hữu, thiện thân hữu rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn vị Tỳ-kheo cần học hỏi để biết cách tu tập giải thoát tâm khỏi các chướng ngại.
Hy hữu thay, tất cả chúng ta đã có vị Đại thiện hữu, Đại thiện thân hữu vô thượng vô song cùng với những lời dạy của Ngài còn đầy đủ trong kinh tạng Nikāya. Nghiên cứu kỹ lưỡng tạng kinh vô giá này sẽ giúp các phật tử có tất cả những lời dạy cần thiết trên con đường đi tới giải thoát.
3.9 Quán tâm trên nội tâm - Quán tâm trên ngoại tâm
- Quán tâm trên nội tâm, ngoại tâm
Để hiểu các cách quán này trước hết cần phải phân biệt rõ các khái niệm nội tâm, ngoại tâm và nội tâm - ngoại tâm (nội-ngoại tâm).
Nội tâm là những tâm niệm khởi lên thuần tuý ảnh hưởng do bản năng, tự nơi bản thân, không do duyên từ bên ngoài; những niệm này có liên quan tới hoạt động của chu kỳ sinh học, các nội tiết tố trong cơ thể… Ví dụ:
+ Nội tâm tham là những niệm tham kiết sử do chu kỳ sinh lý cơ thể phát khởi, hoặc do đòi hỏi của cơ thể.
+ Nội tâm sân là những niệm sân kiết sử do ảnh hưởng của các nội tiết tố sinh học, như người phụ nữ thường dễ bị bực tức hoặc khó chịu trong chu kỳ giới tính của mình...
+ Nội tâm si là niệm nghi kiết sử do bản tánh, do lứa tuổi… như trẻ em do ngây thơ hay sợ hãi quá đáng nhiều chuyện vô cớ. Ngoài ra tâm si cũng được hiểu là các tâm bất thiện khác như tâm không quảng đại, tâm hữu hạn, tâm không có định, tâm không giải thoát và nội tâm si là các yếu tố nội tại tạo nên các tâm bất thiện này.
Ngoại tâm là những niệm thuộc tâm khởi lên do các nhân duyên bên ngoài. Ví dụ:
&nbs