Sách Phật giáo
Giải pháp phát triển bền vững cho hoạt động TTXH Phật giáo
Thứ hai, 21/06/2017 09:48
Từ mô hình của cơ sở Bảo trợ xã hội – Trung tâm TT-XH Phật Quang thuộc tỉnh Kiên Giang cho thấy đây là mô hình điển hình, có thể giúp các cơ sở Bảo trợ xã hội khác tham khảo, thực hiện. Để có thể hoạt động tốt, bất cứ cơ sở nào cũng cần thiết được trang bị về vật chất, nguồn kinh phí, nguồn nhân lực và quan trọng nhất chính là xác định đối tượng được bảo trợ để có kế hoạch, biện pháp thực hiện phù hợp.
Dẫn nhập
Xuất phát từ hệ tư tưởng của đạo Phật quan niệm về con người, về vũ trụ trong đó con người sinh sống, đạo Phật đề cao lối sống thực nghiệm, đưa nội dung giáo lý siêu việt ấy đi vào cuộc sống đời thường, dùng nó như một phương thuốc chữa lành vết thương cho những con người đang gặp nhiều nỗi đau thương mất mát, đang có quá nhiều sự sợ hãi và đau khổ. Tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam trải suốt hơn 2.000 năm qua, tuy có lúc được thể hiện rõ nét, có lúc chưa được làm sáng tỏ, nhưng điều quan trọng là nó vẫn liên tục phát triển từng nơi, từng lúc và trở thành sợi chỉ xuyên suốt quá trình hoạt động của Phật GiáoViệt Nam[3].
Trong nhiều bài nghiên cứu về Phật giáo, các tác giả cũng đã đề cập đến khá nhiều loại hình hoạt động của Phật giáo, trong đó có hoạt động từ thiện - xã hội (TT-XH). Nhiều báo cáo chi tiết về số liệu và các loại hình hoạt động TT-XH Phật giáo cũng cung cấp một bức tranh đa dạng, phong phú của các dạng thức hoạt động này. Gần đây, xuất phát từ mục tiêu ‘dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh’, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định: “Tạo bước tiến rõ rệt về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm tỉ lệ hộ nghèo; cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”. Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương khóa XI [4] cũng nhấn mạnh: “Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp; nâng dần mức trợ cấp xã hội thường xuyên phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước”[5].
Đối với Phật giáo, đã có khá nhiều hoạt động TT-XH góp phần lớn vào công tác an sinh xã hội của đất nước. Tuy vậy, trong lĩnh vực này, vẫn còn có khá nhiều câu hỏi đặt ra, vẫn còn có những băn khoăn canh cánh bên lòng rằng giúp cho người nghèo, người khốn khó trong xã hội bằng việc làm từ thiện như vậy, thì liệu khi nào mới giúp cho họ chiếc cần câu, thay vì chỉ cho con cá?
Để góp phần trả lời cho câu hỏi này, có thể khảo sát mô hình của cơ sở Bảo trợ xã hội – Trung tâm TT-XH Phật Quang thuộc tỉnh Kiên Giang. Theo tôi, đây là một mô hình mẫu, vì mười lăm năm qua, trải suốt một quá trình dài phát triển, cũng đã khá đủ để có thể đánh giá chính xác một mô hình chuyên về việc giáo dục con người, đặc biệt là những trẻ em đã bị xã hội xếp vào diện “loại trừ xã hội”. Mô hình này đã góp phần lớn vào việc an sinh xã hội, chúng ta có thể tham khảo để từ đó nhân rộng ra trong xã hội.
PGS TS Trần Hồng Liên |
Trung tâm Từ Thiện - Xã Hội Phật Quang (TTPQ) ra đời từ hoài bão của ĐĐ.TS.Thích Minh Nhẫn vào năm 2002, là một trung tâm chuyên về giáo dục cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Năm học đầu tiên, trường mở từ lớp Một đến lớp Ba, nhận nuôi dạy 100 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gồm:Trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ không còn người thân nuôi dưỡng; Trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, người còn lại không đủ sức nuôi dạy;Trẻ lang thang bụi đời, bị cha mẹ bỏ rơi không nơi nương tựa. Qua bốn năm hoạt động thử nghiệm, trường Tình thương Phật Quang đã được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận và đổi danh xưng là Trung tâm Từ thiện xã hội Phật Quang, có con dấu riêng, được Sở Lao động Kiên Giang quản lý về mặt chính sách và Phòng Giáo dục huyện Hòn Đất quản lý về chuyên môn. Đến nay, TTPQ đã thu nhận và nuôi dạy trên 1.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong tỉnh. Năm 2010, TTPQ mở thêm loại hình Mẫu Giáo bán trú miễn phí tại chùa Phật Quang, nhận nuôi dạy 80 trẻ trong độ tuổi nhà trẻ - mẫu giáo từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều, giúp cho các gia đình nghèo vơi bớt khó khăn. Đặc biệt đến năm 2013, TTPQ đã nhận được sự ủng hộ của “Quỹ sống để yêu thương Việt Nam” – Nhà trẻ Nhân Ái thuộc Trung tâm từ thiện – xã hội Phật Quang được hình thành và bắt đầu hoạt động.
Kết quả hiện nay, qua 15 năm hoạt động, đã có gần 100 em bước chân vào ngưỡng cửa các trường đại học, cao đẳng và trung cấp trong và ngoài tỉnh. Phân nửa trong số đó đã vào đời, có công ăn việc làm ổn định, vì mọi chi phí học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp của các em đều được TTPQ đài thọ cho đến ngày các em ra trường. Như vậy, tính cả 5 cấp học: mẫu giáo, tiểu học, Phổ thông Cơ sở; Phổ thông Trung học và Đại học, TTPQ đang cưu mang nuôi và dạy trên 200 trẻ em thiệt thòi ở mọi lứa tuổi.
Khảo sát hoạt động của TTPQ qua 15 năm (2002-2017), có thể tạm rút ra một số đặc điểm trong hoạt động của Trung tâm này như sau:
Trước hết, đây là Trung tâm hoạt động có chiều sâu, là cách làm từ thiện đã giải quyết tận gốc rễ của vấn đề, là hoạt động từ thiện “giúp cần câu chứ không cho con cá”, vì vậy đã mang lại kết quả rộng lớn, có thể thay đổi tương lai cho cả một bộ phận trẻ em thiệt thòi. Các loại hình từ thiện như đi tặng quà, tiền, có thể giúp đỡ tức thời những hoàn cảnh đang gặp khó khăn, nhưng kết quả sẽ không mang lại tính chất bền vững, sẽ lập đi lập lại tình trạng nghèo đói này trong một vòng “lẫn quẫn”.
Thứ hai, xuất phát từ nhận thức trên, người sáng lập trung tâm đã đề ra một chương trình hành động dựa trên 2 yếu tính căn bản của Phật giáo là tinh thần từ bi và trí tuệ. Từ hai yếu tính này, một kế hoạch dài hạn đã được triển khai, vừa mang tính khoa học, lô gích, lại vừa được tiếp cận với một phương pháp sư phạm đúng đắn, trong đó đặc biệt chú trọng đến tâm sinh lý học và việc giáo dục đạo đức, giúp định hình nhân cách cho đối tượng được đào tạo ngay từ cấp lớp đầu tiên. Tác động sư phạm đúng đắn đối với lứa tuổi này sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện, đúng hướng, làm cơ sở cho sự phát triển trong những giai đoạn tiếp theo của cuộc đời.
Thứ ba, “Điểm trường tình thương” này không đơn thuần là nơi giữ và quản lý trẻ, mà còn là môi trường để cho trẻ em phát triển toàn diện về mọi mặt, đồng thời là bước đệm cần thiết để hình thành nhân cách và phát triển nguồn nhân lực con người trong tương lai. Có kế hoạch đào tạo các em “đặc biệt” này, từ lớp học đầu tiên trong cuộc đời đến các cấp lớp cao hơn một cách liên tục, sẽ giúp các em đi suốt chặng đường hình thành nhân cách con người, không bị gián đoạn, không tạo nên sự “đứt gãy” trong quá trình đào tạo, để các em có điều kiện phát triển nhân cách một cách đầy đủ, hoàn hảo nhất. Coi trọng chất lượng giáo dục ở bậc Tiểu học đóng vai trò quan trọng và là nền tảng cho các bậc học tiếp theo.
Từ mô hình của cơ sở Bảo trợ xã hội – Trung tâm TT-XH Phật Quang thuộc tỉnh Kiên Giang cho thấy đây là mô hình điển hình, có thể giúp các cơ sở Bảo trợ xã hội khác tham khảo, thực hiện. Để có thể hoạt động tốt, bất cứ cơ sở nào cũng cần thiết được trang bị về vật chất, nguồn kinh phí, nguồn nhân lực và quan trọng nhất chính là xác định đối tượng được bảo trợ để có kế hoạch, biện pháp thực hiện phù hợp.
Có thể xem đây là yếu tố quan trọng hàng đầu. Mô hình hoạt động càng quy mô bao nhiêu thì càng cần thiết có được nguồn kinh phí ổn định bấy nhiêu. Không thể chỉ dựa vào sức đóng góp từ các quỹ nhân đạo,“Quỹ sống để yêu thương Việt Nam” và của các mạnh thường quân như TTPQ đã làm, mà cần thiết có sự hỗ trợ thêm kinh phí từ Nhà nước, với tỷ lệ thích hợp. Điều này sẽ giúp tạo nên tính ổn định, bảo đảm cho hoạt động của cơ sở bảo trợ được thường xuyên, liên tục. Ổn định chính là nhân tố quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững. Ngoài ra, cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ với Mặt Trận Tổ quốc Trung ương, địa phương; với các ban, ngành liên quan (Sở Lao Động, Phòng Giáo dục), với Ban Trị sự GHPGVN.
3.3 Nguồn nhân lực
Trong tổ chức thực hiện, nguồn nhân lực có tính quyết định. Không có con người, mọi kế hoạch dù tối ưu đến mấy cũng không thể thực hiện được.
Nhìn lại toàn bộ nhân sự hoạt động tại các cơ sở bảo trợ, nhất là của các tổ chức tôn giáo, Bộ Lao động thương binh và xã hội cho biết: “Đội ngũ nhân viên, cộng tác viên trong các cơ sở trợ giúp xã hội của các tổ chức tôn giáo là các chức sắc, chức việc, nam nữ tu sĩ và tín đồ các tôn giáo tình nguyện tham gia nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tại các cơ sở của tổ chức, cá nhân tôn giáo khoảng 2.600 người, bình quân 1 cơ sở trợ giúp xã hội có khoảng 23 nhân viên”[13]. Như vậy, với một cơ sở phát triển quy mô, sẽ là chưa đủ.
Mặt khác, đánh giá về năng lực của các thành viên tham gia cũng như quản lý, Bộ Lao động và thương binh và xã hội còn cho biết thêm:“ Đa số các cơ sở trợ giúp xã hội của các tổ chức tôn giáo hoạt động theo tôn chỉ, mục đích tôn giáo, từ thiện nên người quản lý phần lớn là những người đứng đầu cơ sở tôn giáo như sư trụ trì chùa hoặc linh mục, tu sĩ do tổ chức tôn giáo chỉ định hoặc do cá nhân chức sắc phát tâm thực hiện; nhân viên phục vụ, chăm sóc làm việc thiện nguyện. Do đó, còn nhiều nhân viên phục vụ, chăm sóc chưa đáp ứng về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chưa được tham gia các lớp đào tạo về công tác xã hội, chăm sóc đối tượng... Điều này ảnh hưởng tới hiệu quả việc chăm sóc, nuôi dưỡng cho các đối tượng tại các cơ sở”[14]
Từ nhận định trên có thể thấy rằng, mặc dù hàng năm, một số cơ sở của tổ chức tôn giáo đã cử nhân viên tham gia chương trình đào tạo, tập huấn của ngành Lao động - Thương binh và xã hội về công tác xã hội, nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Vì vậy, để có thể hoàn thành tốt và lâu dài, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần đề ra chương trình hành động cụ thể và phối hợp với các ban ngành liên quan để mở lớp đào tạo ngắn hạn và lâu dài cho các tăng ni thiện nguyện, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu về nhân lực cho các cơ sở bảo trợ xã hội Phật giáo nói chung và cho loại hình từ thiện - xã hội Phật Quang nói riêng.Trong phương án đào tạo, cần kết hợp với các ban ngành liên quan và với các khoa (có giảng dạy chuyên đề về Giáo dục sư phạm, Tâm Lý học..) của trường Đại học Sư Phạm; khoa Công tác xã hội của trường Đại học KHXH & NV.TP.HCM..
Cần thấy rằng, có sự phối hợp giữa cơ sở bảo trợ xã hội với các ban ngành liên quan trong tổ chức thực hiện, hoạt động từ thiện sẽ được thuận lợi hơn.. Lưu ý đầu ra của cơ sở bảo trợ để tạo nên một vòng tròn đào tạo khép kín. Có thể sử dụng ngay những em đã tốt nghiệp đại học do cơ sở TTPQ bảo trợ để cung cấp nguồn nhân lực cho các cơ sở này.. Những em này đã có nhiều kinh nghiệm bản thân, am hiểu khá sâu sắc nhu cầu của loại đối tượng đặc biệt của Trung tâm TTPQ, nên dễ thích nghi với môi trường làm việc sau khi bước vào cuộc đời.
Kết luận
Nhìn từ góc độ về an sinh xã hội, Trung tâm TT-XH Phật Quang, vốn là cơ sở Bảo trợ xã hội, trong suốt 15 năm qua đã thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cho hàng ngàn trẻ thuộc đối tượng là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. TTPQ đã chung tay giải quyết gánh nặng cho xã hội tại địa phương trong việc đào tạo, giáo dục thế hệ trẻ góp phần thiết thực cho công tác an sinh xã hội. Đồng thời, các em cũng được đảm bảo trọn vẹn “Quyền trẻ em” theo qui định của pháp luật, vì xét về mặt tâm sinh lý, các em thuộc vào nhóm yếu thế trong xã hội, một số em còn thuộc vào thành phần “loại trừ xã hội”, nên rất dễ mắc vào các tệ nạn nếu không được chăm sóc, giáo dục.
Điểm nổi bật nhất trong hoạt động của cơ sở bảo trợ TTPQ chính là Trung tâm đã hoạt động có chiều sâu, mang tính bền vững, đã góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa Giáo dục, giải quyết tận gốc rễ của vấn đề đang tồn tại, không tạo ra một vòng tròn lẫn quẫn trong sự nghèo đói và bất hạnh.
Ngoài ra, cơ sở bảo trợ từ thiện -xã hội này còn là sự thể hiện lòng từ bi và tinh thần nhập thế, sự dấn thân của các vị tăng ni và phật tử vào đời sống xã hội, qua những hoạt động cụ thể. Đó là tinh thần Phật giáo vận dụng đạo pháp để phục vụ dân tộc, phục vụ nhân sinh.
PGS.TS Trần Hồng Liên
Tham luận tại hội thảo khoa học về “Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện” (ngày 14-15/06/2017 do Trường ĐH.KHXN &NV Hà Nội; UB TWMTTQ VN; GHPGVN tổ chức).
-
1. Bộ Lao động Thương binh và xã hội (2017) Báo cáo tình hình các tôn giáo tham gia hoạt động trợ giúp xã hội và dạy nghề.
-
[1] Independent sector Survey, 2001. Dẫn lại theo Brett G. Scharffs. 2007. Towards a framework for understanding charitable and economic activities of churches: the U.S example. Paper of international conference : Religion and rule of law in Southeast Asia:Continuing the discussion. Hanoi. 3-4 Nov 2007.
[2] Eric G. Andersen 2007. Religious organizations and social welfare : key issues in the united states. Paper at international conference: Religion and rule of law in Southeast Asia:Continuing the discussion. Hanoi. 3-4 Nov 2007.
[3] Trần Hồng Liên (2010) Tìm hiểu chức năng xã hội của Phật giáo Việt Nam . NXB Thành phố Hồ Chí Minh. Tr.37.
[4] Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.
[5] Bộ Lao động Thương binh và xã hội (2017) Báo cáo tình hình các tôn giáo tham gia hoạt động trợ giúp xã hội và dạy nghề. Tr.1.
[6] Ông là Phó giám đốc TT- TTPQ từ 2002 đến 2014.
[7] Minh Kim Quách Văn Thành (2017) Trung tâm Từ thiện xã hội Phật Quang, một mô hình nhập thế của Phật giáo Kiên Giang. Tư liệu Trung tâm TTPQ, tr. 4
[8] Thích Minh Nhẫn (2017) Mười lăm năm- một chặng đường- Trung tâm Từ thiện xã hội Phật Quang-nơi ươm mầm yêu thương. Tư liệu TT.TTPQ, tr. 6-7.
[9] Minh Kim Quách văn Thành 2017. Trung tâm Từ thiện- xã hội Phật Quang, mô hình nhập thế của Phật giáo Kiên Giang. Tư liệu TT.TTPQ, tr .2.
[10] Minh Kim Quách văn Thành 2017. Trung tâm Từ thiện- xã hội Phật Quang, mô hình nhập thế của Phật giáo Kiên Giang. Tư liệu TT.TTPQ, tr .2-4.
[11] Thích Minh Nhẫn (2017) Mười lăm năm- một chặng đường- Trung tâm Từ thiện xã hội Phật Quang-nơi ươm mầm yêu thương. Tư liệu TT.TTPQ, tr. 6.
[12] Thuật ngữ này dùng chỉ những thành phần thuộc diện tệ nạn xã hội.
[13] Bộ Lao đĐộng và Thương binh xã hội (2017) Báo cáo tình hình các tôn giáo tham gia hoạt động trợ giúp xã hội và dạy nghề. Ngày 24/2/2017. Tr.7.
[14] Bộ Lao động và Thương binh xã hội (2017) Báo cáo tình hình các tôn giáo tham gia hoạt động trợ giúp xã hội và dạy nghề. Tr.8.