Chùa Việt
Giải mã ngôi chùa chứa nhiều xương hóa thạch đười ươi, tê giác và người Homo sapiens
Chủ nhật, 11/07/2019 01:30
Phó GS.TS Nguyễn Lân Cường cho hay, trong nhiều năm, ni sư Thích Diệu Mơ đã phát hiện ở khu vực này nhiều hiện vật khảo cổ như: rìu, bôn đá, đồ đồng, đồ gốm và hàng nghìn đồng tiền cổ.
Năm 1999, ni sư Thích Đàm Mơ - trụ trì chùa Nhẫm Dương, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương cùng nhóm thợ khai thông hang Thánh Hóa, Tĩnh Niệm tìm tượng tổ và vô tình tìm thấy các xương hóa thạch của động vật.
Răng đười ươi, tê giác, và cả răng người tiền sử tìm thấy ở Nhẫm Dương
Đến tháng 6/2000, nhận lời mời của ông Tăng Bá Hoành, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương (lúc bấy giờ), PGS.TS. Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam xuống chùa Nhẫm Dương nghiên cứu, xác định niên đại của các cổ vật, xương hóa thạch tìm thấy.
Lúc này sư trụ trì chùa nhờ người mang tất cả những bao tải đựng hiện vật và thúng nan xương tìm được cho PGS.TS. Cường xem. Khi đổ xương trong thúng ra, ông Cường tỷ mẩn nhặt từng mẩu xương lên nhìn, còn ông Hoành thì cứ liên tục hỏi PGS.TS Cường "Có không giáo sư, tìm thấy chưa giáo sư?".
“Ít phút sau sư thầy Mơ thấy lạ nên hỏi tôi tìm hóa thạch gì. Tôi đáp: Tôi tìm Răng Pongo, hình dạng giống như răng người nhưng to hơn”.
Nghe vậy, ni sư Đàm Mơ vào lấy ra đưa cho tôi một túi bóng lớn chứa xương hóa thạch. Lúc ấy, tôi cầm cái răng Pongo giơ lên reo vui: "Pongo. Đúng Pongo rồi" PGS TS Nguyễn Lân Cường kể lại.
Sau đó, ông giải thích thêm cho ni sư Diệu Mơ hiểu, đây là răng của loài đười ươi cổ gần như tuyệt chủng ở Việt Nam. Loài đười ươi này có tên khoa học là Pongo pygmaeus, thuộc họ Đười ươi (Pongidea), nằm trong bộ linh trưởng (Primates), là loài khỉ có hình dáng giống người hơn vượn, lông thưa, có màu đỏ nâu.
Một hóa thạch khác cũng rất quan trọng là một đoạn hàm dưới của tê giác còn dính trên đó 1 chiếc răng hàm, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương. Đây là chiếc hàm thứ 2 của loài tê giác được phát hiện ở Việt Nam, sau hàm tê giác được phát hiện ở hang Kéo Lèng (Lạng Sơn) trước đó.
“Tuy nhiên, trong số xương hóa thạch tìm thấy thì quý nhất là hai chiếc răng người Homo sapiens (răng của người khôn ngoan trưởng thành).
Hai chiếc răng này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Có lẽ nhờ hai chiếc răng này mà Nhẫm Dương được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt”, PGS.TS. Nguyễn Lân Cường chia sẻ.
Điểm khảo cổ học quý giá của Việt Nam
Phó GS.TS Nguyễn Lân Cường cho hay, trong nhiều năm, ni sư Thích Đàm Mơ đã phát hiện ở khu vực này nhiều hiện vật khảo cổ như: rìu, bôn đá, đồ đồng, đồ gốm và hàng nghìn đồng tiền cổ.
"Rất hiếm có một địa điểm khảo cổ học nào như Nhẫm Dương mà có nhiều hiện vật minh chứng cho một quá trình lịch sử kéo dài suốt từ hậu kỳ Cánh Tân, qua thời đại đá, kim khí và kéo dài tới cả thời Trần, Lê, Nguyễn như vậy. Hiện tại, UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định khoanh vùng 34,23ha diện tích núi có nhiều hang động và chùa Nhẫm Dương để bảo vệ, bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử”, P GS.TS Cường vui vẻ nói.
Theo phỏng đoán của PGS.TS Cường, khu vực Nhẫm Dương ngày xưa chính là biển cả, nó giống như Vịnh Hạ Long bây giờ. Xung quanh là nước biển, có các đảo lớn nhỏ. Tại khu vực đảo có các hang động, đời sống sinh hoạt của người và thú thời này rất phổ biến. Đặc biệt, nếu như xét với địa hình của huyện Kinh Môn bây giờ thấy rất nhiều tương đồng. Trên những cánh đồng lúa ngút ngàn thi thoảng vẫn có những quả núi đá, đồi đất nhô lên hệt như cảnh núi non ở Vịnh Hạ Long.
“Ngoài ra tôi có ý tưởng muốn xây dựng một bảo tàng tại chùa Nhẫm Dương mà việc làm này cần sự chung tay của góp sức của nhà nước, Giáo hội phật giáo Việt Nam và nhân dân. Tại đây, sẽ trưng bày các hiện vật khảo cổ, xương hóa thạch để quần chúng nhân dân, du khách thăm quan, tìm hiểu về lịch sử. Đặc biệt, khi đến đây, du khách có thể vào các hang động tận mắt xem các trầm tích còn lại ra sao, hình thù thế nào”, PGS.TS Cường nói.